Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Tại sao Bên Thắng Cuộc



Cuối tháng 11 năm 2012, tôi có cái may mắn được một người bạn thân gửi tặng bản ebook tập Một, Bên thắng cuộc của Huy Đức với lời nhắn “đọc để đón Tết Tây” và đến tháng 12 lại nhận tiếp, cũng từ người bạn ấy, tập Hai, Bên thắng cuộc, với lời chúc “để lai rai đọc đón Tết ta”.
HuyDuc-BenThangCuoc
Thuộc thế hệ những người đọc sách kiểu cũ – đọc bằng sách giấy – nên không mấy mặn mà với ebook như một người đọc văn minh theo kiểu nói của Phùng Nguyễn – người chủ trương trang damau.org,  tôi cám ơn bạn tôi, rồi tự nhủ, cứ chờ đấy, bao giờ NXB Người Việt in xong bản giấy rồi hãy thư thả mua đọc.
Nhưng sự thật là, sau khi chỉ thử tò mò mở vài trang ebook, rồi liên tục nuốt hết tập 1, tập 2 Bên thắng cuộc, trước khi Năm Rồng bỏ đi, năm Rắn từ từ đến hồi nào không biết. Lúc đó, thì sách order từ Người Việt mới lò mò gởi đến, thì cứ hẵng để đấy.

