Phạm Thị Hoài (pro&contra)
- Năm 2011, chính quyền Việt Nam kết án tổng cộng 95,5 năm tù trong 10
vụ án cho 21 nhà hoạt động hoạt động xã hội, dân chủ, nhân quyền và tôn
giáo[1]. Năm nay cho đến thời điểm này, 18 người trong 9 vụ án đã bị kết án tổng cộng 118,5 năm tù[2]. Nếu đến cuối năm, 11 thanh niên Công giáo bị bắt từ giữa năm ngoái[3]và 22 người bị coi là thuộc Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn
bị bắt đầu năm nay bị đưa ra xét xử thì số người bị kết án sẽ lên đến
trên 50 người với tổng cộng ít nhất 200 năm tù. Năm 2011 chỉ có một bản
án nặng (11 năm), năm 2012 có tới 3 bản án nặng (12 năm, 11 năm và 10
năm).
Về nhân thân, 3 trong số 39 người bị kết án là cựu đảng viên cộng sản[4].
Ngoài một người là giáo viên trung học, tất cả đều làm nghề tự do,
không thuộc diện cán bộ, công chức hay nhân viên ăn lương nhà nước[5].
8 người sống ở các tỉnh miền Bắc, 8 người ở miền Trung – đặc biệt tập
trung ở Nghệ An, và nhiều nhất ở miền Nam: 23 người. Năm 2011, người trẻ
nhất bị kết án 25 tuổi, người cao tuổi nhất 71, tuổi trung bình 48. Có 2
người dưới 30 tuổi. Năm 2012 người trẻ nhất 23, người cao tuổi nhất 63,
tuổi trung bình 41. Có 5 người dưới 30 tuổi.
Mười chín vụ án đã xét xử trong hai năm qua cho thấy một số đặc điểm:
Điều 88
Ngoài một vụ truy tố theo điều 258 BLHS (tội lợi dụng các quyền tự do
dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân), một vụ theo điều 226 (tội đưa hoặc sử dụng trái phép
thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet), một vụ theo
điều 87 (tội phá hoại chính sách đoàn kết), ba vụ theo điều 79 (tội hoạt
động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,) còn lại mười ba vụ đều theo
điều 88 (tội tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam).
Chiến công rực rỡ nhất trong sứ mệnh trấn áp những người bất đồng chính
kiến của Bộ Luật Hình sự Việt Nam như vậy thuộc về điều 88, biểu tượng
hai chiếc còng, như thể khi soạn thảo và đánh số người ta đã tiên liệu
rằng số tù nhân dự khuyết theo điều luật này ở Việt Nam có thể lên tới
hàng triệu. Điều 88 của Việt Nam đứng trong một hệ gia phả quốc tế khét
tiếng, với những điều luật như điều 58 khoản 10 của Liên Xô trước đây
(tội vận động và tuyên truyền chống chính quyền Xô-viết) và điều 102 của
Trung Quốc hiện tại (tội vận động và tuyên truyền phản cách mạng).
Những điều luật như thế tồn tại là để khóa trái cửa tự do ngôn luận, vì
bất kể một phát ngôn nào không trùng khít với lập trường chính thống
cũng cấu thành tội phạm, trừ khi người ta nói thầm với hai đầu gối của
mình. Nhưng trong thực tế, việc ai lúc nào sẽ rời danh sách dự khuyết để
chính thức trở thành một tội phạm được quyết định bởi những yếu tố khác[6].
Bóng ma tổ chức
Trừ ngoại lệ duy nhất là nhà bất đồng chính kiến độc lập Cù Huy Hà Vũ mà
sự nổi tiếng và lòng quả cảm khiến ông có tầm ảnh hưởng vượt khỏi phạm
vi cá nhân, tất cả những người còn lại đều bị cáo buộc đã tham gia hay
có liên hệ với một tổ chức. Đó là những Khối 8406, Đảng Thăng Tiến, Đảng
Tự do Dân chủ Việt Nam, Đảng Vì dân, Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, Diễn đàn
“Việt Nam và những vấn đề hôm nay”…, gần đây nhất là Nhóm Tuổi trẻ Yêu
nước, và nổi bật là Đảng Việt Tân – được nhà nước Việt Nam xếp đầu bảng,
ở hạng “tổ chức khủng bố”.
Tôi cho đây là thông điệp căn bản của chính quyền.
