Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Hậu thuẫn cho lực lượng có xu hướng Dân chủ - thoát Trung trong Đảng: Phải hành động ngay!

Hoàng Lê
Kể từ lúc Trung Quốc rút giàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển VN, nhiều người đã thở dài nhẹ nhõm. Nhưng cũng có không ít những cái nhíu mày âu lo, thậm chí là luyến tiếc, phải chi cái giàn khoan còn nằm đó lâu hơn, thì nó còn hun đúc tinh thần của người VN cao hơn nữa, để khi lên tới cao trào nó sẽ tạo ra sự bùng nổ, dẫn tới sự thay đổi cốt lõi cho vận mệnh dân tộc, theo hướng dân chủ và thoát Trung. Đến nay thì sự lo âu đã dần dần lớn hơn trong lòng mỗi người dân Việt yêu nước thương nòi, thậm chí lớn đến nỗi đã xuất hiện sự bi quan, tuyệt vọng, không biết đất nước này sẽ đi về đâu khi mà những kẻ hèn nhát và bán nước trong chính quyền đang có thời cơ, và ra sức củng cố vị thế của mình. Những tiếng nói chống TQ xâm lược trong chính quyền đang ngày càng yếu đi và trở nên lạc lõng. Lịch sử cho thấy, sau lần căng thẳng với TQ trước đây, thì sự “bình thường hóa” quan hệ đồng nghĩa với việc VN trở nên lệ thuộc vào TQ một cách toàn diện và sâu sắc hơn!

Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ diễn ra đầu năm 2016, nhưng cho tới lúc đó thì mọi sự đã an bài. Nếu không có gì thay đổi thì theo xu hướng hiện nay, những kẻ hèn nhát, bám chân TQ sẽ chiếm ưu thế và sẽ nắm toàn quyền thống trị. Lực lượng có xu hướng dân chủ thoát Trung trong Đảng sẽ bị đè bẹp, thậm chí bị xóa sổ. Chúng ta mong mỏi và đấu tranh để trong 1 thời gian gần nhất VN được dân chủ hóa. Nhưng nếu chưa có được như vậy, thì ít nhất phải làm sao để sau đại hội 12 này lực lượng có xu hướng dân chủ và thoát Trung sẽ phải nắm được ưu thế, từ đó làm tiền đề cho những cải cách sâu rộng, dân chủ hóa, và đặc biệt là không lệ thuộc vào Trung Quốc. Vì vậy, sự hậu thuẫn của toàn dân đối với lực lượng có xu hướng dân chủ thoát Trung trong Đảng tại thời điểm này là cực kỳ quan trọng. Toàn dân phải lên tiếng, hâm nóng lại đề tài chống Trung Quốc xâm lược, tạo ra 1 thái độ rõ ràng, là nhân dân VN coi ai là thù, ai là bạn. Để cho những kẻ hèn nhát bám chân TQ không thể dương oai diễu võ, để cho những người có xu hướng dân chủ thoát Trung trong đảng không bị chèn ép mà lớn mạnh dần lên, từ đó chúng ta mới có thể tiếp tục nuôi hy vọng …
Hiện tại vẫn đang có 1 số hoạt động đáng quý để hâm nóng tinh thần chống sự xâm lược của TQ và đòi dân chủ hóa, như các Đảng viên kỳ cựu ký tên và gởi kiến nghị lên trung ương Đảng, 20 cựu tướng tá lực lượng vũ trang gởi kiến nghị lên chủ tịch nước và thủ tướng, 1 số hội thảo trong nước và quốc tế, một số tờ nhật báo phổ biến của VN duy trì những bài nói về sự xâm lượt của TQ, những tờ báo mạng bất đồng chính kiến vẫn không ngừng đăng lên sự bày tỏ thái độ của công dân… Những hoạt động như vậy cần phải được duy trì và nhân rộng hơn nữa.
Nhưng có lẽ sự bày tỏ thái độ của người dân không có cách nào hiệu quả bằng các cuộc bày tỏ thái độ tập thể và các cuộc xuống đường! Những cuộc xuống đường là không thể thiếu trong bất cứ cuộc cách mạng nào, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Để có được dân chủ, để thoát khỏi vòng kìm tỏa của Trung Quốc, nhất thiết phải có các hoạt động offline, phải xuống đường biểu tình ôn hòa thôi, thưa đồng bào! Phải tạo ra 1 phong trào lan rộng, mạnh mẻ, bền bỉ, để tạo ra và đón lấy thời cơ dân chủ, hoặc ít nhất là để buột tình hình diễn tiến có lợi cho quá trình dân chủ hóa.
Chỉ có điều tại VN chính quyền cộng sản luôn đàn áp 1 cách không nhân nhượng các cuộc xuống đường của người dân, bằng cách chính quy lẫn hèn nhát, như cho công an giả dạng côn đồ, giả dạng làm người biều tình rồi gây mâu thuẩn, tấn công lẫn nhau… Điều này gây ra sự khó khăn vô cùng, có thể làm nản lòng nhiều người. Vậy làm sao chúng ta vẫn có thể bày tỏ được quan điểm của nhân dân mà không bị đàn áp (không cho chính quyền có lý do để đàn áp). Trên tinh thần đó, ngoài những cuộc biểu tình như truyền thống, tôi xin phép đề xuất thêm vài điểm để những cuộc xuống đường của chúng ta an toàn mà không kém phần hiệu quả:
1. Những biểu ngữ, khẩu hiệu có tính chất “ủng hộ”:
Thay vì giơ những khẩu hiệu truyền thống như: “đả đảo”, “phản đối”, “lên án” dễ tạo lý do cho chính quyền đàn áp thì chúng ta sẽ sử dụng những khẩu hiệu có tính chất mềm mỏng mà hiệu quả, ví dụ như: Hoan nghênh sự kiên quyết của chính quyền trong việc chống Trung Quốc xâm lược, Ủng hộ phát biểu của Thủ Tướng chính phủ, Hoan nghênh nghị quyết của thượng viện Mỹ buột TQ rút giàn khoan, Hoan nghênh lực lương chấp pháp trên biển của VN không khuất phục TQ xâm lược…
2. Tường thuật trực tiếp biểu tình:
Với mối quan hệ của mình, Hội Nhà Báo Độc Lập VN mới được thành lập hoặc các tổ chức xã hội dân sự khác có thể dễ dàng mời các hãng thông tấn quốc tế như VOA, BBC, RFA, RFI... tham gia tường thuật trực tiếp các cuộc biểu tình (có thể chỉ cần qua điện thoại, tường thuật bằng báo viết online…), cũng đủ làm chính quyền e ngại nếu muốn vô cớ đàn áp.
3. Những cuộc biểu tình đắt giá:
Đó là những cuộc biểu tình chỉ gồm những người trên 45 hay 50 tuổi, có địa vị xã hội!
Lâu nay đa số các cuộc biểu tình gần như được đóng khung với lực lượng nòng cốt là sinh viên, thanh niên. Các bạn có sự nhiệt tình, tinh thần mạnh mẽ rất đáng quý. Nhưng với chính quyền cộng sản dối trá và hèn nhát như hiện nay thì cuộc biểu tình của các bạn rất dễ bị trà trộn, dễ bị kích động, dễ bị lợi dụng… và do đó dễ bị đàn áp
Thay vào đó, một cuộc xuống đường chỉ bao gồm khoảng 50 người, đều là những người có tuổi, đặc biệt là người có địa vị xã hội, nhân sĩ trí thức, cựu chiến binh… , một cách ôn hòa, cứ đều đặn diễn hàng tuần, tại những vị trí cũng đắt giá như gần tòa nhà quốc hội, các cơ quan chính phủ, UBND tỉnh thành… , sẽ rất khó bị đàn áp, nhưng sẽ tạo nên tiếng vang rất lớn, hiệu quả rất cao. Thiết nghĩ với 61 đảng viên vừa gởi ký kiến nghị gởi lên đảng CSVN, 20 cựu tướng tá của lực lượng vũ trang gởi kiến nghi lên thủ tướng chính phủ và chủ tích nước, hay rất nhiều những nhân sĩ trí thức ký yêu nước trên khắp VN, thì việc tổ chức các cuộc biểu tình như vậy không quá khó
Và sau cùng, xin được nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta cứ mãi miết thể hiện những quan điểm, những bức xúc trên các diễn đàn, mà không có những hành động cụ thể (như các cuộc xuống đường cùng với những hoạt động offline khác), thì có lẽ sẽ không có được bất cứ 1 chuyển biến tình hình nào đáng kể, chứ đừng nói tới mục tiêu to lớn hơn là dân chủ và thoát Trung!
HOÀNG LÊ

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"