Tô Văn Trường
Bộ Tài chính công bố số nợ công nhưng nhiều chuyên gia cho rằng
đấy là con số ảo, không phải số thật. Theo tính toán của chuyên gia Vũ
Quang Việt nợ công năm 2011 ít nhất là 90 tỷ USD, bằng 74% GDP. Số này
chưa tính hết nợ của Chính phủ đối với các nguồn từ trong nước như nợ
qua phát hành trái phiếu. Con số này đã vượt 65% GDP mà Chính phủ dự
kiến là trần cho năm 2015. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng số nợ của các
Tổng công ty và các địa phương chưa được ghi đầy đủ, nếu cứ làm theo
kiểu “đà điểu húc đầu vào cát”, không nhìn thẳng vào sự thật thì có ngày
hối không kịp.
Theo quan điểm của người viết bài này, “nợ công đại vấn đề” có phần
duy ý chí khi phê duyệt và tiến hành thực hiện các dự án khủng, mà bài
học điển hình có thể gọi thảm họa dưới cái tên “niềm tự hào của ngành
dầu khí Việt Nam” chính là nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bài học về Dung
Quất là một nỗi đau không biết đến bao giờ mới nguôi không chỉ của ngành
dầu khí mà cả nền kinh tế Việt Nam. Câu chuyện này lại gợi lại ý Việt
Nam nằm trong top ten của các quốc gia luôn sai lầm.
Ý tưởng thành lập nhà máy lọc dầu
Các nhà máy lọc dầu thường có 2 loại cơ cấu sản phẩm chính là cơ cấu
nhiên liệu và cơ cấu hóa dầu (trong mỗi loại lại có cơ cấu tỷ lệ % các
chủng loại sản phẩm tùy thuộc nhu cầu). Nhà máy lọc dầu Dung Quất chọn
cơ cấu sản phẩm nhiên liệu để đảm bảo an ninh năng lượng, theo đó ưu
tiên sản xuất nhiên liệu (xăng, DO, …), phần sản phẩm cho hóa dầu là thứ
yếu. Vì đây, là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam cho nên chọn cơ
cấu sản phẩm nhiên liệu là hợp lý.
Chọn lựa địa điểm nhà máy lọc dầu
Hồi ấy, đã có nhiều tranh luận về việc chọn địa điểm nhà máy lọc dầu.
Có một địa điểm khá thuận lợi là Ba Ngòi thì không được chọn vì lý do
Quốc phòng. Việc lựa chọn địa điểm cho lọc dầu Dung Quất liệu có phải là
duy ý chí, nếu chỉ vì muốn phát triển kinh tế xã hội ở miền Trung có
rất nhiều phương án, kể cả phương án phát triển du lịch. Vịnh Dung Quất
dù có nước sâu nhưng tiếc thay không phải là địa điểm tốt để xây nhà máy
lọc dầu (chưa tính đến bài toán kinh tế), vì không phải là vịnh kín,
chế độ bồi lắng phức tạp. Và trớ trêu nhất là sau khi khảo sát kỹ trước
khi xây dựng thì lại té ra là chỗ định xây đê chắn sóng lại gặp túi bùn,
chỗ phải nạo vét luồng lạch thì lại gặp đá tảng. Chính vì thế mà giá
thành xây dựng công trình cảng bị đội lên rất nhiều so với dự định ban
đầu. Hiện nay đã có dấu hiệu bồi lắng cát rất nhanh, vì vậy đã xảy ra
chuyện bơm hút nước biển làm mát cho thiết bị nhà máy bị vỡ do cát trong
nước biển nhiều quá (việc chọn vị trí đặt họng hút nước cũng có vấn đề,
có thể do quá gần và quá nông).
