Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Sửa đổi hiến pháp để làm gì? (TQ 152)

Ban Biên Tập Tổ Quốc

… Điều thực sự đáng chú ý là dự thảo hiến pháp 2013 gia tăng rõ rệt quyền của chủ tịch nước trong khi gần như tước bỏ mọi quyền của thủ tướng đối với quân đội. Mọi tướng lĩnh đều phải do chủ tịch nước phong và "lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam…
Người ta có thể đặt câu hỏi chính quyền cộng sản sửa đổi hiến pháp để làm gì. Trước hết là vì mọi sửa đổi hiến pháp đều vô nghĩa khi đảng cộng sản vẫn tự cho mình độc quyền chính trị, nghĩa là điều 4 vẫn còn đó. Càng vô nghĩa vì chính đảng cộng sản cũng không coi hiến pháp ra gì.
Một trong vô số bằng cớ về sự vô nghĩa của hiến pháp là điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Nó phủ nhận trắng trợn các quyền công dân được qui định trong hiến pháp. Tệ hơn nữa, chính điều luật ác ôn này cũng không được áp dụng bởi vì, như trong vụ án Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần vừa qua, thẩm phán có thể nhìn nhận bị can không vi phạm những tội danh bị cáo buộc để rồi vẫn đọc những bản án nặng nề đã được quyết định từ trước. Chế độ cộng sản là một chế độ không có luật pháp. Đúng hơn, luật pháp được quan niệm như một dụng cụ đàn áp bởi vì "tòa án có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa" (điều 126 hiến pháp hiện hành).

Dầu vậy đã có năm lần sửa đổi hiến pháp. Đã có hiến pháp 1946, hiến pháp 1959, hiến pháp 1980 và hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001. Tất cả đều chỉ nhắm giải quyết một vấn đề nhất thời của ban lãnh đạo cộng sản chứ hoàn toàn không liên quan gì tới lợi ích dân tộc. Hiến pháp 1959 thay thế hiến pháp 1946 để công khai hóa ý thức hệ Mác-Lênin sau khi đã giành được chính quyền bằng chiêu bài đấu tranh vì độc lập; hiến pháp 1980 để khẳng định đứng hẳn vào quỹ đạo Liên Xô, thách thức cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ với niềm tin khờ khạo là Liên Xô sắp thắng; hiến pháp 1992 vì đã đầu hàng Trung Quốc sau khi Liên Xô sụp đổ và bắt buộc phải bỏ những đoạn trong hiến pháp coi Trung Quốc là kẻ thù. Tu chỉnh 2001 phải có vì cần mở rộng quan hệ ngoại thương với các nước dân chủ và không thể duy trì những ngôn từ khiêu khích trong hiến pháp, dù là một hiến pháp thuần túy hình thức.
Lần này người ta có thể nhận xét là dự thảo hiến pháp 2013 đã có những nhượng bộ tích cực. Điều 4 vẫn còn, đảng cộng sản vẫn còn là "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" nhưng phải "chịu trách nhiệm trước nhân dân"; kinh tế tập thể và nhà nước không còn là chủ đạo; các tòa án không còn "có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa" nữa. Nhưng những nhượng bộ này sẽ chỉ là phù phiếm khi mà đàng nào đảng cộng sản vẫn được độc quyền cai trị.
Điều thực sự đáng chú ý là dự thảo hiến pháp 2013 gia tăng rõ rệt quyền của chủ tịch nước trong khi gần như tước bỏ mọi quyền của thủ tướng đối với quân đội. Mọi tướng lĩnh đều phải do chủ tịch nước phong và "lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam, tổ quốc và nhân dân". Tại sao Đảng Cộng Sản Việt Nam lại được đặt trên cả tổ quốc và nhân dân trong thứ tự trung thành của quân đội và công an? Không chỉ giản dị là sự xấc xược. Lý do thực sự là vì quân đội và công an hiện nay chủ yếu nằm trong tay thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mà bộ chính trị đảng cộng sản muốn kỷ luật. Dự thảo hiến pháp 2013 như vậy chỉ nhắm tách quân đội và công an khỏi tay ông Dũng để có thể cách chức ông mà không sợ bị đảo chính nhân danh tổ quốc và nhân dân.
Nhưng nó sẽ không trói tay được ông Dũng trừ khi thế lực của ông đã yếu đi. Nhân dân Việt Nam không liên can gì đến những tranh chấp quyền lực này và sẽ chỉ ủng hộ những người thực sự muốn dân chủ hóa đất nước.
Ban Biên Tập Tổ Quốc

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"