Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Điều còn thiếu trong triển lãm 'cải cách ruộng đất'

Trinh Nguyễn thực hiện

Dân Luận: Nếu chỉ triển lãm sự chênh lệch giàu nghèo giữa địa chỉ và nông dân, cái ác của địa chủ với nông dân, xoáy vào cái "được" của cuộc cải cách ruộng đất thì đúng là cuộc triển lãm này còn thiếu nhiều thứ lắm. Thiếu từ những cố vấn Trung Quốc thúc ép Hồ Chí Minh tiến hành cải cách ruộng đất, tới những cái chết oan uổng vì bị đôn thành phần lên, tới những màn xét xử con đấu tố cha mẹ, phá hoại nền tảng đạo đức con người, rồi tới hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất là một tầng lớp có trình độ và hiểu biết về nông nghiệp của Việt Nam bị tiêu diệt.
Cái chết người của thứ lịch sử một chiều này là người dân không nhìn thấy CCRĐ là sai lầm và ảnh hưởng tới dân tộc này trong nhiều thế hệ, và rất có thể tương lai chính Đảng CSVN sẽ lại là nạn nhân của một cuộc CCRĐ "long trời lở đất" như thế.

Một nhà nghiên cứu tiếc nuối: “Giá như trong phần sửa sai, triển lãm có bày bức ảnh Cụ Hồ khóc”. Bức ảnh đó, sự dũng cảm xen lẫn nỗi đau đó đã chạm vào trái tim nhiều người.
“Với lịch sử hơn 60 năm thì tổ chức triển lãm này dù quá muộn cũng là dám làm”, tiến sĩ sử học Lê Thị Quỳnh Nga nói về trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất.
Những món đồ đẹp trang nhã và tinh tế tái hiện một không gian sinh hoạt của nhà địa chủ. Đôi hạc đồng, mâm đồng chạm, chiếc lò sưởi, hoành phi điệp màu cùng câu đối, sập gụ, giày nhung, gối xếp, gấm vóc lụa là.
Tấm áo dài nữ hai lớp, chỉ thêu vàng óng. Tấm áo nam còn quý hơn, được may bằng gấm dệt hoa như thêu. “Kỹ thuật dệt thêu này hiện giờ đã không còn”, một nhà thiết kế tại TP.HCM cho biết.
Ký ức vàng son của nhà địa chủ trước cải cách ruộng đất được đặt cạnh một ký ức đói khổ của bần cố nông với áo bông vá đụp, gian nhà xơ xác. Chiếc roi của địa chủ đánh nông dân. Sổ thu thóc. Thẻ thuế thân…
Đối lập hình ảnh dường như là ý đồ của nhà tổ chức trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khai mạc sáng 8.9 tại 1 Tràng Tiền, Hà Nội.
Không giống như hình dung của nhiều người, cuộc triển lãm “nhạy cảm” này đã không gặp khó khăn khi thực hiện.
“Bài học của cải cách ruộng đất vẫn là kinh nghiệm quý báu với công cuộc bảo vệ đất nước, với nông dân nông nghiệp nông thôn. Nên dù là lần đầu tiên nhưng khi tiến hành làm thì luôn nhận được hợp tác của cơ quan hữu quan, tài liệu hiện vật”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết.
Trên thực tế, hiện vật từ nhiều bảo tàng trong nước, tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam đã hội tụ về triển lãm này.
Điều đáng tiếc mà nhiều người xem chia sẻ là triển lãm thiếu đi những câu chuyện cụ thể, với sự chia sẻ của các nhân chứng cụ thể. Bởi một triển lãm về đề tài lịch sử có thể là gì nếu không kể câu chuyện về những phận người?
Về điều này, ông Cường cho rằng đúng là có những gia đình chịu thiệt thòi trong cải cách, bản thân bảo tàng cũng có nhiều tư liệu về vấn đề đó nhưng “đó chỉ là nguồn tham khảo thôi chứ không thể mang ra khai thác và đưa ra công chúng”.
Chúng tôi chỉ chọn những gì tích cực nhất mà cải cách mang lại”, ông Cường nói.
“Chúng tôi không coi đó là một vết thương mà coi đó là bài học xương máu trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng dân chủ. Bên cạnh đó, chúng ta sử dụng tư liệu của Đảng, Bác Hồ khi sửa sai. Chứ chúng tôi không coi đó là một vấn đề chính trong trưng bày để xoáy sâu vào mất mát hay tổn thất gì. Cái đó Đảng ta đánh giá rồi”, ông Cường nói.
Về điều này, TS Lê Thị Quỳnh Nga cho rằng, lựa chọn ra sao cuối cùng vẫn dựa vào thiết kế trưng bày của bảo tàng, phụ thuộc mục tiêu mà bảo tàng đặt ra.
Bà Nga – người đã nhận giải thưởng Phạm Thận Duật cho luận án tiến sĩ sử học xuất sắc nhất năm, với đề tài “Quá trình thực hiện chủ trương cách mạng ruộng đất của Đảng ở tỉnh Thanh Hóa (1945 – 1957)” – cho biết thêm, hồi năm 1956, Đảng đã có những công bố rất sắc sảo, quyết liệt, nhìn thẳng vào sự thật về những sai lầm trong cải cách ruộng đất.
“Tôi đánh giá cao điều đó. Ví dụ Hội nghị Trung ương 10 đánh giá trong cải cách chúng ta đã mắc những sai lầm phổ biến liên tục và kéo dài. Như thế là rất thẳng thắn”, bà Nga nói và cho rằng nếu bám sát tư liệu đó thì triển lãm đã có thể thẳng thắn hơn, đúng với quan điểm của Đảng.
Một nhà nghiên cứu khác cũng tiếc nuối: “Giá như trong phần sửa sai, triển lãm có bày bức ảnh Cụ Hồ khóc”. Bức ảnh đó, sự dũng cảm xen lẫn nỗi đau đó của Bác, của Đảng đã chạm vào trái tim nhiều người.
* * *

