Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Mặt Trái Của Một Bức Tranh Thêu

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến
Dân Luận

Nhiều năm trước, báo Quân Đội Nhân Dân có một bài viết thú vị (Bức Tranh Thêu Trong Tù Của Người Phụ Nữ Với “Nụ cười chiến thắng”) của tác giả Nguyễn Thị Nhi:
“Bức tranh ‘Chùa Một Cột’ được thêu trong nhà tù Côn Đảo năm 1972 là của chị Võ Thị Thắng, cựu tù chính trị bị tòa án binh quân sự Mỹ kết án 20 năm tù khổ sai, giam cầm trong các nhà tù: Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp, Hố Nai, Côn Đảo từ năm 1968 – 1974… ”
“Về bức thêu ‘Chùa Một Cột’, chị kể: Chị chưa một lần ra miền Bắc, chưa được thăm chùa Một Cột nhưng qua những tấm hình chụp, vẽ về ngôi chùa này chị đã hình dung và thêu bức ‘Chùa Một Cột’ với tấm lòng luôn hướng về miền Bắc, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bức thêu ‘Chùa Một Cột’ là tâm huyết của chị trong những năm tháng bị giam cầm. Ở trong tù những lúc không bị tra tấn hoặc lao động cải tạo, chị lại chọn nơi có ánh sáng gần cửa sổ để thêu. Nhiều lúc thiếu ánh sáng chị vẫn cố hình dung từng mũi kim, sợi chỉ. Chị phải giấu bức thêu mỗi khi có cai ngục đi tuần tra, kiểm soát. Bức thêu ‘Chùa Một Cột’ của một người con gái không chịu khuất phục kẻ thù phải mất gần một năm mới hoàn thành, trong một hoàn cảnh đặc biệt.”

Ảnh: QĐND

Tháng 8 năm nay, chị Võ Thị Thắng qua đời. Tang lễ được cử hành vô cùng trọng thể, và tiểu sử của chị Thắng cũng được báo Tin Nhanh Viet Nam ghi lại với nhiều chi tiết:
“Từ sáng 23/8, Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng phía Nam, nơi tổ chức lễ viếng bà Võ Thị Thắng đã liên tục đón tiếp các đoàn khách đến thắp nhang và chia buồn cùng gia đình. Di ảnh nữ đảng viên xứ Long An đặt ở sảnh chính, phía trước nghi ngút khói hương. Không khí trầm mặc trong điệu nhạc buồn và cả tiếng sụt sịt của những người đến viếng. Gần trưa, các đoàn khách từ Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh vẫn còn lần lượt đăng ký viếng…
Bà Thắng sinh ra tại xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 9 tuổi, bà bắt đầu bước chân vào con đường cách mạng bằng việc tham gia đưa thư, mang cơm cho cán bộ trong hầm bí mật. Năm 13 tuổi, bà thi đậu vào trường công lập Gia Long Sài Gòn (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai); 16 tuổi là thành viên Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Bến Lức – Long An và khi 17 tuổi, được tổ chức điều về Sài Gòn hoạt động trong phong trào thanh niên – sinh viên – học sinh…
Đất nước thống nhất, người phụ nữ với nụ cười chiến thắng năm nào bước sang chính trường khi tham gia công tác tại Thành đoàn, rồi ở Hội Liên hiệp phụ nữ TP HCM, sau đó được giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, được trúng cử vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá VIII và Khóa IX; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X và XI, rồi Tổng cục trưởng Du lịch, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.”

