V.Quốc Uy
Trong bài Từ hiệp định Paris đến “Bên thắng cuộc” tác giả Nguyễn Ngọc Giao đặt vấn đề để thảo luận: “Giải phóng dân tộc, đương nhiên. Nội chiến, không thể chối cãi. Chiến tranh ủy nhiệm, hiển nhiên. Nhưng ba yếu tố ấy, cái nào là quyết định? Cuộc chiến tranh 1945-75, tính chất cơ bản của nó là gì?”
Trong bài, tác giả có nêu một ý kiến, như thể một câu trả lời cho câu hỏi nói trên:
“…cuộc chiến tranh 1945-1975, dù có yếu tố chiến tranh ủy quyền, chiến tranh ý thức hệ, và nội chiến, vẫn liên tục từ đầu chí cuối, là một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, mà mục tiêu tối hậu là độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia”.
Xin thảo luận về ý kiến này.
1/ Mục đích của chủ nghĩa Cộng sản là xây dựng chủ nghĩa CS, còn giành độc lập dân tộc chẳng qua chỉ là một đoạn mở đầu ngắn ngủi riêng cho những nước còn là thuộc địa, sau đó với quan điểm “cách mạng không ngừng” đương nhiên phải tiếp tục “dùng bạo lực” để thực hiện 10 phương pháp trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản để xóa bỏ tận gốc những di sản Tư bản chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa CS kia mà?
Không có một bằng chứng nào, trong văn bản và trong thực tế, có thể chứng minh rằng đảng CS ở Việt Nam chỉ dùng chủ nghĩa CS làm phương tiện để đạt “mục tiêu tối hậu là độc lập dân tộc, thống nhất quốc gia”!
Viện cớ trong di chúc HCM không nói gì đến CNXH chỉ là sự biện bạch mờ nhạt bên cạnh cái tâm tư của HCM luôn đau đáu về tình đoàn kết giữa các đảng Cộng sản và mong linh hồn được về bên Mác-Lênin! Và nếu nhân nhượng để công nhận HCM chỉ theo chủ nghĩa dân tộc, không mặn mà gì với CNXH thì giải thích thế nào khi đến ngày nay, tất cả các tổng bí thư và các nhà lý luận của đảng vẫn nhất mực kiên trì con đường XHCN? Những học trò của HCM đã chống lại HCM chăng, chẳng nên nói đùa như vậy.
Nếu đích đến là độc lập-thống nhất thì sau 30-4-1975 đích ấy đã đạt, không cần đến cái phương tiện CS nữa chứ, nhưng ngược lại sau đó đổi tên nước từ Dân chủ cộng hòa sang “Cộng hòa XHCN”, càng tiến sâu thêm vào con đường CS, điều đó cho thấy độc lập và thống nhất chẳng những không phải mục đích tối hậu mà cũng chỉ là phương tiện để ĐCS thực hiện mục đích Cộng sản trong Ý thức hệ của mình, để củng cố vững chắc thêm vai trò độc tôn, chiếm lĩnh toàn bộ cả đất nước trong tay.
2/ Không phải yếu tố “độc lập dân tộc”, vậy yếu tố nào (trong ba yếu tố mà ông NNG nêu ra ở trên) là yếu tố “liên tục từ đầu chí cuối” trong mấy cuộc chiến tranh? NỘI CHIẾN thì không thể là yếu tố xuyên suốt, vì không thể bỗng dưng anh em một nhà lại đánh nhau. Chỉ còn nguyên nhân là yếu tố thứ ba tức Ý thức hệ ngoại lai đã khiến cho huynh đệ tương tàn.
Từ khi một đảng theo Ý THỨC HỆ CS nắm được quyền cai trị ở Việt Nam là khi ấy đã tạo xong tiền đề đưa Việt Nam vào một chuỗi dài những cuộc chiến tranh nối tiếp. NỘI CHIẾN huynh đệ tương tàn hay CHIẾN TRANH ỦY NHIỆM cũng chỉ là những hệ quả tất yếu của việc chọn nhầm đường, đi vào ngõ cụt của tiến hóa. Đi vào ngõ cụt của tiến hóa thì mâu thuẫn với nhân dân, mâu thuẫn với sự phát triển của đất nước, đồng thời nằm trong dòng phản tiến hóa chống lại văn minh nhân loại, dân tộc và cộng đồng văn minh tất nhiên chống lại. Nội chiến hay chiến tranh Ủy nhiệm cũng từ đó mà ra.
Lịch sử Việt Nam từ 1945 trở đi, không phải chỉ đến 1975 mà cả sau 1975, đến bây giờ và tương lai, nghĩa là chừng nào ĐCS còn cầm quyền thì đều nằm trong chuỗi dài chiến tranh 100% DO Ý THỨC HỆ!
