Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Muôn năm? Vinh quang? Vĩ đại?

Canh Lê
Cứ làm một bài toán đơn giản: cùng hạ một cái cây, có được cùng một lượng gỗ, Việt Nam đi xuất khẩu bán thô thu được 10đ; các nước phát triển đem ra cưa xẻ, tẩm sấy, đóng thành bàn ghế tủ giường, xuất khẩu bán được 10.000đ. Như vậy là cùng hao tổn một lượng tài nguyên tương đương nhau, cùng xuất khẩu một khối lượng gỗ tương đương nhau, nhưng số tiền thu được rất khác nhau, do có được đầu tư công nghệ, tức đầu tư chất xám, trí thông minh, óc sáng tạo, tài khéo léo.., hay không...
Ngoài ra, mạt cưa, gỗ vụn thì Việt Nam phung phí đem chụm lò, các nước phát triển tận dụng làm ván okan, ván ghép; gỗ cao su và các loại gỗ tạp khác thì Việt Nam chê nhiều khói, ít than không thèm đem chụm lò, các nước phát triển xử lý làm ván ghép, ván ép... v.v ...
Ơ, mà tại sao họ phát triển !? Tại vì họ biết sử dụng chất xám, trí thông minh, óc sáng tạo, tài khéo léo..., biến những thứ tưởng chừng như vô ích, vô dụng thành hữu ích, hữu dụng! "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm" là vậy!
Cho nên, chất xám quyết định sự phát triển, rồi sự phát triển tác động lại chất xám, chứ sự phát triển không quyết định chất xám!
Không có tư duy triết học, lẫn lộn giữa vật chất và ý thức, hiện tượng và bản chất, nguyên nhân và kết quả, thì đói nghèo ngu dốt là hậu quả tất yếu!!!

Người Việt có câu: MỘT NGƯỜI BIẾT LO BẰNG MỘT KHO NGƯỜI BIẾT LÀM! Tuy vậy, suốt mấy ngàn năm qua người Việt có rất ít người "biết lo", thậm chí những người "biết lo" có khi còn bị cho là "dài lưng tốn vải", "chỉ biết nói mà không biết làm", có thời còn bị liệt vô thành phần "trí thức tiểu tư sản" cần phải "đào tận gốc trốc tận rễ"... Người Việt chỉ thích "tay làm hàm nhai" theo kiểu "lao động (tay chân) là vinh quang", chỉ biết "trên đồng cạn dưới đồng sâu", "con trâu đi trước cái cày đi sau", "bán mặt cho đất bán lưng cho trời"..., không hề có một phát kiến phát minh gì to tát, cả về vật chất lẫn tinh thần!
Việt Nam cứ đem toàn bộ tài nguyên và sản vật, từ than đá, dầu mỏ, quặng mỏ, gỗ..., đến cá, lúa, cà-phê, trái cây... đi bán thô với giá rẻ mạt, thậm chí lỗ, thì bao nhiêu "rừng vàng biển bạc" cho đủ!?
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mà nông dân vẫn nghèo! Tự hào là tự hào cái gì!?
Khoan nói đâu xa, Thái Lan chỉ cần mua lúa gạo của Việt Nam về chà xát, đánh bóng, gắn thương hiệu, là đã nâng giá trị xuất khẩu lên để hưởng lợi rồi...
Còn nói xa, xa đến mức không thể đuổi kịp, người Nhật giáo dục rằng đất nước của họ chỉ là những hòn đảo nằm trên vành đai núi lửa và động đất, sóng thần, bão lũ, khí hậu khắc nghiệt, đất đai hạn hẹp, tài nguyên khan hiếm, phải nỗ lực thì mới có thể xây dựng được cuộc sống ấm no, đất nước giàu mạnh... Nước Nhật vẫn phải nhập khẩu lương thực, nhưng ngũ cốc do họ trồng thì được dành để nghiên cứu phát triển các chế phẩm sinh học, mang lại lợi nhuận cao gấp hàng triệu lần; nước Nhật vẫn phải nhập khẩu khoáng sản, nhưng họ dùng để chế tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, mang lại lợi nhuận cao gấp hàng ngàn lần...
So sánh về giá trị xuất khẩu mà chỉ biết tính "khối lượng", từ việc bán thô, bán rẻ, bán lỗ; mà không tính đến "chất lượng", có được nhờ chất xám, trí thông minh, óc sáng tạo, tài khéo léo..., đem lại lợi nhuận cao nhất có thể cho nhân dân và đất nước... là vô cùng ấu trĩ!!!
Cái kiểu giáo dục rằng Việt Nam "rừng vàng biển bạc" có giống với kiểu dạy dỗ con cái rằng "nhà mình giàu lắm, con chẳng cần phải học hành lao động cực khổ gì cả, chỉ cần nằm ngửa mà ăn" không!? Nước, nhà không mạt mới lạ!
"Vinh quang", "vĩ đại", "thần thánh" ... cái gì!?
Hãy sớm mà thức tỉnh đi, để còn nỗ lực theo kịp đà phát triển văn minh của nhân loại!!

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"