Nguyễn Tiến Dũng
Mức độ xã hội chủ nghĩa ở đây được hiểu là mức độ đảm bảo các
quyền lợi xã hội cho nhân dân, vượt trên các quyền và các tự do cơ bản
của con người.
Sự khác nhau giữa nhân quyền cơ bản và phúc lợi xã hội nằm ở chỗ: mỗi
phúc lợi xã hội đều là một dịch vụ phải có người cung cấp, còn nhân
quyền cơ bản thì không phải là một dịch vụ, không cần ai cung cấp.
Tuy nước Việt Nam có tên gọi là “xã hội chủ nghĩa”, nhưng điều đó
không có nghĩa là nó “xã hội chủ nghĩa hơn” so với các nước tư bản tiên
tiến. Ví dụ, chính phủ Việt Nam chỉ đảm bảo được chưa đến 50% chi phí
giáo dục cho nhân dân, và hầu hết trẻ em đi học phải đóng học phí, trong
khi đó ở Pháp và nhiều nước khác, học phổ thông là hoàn toàn miễn phí.
Tương tự như vậy đối với vấn đề y tế và nhiều dịch vụ công cộng khác: tỷ
lệ chi phí được đảm bảo bởi nhà nước ở Việt Nam là thấp hơn so với
nhiều nước khác. Việc “yếu về cung cấp các phúc lợi xã hội” của nhà nước
Việt Nam cũng thể hiện trên hiến pháp, trong đó các điều khoản về quyền
lợi xã hội của dân không được mạnh bằng các hiến pháp khác. Đi vào cụ
thể hơn, dự thảo 10/2013 có các điều sau về phúc lợi xã hội:
Điều 35 (sửa đổi, bổ sung Điều 67) Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
Như GS. Hoàng Xuân Phú chỉ ra trong bài [4], Điều 35 là một quyền
“ảo”, nếu như nó không đi kèm với trách nhiệm của ai (ai có trách nhiệm
phải đảm bảo an sinh, ở mức độ nào?).
Để cho điều trên trở thành một quyền lợi xã hội thực sự, hiến pháp
cần ghi rõ hơn các đối tượng mà nhà nước có trách nhiệm trợ cấp đảm bảo
an sinh tối thiểu. Để so sánh, hiến pháp Phần Lan có ghi rõ những đối
tượng sau phải được hưởng trợ cấp: tất cả những người không có đủ thu
nhập tối thiểu để sống được một cuộc sống đủ phẩm giá con người. Những
người rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, bệnh tật, tàn tật, tuôi già, sinh
con, mất nơi nương tựa, mà không còn đủ khả năng tự lo cho mình thì phải
được chính quyền trợ cấp giúp đỡ.
Giúp đỡ tất cả những người như vậy có “quá sức” đối với chính quyền
không? Vấn đề ở đây không phải là kinh tế, mà là tổ chức xã hội. Việt
Nam nhận là đã trở thành nước thu nhập trung bình, không có cớ gì không
giúp được những người cần trợ cấp xã hội, trừ khi công quĩ bị biển thủ
không đến được đến tay người cần được giúp.
Điều 36 (sửa đổi, bổ sung Điều 62)
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Nhà nước có chính sách tạo điều kiện để công dân có nơi ở.
“Quyền có nơi ở hợp pháp” trong điều 62.1 là một “quyền” còn quá yếu
để mà cần phải ghi thành một điều của hiến pháp. Nếu hiểu “quyền” đó là
“nhà nước phải cung cấp cho nơi ở” thì là chuyện hoàn toàn khác, nhưng
tất nhiên không ai hiểu như vậy cũng chẳng có nhà nước nào đảm bảo được
như vậy. Vậy “quyền” ở đây hiểu là “quyền được tự đi tìm một nơi ở”.
Nhưng tất nhiên, ai mà chẳng có quyền tìm chỗ ngủ cho mình, cần gì pháp
luật cho quyền đó, vì ai mà chẳng phải ngủ. Nếu viết là ai cũng có quyền
tự do tìm nơi ở thì điều luật sẽ có nghĩa hơn, vì như thế nó trở thành
một tự do của người dân, nhà nước không có quyền hạn chế bắt ép tùy
tiện.
Điều khoản 6.2 là hợp lý, tuy tất nhiên nó chưa đem lại ràng buộc gì cụ thể từ phía nhà nước.