- Giành độc lập nhưng bằng con đường CS thì mới dẫn đến việc chia đôi đất nước thành 2 quốc gia.
- Miền Bắc tiếp tục là CS mới dẫn đến 2 miền phải đánh nhau và Mỹ phải can thiệp để ngăn làn sóng đỏ (vì Mỹ đâu có có định làm thực dân chiếm Việt Nam để khai thác như điều các vị đều đồng ý)
- Nước Việt Nam thống nhất có là CS mới dính sâu vào Cămpuchia dẫn đến cuộc chiến biên giới 1979.
- Việt Nam có là CS thì TQ mới thực hiện được chiến lược leo thang “diễn biến hòa bình” dẫn đến tình trạng mắc kẹt của Việt Nam như hiện nay. Một là Trung quốc cứ êm ả nuốt dần từng bước Tổ quốc ta như tằm ăn lá dâu, hoặc giả đến mức toàn dân phải nổi lên chống lại (chống liên kết cướp nước và bán nước) thì cuộc chiến tranh khi ấy cũng do Ý thức hệ mà ra chứ không gì khác!
3/ Một vấn đề khác phát sinh khi thảo luận về bản chất chiến tranh là đánh giá so sánh giữa bên thắng bên thua, giữa hai chế độ miền Bắc và miền Nam.
Đánh giá miền Nam yếu kém về mọi mặt nên thua là tất yếu, điều đó rất có lý và tưởng chừng khó cãi. Nhưng nếu chỉ đơn giản như thế thì trong một bài mới đăng hôm nay "Anh S. bạn tôi" của nhà văn đảng viên Nguyên Ngọc đã chẳng có đoạn sau đây trong câu chuyện với một người bạn rất đáng quý trọng của ông:
“…anh S. trầm ngâm rót đầy ly vang cho tôi rồi cho anh, chúng tôi lặng lẽ cụng ly với nhau, lại im lặng rất lâu, rồi anh nói, rất chậm và nhỏ: “Nhiều lúc tôi có suy nghĩ thật vớ vẫn, anh ạ. Tôi nghĩ giá như trong cuộc chiến vừa qua, miền Nam thắng, thì có lẽ sẽ tốt hơn … Nhưng mà miền Nam thì chắc chắn không thể nào thắng được, làm sao mà thắng được, hở anh”.
Miền Nam thắng thì sự thể đất nước “có lẽ” tốt hơn không? Có lẽ hay chắc chắn, dù chỉ là giả thiết về một việc đã qua? Trong phần mở đầu tác phẩm “Bên thắng cuộc” Huy Đức viết “bên được giải phóng hóa ra lại là Miền Bắc”, đó là câu trả lời.
Nói những cái xấu, cái kém của một chế độ còn rất nhiều yếu kém và thua trận như chế độ Việt Nam Cộng hòa khi ấy là điều quá dễ. Nhưng chỉ xin nói lại một điều: Một chế độ kém nhất trên con đường chung của nhân loại cũng tốt hơn một chế độ tốt nhất của con đường Cộng sản. Bởi con đường chung là con đường mở, chưa tiến trước thì tiến sau, không có gì chặn lối. Còn một chế độ CS là chế độ bị đóng khung bởi những giáo điều ảo tưởng phi lý, phi khoa học, nhưng lại được một bộ máy cầm quyền “đổ bê tông” vì nó đem lại quyền và lợi cho giới cầm đầu này hơn tất cả mọi vua chúa trên đời, và nhân dân thì bị tước hết mọi vũ khí vật chất và tinh thần, dễ gì đứng lên được từ con số không dưới một vòng Kim-cô bằng sắt đúc? Nếu (tất nhiên lịch sử thì không có chữ nếu) cả nước là một chế độ Việt Nam cộng hòa thì những Đài Loan, Thái Lan, Mã Lai, Singapore…dễ gì qua mặt ta tới vài chục năm, dễ gì Trung Quốc có thể nhét ta vào trong tay áo, và làm gì phải đặt ra một ước ao, ước ao khó khăn đến nỗi tưởng chừng tuyệt vọng là “Giải cộng nhi thoát”?
Nếu về cá nhân đã không thể đem điều thắng thua để luận anh hùng, thì với chiến tranh càng không thể đơn giản đem kết quả thành bại để luận bàn tốt xấu. Cuộc chiến ở Việt Nam vừa qua xứng đáng là một ví dụ bất hạnh đáng đem vào sách giáo khoa cho thế giới cùng xem.
V.Q.U (14/2/2013)
V.Q.U (14/2/2013)