Hoàng Lan
Trong
một động thái mà có thể gây bất ngờ cho nhiều người quan sát, chính
quyền Việt Nam đã thả ông Lê Công Định, luật sư bị bắt và buộc tội “hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền” theo điều 79 của bộ luật hình sự nước
CHXHCN VN, mặc dù ông đã bị bắt với lí do vi phạm điều 88. Sự bất nhất
này thực ra cũng không có gì để phải bàn thêm, vì theo như tiến sĩ
Nguyễn Quang A gần đây có phát biểu với BBC[1] , thì chỉ cần ra khỏi bụng mẹ là bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể bị buộc tội theo điều này, hay điều kia.
Trở lại với việc ông Định được
thả trước thời giạn hơn một năm, liên hệ với các tin tức trong thời gian
gần đây, việc này gợi mở ra những điều đáng để suy nghĩ và bàn luận
thêm. Sau đây xin bàn về bối cảnh của sự kiện.
Thứ nhất về kinh tế, với tất cả
các tin tức khách quan từ phía các chuyên gia quốc tế[2] về tình hình
kinh tế của Việt Nam trong điều kiện hiện tại, nền kinh tế đang ở giai
đoạn khó khăn nhất và những vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết. Sự
phục hồi mạnh mẽ ở khu vực chứng khoán trong thời gian gần đây chỉ là do
đồng tiền vẫn liên tục mất giá, lưu thông vàng bị thắt chặt kiểm soát
và bất động sản thì đang chờ nổ nên lượng tiền trong dân chỉ còn con
đường cuối cùng là đổ vào chứng khoán. Nhưng với các khối ung thư ở mảng
kinh tế nhà nước, cụ thể là các tập đoàn nhà nước vẫn chưa có một biện
pháp hữu hiệu để giải quyết (tái cơ cấu đã thực hiện và được chứng minh
là vô hiệu quả) thì những dấu hiệu khởi sắc trong chứng khoán không đủ
để vực dậy cả nền kinh tế. Thậm chí chứng khoán lại có thể trở lại ảm
đạm sau khi nhà đầu tư bị tổn hại niềm tin vì một lí do nào khác. Biểu
hiện rõ nhất là ngân khố quốc gia đã cạn kiệt đến mức nhà nước phải ra
thông báo “khuyến khích đóng góp tài sản”[3] hay nói dân dã hơn thì là
xin tiền quyên góp của dân. Như vậy là ngân khố đã cạn kiệt đến mức cùng
kiệt, và e rằng chính phủ khó có thể duy trì lâu hơn được nữa trước khi
có sự thay đổi lớn hoặc là tuyên bố phá sản.[4]
Thứ hai về chính trị, áp lực của
Trung Quốc lên tất cả các mặt của Việt Nam càng lúc càng nặng nề. Không
chỉ có kinh tế, văn hóa, an ninh chủ quyền quốc gia mà còn cả sức khỏe
người dân. Trong bối cảnh Hillary Clinton dùng những ngày cuối cùng của
nhiệm kì để ra một tuyên bố khẳng định quần đảo Senkaku nằm trong phạm
vi của hiệp định song phương Mĩ Nhật[4] , nói trắng phớ ra thì là Mĩ sẽ
can thiệp nếu tàu động đến Senkaku của Nhật thì có thể khẳng định Trung
Quốc không dại gì mà khiêu chiến với Mĩ và Nhật ở thời điểm hiện tại. Bị
đấm một cú đau và khó có điều kiện trả đòn ngay ở khu vực Đông Á, với
tính cách đặc trưng của hắn, Trung Quốc làm cho những người quan tâm
theo dõi tình hình Việt Nam nín thở theo dõi những động thái sau đó mà
tàu sẽ tiến hành tại khu vực Đông Nam Á, trên Biển Đông, nhất là quần
đảo Trường Sa.
Thứ ba, về động thái của chính
quyền trước tình hình này. Ở mảng đối ngoại, chuyến công du châu Âu của
tổng bí thư Trọng mà điểm nhấn là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ với Giáo
hoàng, nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Pháp, Ý … đều cho
thấy những nỗ lực đẩy mạnh đa phương hóa quan hệ quốc tế để tìm kiếm sự
ủng hộ, giúp đỡ trước bối cảnh kinh tế bi đát và áp lực Trung Quốc nặng
nề. Trong khi đó, tại diễn đàn khu vực, ngoài việc chờ đợi mối quan hệ
đối tác chiến lược với Singapore và Inđonexia đã được lên dây cót từ
trước, người ta vẫn chưa thấy dấu ấn của ông Lê Lương Minh trên cương vị
tổng thư kí ASEAN. Có lẽ do ông mới nhận chức, hãy còn quá sớm để chờ
đợi một cái gì to tát. Đối thoại song phương với Trung Quốc vẫn ở trạng
thái cực kì bị động, các phản đối xâm phạm chủ quyền mang tính hình thức
càng lúc càng hạ thấp về cấp của đơn vị ra tuyên bố, mập mờ về nội dung
và hầu như là vô nghĩa trên thực tế. Ở mảng đối nội, những biến động,
tranh đấu trong nội bộ chính quyền thời gian gần đây có thể bị nhiều
người cho rằng đó chỉ là phân chia lại quyền lực nội bộ. Quan điểm đó có
phần đúng, nhưng những đấu tranh đó cũng cho thấy nhận thức của chính
quyền, tầng lớp lãnh đạo về sự cần thiết phải thay đổi.
