Kevin Doyle
Phnom Penh
Theo BBC
Phnom Penh
"...Đó là một cuộc chiến mà
quân đội Việt Nam, lúc đầu được triển khai như những vị cứu
tinh nhưng ngay sau đó lại bị xem là những kẻ xâm lược, đã trả
một cái giá cao ngất về nhân mạng trong một cuộc chiến du kích
tàn khốc kéo dài cả chục năm..."
Vào ngày 30/4 năm 1975, những chiếc trực thăng cuối
cùng của người Mỹ tháo chạy một cách nhục nhã khỏi Sài Gòn
trong lúc những chiếc xe tăng của quân đội Bắc Việt ào ạt tiến
vào thủ đô của miền Nam Việt Nam.
Thắng lợi trước người Mỹ được kỷ niệm hàng năm ở Việt Nam
như là một chiến thắng trước thế lực xâm lược nước ngoài
trong một cuộc chiến giải phóng dân tộc.
Ít được nhắc đến hơn là sự rút lui thầm lặng của quân đội
Việt Nam sau một cuộc chiến rất tai tiếng của chính họ vốn đã
chấm dứt 25 năm trước đây vào chính tháng này.
Cứu tinh hay xâm lược?
Đó là một cuộc chiến mà quân đội Việt Nam, lúc đầu được
triển khai như những vị cứu tinh nhưng ngay sau đó lại bị xem là
những kẻ xâm lược, đã trả một cái giá cao ngất về nhân mạng
trong một cuộc chiến du kích tàn khốc kéo dài cả chục năm.
Vào dịp kỷ niệm 25 năm ngày Việt Nam rút quân khỏi
Campuchia, các cựu chiến binh Việt Nam vẫn còn bị ám ảnh bởi
những ký ức về cuộc chiến với quân đội của Pol Pot.
Một số người tự hỏi vì sao người Campuchia không còn biết
ơn một quân đội đã giúp giải phóng họ khỏi chế độ Khmer Đỏ
tàn bạo.
“Bất cứ ai trở về nguyên vẹn từ chiến trường Campuchia đều
là may mắn,” ông Nguyễn Thành Nhân, 50 tuổi, một cựu chiến binh
tham chiến ở Campuchia và là tác giả của một cuốn tự truyện
viết về cuộc chiến ở Campuchia, nói.
Được đưa đến Campuchia khi mới 20 tuổi, ông Nhân đã chiến đấu
từ năm 1984 cho đến 1987 trong một đơn vị chiến đấu tiền phương
ở gần biên giới Thái Lan-Campuchia – nơi những trận chiến đẫm
máu nhất với Khmer Đỏ đã diễn ra.
Mặc dù Chính phủ Việt Nam không bao giờ xác nhận chính
thức con số thương vong của họ, khoảng 30.000 binh sỹ Việt Nam
được cho là đã thiệt mạng trước khi họ rút quân vào tháng
Chín năm 1989.
Bản gốc của cuốn tự truyện này bị Chính phủ Việt Nam
cấm. Cuốn sách kể lại những gian khổ của người lính Việt Nam
và tình đồng đội của họ trong lúc họ phải tìm cách để giữ
mạng ở một nơi mà người dân cưu mang họ vào ban ngày và đối
mặt với kẻ thù vào ban đêm.
Cũng giống như những người lính Mỹ trẻ đã chiến đấu ở
Việt Nam, những năm tháng của ông Nhân ở Campuchia đã để lại
những vết thương tâm lý không thể phai mờ. Đến bây giờ ông Nhân
vẫn còn gặp ác mộng vào ban đêm và những ký ức vào ban ngày
vẫn gợi lại cho ông nỗi kinh hoàng của cuộc chiến.
‘Vết thương lòng’
“Khi những người đồng đội bỏ mạng, đó là mất mát vô cùng
lớn,” ông Nhân nói, “Trong suốt thời gian xảy ra cuộc chiến,
chiến sự không ngừng nghỉ. Chúng tôi không có thời gian để suy
ngẫm. Chúng tôi phải kiên cường để chiến đấu tiếp. Nhưng hơn 30
năm sau, những ký ức quay trở lại, hết lần này đến lần khác.”
“Vết thương trên cơ thể không nặng lắm nhưng nỗi đau của
chúng tôi là đau trong lòng. Nhiều người lính khi họ quay lại
chiến trường một hai năm sau họ đã hóa điên,” ông nói.
