Thứ Năm, 18 tháng 9, 2014

Cải cách ruộng đất với nhà ông ngoại tôi và nhà tôi

Từ Anh
hqdefault.jpg
Ảnh có tính minh họa ( nguồn: Internet)

Ông ngoại tôi tên là Chu Đinh Hoan, sinh năm 1894 tại thôn Phượng Kiều, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nông dân có học.

Ông tôi dạy chữ Nho nên bà con trong làng thường gọi là “ông giáo Hoan”. Học trò khoảng 6, 7 người, quê ở Nam Đàn, Đức Thọ, Hương Sơn. Ông tôi dạy những người đã lớn tuổi chứ không phải các trò nhỏ. Học trò có người đã có vợ. Thường thì có 2, 3 người ăn ở ngay nhà ông, mỗi tháng về nhà một hai lần. Bà tôi lo cày sâu cuốc bẩm, làm thêm nghề chăn tằm.

Ông tôi là một ông giáo mẫu mực nên rất được học trò kính trọng. Tết năm Đinh Mão 1927, học trò của ông tặng thầy bức hoành phi sơn son, có khắc 2 chữ “Đẩu vọng” thếp vàng. Sau này bố tôi giải thích cho tôi rằng học trò của ông coi ông như ngôi sao bắc đẩu, các bác ấy luôn luôn nhìn vào đó để định hướng đi.

Năm 1930, ông tôi và người em ruột là Chu Đình Đệ gia nhập đảng cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bắt đầu rơi vào cảnh thoái trào, hai anh em ông tôi bị Pháp bắt cùng với nhiều đồng chí khác. Gia đình ông tôi bị tịch thu tài sản, hai anh em cùng bị xử tù 5 năm và cùng bị giam tại lèn Kim Nhan thuộc huyện Anh Sơn.

Không biết vào tù bị tra khảo, đánh đập thế nào mà khi thả về, ông tôi bị lệch một bên người, lưng còng xuống. Cả hai anh em bị ốm, phải phục thuốc hàng năm trời. Ông Chu Đình Đệ thì mất sau đó mấy năm, để lại bà mới hơn 30 và 2 người con dại, cậu Đàn và dì Nữ.

Vì ốm yếu, ông tôi không “thoát li” mà ở nhà làm ruộng, cũng không dạy học nữa. Tuy vậy, ông vẫn rất tận tâm với đảng. Ông đã bồi dưỡng, dẫn dắt bố tôi, con rể ông bà là Từ Đức Xuân và người con cả là Chu Mai hoạt động từ trước Tổng khởi nghĩa. Sau 1945, ông lại bồi dưỡng cho người con trai thứ là Chu Thành Phiên (sinh sau mẹ tôi) và chồng dì tôi, chú Hồ Duệ, vào đảng năm 1950, thời đảng đang “giải tán”. Cậu Mai bị dị tật bẩm sinh (hàm ếch) nên ông để ở nhà, lập gia đình rồi ra ở riêng, tham gia cấp ủy.

Năm 1950, khi mẹ tôi còn mang thai em gái út của tôi, ông động viên bố tôi (đang làm giáo viên ở Nghi Lộc) thoát li và được tổ chức phân công vào vùng ”Bình Trị Thiên khói lửa” làm giáo viên tiểu học. Khi mặt trận Bình Trị Thiên bị vỡ, bố tôi được điều ra Nghệ An.

Năm 1951, ông lại cho cậu Phiên , khi đó đang dạy học ở Nghi Lộc tòng quân khi cậu mới cưới vợ chưa được 6 tháng và mợ đang mang thai 2 tháng. Cậu sang Thượng Lào chiến đấu và hi sinh tại đó năm 1953. Khi nhận giấy báo tử, bà ngoại tôi khóc ngất, ông tôi nằm bỏ cơm 2 ngày. Mợ tôi như người phát điên, gào khóc suốt ngày, xỏa tóc đi khắp xóm. Đến nay, đã bằng rất nhiều cách, kể cả “ngoại cảm”, mộ cậu tôi vẫn chưa được tìm thấy.

Cuối năm 1955, Cải cách ruộng đất đợt VI lan đến xứ Nghệ.

Gia đình ông ngoại tôi bị quy là địa chủ kiêm phản động. Cái nhà ngói 5 gian bị tịch thu. Ông, bà và cậu út xuống ở nhà bếp. Trâu lợn chó gà bị bắt hết. Bà tôi và cậu út phải cuốc đất và kéo bừa thay trâu.

