Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Triển lãm hay không triển lãm?

Trịnh Hữu Long
Dân Luận: Tại sao các nạn nhân của cuộc cải cách ruộng đất không tự mình lập một phòng triển lãm nhỉ?

Đây là bức ảnh tôi được chụp trong một gian triển lãm nhỏ ở thủ đô Warsaw của Ba Lan, ngày 29-6-2014.
Đây là cuộc triển lãm về vụ rơi máy bay xảy ra hồi tháng 4 -2010 tại Nga, làm Tổng thống Ba Lan cùng phu nhân và 95 quan chức cao cấp khác của Ba Lan thiệt mạng. Nhiều người Ba Lan cho rằng đây là một vụ ám sát do Nga đứng sau, gợi nhớ lại là vụ thảm sát 22.000 người Ba Lan do mật vụ Liên Xô tiến hành vào tháng 4-5 năm 1940.
Triển lãm này được tổ chức bởi một nhóm dân sự ở Ba Lan, diễn ra ngay tại vỉa hè đối diện dinh Tổng thống nước này, để hối thúc ông ta điều tra ra ngọn ngành nguyên nhân của thảm kịch trên. Người Ba Lan tỏ ra rất chủ động trong việc khơi lại quá khứ và đòi hỏi nó phải được đối xử sòng phẳng.
Trở lại với Việt Nam, có thể thấy là trong cuộc tranh cãi không có hồi kết về việc nên hay không nên tổ chức cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất vừa rồi, ai cũng đúng. Việc tổ chức triển lãm giúp gợi mở, dù he hé, về sự thật lịch sử: đúng. Việc tổ chức triển lãm mà cố tình lấp liếm và ngụy tạo hiện vật là không chấp nhận được: đúng.

Nhưng nhà nước không phải là người duy nhất có quyền tổ chức triển lãm. Mọi người đều có quyền tổ chức triển lãm theo cách họ muốn. Hiến pháp không cấm điều đó, chỉ có pháp luật là hạn chế điều đó bằng các thủ tục hành chính. Nếu chính quyền cố tình ngăn chặn việc tổ chức ở không gian công cộng thì làm ở nhà riêng, nhà thờ họ, nhà thờ,...
Những ai tâm huyết với đề tài cải cách ruộng đất có thể tự nghiên cứu, thu thập bằng chứng, vận động các nạn nhân và nhân chứng đứng lên nói tiếng nói của họ, đòi lại danh dự cho cha ông họ và thậm chí đòi nhà nước phải bồi thường.
Khi còn ở Philippines, tôi từng đến thăm một bảo tàng nhỏ của một tổ chức dân sự tên là The Task Force Detainees of the Philippines. Họ thuê một căn nhà bình thường, thiết kế nó thành một bảo tàng tư nhân lưu giữ các bằng chứng về tội ác của chế độ độc tài Marcos thời thiết quân luật (1972-1981). Không chỉ vậy, họ dùng những hiện vật và chứng cứ này để hỗ trợ hàng nghìn nạn nhân đòi được chính quyền hiện tại phải bồi thường. Những người sáng lập bảo tàng này đã âm thầm thu thập chứng cứ, hiện vật từ thời thiết quân luật cho đến nay, tức là đã trên dưới 40 năm.
Ở Việt Nam chưa hề có những hoạt động tương tự như ở Ba Lan và Philippines, hoặc có mà tôi chưa có dịp được biết, nhưng đã đến lúc, các vấn đề xã hội nên được giải quyết bởi các hoạt động dân sự và các hội nhóm dân sự.
Ảnh: Nguyen Thai Linh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"