Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Nhật Thăng

Lương Kháu Lão

Nhật Thăng, Nhật Việt, Nhật Tân
Trong ba tên ấy giành phần tên ai
Hà Nội sắp khánh thành một công trình xây dựng mới – cầu Nhật Tân tiêu tốn tới 13.600 tỉ đồng và tiến hành trong 5 năm từ 2009 đến 2014. Ngày 25 tháng 8, Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải[GTVT] Đinh La Thăng- chủ đầu tư dự án cầu Nhật Tân đã có buổi làm việc với ngài đại sứ Nhật Bản Hiroshi Fukada- nước cung cấp vốn ODA để chúng ta xây cầu Nhật Tân . Tại buổi họp này, phía Nhật Bản có đề nghị lùi ngày khánh thành cầu Nhật Tân vào đầu tháng 1 năm 2015 thay vì ngày 10-10-2014 kỉ niệm ngày giải phóng thủ đô để cùng lúc khánh thánh dự án ga hàng không quốc tế Nội Bài II, đường nối cầu Nhật Tân và sân ga hàng không Nội Bài 2 và cầu Nhật Tân để tạo điều kiện cho ngài Bộ Trưởng Bộ Đất Đai, Cơ Sở Hạ Tầng, Giao Thông Vận Tải và Du Lịch Nhật Bản, là ngài Akihiro Ota có thể tham dự. Vì cả ba dự án này đều do phía Nhật Bản giúp đỡ và đều do Bộ GTVT làm chủ đầu tư nên Bộ Trưởng Bộ GTVT đã nhất trí. Sau đó ông đã chỉ đạo Vụ Kế hoạch đầu tư thuộc Bộ mình phụ trách làm văn bản để trình xin ý kiến Thủ Tướng Chính Phủ
Việc làm của Bộ Trưởng Thăng không sai nhưng sót và hơi nóng vội đúng với bản chất xuất phát từ cán bộ Thanh Niên của ông. Sót là ở chỗ ông không nghĩ là việc đặt tên một công trình lớn và ngay cả một đường phố theo nghị định 91 là phải lấy ý kiến của thành phố , của Hội đồng nhân dân trước khi trình Thủ Tướng quyết định vì thế ông đã quên mất vai trò của thành phố khi không "đồng kính gửi" thành phố. Hay khôn hơn thì "xin ý kiến" đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị kiêm bí thư thành ủy. Và Hà Nội – thủ đô vì hòa bình đã lập tức có ý kiến "chấn chỉnh" ngay thông qua chỉ đạo của Bí Thư Thành Ủy Phạm Quang Nghị rằng "phải làm đúng quy trình"

Dư luận cho rằng đây là thái độ, là hành vi "dằn mặt" ông bộ trưởng hay bốc đồng Đinh La Thăng. Nhưng "hành vi" này cũng bộc lộ điểm yếu của ông bí thư thành ủy thích làm thay việc của chính quyền , thích can thiệp vào công việc của chính quyền và Hội đồng nhân dân thành phố. Người ta điểm việc từ bổ nhiệm trưởng phòng cảnh sát giao thông- một việc không đáng để Bí Thư Thành Ủy phải có ý kiến đến can thiệp nhiều lần để đưa ông Hùng Giám Đốc Sở GTCC lên chức Phó chủ tịch. Và mới đây lại cử ông này phụ trách thanh tra việc dư luận lùm xùm tiền làm vỉa hè trên đường Xã Đàn mà chính ông Hùng là người phụ trách thi công khi còn làm giám đốc Sở GTCC. Thế thì có khác gì để ông này "vừa đá bóng vừa thổi còi?"
Và người ta suy diễn nếu ông này lên làm Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Nước thì chắc Thủ Tướng sẽ ngồi chơi xơi nước
Ông Nghị không sai khi từ sau vụ Thủ tướng Phan Văn Khải tùy hứng đặt cầu Hàm Rồng 2 cái tên Hoàng Long, chính phủ đã có nghị quyết 91 và Bộ Văn hóa Thể thao du lịch có thông tư quy định từ nay việc đặt tên các công trình xây dựng, tên đường phố phải do Hội đồng nhân dân thành phố quyết định và đối với các công trình trọng điểm cuối cùng phải trình Thủ tướng quyết định.
Có lẽ ông Thăng không biết hay quên điều này nhưng ông Nghị thì lại quá nhớ . Nếu ông Nghị biết cho đây là ý kiến đề nghị của vị Đại sứ Nhật Bản, nước đã viện trợ ODA cho chúng ta nhiều nhất để xây dựng thủ đô và đất nước với tất cả thiện chí của người móc hầu bao giúp chúng ta hết sức vô tư thì chúng ta có thể cần đóng cửa bảo nhau thay vì trách cứ nhau trên công luận . Và nếu đề nghị của ông Đại sứ không thành thì còn ra thể thống cống rãnh gì nữa không biết.
Theo tôi hiểu, chúng ta cần làm đúng quy trình trong trường hợp này , nghĩa là Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội sẽ sớm họp, nhanh chóng lấy ý kiến nhân dân chứ đừng dềnh dang, Bộ Văn hóa Thể Du cũng nhanh chóng có ý kiến hiệp thương để sớm trình Chính phủ và tôi tin chắc 100% Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ kí không cần phải báo cáo xin ý kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang . Tôi tin tư duy của cấp cao hơn sẽ thoáng hơn
Còn việc đặt tên cây cầu hữu nghị này là gì cho phải đạo?
Xưa nay ta quen dùng tên địa phương để đặt tên cầu. Thí dụ cầu Thanh Trì bắc qua địa phận huyện Thanh Trì. Cầu Vĩnh Tuy bắc qua địa phận Phường Vĩnh Tuy. Thế còn cầu Nhật Tân thì ai là người đầu tiên gọi tên cây cầu này là như vậy. Nếu đặt tên theo tên địa phương cũng không đúng. Vì đầu cầu bên này thuộc xã Phú Thương quận Tây Hồ, đầu cầu bên kia thuộc xã Vĩnh Ngọc huyện Đông Anh. Chả lẽ gọi ghép thành Phú Ngọc. Còn cái tên Nhật Tân có thể vì nó gần vườn đào Nhật Tân nổi tiếng, hay có anh thợ cầu đã chim chuột người con gái nơi đây rồi bỏ rơi để nhạc sĩ Trần Tiến phải cất lên lời hát "Chị tôi"
Như vậy riêng đối với cái tên Nhật Tân có thể nói chả có liên quan gì đến cây cầu có thể loại ra. Cái tên Nhật Thăng để đùa anh Đinh La Thăng cho vui tí thôi. Vậy rõ ràng và không có lí do gì không đồng ý với đề nghị của ngài Đại Sứ Nhật Bản. Xin từ nay đến khi gắn tên biển cầu chính thức bà con ta cứ gọi cây cầu này là cây cầu hữu nghị Việt Nhật cho nó đẹp tình đẹp nghĩa có phải không các bạn.
Lương Kháu Lão

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"