Hiệu Minh
Black Box. Ảnh: Internet
Có những nhầm lẫn phá hoại nhưng có nhầm lẫn đã làm nên lịch sử. Phát
minh ra pháo hoa, lò vi sóng, đường hóa học hay kể cả khoai tây thái
mỏng chiên với muối hay thống nhất nước Đức cũng là do nhầm lẫn mà nên. Ở
nước mình có nhiều nhầm lẫn, nhưng chưa nhầm lẫn nào làm nên lịch sử,
trong đó có chuyện về cái hộp đen thời bác TBT Nguyễn Văn Linh.
Năm 1977, về công tác tại viện Tính toán và Điều khiển (sau này gọi
là viện Tin học và hiện là viện Công nghệ Thông tin), tôi đã nghe tiến
sỹ điều khiển học Nguyễn Thúc Loan và các cộng sự suốt ngày nói về hộp
đen (black box). Cho đến nay, dù sau gần 40 năm, sống hơn nửa đời người,
tôi cũng chẳng hiểu hộp đen là cái gì.
Đại loại hộp đen là cái hộp mà người ta chẳng biết nó làm gì bên
trong, chẳng ai hiểu nguyên lý. Các nhà khoa học thử nghiệm bằng cách
cho dữ liệu đầu vào (input data), quan sát dữ liệu đầu ra (output data),
để đoán mò cách thức hoạt động. Ấn đầu này, đầu kia không phản ứng gì,
là input có vấn đề.
Đối với dân thường, bóng bán dẫn là cái hộp đen, vì ai biết có gì
bên trong, nhưng lắp vào cái đài, nó nói như nghị quyết trung ương. Hay
như bộ não người, thấy khát thì nhớ nước, thấy đói muốn ăn, thấy trái
tai muốn lên tiếng, nhưng chẳng biết nguyên lý các tế bào não trao đổi
với nhau ra sao.
Hộp đen của TBT Nguyễn Văn Linh
Năm 1988, suốt ngày đài báo nói về xử lý, thậm chí quay hộp đen.
Khái niệm này do TBT Nguyễn Văn Linh đưa vào truyền thông khi ông bàn về
cơ chế khoán trong sản xuất công nghiệp. Ông cho rằng, cải tiến quản lý
và kỹ thuật liên quan đến cái hộp đen. Các quan cấp dưới ăn theo, nhưng
hỏi hộp đen là gì, chẳng ai biết cái mô tê răng rứa.
Tư duy đó không sai, kể cả thời trước và thời sau này, thể chế các nước XHCN hoạt động như cái hộp đen, đố ai biết nguyên lý.
Hồi đó ở viện Toán và viện Tin có hai giáo sư đầu ngành là Hoàng Tụy
và Phan Đình Diệu khá hiểu black box. Ts Thúc Loan đã bỏ tổ quốc, sang
Moscow đi buôn nhằm cứu nước cứu nhà và nuôi cô vợ trẻ.
Nghe báo đài nói ra rả, các cụ ngứa tai, viết luôn mấy bài gửi Trung
ương, phản đối việc dùng khái niệm hộp đen trong quản lý kinh tế. Nhất
là hiểu sai khái niệm điều khiển học một cách trầm trọng.
Giáo sư Diệu đến VP rất bức xúc, kinh tế và thể chế quốc gia phải rõ
ràng minh bạch, thế mà người ta coi như cái hộp đen kịt. Trong khi đó,
các chính trị gia đòi mổ hộp đen ra để xem, đúng là thời loạn chữ.
Hai giáo sư viết bài gửi, các báo không đăng, ông Hà Đăng bên Nhân
Dân cũng không đăng. Sau đó chả hiểu sao, báo Văn nghệ đưa lên trang
nhất. Bác Diệu mang tờ báo đến cơ quan khoe là đã đánh đổ hộp đen rồi,
có thế chứ. Thời đó loạn, Văn Nghệ bàn về khoa học, nhà thơ làm kinh tế,
chính trị gieo vần thơ, thật lạ đời..
