Nguyễn Đình Đăng tổng hợp
Trong tuyên bố Potsdam ngày 26/7/1945 buộc Nhật Bản đầu hàng không điều kiện có đoạn: “Nhà
nước Nhật phải gỡ bỏ mọi cản trở các xu hướng dân chủ trong nhân dân
Nhật. Tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng cũng như sự tôn
trọng nhân quyền phải được thiết lập.” Tuyên bố Potsdam còn chỉ rõ
Nhật Bản hậu chiến sẽ phải chịu sự chiếm đóng của Đồng Minh (1945 –
1952). Ngày 15/8/1945 lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Nhật được
nghe tiếng nói của Thiên hoàng trên đài truyền thanh. Đó là lời Nhật
hoàng tuyên bố nước Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện.
Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Harry Truman đã bổ nhiệm thống tướng
(General of the Army) Douglas MacArthur làm Tư lệnh Tối Cao của Các Lực
lượng Đồng Minh (Supreme Commander of Allied Powers). Quân đội Mỹ chiếm
đóng toàn bộ Nhật Bản và vùng trước kia thuộc Nhật ở Micronesia.
Tướng Douglas MacArthur ký văn bản chấp nhận Nhật đầu hàng không điều kiện trên chiến hạm USS Missouri ngày 2/9/1945
Chân ướt chân ráo tới Tokyo ngày 30/8/1945, thống tướng MacArhur đã lập tức ban bố 2 lệnh ngắn gọn: “1.
Quân nhân và nhân viên lực lượng Đồng minh không được tấn công người
Nhật. 2. Quân nhân và nhân viên lực lượng Đồng minh không được ăn thực
phẩm ít ỏi của người Nhật.”
Ngay từ hội nghị Potsdam, tướng Douglas MacArthur đã nói để đạt mục
đích dân chủ hóa nước Nhật, thì cần sửa đổi Hiến pháp Minh Trị 1889. Khi
nói câu đó ông không ngờ rằng trách nhiệm này cuối cùng đã được trao
vào tay ông, và trên thực tế, chỉ sau đó vài tháng, văn phòng của ông đã
viết ra một bản hiến pháp hoàn toàn mới mà người Nhật cho tới giờ vẫn
thực thi không sai một dấu chấm dấu phẩy.
Vậy mà câu chuyện về sự ra đời của bản Hiến pháp 1946 của Nhật Bản lại bắt đầu khá lạ lùng: từ một lỗi dịch thuật.
Ngày 4/10/1945 thống tướng MacArthur có một cuộc họp với một số thành
viên nội các Nhật Bản. Lúc buổi họp sắp kết thúc, một quan chức cao cấp
Nhật hỏi liệu Tư lệnh Tối cao có chỉ dẫn gì để kiến thiết chính phủ
không. Trong khi dịch trả lời của MacArthur, người phiên dịch đã dịch
sai từ “kiến thiết” thành “hiến pháp”. Quan chức Nhật Bản ra về, đinh
ninh rằng Tư lệnh Tối cao đã yêu cầu phía Nhật phải viết Hiến pháp mới.
Đầu tháng 2/1946 phía Nhật Bản viết ra một dự thảo Hiến pháp, nhưng
MacArthur đã không chấp nhận, coi đó chẳng qua chỉ là bổn cũ soạn lại
của Hiến pháp Minh Trị. Cuối cùng MacArthur đã ra lệnh cho văn phòng của
mình tự thảo ra Hiến pháp mới cho Nhật Bản sao cho kịp xong trước phiên
họp ngày 26/2/1946 của Đồng Minh bởi ông không muốn các nước Đồng Minh
khác nhúng tay vào nội tình Nhật Bản.
Thừa lệnh MacArthur, trưởng ban Nhà nước trong tổng hành dinh của
MacArthur, thiếu tướng kiêm luật sư Courtney Whitney đã thành lập một
hội đồng gổm 25 người có nhiệm vụ phải thảo ra hiến pháp trong vòng một
tuần. Ba người trực tiếp chấp bút cho bản dự thảo hiến pháp này là thiếu
tướng Whitney, trung tá kiêm luật sư Mill Rowell, và thông dịch viên
Beate Sirota Gordon (1923 – 2012). Năm đó bà Beate Sirota Gordon là một
thiếu nữ 22 tuổi.
Beate Sirota Gordon năm 22 tuổi (1946)
Bà Beate Sirota Gordon là người gốc Do Thái, con gái độc nhất của danh cầm piano Leo Sirota
(1885-1965), và là cháu gọi nhạc trưởng Jasha Horenstein (1898-1973)
bằng cậu. Bà đã sống và học tại Tokyo 10 năm (1929 – 1939) khi cha bà
được mời làm giáo sư piano tại Nhạc viện Hoàng gia ở đây. Năm 1939 bà
sang Mỹ học và năm 1943 tốt nghiệp cử nhân ngôn ngữ hiện đại. Tháng
1/1945 bà trở thành công dân Hoa Kỳ. Trong Đệ nhị Thế chiến bà mất liên
lạc với cha mẹ ở Nhật, nên ngay sau khi chiến tranh vừa kết thúc bà đã
lên đường sang Nhật tìm gia đình. Đến Tokyo vào mùa Giáng sinh năm 1945,
bà là phụ nữ ngoại quốc thường dân đầu tiên đặt chân tới nước Nhật hậu
chiến. Thông thạo 6 ngôn ngữ Nhật, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Nga, bà
được thuê làm phiên dịch cho tổng hành dinh của tướng MacArthur.
