Nguyễn Tiến Dũng
Chiểu theo hiến pháp (dự thảo 01/2013), cơ chế tổ chức quyền lực ở cấp trung ương của Việt Nam gồm có:
- Đảng: lãnh đạo toàn bộ nhà nước (Điều 4). Ngoài ra, có điều khoản
ghi quân đội phải tuyệt đối trung thành với Đảng (Điều 70). Đảng không
do dân bầu ra.
- Nhà nước: Từ “nhà nước” hiểu theo hiến pháp gồm có Quốc hội (lập
pháp), Chính phủ (hành pháp), và Tòa án (tư pháp). Quốc hội là quyền lực
nhà nước cao nhất (Điều 74). Quốc hội do dân bầu ra, với nhiệm kỳ 5 năm
(Điều 76). Quốc hội bầu ra chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, và chánh
án tòa án nhân dân tối cao, với cùng nhiệm kỳ như là nhiệm kỳ của quốc
hội.
Nếu tạm thời chưa tính đến vai trò của Đảng, thì chính quyền ở Việt
Nam cũng có phân làm 3: lập pháp (Quốc hội), Hành pháp (Chính phủ), và
Tư pháp (Tòa án). Tuy nhiên, độ độc lập của tòa án bị hạn chế, vì chánh
án tòa án tối cao do Quốc hội bầu ra và Quốc hội có thể bãi nhiệm, nhưng
không có cơ chế trong hiến pháp cho phép ông chánh án này khởi tố các
nhân vật cao cấp của chính quyền như là ở các nước khác. Hệ quá là, sự
kiểm soát từ phía tư pháp đối với chính phủ rất lỏng, không tuân theo
nguyên lý “phân quyền và kiểm soát lẫn nhau” của Montesquieu.
Vì nhân dân chỉ bầu quốc hội, rồi quốc hội chỉ định ra chủ tịch nước,
thủ tướng và chánh án tối cao, chứ nhân dân không được bầu chủ tịch
nước (tức là tổng thống), nên sự kiểm soát của nhân dân với nhà nước chỉ
qua 1 kênh quốc hội chứ không có được nhiều kênh. Tất nhiên, càng ít
kênh kiểm soát, thì sự kiểm soát càng lỏng lẻo, khả năng thực hiện quyền
dân chủ càng ít. Nhưng với sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ nhà
nước (trong đó có cả Quốc hội), tình hình trở nên khác hẳn. Trên thực
tế, Quốc hội được bầu ra là theo ý Đảng: những người không được Đảng lựa
chọn thậm chí không được ứng cửa vào Quốc hội, có tự ra ứng cử cũng bị
gạt đi từ vòng loại bên ngoài với các lý do dẫn đến “không đủ tư cách”.
Với 90% đại biểu Quốc hội là Đảng viên, Quốc hội thực chất nằm dưới sự
điều hành của Đảng. Các chức vụ như thủ tướng, chủ tịch nước, và chủ
tịch Quốc hội, tuy trên danh nghĩa là do Quốc hội bầu, nhưng thực tế là
được xếp đặt trong Đại hội Đảng, Quốc hội chỉ việc thông qua.
Như vậy, về mặt bản chất, hiến pháp Việt Nam là một hiến pháp Đảng
trị, chứ không phải là dân chủ hay luật trị: dân không được quyền bầu ra
lực lượng lãnh đạo cao nhất (Đảng), và Đảng không chịu sự kiểm soát
thực sự nào từ phía nhân dân.
Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ tham nhũng thuộc loại cao nhất trên
thế giới. Theo Transparency International, Việt Nam chỉ được 3.1 điểm về
độ minh bạch, đứng thứ 123 trên thế giới, so với những nước minh bạch
nhất như Thụy Điển đạt 9 điểm. (Xem: http://cpi.transparency.org/cpi2012/results/)
Sự tham nhũng này ảnh hướng rất xấu đến kinh tế, xã hội, và phá hoại
môi trường. (Nói một cách đơn giản, từng người dân hàng năm mất hơn 10%
thu nhập cho tham nhũng, và cách làm giàu dễ nhất là tham nhũng và rút
ruột nhà nước). Chính quyền của Việt Nam (hay có thể nói là ĐCS) có
nhiều lần tỏ ra muốn đấu tranh chống tham nhũng (gần đây nhất là chiến
dịch “phê và tự phê” cuối năm 2012) nhưng vô hiệu quả. Thất thoát chỉ
riêng ở một tổng công ty của nhà nước đã lên đến vài phần trăm GDP, mà
rồi cuối cùng vẫn hòa cả làng, hầu như không có ai chịu trách nhiệm?
Nguyên nhân chính nằm ở đâu? Nó không nằm ở con người, mà ở cơ chế: Việt
Nam hiện không có một cơ chế hiệu quả để kiểm soát quyền lực của chính
quyền (ở trung ương, cũng như ở địa phương, trong mợi cơ quan của nhà
nước), và do đó không thể kiểm soát được tham nhũng, dù có muốn chống
tham nhũng đến mấy.
Sự thiếu cơ chế kiểm soát chính quyền nằm chính ở chỗ không có cơ chế
kiểm soát của nhân dân với chính quyền (hay nói cách khác, tức là thiếu
dân chủ ) và không có sự độc lập giữa các bộ phận của chính quyền (mọi
thứ đều túm vào một mối). Dù ĐCS Việt Nam đã từng có công thế nào trong
lịch sử đi nữa, thì cơ chế tổ chức chính quyền hiện tại vẫn là không hợp
lý (không thể chống tham nhũng, lạm quyền), và cần thay đổi một cách cơ
bản, cần các cơ chế tăng cường sự kiểm soát thực sự của dân với chính
quyền, thì mới có thể chống tham nhũng và đảm bảo sự phát triển lành
mạnh của kinh tế xã hội. Đây là một vấn đề khá bế tắc, nan giải. Có
những hướng giải quyết khác nhau, phụ thuộc vào chuyện ĐCS sẵn sàng
nhượng bộ đến mức nào khỏi vị trí “quyền lực tuyệt đối không ai kiểm
soát” của mình.