Phụ lục: Cảm nghĩ về triển lãm Cải Cách Ruộng Đất của người xem

Hai vị tiến sĩ khi đến xem Triển lãm Cải cách ruộng đất ngày 9-9-2014 ở Hà Nội, đã để lại những dòng cảm nghĩ:
Tôi đã đến xem Triển lãm về Cải Cách Ruộng Đất. Hiện vật và tư liệu thì quý, nhưng toát lên toàn bộ triển lãm là KHÔNG TRUNG THỰC VỀ CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT
Hà Nội 9.9.2014
TS Nguyễn Xuân Diện (Viện KHXH VN)
------------
Cảm nhận sau khi xem triển lãm CCRĐ
Đây là vấn đề khá nhạy cả_Có triển lãm còn hơn là không có. Tuy nhiên với tư cách là người trong cuộc, tôi không thấy Triển lãm đáp ứng được nhu cầu mong mỏi của công chúng từ khá lâu,
Nên chăng các mảng trưng bày:
1- Chủ trương CCRĐ và thành quả CCRĐ mang lại
2- Thực tiễn CCRĐ diễn ra
3- Một số sai lầm khi tiến hành và biện pháp khắc phục.
Nhưng xét cho cùng, đó là vấn đề nhạy cảm mà có được của triển lãm đã là quý lắm rồi.
TS sử học Trần Hoàng
10703631_709433855772629_7461123354756035181_n.jpg
Nguồn: blog Chú Tễu
* * *

Nguồn: FB JB Nguyễn Hữu Vinh

Lần đầu tiên công bố hình ảnh cải cách ruộng đất

Cung cấp thông tin đa chiều và khách quan về một giai đoạn lịch sử đặc biệt là mục đích cuộc triển lãm mang tên "Cải cách ruộng đất 1946-1957" đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (số 1 Tràng Tiền - 25 Tông Đản, Hà Nội).

Triển lãm 60 năm Cải cách ruộng đất 1946-1957 của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội) khai mạc sáng 8/9 thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. 150 hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý được trưng bày, tái hiện giai đoạn lịch sử đặc biệt giúp "người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến", cũng tồn tại một số sai lầm.
Thông cáo của Bảo tàng cho hay: "Cuộc trưng bày chuyên đề Cải cách ruộng đất 1946-1957 là một hoạt động góp phần tuyên truyền, giáo dục cho đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ nhận thức đúng hơn về cuộc cách mạng ruộng đất trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta những năm 1946-1957. Qua đó củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, Chính phủ và sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay".
Phần đầu về nông thôn Việt Nam trước cải cách ruộng đất tái hiện hai mảng đối lập giữa một bên là cuộc sống xa hoa giới địa chủ, một bên là đời sống cực khổ của tầng lớp bần cố nông. Hình ảnh địa chủ hút thuốc phiện trưng bày cạnh bộ đèn, ống điếu hút thuốc phiện, tay gẩy thuốc phiện...
Áo nam kép dài 5 thân, áo nữ, giầy, hài, quạt, gậy ba toong... của địa chủ dùng trước cải cách ruộng đất. Dựa vào sự chiếm hữu ruộng đất, giai cấp địa chủ phong kiến bóc lột nông dân dưới nhiều hình thức như: địa tô, nợ lãi và thuê mướn bóc lột nhân công. Ngoài ra, địa chủ và thực dân Pháp còn bóc lột nông dân bằng sưu cao thuế nặng: thuế đinh, thuế điền, thuế ngoại phu.
Đối diện với khu trưng bày các vật dụng xa hoa của địa chủ là áo đụp của cha con bần cố nông thôn Nhân Dục, xã Hiến Nam (Hưng Yên) dùng trước cải cách ruộng đất. Người nông dân bị dồn vào thế cùng quẫn bởi sưu cao thuế nặng, địa tô, nợ lãi.

