Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Tiền, tiền, tiền

Nguyễn Đại
Năm nay tình hình kinh tế khó khăn thấy rõ. Doanh nghiệp thi nhau giảm biên chế, làm thủ tục phá sản. Rất nhiều người mất công ăn việc làm, trong đó có tôi. Nhưng “tái ông thất mã”, nhờ vậy mà lại có thời gian để đọc nhiều. Vả lại thời “đêm trước đổi mới” còn không chết đói thì giờ này ăn thua gì. Nhưng trong khi đọc thì thấy hình như do bị ám ảnh khủng hoảng kinh tế, bao nhiêu chuyện xã hội bị quy hết thành tiền.

Những người được thuê để đàn áp người dân tới dự phiên tòa công khai xét xử 14 thanh niên công giáo Vinh đang ngồi chia tiền sau phiên tòa.
1. Trên 1 blog nọ, có 1 comment hỏi “Tại sao Ông Nguyễn Huệ Chi, là chủ biên của cuốn "Những suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù" lại thay đổi như vậy? Mà cuốn đó Huệ Chi viết cũng hay”. Chủ blog trả lời là NHC viết vậy để ăn tiền. Thật ra tôi không biết các bác sáng lập trang bauxite phản biện các chính sách của Nhà Nước có phải để ăn tiền không, và nếu có thì ăn bao nhiêu. Trong khi đó, với học hàm Giáo sư, và nếu chịu khó tiếp tục ca ngợi “Nhật ký trong tù” thì chắc chắn thu nhập không phải ít, lại còn được đề bạt chức này chức nọ (nếu thực sự ham tiền thì tha hồ chấm mút). Mặt khác, trang bauxite mở ra có ý nghĩa rất lớn về mặt dân chủ hóa đất nước. Ngoài các vị sáng lập thì ở đây có sự góp sức của rất nhiều trí thức hàng đầu của Việt Nam cả trong và ngoài nước. Nhà Nước mình lại là Nhà Nước dân chủ hơn triệu lần bọn tư bản, và Nhà Nước đang ra sức xây dựng xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” (nhấn mạnh 2 chữ “dân chủ” đứng trước”). Hệ quả là trang bauxite rất được Nhà Nước ủng hộ (“danh sách cấm” trong chỉ thị 1786 của Thủ tướng không có bauxite). Vậy cái câu trả lời “để ăn tiền” ở trên đầy tính áp đặt, hằn học, ghen ghét. Chính xác phải trả lời “Nguyễn Huệ Chi thay đổi như vậy là vì quá trình dân chủ hóa theo đúng chính sách của Đảng và Nhà Nước”.
2. Câu chuyện thứ 2 chính tôi nghe thấy từ một bác chạy xe ôm. Bác ấy than mấy tuần nay không thấy ai gọi xe ôm chở đi biểu tình chống Trung Quốc. Bác ấy kết luận 1 câu là “chắc tụi nước ngoài nó hết cho tiền nên không đi nữa”. Tôi nghe mà ngán ngẩm cho dân trí mình. Mà nghĩ cũng tài, thế quái nào mà nhồi được vào đầu bác xe ôm cái suy nghĩ “biểu tình vì tiền”. Thường nếu phải đi làm chủ nhật sẽ được trả gấp đôi. Vậy mà rất nhiều người không thích đi, họ thích ở nhà với vợ con, uống café, đánh cờ tướng với bạn bè. Trong khi những công dân đó chấp nhận hi sinh, xuống đường để bày tỏ quyền chủ quyền của Việt Nam. Thử hỏi có đồng tiền nào trả cho đủ không? Và thử hỏi có ai chấp nhận đổi tiền lấy việc bị bắt, bị đạp vào mặt không? Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trung Quốc nó có dã tâm lấy 2 quần đảo này. Chúng ta không chấp nhận điều đó. Chúng ta phản ứng bằng nhiều cách, trong đó có biểu tình. Tất nhiên không phải 100% người biểu tình là yêu nước (có thể 99%), và cũng không phải yêu nước thì sẽ đi biểu tình. Cũng có cách khác như “văn nghệ sĩ hát tại Trường Sa”, “góp đá xây Trường Sa”. Tất cả những việc này có 2 tính chất: Đúng lương tâm và không phạm pháp. Mà nếu ai đó làm một việc vừa đúng lương tâm vừa không phạm pháp thì nếu có vì tiền cũng có sao đâu. “Văn nghệ sĩ hát tại Trường Sa vì tiền” thì có gì sai? Bao lâu nay, bên xấu thì cố cãi “tụi nó biểu tình vì tiền”, bên tốt cố gắng chứng minh “chúng tôi biểu tình vì tình”. Như phân tích ở trên, phải khẳng định hai ý: không ai đi biểu tình vì tiền mà nếu có thì cũng vẫn… “xin cảm ơn”.
3. Cũng nhờ có thời gian mà giờ đọc gần hết… cuốn 1 “Bên Thắng Cuộc”. Anh Huy Đức viết cuốn này công phu thật. Hơn 1000 trang sách đầy ắp thông tin giá trị. Tôi chưa thể bình luận về cuốn sách bởi vì chưa đọc xong. Tôi không chấp nhận việc đọc qua loa rồi khen (mang tính phong trào). Lại càng không đọc qua loa rồi phê phán xằng bậy (cái này còn tệ hơn – là ác độc). Nhưng tôi dám chắc một điều là tác giả bỏ rất nhiều công sức để thu thập và tổng hợp tài liệu. Làm việc cực nhọc để cho ra một cuốn sách giá trị thì tất nhiên phải có… tiền. Người ta lải nhải một cách ấu trĩ “Huy Đức viết sách vì tiền”. Văn học nghệ thuật là một hoạt động đặc thù, không đam mê không theo được nhưng muốn theo thì phải có tiền. Nhà văn, nhà báo nào mà không kiếm tiền bằng nhuận bút? Vả lại, số tiền từ cuốn sách có bằng số tiền tác giả làm việc khác trong cùng thời gian đó? Bao gồm thời gian thu thập và tổng hợp thông tin, viết bản thảo, sửa chữa…
Tâm tiểu nhân sẽ thấy ai cũng là tiểu nhân. Tâm nhỏ hẹp nên nhìn đâu cũng thấy TIỀN, TIỀN VÀ TIỀN!
Nguyễn Đại – 6/2/2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"