Tình cảnh của họ cũng giống như sự ám ảnh của người lính
Mỹ cách nay một thế hệ đã đến Việt Nam với niềm tin rằng họ
đến để cứu một đất nước để rồi họ nhận ra rằng nhiều người
dân xem họ là kẻ thù.
“Những người lính Mỹ nghĩ rằng họ đang giúp người Việt
Nam. Sau đó, họ đã vỡ mộng” ông Nhân nói, “Chúng tôi, những
người lính ở Campuchia, cũng giống như vậy.”
Quân đội của Pol Pot cũng đã tiến hành những cuộc đột kích đẫm máu xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam mà họ vốn xem là kẻ thù lịch sử, đốt phá làng mạc và tàn sát người dân Việt Nam.
Pol Pot sau đó đã bỏ chạy và thủ đô Phnom Penh được đặt dưới sự kiểm soát của người Việt Nam.
Những người dân Campuchia sống sót dưới chế độ Khmer Đỏ lúc đầu chào đón những người lính Việt Nam như những chiến sỹ giải phóng. Tuy nhiên những năm sau đó, quân đội Việt Nam vẫn còn ở Campuchia và đến lúc đó, nhiều người Campuchia đã xem họ như những kẻ chiếm đóng.
“Quân đội Việt Nam đã được đào tạo và có kinh nghiệm trong việc đánh đuổi lực lượng chiếm đóng và đùng một cái mọi thứ đảo ngược. Họ phải xâm lược Campuchia và chiếm đóng đất nước này và sau đó đã thành công trong việc dựng lên một chính phủ và lên kế hoạch rút quân,” ông Thayer nói.
‘Không mang ơn’
Không giống như những cuộc chiến chống Mỹ và chống Pháp, cuộc chiến của Việt Nam ở Campuchia không được nhắc nhiều với công chúng, vị giáo sư Úc cho biết thêm.
Khi những người lính trở về từ chiến trường Campuchia một cách lặng lẽ không giống như những cuộc chiến trước đó. Họ có cảm giác họ ‘bị quên lãng’.
Campuchia cũng không thể hiện sự mang ơn. Đây là một đất nước mà sự thù địch với Việt Nam vẫn còn rất phổ biến.
Ngày nay, nhiều người ở Campuchia vẫn muốn quên rằng Việt Nam đã cứu đất nước của họ khỏi cuộc cách mạng tàn ác của Pol Pot.
Cứ mỗi vài tháng, một hội cựu chiến binh tham chiến ở Campuchia lại gặp gỡ ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại một cuộc gặp ở một ngày Chủ nhật gần đây, họ bắt đầu với một bài diễn văn chào đón ngắn rồi sau đó họ cụng ly với rượu đế.
Một cựu chiến binh có tên là Lê Thanh Hiếu, có lẽ là vì phép lịch sự, đã kể lại một cảnh tượng mà ông không thể quên trong những ngày đầu tiên ông đến Campuchia vào năm 1979.
Đơn vị của ông Hiếu đã truy đuổi quân Khmer Đỏ đến biên giới với Thái Lan. Ông nhớ lại ông đã nhìn thấy người dân Campuchia nằm chết đói bên vệ đường.
“Người chết ở khắp nơi. Họ chết vì đói,” ông Hiếu, giờ đã 54 tuổi, nói, “Chúng tôi không có cơm gạo để cho họ. Chúng tôi chỉ có khẩu phẩn của quân đội cho mình mà thôi.”
“Tôi không muốn trải qua cảnh này để bây giờ có cái kể cho anh nghe,” ông Hiếu nói.
Việt Nam không muốn lãng quên hoàn toàn cuộc chiến với Campuchia, ông Nhân nói, mà Việt Nam chỉ muốn nhớ cuộc chiến này như là một cuộc tấn công thần tốc, thắng lợi để lật đổ Pol Pot.
Bị lãng quên nhất, theo ông Nhân, là 10 năm bị tấn công theo kiểu đánh rồi chạy và những người cựu chiến binh vẫn còn hằn sâu vết thương từ cuộc chiến.
“Đối với tôi, sự thật cần được nói ra,” ông nói.
“Đôi khi tôi nghĩ rằng những người đã chết là may mắn. Họ đã yên nghỉ. Còn chúng tôi phải sống khổ mỗi ngày. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục sống.”