Bà Gordon kể lại rằng bà đã phải ngồi xe jeep phóng tới các thư viện ở
Tokyo, khi đó còn rất tiêu điều sau chiến tranh, để mượn các bản hiến
pháp của các nước đem về cho hội đồng nghiên cứu. Những thành viên khác
của hội đồng tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến.
Sau một tuần hầu như không ngủ, hội đồng dự thảo hiến pháp của tướng
MacArthur đã viết ra một văn kiện hoàn toàn mới và tiến bộ. Trong bản
hiến pháp năm 1946 này, Nhật hoàng được coi là biểu tượng của nhà nước
và đoàn kết toàn dân, song đã bị tước mọi quyền hành thực. Mọi hành vi
của Nhật hoàng liên quan tới nhà nước phải được sự chấp thuận của nội
các chính phủ do thủ tướng đứng đầu. Một cấu trúc lập pháp quốc hội
lưỡng viện được thành lập, trong đó thượng viện đóng vai trò thứ yếu.
Trừ hoàng gia Nhật, mọi quyền lợi của quý tộc khanh tướng bị bãi bỏ hoàn
toàn. Hoàng gia không được có bất cứ sở hữu, nhận hay tặng quà cáp gì
nếu không được quốc hội chấp thuận.
Trong 103 điều khoản, bản hiến pháp dành 31 điều khoản (Chương III,
Điều 10 – 40) cho “các quyền tự do căn bản của con người” (lời của tướng
MacArthur), bao gồm hầu hết các điều khoản về quyền tự do Mỹ. Điều 19
bảo đảm không được vi phạm tự do tư tưởng và tự do lương tâm. Điều 21
khẳng định “Quyền tự do hội họp và lập hội cũng như quyền tự do ngôn
luận, tự do báo chí và tất cả các quyền tự do biểu hiện khác được đảm
bảo. Không được kiểm duyệt, không được vi phạm bí mật của mọi hình thức
thông tin.” Điều 34 nghiêm cấm bắt giữ người vô cớ. Điều 35 cấm xâm
phạm chỗ ở, lục soát và tịch thu giấy tờ và tài sản của người dân mà
không có trát cụ thể của toà chỉ rõ lý do, địa điểm và đồ vật cần khám
xét. Điều 40 khẳng định người dân có quyền kiện nhà nước để được bồi
thường nếu bị bắt giữ oan.
Độc đáo nhất là Chương II. Chương này chỉ vẻn vẹn có một điều khoản,
Điều 9, chỉ rõ nhân dân Nhật Bản vĩnh viễn từ bỏ chiến tranh khỏi chủ
quyền của quốc gia, vĩnh viễn không sử dụng vũ lực hay đe doạ bằng vũ
lực khi giải quyết các tranh chấp quốc tế. Điều khoản này đã có ảnh
hưởng cực kỳ quan trọng lên sự phát triển của nước Nhật sau chiến tranh.
Riêng về phần mình, bà Beate Sirota Gordon đã thêm điều khoản 14 và
24 về quyền bình đẳng của con người và bình đẳng nam nữ trong hôn nhân.
Điều 14 có đoạn:“Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không
được có bất cứ phân biệt nào trong các quan hệ về chính trị, kinh tế, xã
hội vì lý do chủng tộc, tín ngưỡng, giới tính, địa vị xã hội hay xuất
thân gia đình.” Điều 24 có đoạn: “Hôn nhân phái dựa trên sự đồng ý
của cả hai giới, và hợp tác trên cơ sở quyền bình đẳng của vợ và chồng.
Về chọn người kết hôn, các quyền sở hữu trong hôn nhân, thừa kế, chọn
chỗ ở, ly hôn và các vấn đề khác liên quan tới hôn nhân và gia đình,
pháp luật phải được thực thi trên quan điểm tôn trọng phẩm giá và quyền
bình đẳng giới tính.”
Sau những buổi bàn thảo quyết liệt vào tháng 3/1946, phía Nhật Bản
cuối cùng đã chấp nhận dự thảo hiến pháp do phía Mỹ soạn, sau vài sửa
đổi nhỏ. Tướng Whitney còn nói rằng nếu nội các Nhật không có khả năng
đưa ra một quyết định thích hợp, tướng MacActhur sẽ đem bản dự thảo này
ra trưng cầu dân ý.
Nhật hoàng tuy mất quyền, nhưng vẫn giữ được ngai vàng, đã viết thư
trả lời chính thức ủng hộ bản hiến pháp mới. Mùa thu năm 1946, đại đa số
nhân dân Nhật Bản đã bỏ phiếu ủng hộ các đại biểu tán thành bản hiến
pháp mới. Ngày 3/11/1946 Nhật hoàng chính thức công bố hiến pháp mới
trước nghị viện. Đúng 6 tháng sau, bản hiến pháp chính thức có hiệu lực.