Lựa chọn công nghệ
Trên công luận có ý kiến cho rằng: “Nhà máy lọc dầu Dung Quất vì đã
lựa chọn sử dụng nguyên liệu dầu chua nên chỉ một thời gian ngắn, toàn
bộ các hệ thống van, bơm, đường ống và các thiết bị khác đã và sẽ bị lưu
huỳnh trong dầu chua phá hủy từ bên trong, khiến chi phí khai thác, bảo
dưỡng nhà máy lên rất cao.”. Theo chúng tôi hiểu, nhận định trên không
chuẩn xác bởi vì các sự cố hiện đang xảy ra và có thể sẽ xảy ra trong
tương lai không phải do sử dụng nguyên liệu dầu chua bởi vì dù có nhắm
mắt làm bừa, PVN cũng biết không thể làm như thế. Nguyên nhân chính, là
do nhiều thiết bị công nghệ được chế tạo hoặc thiết kế không chuẩn và
không đồng bộ, điển hình là lỗi ở thiết bị công nghệ của phân xưởng RFCC
(Residue Fluid Catalytic Cracking) được coi là trái tim của nhà máy lọc
dầu. Phân xưởng RFCC tạm dịch là phân xưởng cracking xúc tác cặn tầng
sôi. Cracking được Việt hóa nên không dịch là bẻ gẫy, mặc dù thực chất
đây là phân xưởng bẻ gẫy mạch hydrocarbon có trong phần cặn (phần cặn
này là sản phẩm của phân xưởng chưng cất dầu thô), mục đích để thu được
các hydrocarbon mạch ngắn hơn cho chế biến tiếp thành nhiên liệu và
nguyên liệu cho hóa dầu.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay chỉ có thể hoạt động với nguyên
liệu dầu ngọt Bạch Hổ, do sơ đồ công nghệ của nhà máy được thiết kế chỉ
để chế biến với dầu ngọt. Hiện nay, nếu đúng là thiết bị bị ăn mòn, sét
rỉ (nhìn bên ngoài thì thấy nhiều thiết bị bị rỉ thật), thì đấy có thể
là do phân xưởng thu hồi lưu huỳnh (Sufur Recovery Unit-SRU) không hoạt
động hoặc hoạt động không hiệu quả nên thải SO2 ra ngoài, đây là khí
axit nên gây ăn mòn thiết bị. Việc PVN đang định đầu tư "thêm một hệ
thống tách lọc lưu huỳnh" càng khẳng định rằng đúng là phân xưởng thu
hồi lưu huỳnh hiện nay không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không
hiệu quả. Về mặt môi trường toàn bộ lưu huỳnh (S) trong nguyên liệu
(hàm lượng S trong dầu Bạch Hổ là 0,03%) sẽ chỉ đi vào các sản phẩm 1
phần nhỏ do yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, còn phần lớn sẽ
thải ra môi trường, chủ yếu dưới dạng SO2 ở flare (cột đuốc đốt khí
chua).
Lựa chọn sai nhà thầu
Liên doanh lọc dầu Việt-Ross tại Dung Quất đã đàm phán với Foster
Weeler (UK) về FEED (Front End Engineering Design, tạm dịch là thiết kế
tiền chi tiết). Có rất nhiều khó khăn nhưng cuối cùng Liên doanh đã
quyết định thiết kế nhà máy với nguyên liệu hỗn hợp dầu ngọt (Việt Nam)
và dầu chua (Trung Đông). Khi chấm thầu EPC, có 2 Công ty bỏ thầu, mở ra
thì phát hiện cả 2 đều có lỗi, đúng ra là phải hủy. Tuy nhiên, cấp trên
cho rằng quá trình gọi thầu đã mất rất nhiều thời gian, nếu làm lại thì
sẽ lỡ kế hoạch và chưa chắc đã đạt kết quả nên chỉ đạo là phải chọn nhà
thầu nào "ít lỗi hơn". Liên doanh "ngây thơ" chọn nhà thầu "ít lỗi"
theo tiêu chí kỹ thuật nhưng bị quy là gian lận, phải hủy bỏ. Lãnh đạo
PVN báo cáo Chính phủ lựa chọn nhà thầu ít lỗi theo họ - đấy chính là
Technip, công ty làm nhà thầu EPC cho nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện
nay. Việc hủy thầu, cho phép Technip làm lại hồ sơ thầu và đàm phán kéo
dài hơn 1 năm, không may lại rơi vào thời điểm mà giá thành thiết kế và
mua sắm thiết bị công nghệ lọc dầu tăng vọt. Nhẽ ra, nếu chọn ngay nhà
thầu ở thời điểm trước thì giá thành chỉ là 1,3 tỷ đô la nhưng khi chọn
Technip thì giá lại đội lên nhiều. Lúc ấy, PVN không thể nào giải thích
được tại sao giá đàm phán cuối cùng lại tăng vọt lên như vậy nên tìm
cách "gọt chân cho vừa giầy" bằng cách chuyển từ nguyên liệu dầu hỗn hợp
sang 100% nguyên liệu dầu ngọt Bạch Hổ, thậm chí còn định cắt bỏ cả
phân xưởng thu hồi lưu huỳnh vì định "lòe thiên hạ" là dầu ngọt ít lưu
huỳnh nên có thể bỏ qua. Thực chất theo cân bằng vật chất nếu nhà máy
không thu hồi S, thì tức là sẽ đốt bỏ ở flare và thải vào không khí toàn
bộ lưu huỳnh ấy dưới dạng SO2, đây là lý do mà Bộ Tài nguyên và Môi
trường không chấp thuận đề nghị cắt bỏ phân xưởng này.
