Phạm Thị Hoài
Trong chương trình Ngữ văn bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông
ở Việt Nam, lớp 6 có bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ” của Minh Huệ; lớp 7
có hai bài thơ “Cảnh khuya” và “Rằm tháng Giêng” của Hồ Chí Minh, bài
“Đức tính giản dị của Bác Hồ” của Phạm Văn Đồng và bài báo “Những trò lố hay là Varen
và Phan Bội Châu” của Nguyễn Ái Quốc; lớp 8 có ba bài thơ “Tức cảnh Pác
Bó”, “Ngắm trăng” và “Đi đường” của Hồ Chí Minh; lớp 9 có bài “Phong
cách Hồ Chí Minh” của Lê Anh Trà và bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn
Phương; lớp 11 có “Vi hành” và Nhật kí trong tù của Nguyễn Ái
Quốc; lớp 12 có “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chủ tịch và bài thơ “Bác ơi”
của Tố Hữu; duy nhất lớp 10 vắng bóng Bác Hồ, chỉ vì chương trình lớp
này dành riêng cho văn học cổ trung đại.
Bao nhiêu Bác Hồ thì đủ cho môn Văn? Dường như rút một Bác khỏi
chương trình khác nào xóa một Bác trên tờ bạc [1], là chuyện kinh thiên
động địa [2].
Song muốn chăm sóc nhu cầu kính yêu và thương nhớ lãnh tụ thì môn
Văn trong trường phổ thông không phải là chỗ thắp hương thích hợp nhất.
Văn chẳng được gì, Bác cũng chẳng được gì, nếu không muốn nói là đôi bên
cùng thiệt. Có lẽ không một giáo viên nào giảng bài “Đêm nay Bác không
ngủ” lại không bất giác nghĩ đến vô số những dị bản của bài thơ này, với
một hình ảnh Bác Hồ nằm ngoài chủ trương và sự kiểm soát của Bộ Giáo
dục. Còn bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương thì đẩy Bác – hay đúng
hơn là phần còn lại của Bác – vào một khung cảnh thật tăm tối. Nguyên
văn như sau:
Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.
Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.
Bác nằm trong giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.
Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…
Bác là một mặt trời đỏ, ở trong lăng. Song cũng ở trong lăng, Bác
lại được một mặt trăng dịu hiền phủ bóng. Mặt trăng và mặt trời rơi vào
vị trí ấy là xảy ra nhật thực. Dù không phải là khoa học để buộc phải
chính xác, văn chương cũng không phải là một rổ đinh vít vô chính phủ
hay một vương quốc toàn mây mù. Muốn thế nào, viếng lăng Bác như thế
giống rưng rưng nước mắt xem nhật thực.
Cho nên tôi chỉ có thể khâm phục quyết tâm giảng dạy của các nhà sư phạm ở Việt Nam. Ngoài những tin văn hóa như “Công khai nâng ngực, Linh Chi ưỡn hết cỡ” hay “Phi công trẻ lộ ảnh cưới, Phi Thanh Vân sốc nặng“, “Hà Hồ tạo sóng dư luận với đầm ‘phòi’ ngực“…, mới đây tôi còn đọc được trên tờ Giáo dục & Thời đại của Bộ Giáo dục và Đào tạo mẹo ra câu hỏi trắc nghiệm môn Ngữ văn
của một giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, với chính bài thơ xem
nhật thực nói trên. Để tìm “cảm xúc chủ đạo” của tác giả, học sinh được
chọn một trong bốn giải đáp:
A. Nỗi đau đớn, tiếc thương vô hạn của nhà thơ khi Bác không còn nữa.
B. Tình yêu và lòng biết ơn vô hạn của tác giả khi đến viếng Bác.
C. Những xúc động nghẹn ngào của tác giả khi từ miền Nam ra thăm lăng Bác.
D. Suy nghĩ về quê hương, đất nước của tác giả khi vào lăng viếng Bác.
A, C, D đều trật, đều là những phương án nhiễu. Phải có “cái nhìn
sâu sắc và khái quát về tổng thể bài thơ”, như yêu cầu của người ra đề,
mới chọn được trúng lời giải B. Nếu phải học chương trình Ngữ văn bậc
Trung học ở Việt Nam hôm nay, chắc chắn tôi trượt.
© 2014 pro&contra
______________________
[1] Trừ tờ mệnh giá 100 đồng hầu như không còn được sử dụng, tất cả
các tờ tiền Việt Nam khác đang lưu hành đều in hình Hồ Chủ tịch.
[2] Bắc Triều Tiên vừa giải phóng tờ bạc có mệnh giá cao nhất, 5000
wŏn, khỏi sự án ngữ vĩnh viễn của Chủ tịch Vĩnh cửu Kim Nhật Thành,
trong khi cũng như ở Việt Nam, trừ hai tờ có mệnh giá nhỏ nhất, 1 giác
và 5 giác, tất cả các tờ bạc Trung Quốc khác đều in hình Mao Trạch Đông.