Bà Võ Thị Thắng trong vai trò đại biểu Quốc hội.
Ảnh và chú thích của vnexpress

Những bức tranh thêu, cũng như những tấm huy chương, đều có mặt trái “sần sùi” của nó. Cuộc đời hoạt động và phụng sự cách mạng của Võ Thị Thắng cũng vậy. Chị còn “có một nụ cười khác” nữa, méo mó hơn, theo như lời kể của một người thân – nhà văn Đào Hiếu:
R
ồi cuối cùng chiếc ghế Tổng Cục Trưởng mà người ta trao cho chị cũng bị đặt trên bốn trái mìn nổ chậm được làm bằng lòng đố kỵ, bằng thù oán cá nhân, bằng những mưu đồ ma quỷ.
Người con gái ‘anh hùng’ ngày xưa chợt biến thành nhân viên CIA Mỹ với tập hồ sơ dày cộm.
Đó là những ngày cuối năm 1996. Nhiều nhân vật có tình cảm với Võ Thị Thắng trong Bộ Chính Trị đều rất bàng hoàng. Con chạch lại leo lên đẻ trên ngọn đa! Vậy mà người ta vẫn có đầy đủ những tài liệu về một con chạch như vậy!
Kẻ thù giấu mặt ấy là ai? Chị biết, Bộ chính trị cũng biết nhưng không làm gì được… Nhiều người trong Bộ chính trị không tin những hồ sơ ngụy tạo ấy nhưng cũng không “dám” bác bỏ. Chị gần như đơn độc…
Và đã có lúc chị cầm một sợi dây thòng lọng. Chị cuộn nó lại, giấu trong túi xách, đến soi mặt mình trong gương. Một đêm mất ngủ. Và khóc. Một đêm ngồi trong góc tối của căn phòng nhìn chồng nhìn con và nhìn bức ảnh nổi tiếng của mình. Bức ảnh chụp chị đứng trước tòa án, giữa hai người quân cảnh đeo kính đen. Chị nhìn cái miệng cười của mình. Nước mắt lặng lẽ lăn xuống gò má. Bởi vì giờ đây chị không “được” đứng trước một tòa án để mà cười. Chị đang đứng trước một thế lực vô hình, chị đang bị rình rập, truy sát.
Trường hợp bị “rình rập truy sát” của chị Võ Thị Thắng (ngày trước) không khỏi khiến tôi liên tưởng đến tình cảnh thương tâm tương tự của một phụ nữ Việt Nam (hiện nay) theo như thông tin của Dân Làm Báo:
“Như đã đưa tin, vào ngày 25/5/2014, chị Trần Thị Nga đã bị 5 tên mật vụ truy sát, đánh vỡ xương chân khi đang trên đường đến bến xe Giáp Bát (Hà Nội). Mặc dù những kẻ thủ ác đeo khẩu trang che nửa mặt, nhưng chị Trần Thị Nga đã nhận ra trong số bọn chúng có những tên là an ninh – mật vụ thường xuyên theo dõi mẹ con chị trước đây.
Video do chị Trần Thị Nga ghi lại cho thấy cảnh một tên mật vụ truy đuổi vào tận cửa hàng bán xe ô tô nhằm tiếp tục ra tay. Trong đoạn phim, chúng ta có thể nghe thấy rõ tiếng kêu cứu thất thanh của chị Nga khi bị bọn chúng truy sát một cách hung tợn.
Kẻ thủ ác chỉ quay lưng bỏ đi sau khi xuất hiện một người đàn ông trong cửa hàng đến can thiệp.
Hình ảnh cắt ra từ clip cho thấy tên mật vụ tấn công chị Nga với hung khí là một ống tuýp bằng thép. Khuôn mặt hung thủ đeo khẩu trang che kín miệng và mũi. Khi thấy chị Nga ghi hình, hắn vội vàng đưa tay che mặt vì sợ bị nhận dạng.


Mẹ con Trần Thị Nga. Ảnh RFA
Sau khi bức ảnh được phổ biến, một số nhân chứng nhận ra hung thủ chính là một thanh niên trong nhóm đeo băng đỏ xuất hiện tại cuộc biểu tình chống Trung Quốc hôm 11/5. Đây là kẻ nhiều lần gây sự, tấn công những người biểu tình yêu nước không theo định hướng của đảng cộng sản.
Đoạn video trên ghi lại diễn biến vụ truy sát sau khi chị Trần Thị Nga bị bọn chúng hành hung lần 1 khiến chị bị gãy tay. Sau đó, bọn chúng tiếp tục quay lại dùng tuýp sắt đánh đập lần 2 và lần 3 một cách hết sức dã man và tàn bạo.
Nghiêm trọng nhất, trong lần quay lại lần 3, bọn chúng đã đánh chị Nga gãy chân nhằm mục đích để chị không thể đi lại được…
Trước đó, nhà riêng của chị Nga tại Hà Nam đã liên tục bị một số kẻ lạ mặt rải truyền đơn với nội dung đe dọa giết người, đốt nhà hết sức nghiêm trọng. Mặc dù đã thông báo đến công an và yêu cầu can thiệp, tuy nhiên phía công an cộng sản thậm chí không có các biện pháp bảo vệ mà còn tiếp tay cho đồng bọn thực hiện cuộc truy sát dã man đối với mẹ con chị vào hôm 25/5 vừa qua.”

Hung thủ truy sát bà Trần Thị Nga.
Nguồn ảnh: huynhngocchenh

Thực ra, vào ngày 30 tháng 5 năm 2014, chị Nga đã có gửi “Đơn Trình Báo Bị 5 Tên Côn Đồ Dùng Hung Khí Truy Sát” đến văn phòng công an huyện Thanh Trì – Hà Nội nhưng không nhận được sự hồi đáp nào, dù đã hơn ba tháng trôi qua. Đơn gửi không người nhận là chuyện “thường tình” ở Việt Nam. Có ai bận tâm gì đến sinh mệnh của một thường dân (cỡ) bà Nga. Coi: một vị Ủy Viên Trung Ương Đảng “kiêm” Dân Biểu Quốc Hội như bà Võ Thị Thắng mà còn bị “rình rập truy sát,” và cả “Bộ chính trị cũng biết nhưng không làm gì được…” cơ mà.
Phen này mẹ con bà Nga chắc chết, chết chắc, là chuyện đã đành. Điều không đành là chả hiểu liệu có người dân Việt nào thoát khỏi cảnh bị “rình rập” hay “truy sát” dưới chế độ hiện hành không?

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"