Những người cộng sản đang cầm quyền hiểu rõ hơn ai hết vai trò của tổ
chức và sức mạnh của công tác vận động quần chúng. Họ đã thành công, dù ở
thời họ còn phải hoạt động bí mật, dân trí, ý thức xã hội, năng lực và
phương tiện liên kết của người Việt Nam so với ngày nay chắc chắn thấp
hơn nhiều bậc. Không có điều gì khiến nhà cầm quyền ở các chế độ độc tài
lo ngại hơn việc các công dân bé nhỏ và rời rạc bỗng có tổ chức, bỗng
biết tổ chức và biết nhân sức mạnh của mình qua tổ chức, tất nhiên là tổ
chức độc lập với chính quyền. Tổ chức là hai chữ cấm kị triệt để nhất,
vẫn còn nguyên hiệu lực của nó trong một đất nước Việt Nam đã mở ra khá
nhiều cánh cửa trước kia vốn khép kín, sau một phần tư thế kỉ tuyên bố
chính sách đổi mới và hòa nhập với thế giới. Tổ chức, nếu không phải là
công cụ của chính quyền thì bất kì lúc nào cũng có thể bị quy về cái mẫu
số chung hắc ám là chống đối và lật đổ. Danh hiệu “có móc nối với các
tổ chức phản động” hay do các tổ chức này “hậu thuẫn, giật dây, lợi
dụng” bất kì lúc nào cũng có thể được đem ra phân phát không cần bình
bầu. Các tổ chức bị xếp loại thù địch này thường ở nước ngoài, tất nhiên
với não trạng đầy hận thù và túi đầy những đồng tiền bẩn thỉu, trước
kia thế nào cũng phải mang hình thù gớm ghiếc của CIA, bây giờ thế nào
cũng phải thấp thoáng bóng ngôi sao đen Việt Tân, Lời văn mở đầu nổi
tiếng trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản 1848có thể viết lại như sau: “Một bóng ma đang ám ảnh toàn cõi nước CHXHCN Việt Nam: Bóng ma tổ chức“.
Liên minh thần thánh của Hà Nội để trừ khử bóng ma ấy không ở đâu xa. Là
liên minh với chính nỗi sợ bóng ma này trong phần lớn chúng ta. Khi
chúng ta bênh vực quyền biểu lộ lòng yêu nước của những Trần Vũ Anh
Bình, Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha… nhưng né tránh
quyền đứng trong một tổ chức chính trị của họ, ái ngại cho sự “dại dột”
của họ và tìm cách minh oan cho họ, như thể những người đầu xanh tuổi
trẻ ấy thừa bồng bột mà thiếu trí khôn. Khi chúng ta với tất cả trí khôn
của mình phó thác toàn bộ vận mệnh mình cho một tổ chức duy nhất, Đảng
Cộng sản, và chấp nhận việc nó thẳng tay đàn áp mọi tổ chức khác từ
trong trứng nước như một định mệnh không thể thay đổi. Khi ngay cả những
người vốn sáng suốt và không dễ sợ bóng sợ gió, hễ thấy mùi của một tổ
chức nào đó là lập tức đeo khẩu trang. Khi những người giầu khí phách,
có thể kiêu hãnh chọc trời khuấy nước, cũng luôn chỉ muốn là những anh
hùng cá nhân, không ràng buộc, không tổ chức. Bản thân tôi, người viết
những dòng này, đã nhiều lần tự hỏi, liệu lí do khiến mình cho đến nay
không gia nhập một tổ chức nào có thật sự chỉ là để bảo vệ chỗ đứng độc
lập của người cầm bút?
Đối thủ tôn giáo
17 trong số 39 người bị kết án là người theo tôn giáo: Công giáo, Tin
lành, Phật giáo Hòa Hảo và Pháp Luân công, trong đó khối Công giáo được
chiếu cố hơn cả.
Có lẽ nhà thờ ở Việt Nam mong duy trì một hiệp ước bất khả xâm phạm với
chính quyền, thành quả của nhiều thập kỉ nỗ lực và chịu đựng, hơn là
đóng một vai trò chủ động và thậm chí tiên phong trong công cuộc phản
kháng chế độ độc tài như ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu trước đây.
Nhưng cộng đồng sáu triệu tín đồ Công giáo Việt Nam chắc chắn sở hữu hai
phẩm chất quan trọng mà những người cộng sản từng có, từng coi là bảo
bối cho sự nghiệp được coi là bách chiến bách thắng của mình và nay đã
đánh mất: thứ nhất, sức mạnh của đức tin, hay nói theo ngôn ngữ đời là
sức mạnh của niềm tin, lí tưởng và thứ hai, sức mạnh của đoàn kết. Đó là
chưa kể sức mạnh của nhánh hiệp thông thứ ba: hiệp thông với các tổ
chức và cộng đồng Thiên chúa giáo thế giới, điều tương tự mà những người
cộng sản cũng đã đánh mất với sự phá sản của phong trào cộng sản quốc
tế. Nếu những quan sát của tôi không nhầm thì ngoài ra cộng đồng thiểu
số này còn chứng tỏ những ưu thế khác so với xã hội bao quanh nó mà đa
số là một hỗn hợp của vô thần và mê tín. Nền tảng đạo đức trong giáo dân
dường như vững chắc hơn và ý thức xã hội cao hơn mặt bằng chung, trong
khi những người lãnh đạo họ dường như thua xa giới lãnh đạo xã hội bên
ngoài về thành tích dốt nát, tham nhũng và lộng quyền. Điểm yếu của nhà
thờ, xuất phát từ một giai đoạn quá khứ từng tháp tùng chủ nghĩa thực
dân, là chỗ đứng tương đối chênh vênh của nó trong tình tự dân tộc. Song
nếu có một tổ chức đối lập thật sự đáng gờm cho độc quyền chính trị của
Đảng Cộng sản với gần bốn triệu đảng viên thì đó chính là nhà thờ Công
giáo với sáu triệu tín đồ. Cuộc đối đầu tiềm năng giữa hai bên là mã số
của nhiều vụ án không chỉ trong hai năm qua.
