Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Văn chương và con người

Đỗ Trường
Phàm đã là con người, ai cũng có lúc khôn lúc dại, lúc dở lúc hay, âu đó cũng là thường tình của người trần tục. Ngày còn học sư phạm, chúng tôi có được nghe một nhà tâm lý học nói đại ý rằng: Một đời người thế nào cũng có khoảng 4 đến 8 năm là thông minh hơn bình thường. Những người có năng khiếu và theo nghiệp văn chương, trong thời gian này, họ thường để lại những tác phẩm hay. Hoặc những nhà khoa học, các nhà chính trị cũng vậy, sự thông minh nổi trội cũng chỉ có trong khoảng thời gian như vậy mà thôi, có người bộc phát lúc trẻ, có người lúc trung tuổi, về già khả năng này thường không còn nữa. Chứ chẳng ai dám vỗ ngực nói, tài năng và thông minh cả đời. Điều đó là phi khoa học.

Ngẫm nghĩ ra quả là đúng thật, tôi có thằng bạn rất thân, học chung suốt từ cấp một cho đến hết cấp ba (hệ 10 năm). Những năm học cấp một, cấp hai, lực học của nó vào dạng thường thường hoặc trung bình. Lên đến lớp 8 lớp 9 lực học của nó cũng chưa có gì nổi trội. Nhưng đến lớp 10 lực học của nó vượt hẳn lên, làm cho mọi người rất ngạc nhiên, nhất là các môn tự nhiên. Như mọi người đều biết, những năm 1976-1977 làm gì đã có học thêm học nếm như bây giờ. Gia đình nó cũng như gia đình tôi đều nghèo. Buổi sáng chúng tôi đều phải nhịn đói đi học. Trưa về ăn vội vài bát cơm độn khoai lang khô, hoặc bánh mì hấp hôi rình, chiều chúng tôi lại phải làm giúp đỡ gia đình, tối mịt mới về nhà. Ăn uống qua quýt, rồi xem qua sách vở, mệt quá chúng tôi lăn quay ra ngủ. Nói thật ngày ấy không phải đóng tiền học phí, cứ như phải đóng tiền như bây giờ, có lẽ nó và tôi phải nghỉ học từ lâu rồi. Năm đó nó thi vào đại học bách khoa, đủ điểm đi du học ở Liên xô. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi, nó về nước, được dậy ở trường đại học lớn có tiếng tăm ở Hà Nội. Chuyên môn của nó, nghe bạn bè kể lại là rất khá. Được đi làm luận án tiến sĩ ở một nước tư bản, sau đó nó được về lãnh đạo một khoa, thuộc chuyên môn của mình. Ở xa, nghe tin, tôi cũng mừng. Nhưng gần đây, tôi lại nghe kỳ đại hội vừa rồi, nó có chân trong ban chấp hành đảng ủy. Có lẽ nó sắp thành lãnh đạo của trường, xa rời chuyên môn của mình. Quả thật, tôi lo và tiếc cho nó quá.
Lại có ông bạn thân cũng cùng học khác. Thằng này học hành vào dạng làng nhàng, và chểnh mảng như tôi. Thi đại học thiếu mấy điểm, nhờ có bố là liệt sỹ, nên nó được gọi vào học dự bị. Tốt nghiệp, nó về nhận công tác ở một sở của thành phố. Thời bao cấp, lương ba cọc ba đồng, nên cuộc sống vợ chồng nó vất vả lắm. Năm 1990, sau mở cửa được mấy năm, nó bỏ việc, ra ngoài lập công ty chuyên sản xuất những thiết bị về công tắc, và dây dẫn điện. Bốn, năm năm đầu nó làm ăn phát đạt lắm. Năm 1994, tôi về dự đám cưới cô em gái út. Nó lái xe ô tô riêng ra sân bay đón tôi, nhìn rất phong độ. Hầu như chiều nào cũng vậy, sau khi tan sở nó cũng lái xe qua nhà đón tôi đi uống bia. Nghe nó nói về công ty và những hoạch định, tôi cho là nó có đầu óc sáng tạo. Đang làm ăn ngon lành như vậy, không hiểu ma đưa lối, quỉ dẫn đường như thế nào, nó lại kết hợp với người khác, mở rộng ngành nghề kinh doanh, sang cả lãnh vực xuất khẩu lao động. Bất chấp sự can ngăn của vợ con, và bạn bè. Nội tình vụ việc tôi không rõ như thế nào, hai năm sau vợ nó gọi điện báo tin, nó đã dính vào vòng lao lý, gia đình, tài sản tan nát cả.
