F.K.
Phải phản bác bản Hiến pháp hiện hành theo cách nào? Về việc này, giữa những người yêu nước và mong muốn sự đổi thay vẫn đang có bất đồng lớn.
Tuần trước, tôi gửi Dân Luận một bài ngắn về phong trào "biểu tình ảnh"
để ủng hộ bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp của các trí thức Việt Nam.
Thực ra, lúc ban đầu, tôi tính gửi bài này cho một trang lề trái khác.
Không may cho tác giả, anh Tổng biên tập gửi hồi âm cáo lỗi, rằng "bài không phù hợp với chủ trương chung của trang".
Anh tổng, cũng như nhiều người bạn mà tôi rất quí trọng về trình độ tư
tưởng và kinh nghiệm đấu tranh, cho bản Kiến nghị lần này là vô nghĩa,
và vô lí.
Nói chính xác hơn, các bạn tôi tẩy chay mọi hoạt động nằm trong khuôn
khổ đóng góp cho việc sửa đổi bản Hiến pháp hiện hành của chế độ. Lập
luận của họ dựa trên một nguyên tắc đúng: Hiến pháp - bản "hợp đồng
chung sống" của người dân một nước - phải thực sự là kết quả từ đồng
thuận của toàn dân. Muốn thế, Hiến pháp phải được hình thành bằng một
tiến trình đóng góp ý kiến, trao đổi, biểu quyết và giám sát dân chủ
hoàn toàn.
Nếu áp dụng tiêu chuẩn này, thì bản Hiến pháp hiện hành, mà việc sửa đổi đang đặt ra, quả thực không đủ tư cách.
Trước tiên, cơ quan soạn thảo và biểu quyết Hiến pháp rõ ràng không
ổn. Lúc này, chẳng còn ai lạ lẫm với bản chất "đảng cử dân bầu" của Quốc
hội Việt Nam. Đó là Quốc hội của kẻ cầm quyền, do kẻ cầm quyền, và vì
kẻ cầm quyền. Cơ quan bù nhìn này không kiếm đâu ra cái tư cách đại diện
cho nguyện vọng của đông đảo dân chúng. Như vậy, màn kịch "sửa đổi Hiến
pháp" mà nó dựng lên chắc chắn chỉ phục vụ nhu cầu sinh tồn của kẻ cai
trị. Vậy khi tình nguyện tham gia vở diễn, chúng ta sẽ làm lợi cho ai?
Góp sức thay đổi đất nước, hay góp sức tô trát cho tính chính danh của
kẻ cầm quyền?
Sao chúng ta - những người dân chủ - phải phung phí danh dự của mình
vào một màn kịch xin-cho, mà không mạnh dạn mở mồm để đòi lại cho bản
thân cái quyền lập hiến chính đáng?
Nghĩ vậy, nên các bạn tôi quyết khước từ mọi hoạt động "góp ý dự
thảo". Họ tuyên bố: "Nhu cầu và cũng là mục tiêu tranh đấu ngày hôm nay
là Giành lại Quyền làm chủ Hiến Pháp, chứ không phải là góp ý sửa đổi
bản Hiến Pháp mà một đảng nắm quyền tùy tiện dựng lên". Đôi lúc, trong
cuộc trao đổi thân mật, tôi nghe một anh em thuộc phái tẩy chay góp ý
mắng những vị kí tên vào bản Kiến nghị là “ảo tưởng”, là “hèn”.
Theo tôi, nhận xét vậy thì oan quá.
Sau ngày bản Kiến nghị được tung ra, tôi có trao đổi với một số vị
trong nhóm trí thức khởi thảo. Trái với hiểu lầm của những người tẩy
chay Kiến nghị, không ai trong số các vị này còn mảy may hi vọng vào
thiện chí của chính quyền, tính chính đáng của Quốc hội Việt Nam, hay
triển vọng dân chủ hóa của màn kịch “góp ý”. Và mọi người dễ dàng đồng ý
với nhau trên một điểm: bản Kiến nghị sẽ vô dụng trong việc thay đổi
Hiến pháp 1992. Việc sửa đổi chỉ có thể mang lại một Hiến pháp tồi, vì
bộ máy cầm quyền đã hết thuốc chữa.
Nhưng họ vẫn thảo bản Kiến nghị, vẫn nỗ lực vận động lấy chữ kí. Vì sao?
Trong thực tế, giữa những người ủng hộ và tẩy chay bản Kiến nghị
không tồn tại một khoảng cách quá xa. Những người ủng hộ mà tôi từng
trao đổi, không khác những người tẩy chay, đều chọn mục tiêu tranh đấu
lâu dài là “giành lại quyền làm chủ Hiến pháp”. Trong suy tính của họ,
việc soạn thảo và phổ biến bản Kiến nghị cũng chính là một bước chân
ngắn trên chặng đường dài đến cái đích trên. Và chiến thuật họ đang
dùng, theo tôi, không phải không có lí.
