Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Tiếc rằng chúng ta đã mất non 100 năm để bắt đầu lại điều cụ đã chủ trương từ lâu!

Luật sư Lê Công Định
Nguyễn Hoàng Anh: Càng trải nghiệm, mình càng thấy tư tưởng "Khai dân trí, hậu dân sinh" của Phan Chu Trinh là con đường phát triển đúng đắn cho xã hội Việt Nam. Mình vẫn tiếc là nếu ông gặp thời để thành công thì xã hội VN đã khá hơn. Nhưng đọc đoạn này mới thấy mình đã nhầm:
"Không, đừng nói lịch sử, phải nói: dân tộc này đã không chọn Phan Chu Trinh. Đổ cho lịch sử là vô trách nhiệm với chính mình.
Mặc dù đã cố gắng hết mình, lo cho số phận dân tộc, Phan Chu Trinh vẫn không thoát khỏi số phận cô đơn. Nếu Phan Chu Trinh cũng hô “Trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”, cũng “thề phanh thây uống máu quân thù” (lời cũ bài Quốc ca) thì chắc “lịch sử” đã chọn cụ rồi" (HSP)
Dân tộc chưa trưởng thành thì phúc phận cũng chỉ có vậy!
Lúc sinh thời, vào những ngày cuối tháng 8 và đầu tháng 9, ba tôi thường kể về các cụ Phạm Quỳnh, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và những chí sĩ yêu nước khác cho anh em chúng tôi nghe. Ông nhận định rằng tiền đồ dân tộc Việt Nam lẽ ra tươi sáng hơn nếu các bậc trí thức ấy lèo lái con thuyền quốc gia. Biết tôi có thiên hướng chính trị hơn cả trong các con, ba thường dặn dò tôi tìm hiểu con đường canh tân đất nước bằng sách lược khai dân trí ôn hòa của cụ Phan Chu Trinh. Từ thiếu thời tôi đã mang hoài bão cải cách xã hội ôn hòa như vậy.

Cụ Phan Chu Trinh từng có công lao dẫn dắt ông Hồ Chí Minh trên bước đường hoạt động chính trị ban đầu khi các ông cùng ở Pháp, nhưng về sau các vị chủ trương đường lối tranh đấu giành độc lập cho đất nước hoàn toàn khác nhau. Cụ Hồ đã thành công hơn cụ Phan, tạo ảnh hưởng lớn, song cũng gây nhiều sóng gió cho vận mệnh dân tộc từ năm 1945 đến nay. Môn sử được giảng dạy tại các trường trung học và đại học ở Việt Nam bấy lâu tuy vẫn chê trách cụ Phan Chu Trinh, nhưng kể ra đã khá nhẹ lời hơn nếu so với thái độ luôn hằn học dành cho các nhà yêu nước phi cộng sản khác đương thời. Đường lối của cụ Phan bị phê phán là “cải lương” trong định đề tưởng tượng về “chủ nghĩa yêu nước cải lương đầu thế kỷ 20”.
Nhớ có lần sau giờ học sử năm lớp 12, nghe thầy giáo không tiếc lời chỉ trích hai cụ Phan và các chí sĩ yêu nước khác, tôi gặp thầy ở cửa lớp và hỏi rằng: “Có thật là thầy hiểu rõ thế nào là “cải lương” và sách lược khai dân trí ôn hòa của cụ Phan Chu Trinh không, bởi vì những gì thầy giảng hoàn toàn khác xa lời ba em nói về cụ Phan?” Thầy tôi tỏ vẻ kinh ngạc, lắc đầu rồi trả lời nhỏ rằng: “Ở trên lớp các em phải học như thế và thầy cũng phải giảng như vậy!” Tôi hiểu thầy mình, bởi ông từng tốt nghiệp khoa sử địa ở Đại học Sư phạm Sài Gòn và từng đi dạy trung học trước năm 1975.
Để canh tân đất nước trong tương lai, ngẫm thấy chỉ còn con đường khai dân trí ôn hòa của cụ Phan Chu Trinh mà thôi, nhưng phải làm ngay từ bây giờ. Tiếc rằng chúng ta đã mất non 100 năm để bắt đầu lại điều cụ đã chủ trương từ lâu! Nhớ cụ Phan, tôi có làm bài thơ về cụ sau đây:
Lẫm liệt Côn Lôn trút tự tình,
Làm trai sống biết thẹn hư vinh.
Ôn hòa khai trí nuôi dân khí,
Bạo lực cướp quyền hại chúng sinh.
Cứu quốc nhiều phương đều đại nghĩa,
Lạc loài độc đảng chỉ âm binh.
Nghèo ham nội chiến lân bang vượt,
Tiếc cụ anh minh cám cảnh bình!
(Làm tại Chí Hòa)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"