Hình ảnh nông dân kéo cày thay trâu. Sống cảnh khốn quẫn dưới ách địa chủ, người nông dân phải rời bỏ quê hương vào làm thuê cho các chủ đồn điền. Tại đây, tư bản thực dân bóc lột tàn bạo không kém, người lao động trở thành thân phận nô lệ.

Tháng 11/1953, Trung ương Đảng thông qua Cương lĩnh ruộng đất và quyết định cải cách ruộng đất trong kháng chiến. Nông dân cùng nhau chống lại địa chủ, cường hào, ác bá, tịch thu hơn 70.000 hécta đất ruộng để chia cho gần 4 triệu nông dân tại 3.314 xã.
Cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất cho đa số nông dân miền Bắc; xóa bỏ giai cấp địa chủ, xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm gia đình chị Bân ở xã Trung Nghĩa, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), nghe nông dân báo cáo tình hình sản xuất và đời sống của bà con sau khi thực hiện cái cách ruộng đất, ngày 8/2/1955.

Gia đình anh Lê Văn Luân trước đây phiêu bạt khắp nơi đi ở cho địa chủ, sau cải cách ruộng đất, vợ chồng, cha con đã được sum họp một nhà.
Mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nói rõ thắng lợi và sai lầm của cuộc vận động. Tháng 12/1957, Hồ Chủ tịch nói chuyện với hội nghị toàn quốc tổng kết công tác sửa chữa những sai lầm trong quá trình thực hiện cải cách ruộng đất.

Ngoài hình ảnh, nhiều nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương được trưng bày, thu hút sự chú ý đặc biệt của những vị khách cao tuổi.

Ông Đào Văn Nhượng (84 tuổi, ở Giảng Võ, Hà Nội) một mình tới triển lãm, xem rất lâu từng chi tiết hiện vật, hình ảnh. "Có cái sai thì mới có cái đúng được. Điều tốt nhất là Đảng và Nhà nước đã kịp thời sửa sai. Thời đó tôi còn ít tuổi, đến giờ tuổi già càng nhận thức thấy cái sửa sai đó là dũng cảm, mạnh dạn", ông Nhượng nói.
Thiện Thanh


Triển lãm Cải cách ruộng đất: Cần sòng phẳng với lịch sử

TT - 150 hiện vật, tư liệu gốc, ảnh tư liệu lịch sử về cải cách ruộng đất vừa được trưng bày trong triển lãm Cải cách ruộng đất 1946-1957 khai mạc sáng 8-9 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội).



Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến (thứ hai từ phải) đến xem triển lãm Cải cách ruộng đất 1946 - 1957 - Ảnh: Việt Dũng
150 tài liệu, hiện vật có thể là con số không nhiều cho 11 năm công cuộc cải cách ruộng đất các vùng nông thôn Bắc bộ. Không phải chỉ là những con số, tư liệu, báo cáo hay chỉ thị, cải cách ruộng đất thu hút người xem bởi phía sau mỗi bức ảnh, hiện vật là nụ cười, nước mắt.