Trong lãnh vực văn học, nghệ thuật cũng vậy, không phải lúc nào các văn nghệ sỹ cũng viết hay, viết giỏi. Tài năng của họ thực sự chỉ bộc lộ trong ít năm mà thôi. Người nào được đánh giá là những cây đa, cây đề trong làng văn học để lại cho đời vài, ba tác phẩm là cũng may mắn lắm rồi. Còn lại thật ra họ viết cả đời chỉ là những dạng văn kiếm sống mà thôi. Có cố gắng mãi cũng chỉ đẻ ra những quả trứng ung, trứng lép. Ở Đức, khi nào buồn buồn, mấy bác, mấy cụ nhà văn già (thuyền nhân) gọi điện cho tôi đến hầu, điếu đóm, rượu chè. Các cụ hay bàn đến những nhà văn nhà thơ lớn ở ngoài Bắc, như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Xuân Diệu, Chế lan Viên... Trước năm 1945, họ viết hay như vậy, sau khi tự đổi mình theo Việt Minh cây bút của họ bị trói buộc không viết được gì cả. Tôi chỉ ngồi nghe, không dám có ý kiến, sợ các cụ chưởng cho mấy nhát, nhỏ mà dám hỗn. Thật lòng tôi rất nể, phục kiến thức của các cụ, nhưng tôi không hẳn đồng ý những ý kiến đó. Tôi nghĩ rằng, tài năng của các bác nhà văn, nhà thơ trên, chỉ bộc lộ thực sự những năm khi họ còn trẻ, còn sau này họ không viết được như trước vì một phần tài năng họ đã cạn, chứ trói tay, trói chân không phải là nguyên nhân chính. Nếu họ còn tài năng, trói như vậy chứ trói nữa, họ vẫn viết được. Họ không được viết công khai, thì viết bí mật. Sách của họ không được in, không được phổ biến, nhưng họ có thể cất đi, lúc nào đó sẽ được in có sao đâu. Mà văn thơ viết ra đâu chỉ nhằm có một mục đích để in bằng giấy mực. Đã là các nhà thơ, nhà văn tác phẩm của họ phải in vào lòng độc giả, mới là những giải thưởng đích thực. Bằng chứng là các nhà thơ, nhà văn Nguyễn Tuân, Xuân Diệu... mất đi, những phóng sự, bút ký, những bài thơ đậm chất cổ động như Hà Nội Ta Đánh Mỹ Giỏi, Sông Đà, Ngói Mới… cũng chết theo. Người ta cố tìm trong hành trang của người đã mất, xem có còn những miếng quặng chưa được khai phá hay không, mà có khi tác giả cố tình cất giấu sau "Vang bóng một thời" hoặc những câu thơ đầy tính lãng mạn, mượt mà “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi...” nhưng hoàn toàn thất vọng. Nhưng một bằng chứng khác, cho chúng ta thấy, có những tài năng càng cấm đoán, tù tội, lại càng viết hay. Những tài năng này viết ra, sách của họ có được in đâu. Nếu có in, họ cũng phải nhờ người khác đứng tên. Ấy vậy mà họ mất đi, những cái tên Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt... đóng đinh vào lòng người đọc.
