Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Thương nhau như thế bằng mười giết nhau

Minh Văn

Chỉ còn mấy ngày nữa là đến tết nguyên đán, màn sương bàng bạc che phủ xóm làng một ngày cuối Đông. Không gian yên tĩnh ru mọi người chìm trong giấc ngủ say nồng. Bấy giờ là 5 giờ sáng giờ địa phương. Người dân chợt choàng tỉnh bởi âm thanh chát chúa phát ra từ những chiếc loa công cộng công suất lớn. Người ta càu nhàu rồi kéo lại chiếc chăn ấm vừa bị tung ra do giật mình. Những người già vốn bị bệnh mất ngủ, mới chợp mắt được một lúc cũng bị đánh thức bởi tiếng loa, đành phải nằm chịu trận cho đến sáng. Trận oanh tạc âm thanh bắt đầu bằng bài nhạc hiệu Hồ Chí Minh đẹp nhất tên người, sau đó là bản tin nhà nước được mở to đến nổi không ai có thể làm ngơ, cho dù giấc ngủ đang quyến rũ họ. Phần cuối là thông báo của Ủy ban nhân dân về lịch nông vụ, cùng nhiều thông báo “quan trọng” khác. Buổi phát thanh sáng thường kéo dài một giờ đồng hồ, ngày nào cũng như vậy.

