Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

Những người trên tấm ảnh. 17-2-1979

 Hiệu Minh
tap-the-chic3aan-se1bbb9-bp-pc3b2-hc3a8n.jpeg
Tập thể chiến sỹ BP Pò Hèn (Quảng Ninh). Ảnh: tư liệu
Tác giả blog đang trên đường đi công tác Á Châu, do lịch trình bận nên không thể đóng góp bài cho ngày 17-2-1979, dù thực sự muốn viết gì đó.

Năm 1979, tôi lên Lạng Sơn cùng đoàn chuyên gia Liên Xô và Ba Lan đúng một tháng sau khi Trung Quốc rút khỏi. Thành phố đổ nát, cầu Kỳ Cùng gẫy làm đôi do bộc phá đánh thành hình chữ V, mà lính Trung quốc gọi là Victoria (chiến thắng).
Bệnh viện, trường học, cơ quan nhà nước… bị bộc phá đánh sập rất chuyên nghiệp, cài chất nổ bốn phía, khi nổ thì thành đống gạch vụn. Không ngôi nhà nào nguyên vẹn. Đôi chỗ vẫn còn cảnh báo, có mìn chưa nổ.
Trên tường vẫn còn dòng chữ sơn đỏ viết cẩu thả “Đả đảo tập đoàn …”. Có chỗ được tẩy đi nhưng vẫn có thể đọc được những gì mà người bạn phương Bắc gửi lại.

Sau này đọc lại lịch sử mới hiểu cuộc chiến thật là tàn nhẫn do những người anh em cùng ý thức hệ giết nhau. Từ chiến trường Campuchia đến biên giới Việt Trung. Bao nhiêu sinh mạng trai trẻ của cả hai phía đã ngã xuống bởi những tính toán thấp hèn của những kẻ cầm quyền tham lam và độc ác.
Suốt dọc đường bay từ Washington DC đến Inchon (Seoul), tôi đọc hết cuốn Bên thắng cuộc (Giải Phóng) của Huy Đức. Chiến trường Campuchia và biên giới phía bắc được anh viết lại với nỗi đau của người lính tham chiến. Một sự trùng lặp, tôi đọc đúng vào ngày 17-2.
Dừng lại Seoul hơn 1 tiếng để bay tiếp đi Manila, dù qua 13 tiếng trên trời không ngủ vì muốn đọc hết cuốn sách, người rã rời, tâm trạng thật khó hiểu, nhưng tôi cố viết mấy dòng này.
Tôi muốn nói, cũng nhưng 90 triệu dân VN, không ai quên cuộc chiến phía Nam và phía Bắc cách đây mấy thập kỷ, cho dù báo chí chính thống không dám nói đến.
Thấy tấm ảnh trên Blog Quê Choa “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978″ lấy từ FB của nhà báo Lê Đức Dục, phóng viên báo Tuổi trẻ (tại đây), xin đăng lại trên HM Blog. Cảm ơn nhà báo vì tấm ảnh này.
Nhà báo cho biết, bức ảnh được chụp và dịp liên hoan cuối năm và sau hai tháng, hầu hết những chàng trai trẻ trên tấm ảnh đó đã hy sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược.
Tấm ảnh nói lên cái giá quá đắt của cuộc chiến. Xin đừng ảo tưởng vào tình hữu nghị anh em, 16 chữ vàng, 4 tốt.
Bao giờ những nhà lãnh đạo biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên ý thức hệ thì mới mong những chàng trai trẻ Pò Hèn không ngã xuống lúc tuổi còn xuân.
HM. Viết từ Inchon Airport. 17-2-2013

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"