Có một chi tiết, tôi cho là thú vị, nhưng không biết có đúng hay không? Các văn nghệ sỹ (có lúc) bị đói một chút, có khổ một chút, có đắng cay một chút, dường như họ viết hay hơn. Các văn nghệ sỹ, sống trong bao cấp, viết bằng tài trợ, thường ít để lại những tác phẩm nào ra tấm, ra miếng. Bằng chứng là các văn nghệ sỹ của nhà nước, lâu lâu cùng nhau hội thảo, phát động phong trào viết về cái này, về cái kia... ở các nơi nghỉ mát (tất nhiên kinh phí là do nhân dân là các chủ nhân ông của đất nước gánh chịu). Sau đợt phát động này, các bác bắn ra một loạt tác phẩm đượm chất cổ động, nào là - Anh Chủ Nhiệm (bài thơ này, bao thế hệ học sinh phải ra rả đọc như quốc kêu, cho đến thuộc lòng như cháo) rồi đến những câu ca, tôi đứng trông sang nhà chị giỏi chăn nuôi, thấy đàn lợn béo, nước trong leo lẻo tưới mát cho từng con... Và đây còn kinh dị hơn nữa, cây súng bên mình cũng đẹp như em.. .Ôi giời, đất ơi! cái thứ vũ khí giết người, lạnh tanh như vậy mà các bác khen đẹp, mang so sánh với các cô gái duyên dáng Việt Nam ta. Dù có nâng lên đến chủ nghĩa này, học thuyết nọ, nghĩa đen hay nghĩa bóng, cũng chẳng rọi tìm được tính chân, thiện, mỹ trong văn học nào ở đây. Bây giờ ở Việt Nam ta, có rất nhiều hoa hậu, ứ hậu, thử hỏi có cô nào dám ôm cái của nợ này, lên sân khấu trình diễn không? Qua những những lần phát động này, thành quả sáng tác của các văn nghệ sỹ chẳng khác gì những đội sản xuất của hợp tác xã thời bao cấp.
Tháng 5 vừa rồi ở Đức có ngày đàn ông, các bà vợ cho các ông chồng xả láng. Chúng tôi, cánh đàn ông rủ nhau tụ tập rượu chè. Không hiểu ông bạn hàng xóm, đi bắt ở đâu về mấy con ngan, xắn tay áo một mình lụi hụi đánh tiết canh. Anh không cho ai giúp, sợ làm hỏng hàng độc. Chúng tôi quí anh, nhưng lại rất sợ nhậu cùng anh, vì anh uống rượu vào là hay nói lung tung, can mãi mà chẳng được. Bữa nhậu đang vui vẻ, xung quanh đề tài, làm sao giúp quí ông sinh được con trai hay gái theo ý muốn. Ông bạn hàng xóm này, bẻ ngoặt giò lái sang đề tài văn học, thế mới chết chứ. Đúng là rượu vào lời ra, chẳng ai chịu ai, toàn những đại học, với cựu nghiên cứu sinh mà cãi nhau cứ như mổ bò ấy. Ông hàng xóm, to mồm khảng định, nếu còn hội nhà văn của nhà nước, thì Việt Nam không bao giờ nhận được giải Nobel về văn học. Bằng chứng anh ta đưa ra, có nước không có hội nhà văn, mà họ vẫn có tác phẩm văn học nhận giải Nobel. Anh ta còn cả gan đề nghị với nhà nước, nếu không muốn giải tán hội nhà văn nhà nước, nên bỏ bao cấp, cho thành lập hội văn nghệ tư nhân, để cùng nhau phát triển. Tất cả các con mắt đục ngầu nhìn chõ về phía anh ta, đồng thanh, ông tưởng lập hội mà dễ đấy, còn quản lý nữa chứ, đây là ngành đặc biệt. Anh ta gân cổ giải thích, thì coi nó như các hội làm kinh tế khác, cũng có môn bài, hàng tháng cũng phải khai báo thuế, nghĩa vụ, trách nhiệm với xã hội. Anh nào làm sai luật, thì đi tù chơi vậy thôi... Cho là anh ta say rồi, nên mọi người không thèm chấp. Thấy mọi người im lặng, anh ta tưởng mình có lý, làm ra vẻ tiên tri (lại còn thế nữa) anh bảo đảm chắc chắn, nếu Việt Nam, nhận được giải Nobel về văn chương, người đó chắc chắn không phải là nhà văn, trong hội của nhà nước. Không chịu nổi, tôi bịt miệng, kéo anh ta ngồi xuống. Uống tiếp, thật là, chẳng ra làm sao cả!
