Athena,
Mới đây trả lời phỏng vấn trên báo điện tử Vietnamnet, ông Đàm Quang Minh, Giám đốc FPT Polytechnic Việt Nam bày tỏ lo lắng
về "nguy cơ hình thành tầng lớp người lớn chưa trưởng thành tại Việt
Nam". Nhưng liệu đây có phải là "nguy cơ" không hay tầng lớp này thực sự
đã nhen nhóm hình thành mà chúng ta không nhận thấy? Và điều gì đã sản
sinh ra một tầng lớp người như vậy?
Trước hết theo lời ông Minh "người lớn chưa trưởng thành" có nghĩa là
những người đã lớn về mặt sinh lý nhưng chưa trưởng thành về mặt tâm lý
cũng như chưa hoàn thiện các kỹ năng và thiếu những kiến thức cần
thiết. Nói cách khác những người này dù đã "lớn" (về số tuổi) nhưng
không có khả năng tự lập, không thể tự lo cho bản thân mà vẫn phải dựa
dẫm vào người khác, ở đây cụ thể là gia đình. Nếu chiếu theo các định
nghĩa của ông Minh thì chúng ta có thể thấy rõ ràng tầng lớp "người lớn
chưa trưởng thành" này đã xuất hiện tại Việt Nam trong vài năm trở lại
đây. Không khó để bắt gặp hình ảnh cử nhân đại học vẫn phải sống nhờ vào
bố mẹ hay đau lòng hơn là tình trạng nạo phá thai ở lứa tuổi học sinh
cấp III. (Theo quỹ thông kê Dân số của Liên Hợp Quốc thì Việt Nam nằm
trong top 5 nước có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới trong đó có hơn
300.000 ca phá thai ở tuổi vị thành niên chiếm tỉ lệ 20%. Điều đó cho
thấy các em không được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về sức khỏe
sinh sản.) Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hình thành lớp
“người lớn chưa trưởng thành” này?
Thứ nhất là do hệ thống giáo dục. Không ngoa khi nói rằng nền giáo
dục ở Việt Nam đang đi ngược lại hoàn toàn so với thế giới. Chúng ta quá
chú trọng vào lý thuyết, những tiết thực hành mặc dù cũng có nhưng rất
ít và cũng không giúp học sinh hiểu được bản chất vấn đề. Một học sinh
cấp II có thể học thuộc lòng những định lý định luật trong sách giáo
khoa nhưng không biết vận dụng vào đời sống thực tế. Hay như việc một
học sinh cấp III có thể giải quyết gọn gàng bài tập sinh học về AND,
ARN, hô hấp, quang hợp… nhưng không trồng nổi một cái cây (?!). Thật sự,
học sinh của chúng ta phải học những môn nặng nề về lý thuyết và hoàn
toàn không được dạy về nhân văn, nghệ thuật, kỹ năng giao tiếp hay quản
lý tài chính cá nhân. Chính điều này khiến nhiều sinh viên ra trường
không thể xin được việc làm vì không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển
dụng hoặc mắc những lỗi rất ngớ ngẩn khi phỏng vấn xin việc.
Trong khi đó, theo lời kể của Hải Anh,
một du học sinh theo học chương trình Tú tài quốc tế tại Mỹ chia sẻ thì
ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường các bạn học của em đã biết đầu
tư chứng khoán, hùn vốn với bạn bè để kinh doanh nho nhỏ, một số khác
thì đủ 18 tuổi là dọn ra ngoài sống riêng tự làm chủ cuộc đời của mình
hay có những bạn đã có những phát minh khoa học nho nhỏ…
Bên cạnh một nền giáo dục đặt nặng lý thuyết thì nguyên nhân mà chúng
ta đang đi tìm còn nằm ở thái độ và sự tương tác giữa người dạy và
người học. Với truyền thống hàng nghìn năm bị ảnh hưởng bởi Khổng giáo
và những luật lệ khắt khe giữa quan hệ thầy trò, học sinh ở Việt Nam
luôn “tâm niệm” trong đầu ý nghĩ: giáo viên không bao giờ sai; hoặc cũng
có thể ngay từ lúc bắt đầu vào lớp 1 các em đã được dạy rằng không bao
giờ được “cãi” lại thầy cô giáo. Một lớp học trong các trường ở Việt Nam
thường sẽ được bố trí theo motif giáo viên ngồi hoặc đứng trên bục
giảng và học sinh ngồi dưới ngước mắt nhìn lên. Các thầy cô giáo sẽ đọc
kiến thức trong giáo án hoặc sách tham khảo dành cho giáo viên còn học
sinh ngồi ngoan ngoãn chép vào vở. Các em gần như không có không gian và
cơ hội bày tỏ quan điểm cá nhân của mình, đặc biệt là trong các môn văn
học và lịch sử. Nếu có em nào nêu ý kiến trái với giáo viên sẽ bị coi
là “học sinh cá biệt”, bị điểm kém hoặc gặp rắc rối với nhà trường và
gia đình, từ đó sẽ khiến các em ngại trình bày ý kiến vào những lần sau.
