Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Đôi lời với “Cùng viết Hiến pháp”

Kim Ngọc Cương

hp09.jpg
Trang mạng “Cùng viết Hiến pháp” do Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn khởi xướng bắt đầu hoạt động từ ngày 1/2/2013 đến hết ngày 31/3/2013.
Theo Nhà văn Nguyễn Quang Lập thì sự kiện này là “Một sự kiện hơi bị lạ và rất phấn khởi”.
Thực ra, việc một nhóm người lập ra một “Diễn đàn” để cùng nhau thảo luận về Hiến pháp là một việc hết sức bình thường. Còn Nhà văn Nguyễn Quang Lập cho rằng “hơi bị lạ” có lẽ là vì Diễn đàn này do hai nhà khoa học có tên tuổi và một nhà báo khởi xướng.
Và có lẽ do “hơi bị lạ” nên Nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng đã nhận xét “rất phấn khởi”.

Theo suy nghĩ cá nhân, tôi thấy (qua việc đọc “Tuyên ngôn” của Diễn đàn “Cùng viết Hiến pháp”) nếu 3 người nổi tiếng (Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Anh Tuấn) lập ra Diễn đàn để “Cùng viết Hiến pháp này ra đời nhằm tạo thêm một không gian đối thoại cho tất cả những người quan tâm đến việc sửa đổi Hiến pháp, để họ có thể cùng thảo luận về chủ đề này một cách nghiêm túc và dân chủ” thì mức độ “phấn khởi” chưa thể là “rất” được.
Bởi một điều rất giản dị, hiện tại đã có rất nhiều diễn đàn để cho mỗi cá nhân được góp ý, kiến nghị, đề xuất suy nghĩ của mình về “sửa đổi Hiến pháp”. Đó là: Hệ thống truyền thông của Nhà nước, các Hội nghị do các Tổ chức Nhà nước, Đoàn thể tổ chức lấy ý kiến; Bên cạnh đó còn có rất nhiều các trang mạng khác của một nhóm người hoặc cá nhân cũng sẵn sàng đăng các ý kiến, kiến nghị về “sửa đổi Hiến pháp”.
Điều mà rất nhiều người Dân mong mỏi ở các nhân sĩ, trí thức là: Với tầm hiểu biết sâu rộng, các nhân sĩ, trí thức phải thể hiện chính kiến của mình về “sửa đổi/xây dựng một Bản Hiến pháp mới”. Các nhân sĩ, trí thức phải thể hiện (phát biểu) được nguyện vọng của toàn dân trong việc sửa đổi/xây dựng một Bản Hiến pháp tiến bộ, nhân văn, có giá trị lâu dài làm nền tảng xây dựng nước Việt Nam Dân chủ, Độc lập, Tự do, Hạnh phúc. Bản Hiến pháp mới phải là Văn bản của Nhân Dân trao quyền cho Nhà nước để Nhà nước quản lý, phát triển xã hội Việt Nam ngày càng tươi đẹp.
Để có một Bản Hiến pháp mới của Việt Nam mang tính nhân văn, tiến bộ cao; phù hợp với thời đại, vừa kế thừa được tinh hoa nền Văn hiến Việt Nam vừa tiếp thu được các Bản Hiến pháp của nhiều nước văn minh, phát triển (hơn nước ta tại thời điểm này) Nhân Dân trông cậy vào tầng lớp nhân sĩ, trí thức khởi thảo nhiều Bản Dự thảo Hiến pháp để Nhân Dân đóng góp và cuối cùng thì Nhân Dân sẽ phúc quyết để chọn lọc, tổng hợp thành một Bản Hiến pháp. Có làm được như vậy thì Hiến pháp mới thực sự là do Dân, của Dân và vì Dân.
Đáp ứng nguyện vọng này, Bên cạnh “Dự thảo Hiến pháp sửa đổi năm 2013” của Quốc Hội đang lấy ý kiến góp ý của Nhân Dân thì Nhóm các Nhân sĩ, Trí thức, các nhà hoạt động chính trị - xã hội – kinh tế đã có Bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp và đã đưa ra Dự thảo Hiến pháp 2013.
Việc Dự thảo Hiến pháp 2013 của các Nhân sĩ, trí thức, các nhà hoạt động chính trị - kinh tế - xã hội là một việc mang tính xây dựng cao và rất thực tế, đáng khích lệ để có thêm các Bản Dự thảo Hiến pháp khác nhằm mục đích so sánh, chọn lựa và tổng hợp được hết tinh túy của nhiều Bản Dự thảo Hiến pháp.
Nay, Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn khởi xướng trang “Cùng viết Hiến pháp” cũng đáng hoan nghênh nhưng nếu để mọi người “cùng viết” thì e rằng từng cá nhân sẽ rất khó viết và bị tản mạn, tràn lan; như vậy, tác dụng của “Cùng viết Hiến pháp” sẽ không mang lại hiệu quả. Để đạt hiệu quả theo thiển ý cá nhân: Đề nghị nhóm Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Nguyễn Anh Tuấn (và một số người khác do 3 vị này chọn) dự thảo một Bản Hiến Pháp để trên cơ sở đó mọi người Dân đối chiếu với các bản Dự thảo Hiến pháp khác và trên cơ sở suy nghĩ cá nhân, từng người sẽ góp ý, tranh luận.
Mong Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giáo sư Đàm Thanh Sơn, Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn sớm làm được việc đó.
Mong lắm thay
Kim Ngọc Cương

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"