Họ bắt ông tôi ra cho nông dân đấu tố. Ông tôi không thuê mướn ai nên khó quy là “bóc lột”. Họ đấu ông tôi tội phản động. Họ bảo ông tôi là “Quốc dân đảng” chui vào đảng công sản Đông Dương để phá đảng. Đi tù là “khổ nhục kế” để che mắt thiên hạ mà thôi. Họ bảo trong tù, ông tôi khai báo các cơ sở đảng cho mật thám bắt nhiều đảng viên. Họ còn bảo ông tôi xúi bố tôi vào Bình Trị Thiên để bắt liên lạc với Pháp nhằm dẫn Pháp về đánh vào vùng tự do Nghệ An. Toàn những chuyện trời ơi đất hỡi, vu vơ vút vít ở đâu đâu. Ông tôi không nhận tội nào cả. Nông dân tham dự cuộc đấu lại khản cổ gào: “Đả đảo thằng Hoan ngoan cố!”, “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!” “Kiên quyết đấu gục thằng Hoan tại chỗ!”, “Kiên quyết! Kiên quyết!” Kiên quyết!”.

Đấu 2 đêm liền không “gục”, họ lại tiếp tục truy bức ông tôi tại nơi tạm giam mấy đêm liền, đêm nào cũng từ đầu hôm đến 2, 3 giờ sáng. Họ cùm chân ông tôi, đóng chốt thật chặt. Rất đau, nhưng ông tôi không khóc, chỉ nghiến răng và kêu trời.

Hăm tám Tết, họ cho ông tôi tạm về nhà. Mồng 2 Tết Bính Thân năm 1956, lúc bà tôi và cậu út ra đồng gieo lạc, ông tôi treo cổ tự tử. Đám tang ông tôi chỉ độ hơn mươi người. Cả nhà tôi 5 người, đội chỉ cho một mình mẹ tôi đi đưa tang, bốn cha con tôi phải ở nhà. Năm đó, tôi nhớ rõ, mấy tháng liền, đêm nào mẹ tôi cũng tấm tức khóc cha, người như xác mắm.

Năm 2000, phía Pháp gửi tặng Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh mấy trăm hồ sơ của các đảng viên đảng Cộng sản Đông Dương bị bắt và bị xử tù năm 1930 – 1931. Căn cứ vào đó, Tỉnh ủy Nghệ An ra Quyết định công nhận ông tôi là đảng viên từ năm 1930, là Lão thành cách mạng. Cậu út tôi đem Quyết định đó lồng khung kính. Ngày giỗ ông tôi, cậu lại đem đặt lên bàn thờ.

Ông tôi mất độ một tháng, gia đình tôi cũng bị quy là địa chủ. Bố tôi bị bắt, bị giam, có du kích gác. Tôi lúc ấy đã lớn, 12 tuổi, ngày hai bữa đưa “cơm” cho bố. Tôi bỏ học, đi mót khoai, mót lúa, cùng mẹ đi bắt hến ở sông Lam, đi bứt cây rành rành trên các đồi ở Hương Sơn về buộc thành chổi bán… Dép guốc họ thu hết, chúng tôi phải đi chân đất. Em trai tôi lúc đó 7 tuổi cũng phải hàng ngày lẽo đẽo theo anh đi mót. Nông dân tịch thu mọi thứ được coi là “công cụ lao động”, chỉ cho cả nhà tôi 1 cái cuốc, 2 cái liềm, 2 cái dao, 1 cái rựa. Họ niêm phong nhà ngói 3 gian, cho cả nhà tôi 5 người ở cái nhà bếp lợp tranh khoảng 12 m2.

Cuộc sống lúc đó thật cùng cực, đã khổ về vật chất lại nhục nhã về tinh thần. Ra đường cứ cúi mặt xuống mà đi, không dám nhìn ngang, nhìn ngửa, sợ bị quy là “dò xét”. Anh em tôi đi mót, bị trẻ con nông dân đánh đập, xỉ nhục mà chả có ai bênh. Họ sợ bị quy là “bênh vực con địa chủ”. Thậm chí có người còn “động viên” bọn nhỏ: “Đánh chết hết nòi địa chủ đi bay!”. Nhiều hôm tôi và bố mẹ phải dậy lúc nửa đêm, lén hai em tôi để đi vào vùng núi Hương Sơn cắt rành rành về buộc làm chổi bán. Sáng ra, thức dậy không thấy bố mẹ, các em tôi sợ, ôm nhau khóc. Khóc chán, chúng lục khoai ăn. Chúng cứ ở trong nhà không dám ra đường vì sợ bị trẻ con nông dân đánh. Thường thì khoảng 8, 9 giờ tối, bố mẹ và tôi mới về đến nhà. Lúc đó, hai em tôi đã ôm nhau ngủ đói.