Từ đó ngày 3/5 hàng năm đã trở thành ngày nghỉ lễ có tên Ngày Hiến
pháp. Sự ra đời của bản hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng pháp lý cho
một Nhật Bản hiện đại. Theo sử gia D. Clayton, người viết tiểu sử tướng
MacArthur, lịch sử đánh giá công lao của tướng MacArthur trong việc tái
thiết nước Nhật hậu chiến còn hơn là một trong những quân nhân kiệt xuất
nhất của Hoa Kỳ trong chiến tranh. Bà Beate Sirota Gordon được Hoàng
gia Nhật Bản trao Huân Chương Thụy Bảo (瑞宝章) năm 1998 và được nhiều phụ
nữ Nhật Bản coi là nữ anh hùng của họ. Trong một trả lời phỏng vấn của
ABC News (Hãng thông tấn Hoa Kỳ), bà hồi tưởng: “Tôi đi tới đâu các phụ nữ Nhật cũng muốn chụp ảnh cùng tôi, và bắt tay tôi. Họ nói họ vô cùng biết ơn tôi.”
Phụ lục: Bức hình gây sốc
Nhật hoàng Hirohito và thống tướng Douglas MacArthur
tại tổng hành dinh của MacArthur ở Tokyo ngày 27/9/1945
Bức hình này được chụp tại tổng hành dinh của MacArthur tại Tokyo.
Vào thời điểm đó 70% người Mỹ coi Nhật hoàng Hirohito là tội phạm chiến
tranh đáng bị treo cổ. Các nhân viên quân đội Hoa Kỳ biểu tình ngoài
tổng hành dinh của MacActhur đòi xét xử Nhật hoàng, trong khi đại sứ
quán Nga và Úc gọi điện gây áp lực. Tuy nhiên, MacActhur hiểu rằng, để
thời kỳ quá độ diễn ra suôn sẻ, việc duy trì Nhật hoàng và hoàng gia là
cần thiết. Song, ông không đến chào Nhật hoàng mà chờ Nhật hoàng ứng xử
trước. Cuối cùng, vào ngày 27/9/1945 Nhật hoàng Hirohito đã rời hoàng
cung tới gặp thống tướng MacArthur tại đại bản doanh các lực lượng đồng
minh đóng tại toà nhà của công ty bảo hiểm sinh mệnh Dai-Ichi tại quận
Chiyoda, cạnh Hoàng cung. Cuộc gặp diễn ra lúc 10 giờ sáng, nội dung bàn
về số phận của ngai vàng. Khi đó Nhật hoàng vẫn còn được coi là thượng
đế. Lúc Nhật hoàng qua cửa, các sĩ quan Hoa Kỳ đề nghị Nhật hoàng bỏ
mũ. Sau khi Nhật hoàng trao mũ cho các sĩ quan, MacArthur tiến nhanh vào
phòng và nói: “Ngài rất rất được hoan nghênh!” (You are very, very welcome, sir!) Các sĩ quan tùy tùng của MacArthur cho biết đây là lần đầu tiên họ nghe thấy tư lệnh tối cao của họ dùng đại từ nhân xưng “ngài”. Nhật hoàng cúi gập người bắt tay MacArthur, thấp đến nỗi tay bắt cao hơn cả đầu mình.
Bức hình này là 1 trong 3 bức nhiếp ảnh gia của tướng MacArthur,
trung úy Gaetano Faillace, chụp tại buổi gặp gỡ nói trên. Hai bức kia bị
MacArthur loại vì một bức chụp MacArthur nhắm mắt, còn trong bức thứ
hai Nhật hoàng há miệng.
Kiểm duyệt Nhật Bản đã bị sốc nặng trước bức hình ông tướng Mỹ cao
to, vận quân phục vải khaki, đứng một cách thoải mái bên cạnh Thiên
hoàng thấp bé, mặc lễ phục phương tây. Đối với họ Thiên hoàng là thượng
đế và hình ảnh họ nhìn thấy là không thể tưởng tượng nổi. Tổng hành dinh
của MacArthur đã gây sức ép, buộc kiểm duyệt Nhật Bản cho đăng bức
hình. MacArthur cũng phải can thiệp để tờ New York Times của Mỹ cho đăng
bức hình kèm bài phỏng vấn Nhật hoàng Hirohito vì trong bài phỏng vấn,
Nhật hoàng đã trách chính phủ Nhật không tuyên chiến với Hoa Kỳ trước
khi tấn công Trân châu cảng (Pearl Harbour). Cảnh sát Hoa Kỳ đã cố sức
thu hồi số báo có bức hình và bài phỏng vấn.
9/2/2013
Tài liệu tham khảo:
[2] Margalit Fox, Beate Gordon, long-unsung heroine of Japanese women’s rights, dies at 89, New York Times, 1/1/2013.