Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Thịnh vượng và rác

Phan Châu Thành
Thịnh vượngrác là hai khái niệm đối lập nhau, nhiều khi loại trừ nhau, vậy mà ở Việt Nam ta hôm nay chúng cùng “chung sống hòa bình”, ít nhất là trong ý thức xã hội.
Còn trong hiện thực xã hội, chúng ta đã có một nửa: rác. Rác ngập tràn toàn đất nước! Ít nhất thì ai đó đã đúng trong trường hợp này: vật chất (rác) đã có trước, tinh thần (thịnh vượng) sẽ có sau!
Còn với Tư duy Thịnh vượng, chúng ta biết tinh thần có trước, vật chất có sau và tinh thần tạo nên vật chất, một là nhân, một là quả. Vì vậy, nếu hôm nay chúng ta đang có đầy rác ngoài đường thì có nghĩa là hôm nay trong đầu chúng ta toàn rác, chúng ta chỉ tưởng rằng trong đầu mình có Thịnh vượng vì chúng ta muốn có thịnh vượng mà thôi.

Sao lại có thể như vậy? Sao trong đầu chúng ta lại có thể toàn là rác? Bởi vì trong đầu chúng ta đã chấp nhận rác ở mọi lúc mọi nơi nên chúng ta đã hành động như thế - đã và đang để cho rác có mặt mọi lúc mọi nơi, ở mọi hình thức và mức độ, và kết quả là chúng ta thực sự có rác mọi nơi…
Điều này diễn ra thế nào trên phạm trù toàn xã hội?
Đối với các xã hội thịnh vượng như Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hàn quốc, Singapore, và cả nước Mỹ nữa… (tuy họ đều là tư bản thối tha và đang giãy chết, nhưng họ rất thịnh vượng – tôi đã đến và thấy vậy), họ không chấp nhập sống chung với rác (từ trong ý thức), vì họ tin như thế là không thịnh vượng, nên họ tổ chức xã hội và giáo dục cho từng cá nhân không chấp nhận rác bằng hành động cụ thể: xử lý rác ngay từ khi chúng xuất hiện trong sinh hoạt của từng cá nhân (xử lý-phân loại rác tại nguồn, việc này rất đơn giản, buồn tẻ, ít tốn kém, nhưng quyết định), rồi mới gom rác lại và xử lý rác ở phạm vi khu dân cư, cơ quan, công ty…, rồi mới đến xử lý rác tập trung.
Chỉ đơn giản và buồn tẻ thế thôi, như xã hội “giãy chết” vậy - ai đó muốn nói, nhưng họ ý thức rõ rằng đó là việc phải nỗ lực làm chung toàn xã hội, và kết quả là nó cho họ hình ảnh xã hội chung bên ngoài rất thịnh vượng, rất ít và nhiều chỗ không thấy rác, tương ứng với cái tinh thần bên trong luôn muốn loại bỏ rác của họ, trong ngoài đồng nhất.
Các nước đó họ làm muôn vàn cách khác nhau để xử lý rác, nhưng chung qui đều có đủ các (5) công đoạn cơ bản đó: giáo dục ý thức xã hội, xây dựng khung pháp lý minh bạch, tổ chức phân lại rác tại nguồn-tức là bởi mọi người trong từng gia đình, gom rác tại khu vực , xử lý tại các trung tâm lớn, và với vốn lớn của xã hội kết hợp doanh nghiệp, tư nhân;
Đơn giản vậy mà tại sao xã hội dân chủ văn minh gấp vạn lần tư bản là nước CHXHCN VN ta lại không làm được? Tôi chỉ có thể nói như trên, rằng xã hội ta được tổ chức và lãnh đạo để chấp nhận rác, từ trong ý thức hệ. Cái gì bên trong đầu có sẵn thì bên ngoài mới có tràn trề phong phú như vậy.