Anh em ruột thịt nhà tôi đa số là địa chủ, không ai giúp được ai. Bà con họ hàng, xóm giềng thì sợ bị quy là “liên hệ” nên ít ai dám cho củ khoai, mớ rau, bát gạo. Cạnh nhà tôi có bà Phú rất tốt bụng. Thấy cảnh nhà tôi khổ quá, bà gọi thằng em tôi đến ở nhà bà, chăn bò cho bà. Mới được 2 hôm, đội gọi bà lên, bắt bà không được thuê em tôi chăn bò nữa.

Đầu cổng nhà tôi người ta treo một cái biển viết 3 chữ to: Nhà địa chủ. Người ta xúi giục theo dõi lẫn nhau, phát hiện cái gì thì cấp báo cho đội nên nhất cử nhất động trong thôn, đội và “cốt cán” biết hết.
Tôi nhớ hôm đấu bố tôi, mọi người tập trung đầy sân nhà ông Phớt, rễ chuỗi của đội. Các gia đình địa chủ bắt phải dự đấu tố, ngồi ở cuối sân. Dân quân áp giải bố tôi vừa đến đầu ngõ, ai đó trong sân đã hô to, rất đanh thép: “Đả đảo tên địa chủ Xuân!” Cả sân rần rần hô theo; “Đả đảo! đả đảo! Đả đảo!”, “Kiên quyết đấu gục thằng Xuân tại chỗ!” ” Kiên quyết! Kiên quyết! Kiên quyết!”; “Có khổ nói khổ, nông dân vùng lên!” ” Vùng lên! Vùng lên! Vùng lên!”…

Bố tôi đứng dưới sân, chếch bên phải Đoàn chủ tịch. Chủ tịch đoàn gồm 3 người, ngồi trên thềm, cao hơn sân khoảng nửa mét.

Những người lên đấu bố tôi đứng trên thềm, bắt bố tôi ngẩng mặt lên, chỉ nắm đấm vào mặt bố tôi, nghiến răng kể tội. Vì nhà tôi cũng nghèo, chỉ có cái nhà ngói 3 gian, dăm sào vườn, gần 2 sào đất hương hỏa do ông bà tôi để lại. Không phát canh thu tô nên chẳng có tội gì ghê gớm. Bố tôi người yếu, lại bị khoèo cánh tay trái, chỉ còn mỗi cánh tay phải. 3 anh em tôi còn nhỏ, một mình mẹ tôi không thể cáng đáng hết việc nên phải thuê người ở. Đó là tội bóc lột. Nhưng rất hài hước là đội “bồi dưỡng” cho chị Cúc, người ở của nhà tôi đấu bố tôi, chị không đấu. Chị nói: “Cậu mự nớ rất tốt với tui, coi tui như em ruột, đấu thì nói răng?”. Đội phải “bồi dưỡng’ người khác đấu thay chị Cúc. Có người đấu tố bố tôi là “Quốc dân đảng”, là phản động. Có người đấu tố bố tôi âm mưu giết ông ngoại tôi bằng thuốc độc để “bịt đầu mối”. Có người đấu bố tôi, nói bố tôi trốn vào Bình Trị Thiên để hòng đi theo Pháp làm Việt gian… Nói tóm lại là “rất linh tinh”. Bố tôi không nhận tội nào hết.

Bố tôi bị đi tù hơn 1 năm thì được thả về, chỉ còn da bọc xương. Ghẻ khắp người, phải tắm nước lá xoan ba tháng liền mới khỏi. Bố tôi lại còn bị sốt rét nữa, mỗi ngày lên 1 cơn vào buổi chiều. Uống thuốc vặt nửa năm mới dứt.

Lúc sửa sai, nhà tôi được “xuống” trung nông. Cái nhà ngói được trả lại nhưng vườn thì họ cắt cho hai nhà bần nông vào ở, mất hơn một nửa. Còn của cải thì bị đem chia “quả thực” hết, không trả cái gì.

Cứ sống lay lắt thế cho đến năm 1959, bố tôi xin quay lại nghề dạy học. Mẹ tôi vào hợp tác xã nông nghiệp. Tháng 2 năm 1965, tôi đi bộ đội, chủ yếu ở khu Bốn và B5. Mãi tới 30 tháng 10 năm 1975 mới được ra quân.

Đến hôm nay, ba anh em tôi ai cũng có gia đình, có cháu nội ngoại, con cái, dâu rể đều có việc làm. Bố tôi được công nhận là “Cán bộ Tiền khởi nghĩa”.

Bố mẹ tôi đồng cung, năm nay đã 92 tuổi, đang sống tại xóm Bệnh Viện, thị xã Thái Hòa, Nghệ An với gia đình chú em tôi.

Đó là “tên địa chủ” duy nhất của xã tôi hiện còn sống.

TỪ ANH

(Tác giả gửi Quê Choangày 17/9/2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"