Những nội dung nhạy cảm
Bốn nội dung chính xuất hiện trong các vụ án kể trên, theo thứ tự tần suất từ cao nhất trở xuống, là:
1) đòi hỏi dân chủ và nhân quyền, đòi hỏi thay đổi hệ thống và mô hình chính trị, chống độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản;
2) bảo vệ quyền lợi của dân oan và chống tham nhũng;
3) đòi hỏi tự do và bình đẳng tôn giáo, tín ngưỡng;
4) bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biển đảo.
Nội dung thứ nhất xuyên suốt phần lớn các vụ và rõ ràng đóng vai trò quyết định.
Trái với không ít người, tôi cho rằng phẫn nộ về việc Nguyễn Văn Hải, Tạ
Phong Tần và Phan Thanh Hải bị tổng cộng 26 năm tù chỉ vì đã tham gia
biểu tình chống Trung Quốc, Trần Vũ Anh Bình và Việt Khang bị tổng cộng
10 năm tù chỉ vì mấy bản nhạc yêu nước, hay Nguyễn Phương Uyên bị bắt
chỉ vì một bài thơ ghét Tàu là một thái độ vừa không đủ khách quan vừa
né tránh sự thật và có phần vô hại hóa hoặc thậm chí tầm thường hóa sự
dấn thân của họ.
Họ đã đi xa hơn. Bất chấp thông điệp hà khắc của chính quyền.
Phạm Thị Hoài
© 2012 pro&contra
[1]
Theo thứ tự thời gian, những người bị kết án là Vi Đức Hồi, Cù Huy Hà
Vũ, Cao Văn Tỉnh, Dương Kim Khải, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Thành Tâm,
Phạm Ngọc Hoa, Phạm Văn Thông, Trần Thị Thúy, Phạm Minh Hoàng, Lư Văn
Bảy, Phạm Thị Phượng, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Ngọc Tường Thy, Phạm Thị
Bích Chi, Vũ Đức Trung, Lê Văn Thành, Nguyễn Văn Lía, Trần Hoài Ân, Hồ
Thị Bích Khương và Nguyễn Trung Tôn.
[2]
Đó là Nguyễn Văn Thanh, Võ Thị Thu Thủy, Nguyễn Công Chính, Chu Mạnh
Sơn, Đậu Văn Dương, Trần Hữu Đức, Trần Hoàng Phong, Phan Ngọc Tuấn, Đinh
Văn Nhượng, Đỗ Văn Hoa, Nguyễn Kim Nhàn, Đinh Đăng Định, Lê Thanh Tùng,
Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Phan Thanh Hải, Trần Vũ Anh Bình, Võ Minh
Trí (Việt Khang).
[3]
Đó là: Nguyễn Đình Cương, Lê Văn Sơn, Hồ Đức Hòa, Đặng Xuân Diệu,
Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, Nguyễn Xuân Anh, Hồ Văn
Oanh, Trần Minh Nhật và Thái Văn Dung.
[4] Ông Vi Đức Hồi, ông Đinh Đăng Định và bà Tạ Phong Tần
[5] Ông Phạm Minh Hoàng là giảng viên hợp đồng ở đại học, tức ngoài biên chế nhà nước.
[6] Blogger Người Buôn Gió ghi nhận:
“Chúng ta, những người viết blog sẽ có thể bị bắt bất cứ lúc nào khi mà
cơ quan an ninh muốn. Không phải ngày hôm nay chúng ta ngừng viết,
chúng ta không sờ đến bàn phím nữa, chúng ta sẽ yên lành. Chúng ta đều ở
trong rọ, đến thời hạn cần thăng chức, lên lon, xét duyệt, thời điểm
cần vụ án chính trị để phục vụ mục đính chính trị. Người ta thò tay vào
rọ và chọn ai đó trong số chúng ta… Chúng ta, những người viết blog ‘lề
bên trái’, những người chưa bị bắt chỉ là ‘của để dành’ khi người ta
cần lập chiến công nhân dịp xét duyệt phong hàm, chức hay phục vụ quan
hệ với một nước nào đó.”