Cách đây có lẽ cũng đến mấy năm, tôi đọc đâu đó, giáo sư Hà Minh Đức nịnh đầm nhà thơ Xuân Diệu, Anh (tức Xuân Diệu) làm việc bằng cả viện văn học. Vị giáo sư này bảo nói đùa, sau đó lại in thành sách, tôi nghĩ không còn là đùa nữa. Không rõ nhà thơ Xuân Diệu nhận được lời khen này, lúc đó ông đã nghĩ gì? Có người độc mồm, độc miệng bảo, khác gì sát ớt vào mặt các vị giáo sư, tiến sĩ của viện văn học, rõ là phí tiền đóng thuế của dân. Người sạch mồm sạch miệng hơn, lại nói, người Việt ta có tính xấu khó sửa, thích ai, nịnh ai thì tâng qua đầu, ghét ai đạp xuống cho đến chết. Chả lẽ cả cái viện hàn lâm này, thường đến thế thôi sao?. Còn nữa, tôi lại gặp trên báo mạng giáo sư Phan Ngọc khen Nguyễn Tuân viết về đề tài nào, cũng đều sâu sắc, trình độ, như luận văn tiến sĩ. Trình độ tiến sỹ mà ông Ngọc dễ dãi đưa ra như vậy, trách gì ở Việt nam ta có quá nhiều tiến sỹ giấy. Tôi nói thật, các nhà khoa học chân chính (tôi nói vậy bởi VN còn có một số nhà khoa bảng dởm theo tiêu chuẩn của ông Phan Ngọc) của chúng ta quá hiền lành, bị xúc phạm như vậy mà vẫn làm thinh. Có lẽ họ ngại va chạm chăng?. Làm gì có chuyện một người kém về sinh vật học như Nguyễn Tuân, sau cách mạng tháng tám, nhờ đảng và tự học, Nguyễn Tuân đạt đến trình độ tiến sỹ (viết) về lâm nghiệp, sinh vật học? Tôi nói cụ Nguyễn Tuân rất kém về sinh học, không phải nói bậy. Nguyễn Tuân chẳng để chú tiểu bẻ cành đào tươi cho vào gánh nước, mang về pha trà uống đó sao? Chẳng lẽ giáo sư Phan Ngọc cũng không biết nhựa đào có độc? Tài văn của cụ Nguyễn Tuân, không có thể ai phủ nhận. Nhưng không phải lúc nào ông viết cũng hay và cái gì cũng đúng. Văn chương cũng như cuộc sống cần có sự công bằng. Cứ khen kiểu ông Phan Ngọc, khác gì bôi bác Nguyễn Tuân. Nếu quả thật, Việt Nam trình độ giáo sư, tiến sỹ theo tiêu chuẩn của ông Phan Ngọc này, thì ngành giáo dục của chúng ta, không sớm thì muộn cũng tan nát.
Mấy năm trước đây, tôi có nhờ trannhuong.com, tìm giúp bài thơ, Huyện Lắc của cố thi sĩ Xuân Diệu. Anh Trần Nhương có nhận lời giúp, nhưng không chắc vì bài thơ này không hoặc chưa in ấn. Qua bài viết này, mong rằng các nhà nghiên cứu về Xuân Diệu có thể tìm thấy. Bài này chúng tôi chỉ còn nhớ có câu đầu: Hồ Lắc bên huyện Lắc. Theo nhận xét của ông bạn Hoàng Thế Hoan ( làm nghề dậy học ở Đà Lạt quê quán Nam Định) bài thơ này, Xuân Diệu viết như bài văn tả cảnh của học sinh lớp 4. Khoảng năm 1979, sáng thứ hai nào, trong buổi chào cờ, học sinh chúng tôi cũng hát vang “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, quân xâm lược bành trướng dã man, đã dầy xéo...”