Thành quả của cải cách ruộng đất

Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia VN, chính sách cải cách ruộng đất của VN tiến hành qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 1946-1949: tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho nông dân.
Giai đoạn 2 từ năm 1950-1953: thực hiện giảm tô giảm tức, hoãn nợ và xóa nợ, thu thuế nông nghiệp, trong đó đánh thuế nặng đối với địa chủ. Giai đoạn 3 (ở miền Bắc) từ năm 1954-1957: phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất triệt để với các hình thức khác nhau như hiến ruộng đất, tịch thu, trưng thu, trưng mua, chia ruộng đất cho tầng lớp cố nông, bần nông và trung nông lớp dưới.
Ông Nguyễn Hữu Kiều (khu tập thể Trường cao đẳng Đường sắt) gợi nhắc đến nụ cười rạng rỡ trong những bức ảnh kỷ niệm về cải cách ruộng đất.
Nụ cười trên khuôn mặt khắc khổ của người nông dân, tay cầm tấm bảng chia ruộng, lần đầu tiên được đứng trên mảnh ruộng của chính mình.
Gian trưng bày của triển lãm dành một phần lớn giới thiệu những bức ảnh đen trắng về những thành quả của công cuộc cải cách ruộng đất mang lại.
Người dân chia ruộng, hăng hái với khẩu hiệu nâng cao sản xuất, rạng rỡ với những vụ mùa đầu tiên. Đời sống cơ cực của người nông dân không có ruộng cũng hiện lên thông qua các trưng bày về đời sống của họ. Các bộ quần áo sờn rách, vá chằng vá đụp, nếp nhà tranh vách đất loang lổ. Ở phía đối diện là cuộc sống của những địa chủ trước đây, áo the, áo lụa, đồ ngọc, sập gụ, tủ chè...
Có mặt tại triển lãm từ rất sớm, thế hệ thứ ba của một gia đình bị xét oan vào thành phần “tư sản cường hào gian ác” chọn gian trưng bày “Sai lầm và sửa chữa sai lầm” của cuộc cải cách ruộng đất 1946-1957 để nán lại thật lâu, xem thật kỹ từng tư liệu đã được lưu trữ và đang được trưng bày.
Vỏn vẹn một bức ảnh lớn ghi lại cảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất tháng 12-1957 cùng vài văn bản như nghị quyết, thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng... là toàn bộ tư liệu dành cho nội dung trưng bày này.
“Phần cải cách ruộng đất được giới thiệu trưng bày bốn nội dung: chủ trương, thực hiện cải cách ruộng đất, sai lầm và sửa chữa sai lầm, hoàn thành thắng lợi, nhưng nội dung thứ ba quá khiêm tốn, nhạt nhòa. Những tư liệu được đưa ra cho công chúng xem vẫn không khác gì cách nhìn rụt rè về cải cách ruộng đất từ... 50 năm trước” - ông Nguyễn Thủy Chung - cháu nội cụ Nguyễn Thị Năm, tức Cát Hanh Long, người hơn 60 năm trước đã bị xử bắn sau khi bị xếp vào thành phần “địa chủ cường hào gian ác” - chia sẻ.
Từ một chủ hiệu buôn Cát Hanh Long lừng lẫy đất Hải Phòng, từng là người đóng góp tiêu biểu cho “Tuần lễ vàng” đầu tiên của đất cảng với hơn 100 lượng vàng, sau năm 1945 cụ Năm tản cư theo cách mạng lên chiến khu, tiếp tục dựng nghiệp với hai đồn điền lớn mua lại của “một ông Tây què” tại Thái Nguyên. Nhưng khi thực hiện thí điểm đấu tố cải cách ruộng đất, cụ lại bị lôi ra xử bắn với tội danh “tư sản địa chủ cường hào gian ác”. Và đến năm 1987, UBND tỉnh Bắc Thái - theo đề nghị của Ban Tổ chức trung ương - đã ra quyết định sửa lại thành phần cho cụ.