Tại sao chúng ta chấp nhận rác trong ý thức hệ được nhỉ? Tại vì chúng-rác không gây nguy hại cho trật tự an ninh xã hội! Tại vì chúng rất bẩn và độc hại nên các thế lực thù địch không muốn dính vào, nấp sau hay hay trà trộn trong công việc đó! Tại vì càng nhiều rác thì chế độ XHCN này càng ổn định! Rác rất bẩn và độc hại, nhưng chỉ ảnh hưởng tới max 90% dân số nghèo của đất nước nghèo này, trong khi cán bộ cách mạng đều thuộc tốp 10% giầu có kia… Và tại vì, việc xử lý rác không cần lãnh đạo tư tưởng nên chỉ cần để “xã hội hóa” chúng – để dân tự lo và bắt các doanh nghiệp phải lo, là ổn. Tiền dân, chúng ta dành để nuôi các lực lượng bảo vệ chế độ này cho dân tốt hơn. Vì thế lãnh đạo đất nước là những đỉnh cao trí tuệ không quan tâm vấn đề rác, cấp dưới thì với tinh thần tiến công cách mạng, giỏi đi tắt đón đầu, đã cho cắt bỏ 3 công đoạn vớ vẩn đầu tiên là giáo đục xã hội, đảm bảo pháp lý và tổ chức xử lý rác tại nguồn, mà chỉ làm 2 việc: cho xã hội hóa việc thu gom (học theo những kẻ thua trận), và “giao” hoàn toàn cho doanh nghiệp lo phần xử lý rác…
Kết quả là những tổ chức xử lý rác ở miền Nam VN từ trước 1975 – những đường dây thu gom -mua bán –xử lý rác, là những tổ chức có lẽ là duy nhất được chế độ dân chủ hơn vạn lần tư bản này không đưa vào các cuộc “cải tổ XHCN”, mà học theo và chiếm đoạt hoàn toàn. Bây giờ ở Hà Nội cũng có những đường dây rác được kinh doanh y như ỏ Sài gòn. Chỉ có điều, trong cả nước, người kinh doanh rác không phải là dân nữa, mà là các quan chức ngành đô thị và người nhà của họ.
Nhưng ngay cả cái gì tốt đến 1975 chưa chắc đã đủ tốt 40 năm sau? Vậy mà cách tổ chức thu gom và xử lý rác của ta vẫn y nguyên như 40 năm trước, chỉ có rác là nhiều lên gấp bội.
Tôi đã viết nhiều bài cho báo SG Giải phóng kêu gọi chính quyền tổ chức giáo dục và xây dựng khung pháp lý cho xã hội thực hiện xử lý rác tại nguồn từ hơn ba chục năm trước, khi còn là một kỹ sư trẻ mới du học về. Nhưng có lẽ điều đó chưa bao giờ nằm trong danh mục quan tâm của họ, nên chúng ta bội thu rác hôm nay.
Đến khi có Tư duy Thịnh vượng tôi hiểu rằng chính quyền này sẽ không bao giờ xử lý được rác – một việc đơn giản nhất mà mọi chính quyền có thể làm, vì chính họ đã là rác rồi, họ chấp nhận rác trong ý thức hệ rồi, nên họ sẽ không thể mang lại cho dân sự thịnh vượng được.
Mà tôi muốn sống thịnh vượng, không muốn sống chung với rác, nên tôi phải tự làm 3 việc bị xã hội ta “đi tắt” là: ý thức không sống chung với rác, xây dựng nguyên tắc xử lý rác tại nhà, và tự phân loại và xử lý rác tại nhà.
Từ gần 10 năm nay nhà tôi không thuộc đối tượng của một đường dây rác XHCN nào cả. Chúng tôi tự phân loại và xử lý rác ngay khi chúng hình thành. Tôi cũng chia sẻ điều này với vài người bạn thân và họ cũng làm như vậy.
Chúng tôi tin mình sống thịnh vượng vì không chấp nhận rác và tự xử lý được rác, không tạo ra rác làm ô nhiễm đất nước này.
Tôi chỉ nghĩ và đang cố gắng làm bớt một ít rác cho đất nước này, cũng đơn giản như tôi từ chối vào đảng CSVN mấy chục năm trước để bớt đi 1 kẻ cộng sản cuồng tín trên trái đất này cho nhân loại, vậy thôi.
Phan Châu Thành

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"