Chúng ta đều muốn "đấu tranh để giành lại quyền làm chủ Hiến pháp"
cho toàn dân tộc. Nhưng ai tham gia cuộc đấu tranh ấy, khi tuyệt đại đa
số người Việt còn chưa từng đọc, và chưa thấy cần thiết phải đọc dù chỉ
một chữ trong bản Hiến pháp hiện nay? Trong tổng dân số hiện tại, số
người Việt hiểu công dụng của Hiến pháp, và có đủ thông tin để hiểu rằng
phải thay đổi Hiến pháp đang chiếm mấy phần? Trong giới trí thức Việt
Nam, bao nhiêu người có đủ kiến thức và suy tư để biết sơ sơ về những
nội dung cần đưa vào Hiến pháp mới? Quan trọng không kém, bao nhiêu phần
trăm thanh niên Việt Nam có đủ lòng can đảm và hiểu biết để dấn thân
tranh đấu cho cuộc đổi thay quí giá này?
Tôi tin rằng với mỗi câu hỏi nêu trên, con số trong câu trả lời đều
nhỏ hơn 1% của tập thể được xem xét. Như vậy là quá nhỏ. Và trên chặng
đường "giành lại quyền làm chủ Hiến pháp", dân tộc ta có thể ví với một
cỗ xe còn thiếu cả tài xế lẫn xăng. Với mức độ chuẩn bị như thế, chúng
ta thậm chí chưa thể khởi hành. Bởi vậy, nếu được hô lên trong thời điểm
hiện nay, khẩu hiệu "đấu tranh để giành lại quyền làm chủ Hiến pháp cho
nhân dân" sẽ chỉ rơi vào những đôi tai điếc.
Việc cần làm lúc này là chuẩn bị. Chúng ta cần chuẩn bị khẩn cấp một
đồng thuận dân tộc về bản hợp đồng chung sống mới của nước Việt Nam. Để
đạt được đồng thuận ấy, cần khơi dậy, trong xã hội còn đang câm nín,
càng nhiều càng tốt các cuộc thảo luận sôi nổi về những điểm trọng yếu
của bản hợp đồng. Đó là vấn đề đa đảng, đa nguyên, sự độc lập chính trị
của quân đội và công an, hay chuyện sở hữu đất... Để làm quần chúng - kể
cả "quần chúng trí thức" - biết nhiều hơn, nghĩ nhiều hơn, và dám mở
miệng rộng hơn để công khai phát biểu quan điểm. Và theo như tôi thấy,
đó chính là điều mà bản Kiến nghị về sửa đổi Hiến pháp đã làm được cho
đến hôm nay.
Trong mắt nhóm trí thức khởi thảo, bản Kiến nghị là cách tận dụng cơ
hội hiếm hoi để được nói một cách đồng thanh, công khai, hợp lệ, và để
động viên người khác cùng nghĩ, cùng nói với mình.
Sau 1975, đây là lần đầu tiên quần chúng Việt Nam chứng kiến lập
trường dân chủ, đa đảng, đa nguyên được phát biểu công khai bởi một tập
thể đông đảo các nhân sĩ, trí thức và cựu công chức như thế. Họ đã góp
sức mở đường, để những người đi sau có thể bước thêm mạnh dạn. Tôi đã
chứng kiến hiệu quả của phong trào Kiến nghị trong giới sinh viên. Gần
đây, tôi thường dành thì giờ để đăng bài vở về việc sửa đổi Hiến pháp
lên trang tin Facebook mà mình tham gia quản lí (độc giả trang phần lớn
là người trẻ), và theo dõi thành quả của mình. Với anh em thanh niên,
bản Kiến nghị này là một sự gợi mở và động viên lớn. Lần đầu tiên trong
đời, nhiều bạn bắt gặp và quan tâm đến vấn đề đa đảng. Với nhiều bạn
khác, chữ kí trên bản Kiến nghị là lần lên tiếng đầu tiên. Trong các
cuộc thảo luận sôi nổi, những người tham gia đều tìm thấy cơ hội bồi đắp
nhận thức của mình. Tôi tin rằng từ điểm khởi đầu khiêm tốn của cuộc
chuyện Hiến pháp hôm nay, sẽ có nhiều thanh niên tìm hiểu sâu hơn, để
nay mai nhập cuộc tranh đấu.
Chỉ có một điều làm tôi tiếc hùi hụi. Sẽ tốt hơn nhiều, nếu thay vì
gửi Kiến nghị, nhóm trí thức công bố một bản Đề nghị cho hợp tư cách
đường hoàng của người công dân.
Giá các bác làm thế, thì bài viết này có lẽ đã không cần!
F.K.