Hôm nay loa phát thanh có một thông báo quan trọng, ấy là việc nhà nước phát gạo cứu đói cho dân trong dịp tết nguyên đán. Theo đó thì do nhà nước quan tâm đến cuộc sống của người dân, mà quyết tâm không để một ai thiếu đói trong dịp tết. Danh sách những “nạn nhân” được cứu đói toàn những Phạm này Trần nọ, nghe cứ như tên của các vị tiền bối cách mạng Cộng Sản vậy. Ấy nhưng con cháu các vị ấy bây giờ ở vị trí phát chẩn, còn người thiếu đói chuyển sang cho dân hết rồi. Mỗi xóm như vậy cũng có dăm hộ được cứu đói, mỗi hộ được lãnh 15 kg gạo. Tuy đang cuộn mình trong chăn, nhưng cụ Mướp cũng phải dỏng tai để nghe thông báo, đến đây cụ chép miệng: “Nhà nước cướp của cả dân tộc, mà chỉ cứu đói cho mấy người thì lãi chán. Ôi dào! Thương nhau như thế bằng mười giết nhau...”.
Kế đó là thông báo của chính quyền về lịch xuống đồng. Ban chỉ đạo nông nghiệp nhắc nhở bà con nông dân lấy nilon che cho mạ để chống rét. Đồng thời họ khuyến cáo bà con chưa được xuống đồng cấy, nếu ai vi phạm lịch nông vụ thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Cụ Mướp lại nghĩ bụng: “Ban nông vụ chỉ đạo sai, mất mùa thì chẳng thấy ai nói gì, lúc nào cũng bắt dân chịu trách nhiệm cả. Thời đại bây giờ người ta canh tác bằng máy móc tự động hết rồi, nhà nước vẫn bắt dân mình cấy lúa, trời lại rét như thế này. Thương nhau như thế...”.
Khi chỉ đạo như vậy, hẳn nhà nước muốn mọi người hiểu rằng họ quan tâm và lo lắng cho người dân. Không hiểu những người được cứu đói nghĩ gì, nhưng chắc chắn lúc này họ có nhiều tâm trạng quấn quýt lấy nhau, trong đó có cả bi và hài. Những người Nông dân cũng vậy, họ không biết nên khóc hay nên cười nữa?
Tuy cùng tâm trạng với cụ Mướp, nhưng chúng tôi cũng không ngạc nhiên lắm. Vì từ xưa tới nay, đảng Cộng Sản vẫn thường “thương” dân kiểu đó nhiều rồi.
Mới đây nhất, chúng tôi được chứng kiến sự “thương” dân của nhà nước trong cuộc bầu cử Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Ấy là ti-vi nhà nước chiếu cảnh người của Ủy ban bầu cử bê thùng phiếu đến tận bệnh viện để phục vụ người bệnh. Theo đó, họ giống như những người đầy tớ tận tụy bê tráp cho các quan ngày xưa, người bệnh thì nằm đàng hoàng trên giường, chỉ việc bỏ lá phiếu vào thùng. Ôi, sự phục vụ và bảo vệ quyền lợi cho người dân như thế cũng thật phi thường, trên thế giới không có nước nào bằng được. Thú thực, chúng tôi đã rơi nước mắt khi xem cảnh này. Đúng là dưới chế độ của Đảng và Bác Hồ, người dân thực sự được “làm chủ” mà. Làm gì có nhà nước nào “thương” dân hơn thế nhỉ?
Xa hơn một chút là chuyện xây dựng hợp tác xã ngày xưa. Nhà nước nói rằng làm như thế là cho công bằng, để xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản gì gì đó. Mọi người cùng làm cùng hưởng, ai cũng được chia phần đều nhau. Kết quả là cả nước đói gần chết, tình trạng bất mãn trong dân tăng cao. Nhà nước hoảng quá mà phải đề xướng công cuộc đổi mới từ năm 1986, nhờ vậy mà chế độ mới thoi thóp được đến hôm nay.
Rồi lại đến chuyện thời bao cấp. Theo đó thì nhà nước quản lý và lo tất cả cho dân, từ lương thực cho đến cái kim sợi chỉ. Mọi thứ đều phải chịu sự phân phối của nhà nước. Chuyện ăn chuyện uống, sự sống cái chết của dân đều do nhà nước nắm giữ cả. Vậy thì nhà nước như cha mẹ còn gì? Vì thế mà người dân luôn phải biết ơn Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Thời này trong dân gian sản sinh ra một câu nói nổi tiếng còn lưu truyền đến ngày nay: “Trông mặt như mất sổ gạo”. Câu này để ám chỉ những ai hốt hoảng, lo sợ một cái gì đó. Đó là tâm trạng của một người bị “mất sổ gạo” thời bao cấp. “Mất sổ gạo” là bị cắt dạ dày, cả nhà coi như chết đói.
Đảng Cộng Sản tuyên truyền rằng: “Nếu như không có Bác Hồ thì đất nước ta không có thái bình ngày hôm nay”. Trời đất ơi, 30 năm chiến tranh mà Đảng gọi là thái bình sao?. Mấy triệu xương máu của đồng bào đã hy sinh để có một chế độ độc tài khốn kiếp thế này sao? Khi xây dựng chủ nghĩa Cộng sản, họ nói là để có một xã hội bác ái, không còn cảnh người bóc lột người. Vậy mà Đảng Cộng sản phân biệt giai cấp và ý thức hệ, giết hại hàng triệu đồng bào, đưa đất nước vào vòng bể dâu. Họ thương con người đến như vậy sao? Cái khẩu hiệu tối nghĩa mà từ khi họ đưa ra đến nay chưa có nhà thông thái nào hiểu được, ấy là: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Người dân bị đảng lãnh đạo, bị nhà nước quản lý thì không hiểu làm chủ bằng cách nào?
Thương nhau như thế bằng mười giết nhau mà!
Dùng vũ lực cướp lấy chính quyền, xác lập chế độ độc tài toàn trị. Đó là khởi thủy của đảng Cộng Sản. Cướp lấy mồ hôi xương máu của dân, chặn lấy yết hầu chỉ để dân sống cầm hơi, sau đó bắt họ phải biết ơn đảng. Đó là phương thức xưa nay của đảng Cộng Sản. Làm cho cả dân tộc phải đói khổ, phát chẩn cứu đói lấy lệ rồi tuyên truyền rộng rãi. Đó là công đức xưa nay của đảng Cộng Sản.
Xin toàn thể dân tộc Việt nam hãy nhớ lấy.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"