Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Khi Thánh nhân tranh đấu

Nguyễn Văn Thạnh
Xã hội cũng có hai trạng thái: trạng thái bình thường và trạng thái có khủng hoảng.
Trong trạng thái bình thường, nhân gian-gồm cả dân lẫn quan-sống với thuộc tính rất người của mình: có tham lam, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân; có vị tha, bác ái.
Nếu trạng thái bình thường diễn ra suông sẻ thì xã hội đã tốt đẹp từ hàng ngàn năm trước. Vấn đề nghiêm trọng của loài người chính là con người không thể tự giới hạn cái gọi là lòng tham của mình và phe nhóm mình. Từ đây nảy sinh một hệ quả đau thương là một nhóm hưởng lợi trên sự cùng cực của nhóm khác. Chính điều này làm cho xã hội loài người thỉnh thoảng lâm vào trạng thái khủng hoảng: sự thối nát, sự bất công lên cùng cực.
Khi xã hội đi đến điểm cùng cực thì cần có một lãnh tụ đứng ra tập hợp lực lượng đánh đổ cái cũ, tạo ra cái mới. Để có thể thu phục đám đông đi theo, lãnh tụ phải có tố chất khác biệt: ngoài có tài năng còn phải có đạo đức hơn người. Đạo đức mà công chúng cổ súy thường là những giá trị vượt thoát trần tục như: hy sinh chủ nghĩa cá nhân cho đất nước - không tham quyền, không tham vật chất, không gia đình vợ con, không màng tài sản, tiền bạc,… Tóm lại lãnh tụ có tố chất thánh nhân, mà cũng chỉ có ai có tố chất thánh nhân mới thu phục được lòng người. Nếu không thánh nhân mà chỉ phàm nhân sàn sàn giống dân thường thì nói ai nghe?

Đây chính là điểm lợi của thánh nhân, vì nếu không tập hợp được lực lượng, không thuyết phục được công chúng đi theo thì không có lực để tiến hành thay đổi xã hội. Cũng như mọi việc, có lợi thì luôn có hại.
Cái hại đầu tiên là lực lượng tranh đấu thường phải thánh hóa lãnh tụ của mình: xưa thì dùng hình thức tâm linh-thuyết phục dân chúng về mệnh trời (Lưu Bang chém rắn lớn, Lê Lợi thì dùng kế quét cháo lá đa,…); ngày nay thì lãnh tụ phải có tố chất đạo đức phi phàm như đã phân tích ở trên. Đây chính là căn nguyên cho hiện tượng thần thánh hóa lãnh tụ; và cũng là căn nguyên của chủ nghĩa sùng bái cá nhân. (Mọi lời nói lãnh tụ luôn đúng, mọi việc làm của lãnh tụ luôn đúng, lãnh tụ có đạo đức long lanh không tỳ vết. Con dân đời đời phải học tập và làm theo lãnh tụ; cho dù lãnh tụ sống cách xa cả thế kỷ). Hệ quả của việc làm này thường dẫn đến chủ nghĩa ngu dân.
Cái hại thứ hai-rất khốc liệt-là các thánh nhân thường tranh đấu để kiến tạo một xã hội có những giá trị vượt qua các giá trị đời thường (Chủ nghĩa cộng sản là một ví dụ). Xã hội tốt đẹp mà các vị đó muốn tạo ra thường là nơi phàm nhân khó sống. Hệ quả của việc làm này là tạo ra một xã hội dối trá, đạo đức giả.
Từ phân tích trên, chúng ta thấy Thánh nhân là một phương thuốc trị bệnh cho một xã hội đang lên cơn quằn quại nhưng cũng chính Thánh nhân lại là nguồn cơn đau khổ cho xã hội.
Đọc Đèn Cù, tôi thấy cuộc cách mạng do những người cộng sản lãnh đạo đã tạo ra bi kịch như trên.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"