Có một điểm đáng chú ý là, các điều khoản về các quyền lợi không nói
đến quyền lợi cho người nước ngoài sống hợp pháp ở Việt Nam, mà chỉ nói
đến quyền cho công dân Việt Nam. Để Việt Nam trở thành một nước tiến bộ
hòa nhập quốc tế, thì cần phải mở rộng các phúc lợi xã hội (kèm theo
nghĩa vụ đóng thuế, v.v.) đối với người nước ngoài cư trú hợp pháp ở
Việt Nam.
Điều 40 (sửa đổi, bổ sung Điều 65)
1. Trẻ em có quyền được gia đình, nhà trường, Nhà nước và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục.
2. Nghiêm cấm hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.
Nhìn chung, Điều 40 là hợp lý. Đi vào chi tiết hơn, nếu nói “trẻ em
có quyền được xã hội bảo vệ” thì đây là một thứ “quyền” không thể qui
được trách nhiệm thực hiện nó cho ai. Cần nói rõ ràng hơn “xã hội” ở đây
là những ai, những tổ chức nào? Ngoài ra, thay vì nói “trẻ em có
quyền”, cần nói “… có trách nhiệm … với mỗi trẻ em”. Bởi vì nói “có
quyền được …” cũng có thể có nghĩa là “được nhận … nếu muốn, còn nếu
không muốn thì thôi”. Nhưng đối với trẻ em vị thành niên thì có muốn hay
không vẫn phải được chăm sóc, và do đó vẫn phải qui được trách nhiệm
chăm sóc cho những ai đó.
Để tiến bộ hơn nữa, có thể thêm điều khoản “nhà nước giúp đỡ các gia
đình trong việc chăm sóc trẻ em” (hình thức chăm sóc gián tiếp, thể hiện
chẳng hạn qua việc trợ cấp gia đình cho các gia đình có con nhỏ ở nhiều
nước).
Điều 41 (sửa đổi, bổ sung Điều 39, Điều 61)
1. Công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe; bình đẳng trong việc
sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng
bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.
2. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa đến cuộc sống và sức khỏe của người khác và cộng đồng.
Trong Điều 41.1, phần “binh đẳng” có lẽ là thừa vì đã có các điều
khoản khác về bình đẳng, áp dụng cho mọi thứ chứ không chỉ dịch vụ y tế.
(Không cần thiết cứ nói về bất cứ gì lại ghi thêm câu ‘bình đẳng” ở
đó).
Điều khoản “công dân có quyền được bảo vệ sức khỏe” trong Điều 41.1
cũng bị mắc một lỗi tương tự như nhiều điều khoản khác viết về quyền
lợi: không thấy nói ai là người có trách nhiệm cung cấp quyền lợi, dịch
vụ đó? Để cho Điều 4.1 thực sự trở thành một quyền, cần phải qui rõ
trách nhiệm (nhà nước) phải đảm bảo dịch vụ y tế bảo vệ sức khỏe tối
thiểu cho dân. Ví dụ, đây là câu về điều này trong hiến pháp của Phần
Lan: “The public authorities shall guarantee for everyone, as provided
in more detail by an Act, adequate social, health and medical services
and promote the health of the population.”
Điều 42 (sửa đổi, bổ sung Điều 59) Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
Điều 42 đã được bàn ở phía trước trong bài này. Tương tự như Điều 41,
không có nói ai là người có trách nhiệm cung cấp dịch vụ, và đến mức độ
nào, khiến cho Điều 42 trở nên yếu về logic và tính pháp lý.
Dịch vụ ý tế công cộng hiện tại của Việt Nam rất yếu, có những nơi
5-6 bệnh nhân chung nhau một giường bệnh, còn yếu hơn so với dịch vụ
giáo dục công. Đây là một biểu hiện cho thấy tính xã hội chủ nghĩa (hiểu
theo nghĩa đem lại các phúc lợi xã hội cho dân) của Việt Nam thực ra
còn rất yếu, và thậm chí đi theo xu hướng càng ngày càng yếu đi, thành
một xã hội “độc lập tự lo”. Trong các nước tư bản phát triển, thì Mỹ
thuộc loại có tính xã hội thấp (bảo hiểm y tế công của Mỹ rất kém),
nhưng Mỹ có các cố gắng thay đổi để tăng tính xã hội lên, còn dự thảo
sửa đổi hiến pháp Việt Nam đi theo chiều ngược lại?!