Trong bài viết, hai cụ giáo sư đã viết rất khéo, không dám chê ai
dốt mà nói, một vị tiến sỹ điều khiển mũ cao áo dài nào đó buột mồm nói
ra thuật ngữ này, các cụ thấy hay hay, mang ra ứng dụng để quản lý quốc
gia. Sau đó, chẳng còn ai nói về hộp chết tiệt nữa, báo chí im một cách
khác thường.
Bài học về hộp đen
Sau này đọc Huy Đức (Quyền bính, tập 2, trang 85) mới biết, người
dám đăng bài này là anh hùng Núp “Đất nước đứng lên” (cụ Nguyên Ngọc).
Cụ làm TBT báo Văn Nghệ, dùng quyền độc tài, xử lý rốt ráo cái hộp tai
quái, vì người Tây Nguyên cho rằng, hộp đen như bụng thằng tây, bắn phát
tên mà chảy máu, chứng tỏ nó là người, không phải Giàng ơi.
Theo chú thích của Osin, báo Nhân Dân ra ngày 14-6-1988 viết, quay
hộp đen nhằm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp công
nghiệp là một biện pháp quan trọng, góp phần chống lạm phát, ổn định
tình hình kinh tế, xã hội. Đến xí nghiệp nào TBT Linh cũng nhắc việc xử
lý hộp đen, vì cho rằng, tình trạng lời giả, lỗ thật rất phổ biến, chứng
tỏ cái hộp đen có vấn đề. Viết lại tin này để khẳng định, Huy Đức viết
đoạn hộp đen này chuẩn.
TBT NV Linh thăm nhà máy công cụ số 1 ngày 3-3-1987. Ảnh: Internet
Bây giờ nhìn lại thấy nước mình có nền kinh tế thị trường định hướng
XHCN, cũng là khái niệm tù mù, khó hiểu. XHCN chẳng ai biết nó như thế
nào, vì có ai sống qua đâu mà toàn là quá độ, coi như cái hộp đen. Đem
CNXH nhúng vào kinh tế thị trường, vẫn là black box, khó giải mã.
Sau gần 40 năm nghĩ lại, thấy hai giáo sư và nhà văn Nguyên Ngọc đều
sai về chiến lược. Lẽ ra thấy Tổng bí thư hăng hái xử lý hộp đen thì
nên để yên cho người ta làm. Nhưng các cụ la toáng lên, thế là hỏng
việc. Biết đâu trong lúc quay hộp đen, các đại lượng input X nào đó đẩy
văng đại lương Y thì sao. Hồi đó thế và lực của TBT Linh rất mạnh, làm
gì mà chả được. Hộp đen là cái móng tay.
Nhầm lẫn đôi khi lại hay
Người ta bảo nhiều khi nhầm lẫn chút lại làm nên lịch sử.
Năm 1939, kỹ sư Percy Spencer làm cho hãng Raytheon (Mỹ) chuyên vè
tuốc bin điện. Do có tài thuyết khách của Spencer, hãng trúng thầu sản
suất radar cho chiến tranh thế giới 2.
Magnetron được dùng để tạo các bước vi sóng (microwave) cho radar.
Trong lúc làm việc, Spencer đứng trước một cái radar đang phát sóng.
Bỗng anh phát hiện viên kẹo trong túi tự chảy ra. Anh liền nghĩ đến thử
nghiệm thức ăn và nhất là thử rang ngô bằng bước sóng radar. Đó chính là
phát minh ra lò vi sóng ngày nay.
Một nhầm lẫn cách đây 2000 ở Trung Quốc cũng thế. Một tay đầu bếp
ngớ ngẩn thế nào mà trộng than hoạt tính, sulfur và diêm tiêu vào với
nhau, và nhét vào cái ống bương, lấy cái gậy thọc thọc để nén chặt. Trời
mới hiểu là y làm thế cho mục đích gì, ngày nay thấy ai lấy khái niệm
điều khiển học vào quản lý quốc gia cũng là bình thường.