Một thời kỳ đau thương và xáo trộn

“Năm tôi 13, 14 tuổi, học lớp 5 ở Trường tiểu học Yên Thái ở Bưởi, cả trường đi xem xử án, bắn địa chủ. Mãi đến năm 1956, tôi mới biết có người bị bắn oan. Nhưng bắn người ta chết rồi còn đâu - đó là một mảnh ký ức của một ông già 74 tuổi ở Bưởi - Tại sao hôm nay tôi đi xem triển lãm này? Không biết nói thế nào. Tôi bảo bạn tôi là tôi đi xem lại thời kỳ đau thương và xáo trộn”.
“Vào thời điểm như thế này nên có một đánh giá chính thức. Cũng đã đến lúc chúng ta phải sòng phẳng với lịch sử. Những gì sai sót cần phải nhìn nhận lại. Mặc dù lần này có đưa ra một số sửa sai. Nói về cải cách ruộng đất thì bao giờ cũng nói về sửa sai. Nhưng cũng phải có lời đánh giá sâu sắc, minh bạch trước toàn dân thì có lẽ cũng đến lúc nào đấy theo tôi nên có” - ông Trần Chiến Thắng (nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT&DL) đề nghị.
“Bởi vì còn nhiều người chưa hiểu về sửa sai trong cải cách ruộng đất. Thứ hai là sau khi sửa sai rồi thì đi về đâu cũng không ai nói một cách kỹ lưỡng. Dù thành tựu của những năm phục hồi kinh tế 1957-1960 là rất lớn, nhưng thành tựu sau sửa sai lại chưa được nói tới. Có thể sang năm kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám sẽ kiến nghị với Bộ VH-TT&DL và các cơ quan liên quan nên làm rõ hơn. Thật ra về phần sửa sai, triển lãm cũng mới chỉ có những nhấn nhá thuộc về nguyên tắc. Sửa sai thì chúng ta sửa sai những cái gì? Cũng phải có thống kê về sửa sai thì có bao nhiêu người được sửa sai kịp thời. Bao nhiêu người không kịp, có những vị bị đội cải cách xử rồi, chôn rồi. Nên nói lại việc đó. Tất nhiên việc này quá lâu rồi, nếu như một lời xin lỗi muộn còn có ích hơn là chúng ta không nói gì” - ông Thắng nói.
* TS NGUYỄN VĂN CƯỜNG (giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia): Triển lãm mới chỉ giới thiệu một phần
Thật ra tài liệu, tư liệu còn nhiều lắm, triển lãm mới chỉ giới thiệu một phần. Trong đó chúng tôi giới thiệu thành tựu là chính, còn sửa sai thì triển lãm chỉ tiếp cận một phần. Những tài liệu, hiện vật liên quan đến việc đó không thể nào đưa ra hết và cho phép công chúng tiếp cận được. Có thể những phần trưng bày này sẽ không thỏa mãn được hết mong muốn của người dân, đặc biệt là những dòng họ, gia đình có liên quan đến cải cách ruộng đất. Thế nhưng cuộc cách mạng có thắng lợi thì bao giờ cũng có những tổn thất. Mà những tổn thất đó thì không thể đi sâu và đưa vào trong một phạm vi triển lãm nhỏ như thế này. Nếu đưa quá nhiều thì lấn át chủ đề chính là những thành tựu chúng ta đã đạt được trong cải cách ruộng đất. Thôi thì cũng phải nói với họ rằng sự hi sinh của họ mang lại nhiều điều tích cực cho đất nước thời kỳ đó.
Những điều cần phải khắc phục, tiếp thu và kiểm điểm, Đảng và Bác Hồ đã làm trong giai đoạn tổng kết sau năm 1956. Tuy nhiên, có những mất mát đã được bù đắp và minh oan. Nhưng cũng có những mất mát không thể nào bù đắp và trở thành nỗi đau kéo dài rất lâu. Và những giá trị bài học ấy luôn có tính thời sự.
* Ông LÊ NHƯ TIẾN (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội): Chính sách cho gia đình bị oan sai chưa được làm đầy đủ
Sau hơn nửa thế kỷ của cuộc cải cách ruộng đất, chúng ta đủ tư liệu và thời gian để có cái nhìn toàn diện, đánh giá khách quan về giai đoạn lịch sử này. Phải khẳng định cải cách ruộng đất là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Sau khi nước nhà độc lập, tất yếu phải thực hiện cải cách ruộng đất để chia đất cho dân nghèo, để người cày có ruộng, nhất là với tầng lớp bần cố nông vốn dĩ trong tay không có chút đất nào canh tác, sản xuất.
Tuy nhiên sau khi chia ruộng đất, giai đoạn đấu tố là một giai đoạn sai lầm. Bác Hồ từng rơi nước mắt thừa nhận những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Tổng bí thư Trường Chinh khi đó là trưởng ban cải cách ruộng đất cũng xin từ chức. Đó là bằng chứng sống cho việc Đảng, Chính phủ đã thừa nhận những sai lầm trong thực hiện cải cách ruộng đất. Có thể hiểu khi đó cả nước hừng hực khí thế, dễ nảy sinh những xử sự thái quá, những quyết định vội vàng, không kỹ lưỡng, gây oan ức cho một số người vô tội. Đã có những địa chủ dù giúp đỡ kháng chiến, rốt cuộc cũng chịu xử bắn khi bị quy vào thành phần “địa chủ cường hào”.
Thực tế chúng ta đã tiến hành sửa sai, nhưng với những người bị oan, bị đem ra xử bắn thì nỗi đau còn âm ỉ dai dẳng, nặng nề trong gia đình, thân nhân họ. Nếu nói còn trăn trở, day dứt gì cho giai đoạn này thì đó chính là việc chính sách, chế độ dành cho gia đình người chịu oan sai chưa được làm đầy đủ, trọn vẹn. Hẳn đó cũng là điều mà người thân của những người phải chịu oan sai còn lấn cấn.
HÀ HƯƠNG - NGỌC HÀ
http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Kinh-te/Du-Lich/Van-hoa/1059683173,Trien-lam-Cai-cach-ruong-dat-Can-song-phang-voi-lich-su.ttm

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"