Lâu dần điều này khiến học sinh Việt Nam mất đi khả năng tư duy độc lập
và phản biện lại vấn đề được đặt ra trước mắt.
Trong bộ phim “3 Idiots” nổi tiếng của Ấn Độ, nhân vật chính Rancho có nói thế này: “Đến
một con sư tử trong rạp xiếc cũng biết ngồi trên ghế sợ chiếc roi điện,
nhưng người ta gọi con sư tử đó là ‘được huấn luyện tốt’ chứ không phải
‘được giáo dục tốt’”. Rõ ràng học sinh ở Việt Nam đã được huấn
luyện rất tốt vì phải sống quá lâu với nỗi sợ “chiếc roi điện”. Nhỏ thì
“chiếc roi điện” ấy là thầy cô, bố mẹ, điểm số, thứ hạng trong trường
còn khi lớn lên thì “chiếc roi điện” ấy là công việc, lương cao, chính
quyền địa phương…
Từ “giáo dục” trong tiếng Anh – “educate” mang nghĩa gốc từ tiếng
Latin là “làm bật ra”, còn ở Việt Nam có lẽ “giáo dục” mang ý nghĩa
“nhồi vào” nhiều hơn.
Nguyên nhân thứ hai bên cạnh nền giáo dục lệch lạc chính là hệ thống
báo chí truyền thông bị chi phối quá nhiều bởi các cơ quan công quyền.
Không khó để tìm ra những bài báo sai sự thật, chủ quan, ngụy biện và
hay những bài viết nhảm nhí góp phần bào mòn tư duy người Việt vốn đã
còn rất ít sau gần hai mươi năm đi học. Vốn dĩ chức năng của báo chí
ngoài việc cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan đến độc giả
còn phải là không gian để người đọc bày tỏ quan điểm hay phản biện
trước những vấn đề nhức nhối. Báo chí, chính là xã hội dân sự, phải là
cánh tay nối dài chạm đến tận cùng những vấn đề xã hội và từng người dân
nhưng có vẻ như nền báo chí ở Việt Nam đã bị chính trị hóa, không những
không cung cấp cơ hội thảo luận cho người đọc và còn đè bẹp tư duy của
họ.
Có lẽ chính vì điều nay mà vụ việc “bài báo 3N” và tin đồn về dịch
Ebola vừa qua Bộ Công an đã vào cuộc trong khi rõ ràng độc giả mới người
có quyền quyết định nên xử lý thông tin này như thế nào. Họ hoàn toàn
có thể chọn cách tẩy chay tòa soạn đã đăng bài viết đó hay lờ tin đồn
thất thiệt kia đi nhưng dường như người đọc không ý thức được “sức mạnh”
của họ nên đã phó mặc cho các cơ quan chức năng. Sự ỷ lại này khiến
chính quyền càng có cớ để can thiệp sâu hơn vào nền báo chí hay các công
việc khác vốn không nên dính dáng đến chính trị. Nếu mỗi người dân Việt
Nam được trang bị đầy đủ kiến thức, có tư duy phân tích và phản biện
trước các thông tin mới thì liệu họ có dễ dàng tin vào những tin đồn hay
không? Nếu được học trong môi trường giáo dục phóng khoáng kích thích
khả năng sáng tạo và được sống giữa nền báo chí biết tìm sự thật và sẵn
sàng tranh luận để bảo vệ sự thật thì người dân Việt Nam có bị đánh giá
là “chưa trưởng thành” hay không?
Có thể nói việc hình thành “tầng lớp người lớn chưa trưởng thành”
ngày nay chính là hậu quả của chính sách ngu dân suốt hàng chục năm qua.
Thay vì đào tạo ra những con người đầy đủ bản lĩnh và có đủ khả năng để
tự giải quyết các vấn đề cá nhân thì chúng ta đang tạo ra một thế hệ
với não trạng sợ hãi thường trực, bị thui chột về tư duy và phải sống
dựa dẫm.