Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Đọc Đèn Cù thế nào?

5xu
Cách đây mấy năm tôi có nói chuyện với chú Trần Đĩnh. Chú ấy rất thích trinh thám (cái này giống chú Tạ Chí Đại Trường quá) và rất thích thể loại “nonfiction novel” của Truman Capote. Đây có lẽ là lý do chú ấy già rồi mà vẫn dịch cuốn In Cold Blood của Capote cho Nhã Nam (Máu Lạnh). Chú Đĩnh cũng là người viết Bio cho các nhân vật cộng sản (điển hình hoặc lãnh tụ), trong đó có Bất Khuất. Đọc Đèn Cù, sẽ thấy chú Đĩnh còn rất thích các tự truyện mà được đánh giá như là tiểu thuyết (ví dụ của M. Gorky). Không phải vô cớ mà chú Đĩnh đặt Đèn Cù của mình vào thể loại sách mà chú gọi là “truyện tôi”. Nó là truyện (chứ không phải sử, không phải ký), nhưng mà của và về tôi.
Về cách viết. Chú Đĩnh nhận mình là bồi bút (trong sách tự nhận mấy lần). Thực chất chú ấy là “cây bút của chế độ”. Được chế độ sủng ái. Lý do không phải chú ấy đỏ rực. Mà, cái này tôi đoán, là văn phong của chú ấy rất hợp với việc tô hồng, anh hùng hóa, điển hình hóa các nhân vật của chế độ. Trong sách chú có kể mình được một nhà văn khác khen là viết muscle. Tức là văn chương cơ bắp cuồn cuộn. Lúc kể cho tôi chi tiết này, chú còn diễn lại hành động của nhà văn kia, bằng cách chụp lấy vai và bắp tay tôi lắc lắc rồi nói cái câu ấy. Giờ ta nhìn lại, quả thấy cái giọng văn chắc nịch, mà tôi thấy có nhiều câu bỏ cả giới từ, đọc khó hiểu, nhưng rắn chắc như lưỡi mai xắn vào đất thịt, lại rất hợp với các kiểu anh hùng ca để tô hồng cách mạng. Lê Đức Thọ ve vãn chú Đĩnh viết Bio cho mình, chắc cũng mơ màng mình đi vào sách với sự cứng cáp oai hùng (nhờ ngòi bút của cây bút được Trường Chinh và Hồng Hà ái mộ). Qua đây mới biết nhân tài cầm bút dưới bóng của chế độ ấy hiếm như thế nào. Tầm cỡ Sáu Búa phải đi ve vãn tác giả của Bất Khuất, có thể thấy chất lượng đội ngũ cầm bút phục vụ tuyên truyền của chế độ xoàng đến thế nào.

Vậy nên cuốn Đèn Cù ta nên đọc như một cuốn tiểu thuyết của tác giả Trần Đĩnh viết về cuộc đời nhân vật Trần Đĩnh.
Nếu đọc như vậy, ta sẽ thấy nhiều cái hồn nhiên, đáng yêu và cả hào sảng nữa, đằng sau sự bức bối, bất mãn và cay đắng của nhân vật chính.
Nhân vật chính này, theo như tôi thấy, là một người rất yêu mẹ. Mở đầu sách là khoe Trường Chinh lúc đó là TBT đã thích Trần Đĩnh trẻ măng mới 19 tuổi. Vài trang sau khoe …thư của mẹ. Dặn phải ngoan, không được hút thuốc lá.
Viết về cải cách ruộng đất đẫm máu, con giết cha, thì Trần Đĩnh kể về ông họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm không chịu đấu tố, không chịu phản bội mẹ mình. Dù đàn áp thế nào, Nghiêm cũng không thể “căm thù” mẹ mình được. Rồi kể những nhân vật khác, tìm cách cứu mẹ khỏi sự tàn sát trên diện rộng của cải cách ruộng đấy, bất chấp việc cứu mẹ là giết mình. Chưa hết, những lúc bi quan nhất, bị mật vụ thẩm vấn, quay cung, nhân vật Trần Đĩnh toan tìm đến cái chết, anh lại nhớ đến tuổi thơ, với mẹ hiền, trên sân thượng của gia đình. Nhớ tiếng mẹ gọi, mà đến cửa chết để trốn hiện thực đen tối lại quay bước trở về.
Đọc sách của Trần Đĩnh, bỏ qua các xấu xa của chế độ, của con người bị chế độ ấy tha hóa, cá nhân tôi vẫn thấy nhiều cái đáng đọc, và đáng học nữa. Yêu mẹ như vừa nói ở trên chỉ là một. Ngoài ra, còn yêu cái đẹp, còn tình bằng hữu, còn những rung động với gái… ngon, và với cả những cú vọng về day dứt của lịch sử nữa.
Xê Nho NVP: Chắc nhiều bạn đã đọc cuốn “The Girl with the Dragon Tattoo” của Stieg Larsson (nhất là các anh Linh Hoang Vu, Anh Gau Pham, Ha Vu Lua Pham, Giang Le đừng nói là chưa đọc nhé).
Nhưng có lẽ ít bạn biết người dịch ba tập “Cô gái có hình xăm rồng”; “Cô gái đùa với lửa” và “Cô gái chọc tổ ong bầu” là... Trần Đĩnh!
Xin ngã mũ thán phục bác Trần Đĩnh, nay đã 84 tuổi mà vẫn dịch ba cuốn truyện rất hiện đại, rất hấp dẫn.
Vì thế bạn nào tình cờ đọc “Đèn Cù” xin đừng đọc như một cuốn sách lịch sử. Tác giả nói ông viết nó như một “non-fiction romance”. Phải đọc với tâm thế romance mới hiểu được các số phận đèn cù tác giả muốn vẽ lên.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"