Những việc thả ông Định hay ông
Quân (Nguyễn Quốc Quân) trước đó, và cả việc thả Lê Anh Hùng khỏi trại
tâm thần; mặc dù có cho thấy những biểu hiện có vẻ như là chuyển biến
theo hướng mềm mỏng hơn của chính quyền nhưng thực tế lại không phải là
những dấu hiệu để những người mong đợi sự tiến bộ ở Việt nam nên lạc
quan. Trường hợp ông Quân có quốc tịch Mĩ, việc bắt giữ trái phép và xét
xử không công khai một công dân của Mĩ hay bất cứ nước nào khác theo
kiểu mà Việt Nam vẫn làm sẽ gây khó khăn cho những nỗ lực thúc đẩy quan
hệ với các nước có tiếng nói trọng lượng (mà ở đây là Hoa Kỳ và Châu
Âu). Cũng như vậy, việc bắt cóc và giam giữ Lê Anh Hùng có thể được xem
như một hành động manh động quá khích không thể lí giải, chấp nhận được
của các cấp thực hiện. Nhờ có sự đấu tranh quyết liệt, thông tin kịp
thời của bạn bè Lê Anh Hùng tới các tổ chức quốc tế, thuyết phục mẹ Hùng
viết đơn đòi con đã gây ra áp lực đủ mạnh để chính quyền buộc phải thả
Hùng. Trường hợp ông Định, một người đã nhận tội và xin khoan hồng trên
truyền hình quốc gia, việc thả ông cũng không nên được xem là bước tiến
lớn trong chuyển biến tiến bộ ở nhận thức của chính quyền. Có thể, đó
chỉ là “con săn sắt” được thả để xoa dịu dư luận, đánh lạc hướng tập
trung của xã hội vào khu vực sửa đổi Hiến pháp – mà cụ thể là sửa điều 4
ở Hiến pháp hiện hành đang được xã hội tập trung quan tâm.
Như vậy trọng tâm của vấn đề cần
được quan tâm ở thời điểm hiện tại vẫn là ở hiến pháp, có một hiến pháp
tốt mới có thể tạo chuyển biến, tạo bệ phóng để khai thông sức mạnh toàn
dân đối phó với tình hình mới. Nhưng e rằng việc tạo ra thay đổi đột
phá ở thời điểm hiện tại, không chỉ là khó mà còn là cực kì thiếu khả
năng. Xin bàn thêm ở phần sau.
………………………..
Chú thích:
1. Chống tham nhũng: cần đảng đối lập. Bài phỏng vẫn ông Nguyễn Quang A trên BBC. Link:http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2013/02/130204_nguyen_quang_a_interview.shtml
2. Alan Phan: góc nhìn Alan. Link: http://www.gocnhinalan.com/
3. Nhà nước khuyến khích đóng góp tài sản hoặc tiền cho dự trữ quốc gia. Link: http://vietstock.vn/2013/02/nha-nuoc-khuyen-khich-dong-gop-tai-san-hoac-tien-cho-du-tru-quoc-gia-758-258097.htm
4. Gần đây Bloomberg có đưa một
bản tin ngắn dự báo chứng khoán Việt nam sẽ tăng trưởng mạnh nhất toàn
cầu trong năm 2013. Cái mẹo ở đây là họ chỉ nói chứng khoán tăng trưởng,
chứ không nói đến nền kinh tế. Điều này có thể đã tác động đến một số
nhà đầu tư kĩ thuật của quốc tế. Nhưng chưa có đủ số liệu công bố về đầu
tư của khối ngoại lên thị trường trong thời gian sau đó, nên nhận định
này chỉ mang tính cá nhân. Linkhttp://www.bloomberg.com/video/vietnam-the-world-s-best-performer-in-2013-SPT8hfCjS8SzPefNfpZnuQ.html
5. Bản tin trên báo Lao động: http://laodong.com.vn/The-gioi/Ngoai-truong-My-Hillary-Clinton-Dung-cham-den-Senkaku-trong-tay-Nhat/100051.bld