Tôi ở lại Việt Nam 10 năm, từ năm 1975 đến 1985 mới xuống chuyến tàu cuối cùng vượt biển thành công, cuộc sống 10 năm sau giải phóng cho đến hành trình dài 10 ngày, đưa chúng tôi từ cảng Quy Nhơn đến Hồng Kông, tất nhiên là thừa sống thiếu chết sau 9 lần vươt biển bất thành, 3 lần vào tù ra tội, ra khỏi tù thì mất nhà, mất của, lần thứ 10 mới đến được Hồng Kông, kỳ lạ con số 10 định mệnh, những con số 10 ấy lần lượt hiển hiện, tái hiện sắc nét và xúc động qua từng con chữ, từng trang sách, những quá khứ sự thật không thể chối cãi của Huy Đức. Mới hay mãnh lực vô biên của ngòi bút là dữ dội như thế.
Chớ chi cụ Đồ Chiểu chẳng nói, Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà, và cụ Phan Sào Nam thì mới,  Quyết đem bút sắt mà mài lòng son.
Giữa trăm triệu ngàn tài liệu ngổn ngang lưu trữ và chọn lọc, Huy Đức đã chọn thủ pháp sắp xếp của nghệ thuật collage như thế nào để cuộc sống của hàng triệu triệu sinh mệnh lênh đênh trong lên ghềnh xuống thác của người Nam, kẻ Bắc, người thắng, kẻ thua, người chính, kẻ tà trong dòng sinh mệnh hợp lý và bất hợp lý của những trò chơi của quyền lực và chính trị, trong bóng tối và dưới ánh sáng, bỗng hiện lên rõ ràng, dưới ánh sáng của chiếc đũa thần Huy Đức hươ lên một vòng chói lọi… Và đi tới đâu, ánh sáng thần của chiếc đũa ấy cũng soi rọi đến từng ngõ ngách, hóc hẻm của mỗi tâm tình, mỗi thân phận, mỗi nỗi đời trong vòng nhiễu nhương quay tít trong cuộc đảo điên chính trị Việt Nam, trên dưới, trong ngoài, muôn ngàn áp lực của chính cuộc thế giới, và nghĩa là của cả trái đất này, và là của những kiếp người trong khúc quanh khốc liệt của một giai đoạn lịch sử Việt.
Có người khen, kẻ chê, có cả biểu tình tẩy chay sách từ người Việt ngoài nước, có cả hù doạ, lăng mạ từ lề phải trong nước, có cả phe tự xưng thắng cuộc, phe thua cuộc nhảy vào bình luận và bình loạn, than vãn và trách móc, lên án và cảnh giác, nhắc nhở, và say mê tìm đọc, Bên thắng cuộc của Huy Đức chắc chắn là quyển sách hot và controversial nhất trong năm nay, và sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi… Và nói như phát biểu của nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, đại khái là, viết một truyện ngắn, truyện dài mà mọi người đọc hiểu ngay tại chỗ thì chưa chắc phải là một truyện hay. Huống hồ chi Bên thắng cuộc lại là một tập sử liệu viết với nhiều tài năng và tham vọng của tác giả.
Huy Đức là nhà viết sử, là nhà báo tay nghề lão luyện, nguời lưu trữ tài liệu đẳng cấp, là Cộng sản con, là tên chống Đảng, là tên chống Cộng hộ bọn nguỵ nước ngoài để xin một chân biên tập của báo Người Việt để trốn lại ở Mỹ, là tên thái giám trong cung đình, là nhà văn lớn…như dư luận lộn xà ngầu hiện nay? Huy Đức, thật ra anh là ai?
Một nhà văn chỉ có thể gây cuốn hút, làm xúc động lòng người, một nhà báo chỉ có thể lưu giữ và gửi đến người đọc sự chính xác của những số liệu theo năm tháng, một nhà viết sử lựa chọn tài liệu ít nhiều theo chính kiến của mình để trong cố gắng tối đa nhìn nhận lịch sử một cách công bình nhất, một người Cộng sản cực đoan sẽ ra sức bảo vệ chân lý của Đảng mà mình đã hiến cả cuộc đời mình cho cái chân lý ấy, một người thua cuộc sẽ cố biện minh giải thích lý do vì sao tôi thua, anh thắng, một người thắng cuộc thì có cái vênh vang đắc ý dù đúng dù sai tôi cũng đã thắng và anh đã thua… và độc giả, với tự lương tâm sâu thẳm của mình, sẽ nhận ra, Huy Đức là ai trong vô số khuôn mặt mà tôi vừa giả dụ.
Đọc đến trang cuối của tập sách, tôi tự hỏi vì sao Huy Đức lại chọn một cái tựa cho quyển sách của mình đầy khiêu khích như thế? Bên thắng cuộc, lập tức theo lô-gích thông thường xui ta nghĩ đến Bên thua cuộc, nghĩa là cuộc chiến sẽ tiếp tục giữa người Việt và người Việt, và Việt Nam vẫn tiếp tục chia hai như tình hình và tâm thức người Việt hiện nay, dù đất nước trên mặt bằng địa lý đã thống nhất từ gần 40 năm?
Thì câu trả lời đã có, và đã nằm ngay trên trang sách kế tiếp, nguy nga ngay trong câu thơ của Nguyễn Duy được Huy Đức trích dẫn “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh, Bên nào thắng thì nhân dân đều bại”.
Tôi nghĩ giữa vai trò chính xác của nghề làm báo, người lưu trữ tài liệu, người phỏng vấn tài ba với nhiều cơ hội quý hiếm được tiếp xúc với nhiều khuôn mặt tiêu biểu của nhiều giai đoạn lịch sử đặc biệt, nhà văn với cách tiếp cận tinh tế với những văn bản và sự đồng cảm với những phận người sống động, nhà họa sĩ tài ba với cách sắp xếp lắp ráp những mảnh rời lịch sử trở thành một hình thành trong một bố cục tổng thể, trên hết và trước hết, là lương tâm của một con người – đã thôi thúc và tạo sức mạnh cho Huy Đức đủ sự kiên nhẫn và tâm huyết để hoàn thành Bên thắng cuộc, những trang sử, những trang văn, những bức tranh đau thương và hoành tráng của nhũng cuộc đời trong hàng triệu vạn sinh mệnh Việt đang nổi trôi trên một khúc quanh của dòng sông lịch sử.
Dù anh là ai, những người đọc như tôi cũng đều muốn gửi đến anh những lời cám ơn chân thành và sâu xa nhất, vì những gì anh đã ghi lại như một giai đoạn khốc liệt và bi tráng của lịch sử Việt Nam.
Đời người, mỗi khi suy ngẫm lại, mỗi người tự thấy mình có những cái may hoặc cái rủi riêng mình, may nhiều họa ít, hay may ít rủi nhiều, giữa muôn trùng cái phải trái, cái đen trắng, người tốt, kẻ xấu, họa phúc khôn lường, đôi khi mơ hồ, đôi khi khẳng định, đôi khi lằng nhằng giữa trắng và đen…
Nhưng trong lúc Rồng Rắn lên mây, khoảng cuối năm ngoái và đầu năm nay, tôi có thể tự khẳng định hiếm hoi một lần, tôi đã được hạnh phúc với món quà xuân của người bạn thân, tôi đã được may mắn đọc được Bên thắng cuộc của Huy Đức.
Sau cuộc vượt biên lần đầu thất bại vào năm 1979, trở ra từ nhà tù Nguyễn Công Trứ ở Nha Trang, nhà tù nơi tôi đã ra vào nhiều lần lúc nhỏ, năm 1948, cùng gia đình từ Sài Gòn ra Nha Trang để thăm tù ba tôi lần cuối, trước khi không thể kết án gì được, chính quyền cai trị Pháp đã đẩy đám tù Việt minh này xuống một dòng sông, xả súng bắn rát trên đầu để xua họ thừa sống thiếu chết tự bơi sang vùng kháng chiến khu IV. Cũng năm 1979 ấy, ra khỏi tù vài tháng, tôi phải chịu tang Ba, ông qua đời sau khi bị giam 1 tuần ở đồn Công an nhân dân phường.
Nơi nhà tù mang tên nhà thơ hát nói nổi tiếng nghiêm khắc mà huê tình này, tôi và đám con nhỏ tí teo từ 3 tuổi đến 8 tuổi toàn uống nước múc từ hồ nước dội cầu trong nhà vệ sinh phòng giam, nơi tối tối đám tù đàn bà và con nít họp chính trị và vỗ tay hát như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng mỗi đêm trước khi đi ngủ, ra khỏi tù, không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân, nghĩa là không sổ gạo, lây lất… Và bây giờ đám nhỏ này nay đã trường thành với khả năng đọc được tiếng Việt rất yếu so với tiếng Anh…
Nên tôi chúc Huy Đức sẽ tìm được một tác giả đồng cảm và tâm huyết để cùng anh viết lại Bên thắng cuộc ra tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức v.v… Để thế hệ các cháu đồng tuổi với con em tôi được chia sẻ cái may mắn của tôi, trong cái trớ trêu và đầy nghịch lý của lịch sử Việt hôm nay, đọc và cảm nhận được Bên thắng cuộc của Huy Đức bằng cái ngôn ngữ nơi chúng đã sống và lớn lên như một quê hương thứ hai.
Và tất nhiên, vẫn còn một thông điệp/câu hỏi ray rứt cuối cùng gợi ra từ sự trích dẫn thơ Nguyễn Duy của Huy Đức: những người làm chính trị chuyên nghiệp, nghiệp dư, mất mùa, được mùa, đầu cơ, cơ hội, trong nước, ngoài nước Việt Nam, những lãnh tụ hiện nay và mai sau, hãy nghĩ xem, như một người Việt, không phe phái bên này và bên kia, sẽ phải làm gì, làm thế nào để nhân dân Việt Nam như một khối thôi đừng bị bại lần nữa – như đã từng bị điêu linh bách bại trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn này.
Virginia, mùa Tết Tân Tỵ, 2013
© Nguyễn thị Hoàng Bắc

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"