Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2012

Tội nghiệp cho Uyên

Lỗ Trí Thâm
Việc em Phương Uyên làm những gì có tội hay không có tội, tất nhiên theo luật của những người đang vừa đá bóng vừa thổi còi, không quan trọng.
Việc các nhân sĩ gửi thư cho chủ tịch nước, có nên hay không, để can thiệp cho Uyên, không quan trọng.
Điều quan trọng là hình thái toàn cục đang xảy ra quanh đó. Đấy mới là điều đáng bàn.
Thứ nhất là việc bắt em Uyên.
Dưới chế độ thiên đàng hiện nay, mọi con dân Việt Nam đều hạnh phúc sung sướng đến nhường nào thì không cần phải viết dài dòng. Sự chống đối thì ở đâu cũng có. Cá nhân nào cũng có, sự việc nào cũng có. Thế nhưng chế độ không bao giờ khiếp sợ vì nó rời rạc, lẻ tẻ, không có tổ chức do đó không bao giờ tập hợp được số đông.

Hơn nữa những người bất đồng chính kiến thường là những người lớn tuổi, ít ra họ cũng có công hay một thời gắn bó với chế độ nên thường họ chỉ muốn làm cho chế độ tốt lên chứ không đạp đổ.
Thế nhưng tuổi trẻ nhiệt tình bồng bột thường không có gì ràng buộc với quá khứ, dễ dàng phiêu lưu mạo hiểm, như lịch sử đã từng chứng minh. Nếu có ai đó dẫn đường tổ chức thì hiệu quả hay hậu quả sẽ khôn lường.
Cá nhân em Uyên thì không có gì là ghê gớm cả, như báo chí các lề, ca ngợi hay ném đá. Em chỉ là thanh niên mới lớn, muốn tự khẳng đinh mình, hoàn toàn không có mục tiêu hay ý chí chính trị.
Nhưng em vô tình hay cố vào Tổ chức thanh niên yêu nước. Chống đối mà có tổ chức, hay manh nha có sự tổ chức chính là điều mà chế độ lo sợ nhất. Chống đối vài ngàn người nhưng không có tập hợp chỉ đạo thì trước sau cũng tan, nhưng chỉ vài người lập tổ chức chính là tia lửa đốt đống rơm. Vài lời bất mãn chửi bới rồi cũng qua đi nhưng bằng hình thức nghệ thuật nhẹ nhàng có thể lôi kéo hàng triệu người xuống đường, nhạc sĩ Việt Khang nguy hiểm ở chỗ đó.
Thế cho nên ngay từ đầu chế độ muốn dẹp tổ chức thanh niên yêu nước, dù nó rất yêu nước và vô hại với ngay cả chế độ, một cách thầm lặng âm thấm bằng cách bắt cóc em Uyên và cài bẫy bắt em nhận tội. Nếu sự việc chỉ đơn giản có thế thì, như từ trước đến nay, lại là bao nhiêu chiến công của các chiến sĩ an ninh, lại được thưởng nóng hàng chục triệu đồng, lại được lên cấp. Không có cơ quan của lực lượng vũ trang nào lại đông quân hàm cấp tướng như Tổng cục An ninh.

Một điểm son rực rỡ trong vụ em Uyên là xã hội công dân đang hình thành dần dần. (Hình sưu tầm trên mạng)
Thế nhưng việc các nhân sĩ gửi thư lên Chủ Tịch Nước làm ầm ĩ không những cả trong nước mà đồng loạt các hãng truyền thông quốc tế, vượt tầm kiểm soát của các chiến sĩ an ninh ta.
Trước việc bị động, cơ quan an ninh tung ra chứng cớ phạm tội của Uyên. Cứ cho là chứng cớ phạm tội là có thật thì ghép vào tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng nực cười. Làm ăn như vậy mà năm nào thưởng Tết bên An ninh cũng được hơn bên mình.
Thứ nhất là tội rải lá cờ vàng ba sọc đỏ. Quên đi chuyện chiến tranh, chuyện cưỡng chiếm miền Nam thì lá cờ vàng đó của chế độ VNCH, một chế độ mà năm 1975 tổng thống Dương văn Minh long trọng đầu hàng trao lại cho chế độ mới do đó lá cờ VNCH là đối tác tương xứng, không biểu tượng cho thù nghịch, nó không chỉ còn giá trị pháp lí mà hôi. Về điểm này chỉ ghép em Uyên vào tội hoài đồ cổ, hay đi xa hơn có thể ghép vào tội gây chia rẽ đất nước, thế nhưng luật pháp VN chưa có luật này.
Tội khủng bố và lật đổ lại buồn cười hơn nữa. Với 3 người mà đòi lật đổ một chế độ có hàng triệu tay súng. Chuyện này lại nhớ lại vụ anh Cù Hà Huy Vũ bị bắt với 2 bao cao su. Trong lịch sử VN chỉ có gia đình anh VƯƠN Tiên Lãng với 3 người mà còn không lật nổi một chế độ ở huyện chứ đừng nói là tỉnh.
Tội khủng bố như trò đùa vì ai lại đi khủng bố bức tượng bao giờ, nếu có chỉ có tội phá hoại tài sản công cộng.
Theo tôi, em Uyên có tội lớn nhất, không phải tôi nói kiểu bóng gió, là chống Trung quốc. Tại sao lại như vậy? Bởi vì chế độ này hình thành và bá́m rễ được là nhờ những cuộc chống ngoại xâm liên miên trong lịch sử. Nếu tố cáo chế độ để mất đất mất biển, chịu lép vế luồn cúi trước ngoại bang thì tính chính danh của chế độ sẽ biến mất. Nếu sức tôi sắp tàn mà đang sắp bị chết đuối và ai nào đó định chặt cái cọc mục tôi đang bám thì hay coi chừng.
Thế nhưng một điểm son rực rỡ trong vụ em Uyên là xã hội công dân đanh hình thành dần dần. Bị công an bắt không phải là việc riêng nữa mà là sự quan tâm của xã hội. Uyên có tội hay không, tất nhiên đây là barem tội của chế độ, để cho cơ quan chức năng giải quyết, nhưng số phận em được cả thế giới quan tâm, kể cả 700 tờ báo quốc doanh. Sau vụ Luyện cướp tiệm vàng thì đây là lần thứ hai sự kiện được báo chí trong nước quan tâm. Luyện nó chỉ cướp có tiệm vàng còn Uyên định cướp cả chế độ, bên an ninh nghĩ thế, tội nghiệp cho Uyên.
Điểm son thứ hai là tầng lớp ưu tú của xã hội không thờ ờ với thời cuộc hay đi theo một vạch phấn định sẵn. Phải sau hơn nửa thế kỉ họ mới ngộ ra rằng học hành nhiều hơn người mà không được mở miệng nói những điều mình học hiểu hơn người thì còn khổ hơn là kẻ vô học, hay chỉ là những kẻ đâm thuê chém mướn bằng ngòi bút.
Điểm son thứ ba là chính chế độ kết tội em không phải là chống lại đất nước hay chống lại dân tộc, mà chống đối Đảng và nhà nước. Qua hội nghị TW vừa rồi ta biết Đang là ai và nhà nước này là của ai thì ai cũng biết.
Ngày xưa cụ Phan Bội Châu cũng bị ra toà vì chống lại chế độ, tất nhiên Uyên không thể nào đem so với Cụ Phan được nhưng cả hai có điểm chung: Không thờ ơ với đất nước, bất kể vì lí do nào.

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"