. Vào đúng thời điểm này, Xuân Diệu đến thăm và nghỉ mát tại Hồ Lắc, tỉnh Đak Lak. Ông có đến bình, đọc thơ ở hai nơi đó là trường sư phạm, và trường đại học Tây nguyên. Cả hai nơi, ông nói chuyện y trang như nhau, và đều đọc bài thơ này. Buổi thứ 2 ở ĐH Tây nguyên, chán quá, tôi và Hoàng Thế Hoan bỏ về nửa chừng. Thành thật mà nói, Xuân Diệu nói và bình thơ không hay. Buổi nói chuyện ở trường sư phạm, có hiệu trưởng Hồ Đình Phương và hình như có cả anh Nguyễn Lưu, lúc này anh đang dạy ở ĐH Tây Nguyên (Anh Nguyễn Lưu con cụ Nguyễn Xiển) đến nghe. Nhiều lần nhà thơ Xuân Diệu gọi hiệu trưởng mắng, có lúc đang nói nhà thơ cũng dừng lại mắng hiệu trưởng, chỉ vì ba cái lặt vặt, như sắp chỗ ngồi, hoặc treo đi treo lại chiếc bóng đèn. Tôi cũng không hiểu sao, thầy Phương ngồi yên, không phản ứng gì cả. Thầy là dân Nam bộ, tôi biết thầy rất nóng tính, và sòng phẳng. Tuy thầy đã lớn tuổi, nhưng thầy vẫn chơi ở vị trí chuyền hai, của đội bóng chuyền trường tôi. Cả đội chỉ có tôi và anh Hường là học sinh, nhưng lại là nòng cốt của đội bóng. Từ thích thể thao, nên thầy quí luôn chúng tôi. Chiều nào, chúng tôi cũng tập cùng thầy nên tôi rất rõ tính của thầy. Tôi biết hôm đó thầy nén nhịn nhiều lắm. Hình như buổi nói chuyện đó, có một cái gì đó bất bình thường, tôi nghĩ vậy. Bây giờ, tóc trên đầu đã bạc quá nửa, tôi mới nghiệm ra một điều, cứ không phải ông nào có học vị cao, là có văn hóa. Có rất nhiều người thất học, nhưng lại có văn hóa rất cao. Sau buổi nói chuyện, ông bạn Hoàng Thế Hoan (Hoan lúc này, đang là sinh viên sư phạm Đà Lạt) rủ tôi sáng mai, lên xin nhà thơ Xuân Diệu bài thơ Huyện Lắc đọc lại. Hoan vừa thăm dò được nhà thơ đang nghỉ ở nhà khách tỉnh ủy. Tôi bảo, sao khi nãy không xin, mà đã nghe rồi, ông chê như bài văn tả cảnh, còn xin làm gì. Hoan bảo khi nãy đông quá, đọc lại xem có cảm xúc gì khác không? Tôi biết Hoan rất thích thơ Xuân Diệu, nể bạn từ Đà lạt sang, nên tôi nhận lời đi cùng. Biết tính Hoan bộp chộp, ăn nói ít ý tứ, nên trước khi đi tôi bảo, nếu nhà thơ tiếp, ông nên ăn nói cẩn thận. Đến cổng tỉnh ủy, tôi định không vào. Tôi sợ. Tôi sợ đứng trước một nhà thơ lớn, tôi sợ phải đi qua cái cổng có người lính gác. Xem xong thẻ sinh viên, người cảnh vệ chỉ nơi ở của nhà thơ. Chúng tôi đến gần, thấy nhà thơ Xuân Diệu đang đi về hướng chiếc xe mầu đen đỗ đầu hồi nhà. Cửa xe đã mở. Biết rằng ông sắp đi đâu đó, Hoan đi nhanh về phía ông, thấy thế tôi đứng lại. Không hiểu Hoan nói với ông những gì, tôi chỉ nghe thấy tiếng của nhà thơ hơi lớn, và gắt. Hoan quay lại, tôi hỏi sao? Hoan bảo,bị đuổi thôi. Tôi cũng không hỏi gì thêm. Nhưng tôi nghĩ chắc Hoan nói gì làm phật ý nhà thơ.
Trên đời này có ai được hoàn hảo đâu, nhất là trong văn chương. Vì thương nhau đôi khi bốc thơm nhau mà thôi. Các cụ nói, Thánh Nhân còn có khi sai cơ mà. Nhưng Thánh Nhân nào chúng ta đã gặp bao giờ?
ĐỖ TRƯỜNG
Frankfurt/M tháng 6-2008- Leipzig 4-11-2012

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"