Bỗng cái ông nổ cái đoàng một phát, một làn khói đủ mầu bay lên
trời. Tay đầu bếp ngất đi, nhưng tỉnh dậy, ổng tầu này nghĩ ngay đến
pháo sáng cho trẻ con chơi. Đó là phát minh vĩ đại về thuốc nổ của nhân
loại.
Cả hai nhầm lẫn trên đều không có ai cản mũi kỳ đà, cuối cùng thành phát minh của nhân loại.
Bức tường Berlin sụp đổ trong đêm 9-11-1989 sau hơn 28 năm tồn tại,
chia cắt nước Đức cũng do nhầm. Bộ Chính trị của Đảng XHCN Thống nhất
Đức có một đạo luật quy định về việc ra nước ngoài. Lẽ ra phải được
thông qua Hội đồng Bộ trưởng nhưng Bộ Tư pháp đã phản đối.
Trong lúc ấy, bản dự thảo được đưa ra bàn thảo vào buổi chiều ngày
hôm đó trong Ủy ban Trung ương Đảng và được sửa đổi nhỏ. Phiên bản này
được UV BCT Günter Schabowski, người vắng mặt trong các cuộc họp trước
đó của Bộ chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng, mang ra họp báo, dù ông
ta chẳng hiểu gì về điện.
Cuộc họp báo trong Trung tâm Báo chí Quốc tế trên đường Mohren
(Mohrenstraße) số 38 tại Đông Berlin được truyền hình trực tiếp và được
nhiều người theo dõi.
Kết thúc cuộc họp báo, ông ta đọc một đoạn trong dự thảo trên đang
đặt trên bàn “Có thể làm đơn xin du lịch cá nhân ra nước ngoài mà không
cần có điều kiện như lý do xuất ngoại hay quan hệ họ hàng. Giấy phép sẽ
được cấp trong thời hạn ngắn. Các ban phòng có thẩm quyền về hộ chiếu và
khai báo cư trú của các cơ quan Công an Nhân dân cấp huyện trong nước
Đông Đức có thể nhanh chóng cấp giấy thông hành ra nước ngoài thường
xuyên theo như chỉ thị. Có thể liên tục ra nước ngoài tại tất cả các cửa
khẩu biên giới giữa nước Đông Đức và Tây Đức.”
“Khi nào? Ngay lập tức?”. Một nhà báo, Peter Brinkmann phóng viên
thường trực của báo Bild tại Đông Đức, hỏi. Schabowski lục lọi trong
chồng giấy tờ của ông “Theo như tôi biết – thì ngay lập tức, không chậm
trễ”.
Chả hiểu thế nào mà các đài truyền thanh và truyền hình của Tây Đức
và Tây Berlin đã phát tin “Bức tường đã mở!”. Hàng chục ngàn dân Đông
Berlin đổ về bức tường và yêu cầu lính canh mở cổng. Nhầm thế mới là
nhầm.
Vĩ thanh
Nhớ chuyện hộp đen trong quản lý kinh tế của TBT Nguyễn Văn Linh,
nếu hai giáo sư không kết hợp với anh Núp “Đất nước đứng lên” đưa lên
mặt báo, có lẽ xứ mình đã hết mọi hộp đen XYZ.
Nhưng ai biết được chữ ngờ và lịch sử không có chữ nếu. Kết hợp vụ
đó và nhiều vụ lẻ tẻ khác, anh hùng Núp hết đứng lên sau 4 tháng
(12-1988) ở báo Văn Nghê. Các giáo sư cũng bị theo dõi vì đã có những
phát biểu về dân chủ và đa nguyên, to như tướng Trần Độ còn bị kỷ luật.
Hai giáo sư đã già, và không lên tiếng nữa. Dù đã ngoài 80, vẫn thấy
bác Nguyên Ngọc ra đường biểu tình chống các hộp đen khác của thế kỷ
21.
Nếu có thể khuyên bác, cứ để hộp đen tồn tại, biết đâu thành
microwave hay là thuốc súng cho một cuộc cách mạng khoa học khác mà ít
người lường tới. Hộp đen chỉ có thể tự hỏng, tự nổ và tự tiêu.