Sau khi chọn nhà thầu, liên doanh chỉ tồn tại thêm hơn 1
năm do phía Nga rút. Đến lúc ấy, Đảng và Chính phủ quyết định dự án này
sẽ do Việt Nam tự đầu tư. Ngay từ ngày ấy, đã có một số chuyên gia tâm
huyết, am hiểu chuyên sâu kiến nghị không nên dùng chỉ một loại nguyên
liệu dầu ngọt Bạch Hổ, và không nên thay đổi công nghệ (tức là giữ
nguyên thiết kế FEED của Foster Weeler đã làm cho Liên doanh Việt Ross)
để đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường nhưng tất cả kiến nghị xác
đáng đó đều bị bỏ ngoài tai của những người có thẩm quyền.
Năm 2010, Hội đồng thẩm định xây dựng cấp nhà nước cũng đã phát hiện
ra có nhiều lỗi trong thiết kế và xây lắp công nghệ tại dự án Nhà máy
lọc dầu Dung Quất, nhưng "ý chí lãnh đạo" quyết định dự án vẫn được hoạt
động, để rồi một năm mấy lần phải dừng lại sửa chữa. Đấy cũng chính là
nguyên nhân làm nhà máy bị lỗ lớn (mỗi lần khởi động lại nhà máy có thể
tốn từ vài tỷ đến vài chục tỷ VND). Giờ cái họ gọi là nâng cấp nhà máy,
thực chất là thay đổi cấu hình công nghệ vì dầu ngọt chuẩn bị hết, cấu
hình công nghệ hiện nay không thể chế biến loại dầu khác.
Hiệu quả kinh tế
Nói đến nhà máy lọc dầu Dung Quất và Vinashin, chuyên gia của trường
Đại học Havard là Gs David Dapice, có thể gọi là 1 người bạn lớn của
Việt Nam, người đã có các góp ý thẳng thắn là không nên làm trước khi
các dự án khủng này được phê duyệt. Nhưng nhà nước ta trong cơn “kiêu
ngạo” đâu có thèm nghe. Đến nay, những gì đã xảy ra thậm chí còn tồi tệ
hơn cả những gì mà ông đã cảnh báo.
Gs David Dapice đã từng cảnh báo đại ý là:
- Với sức vóc về kinh tế - kỹ thuật, lợi thế so sánh của Việt Nam thì
không nên làm nhà máy lọc dầu Dung Quất. Với tổng đầu tư 1,5 tỷ US$ đã
lỗ to rồi, mà bây giờ lại lên đến 3.5 tỷ US$. Nhà máy lọc dầu Dung Quất
đã thực sự trở thành một con nghiện của nền kinh tế.
- Nhà máy lọc dầu đặt ở Dung Quất là một cái sai lầm thứ 2, càng làm cho sai lầm trở nên trầm trọng.
- Nếu muốn tạo công ăn việc làm hoặc phát triển cơ sở hạ tầng của
tỉnh Quảng Ngãi và miền Trung thì cần có Chương trình đầu tư riêng, rẻ,
minh bạch và hiệu quả hơn nhiều. Bắt 1 Doanh nghiệp “cõng” sự phát triển
của cả 1 vùng (không thể đo lường được hiệu quả gián tiếp) thì chỉ có
nhà nước ta mới tư duy và làm kiểu đó. Vậy mà gần đây công luận còn nghe
thấy cả kế hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu số 2 ở Nghi Sơn, Thanh Hoá
nữa thì không biết rồi tình hình sẽ ra sao nữa.
Thảm họa ngày nay là giá thành nhà máy đã đội lên hơn 3,5 tỷ USD phá
vỡ mọi kỷ lục thế giới về tỷ suất đầu tư cao (gấp 3-4 lần suất đầu tư
trung bình cho nhà máy lọc dầu tương đương của thế giới). Nguồn dầu
ngọt Bạch Hổ đã giảm sản lượng, không đủ cung cấp cho nhà máy và sẽ
nhanh chóng dần hết hẳn trong vài năm tới, nên PetroVietnam đã và đang
phải nhập dầu thô ngọt khác cho nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nếu nhập dầu
ngọt từ xa về chế biến nhà máy Dung Quất sẽ tiếp tục bị lỗ hàng vài trăm
nghìn đôla mỗi ngày. Với công suất khoảng 6,5 triệu tấn/năm nhà máy
Dung Quất sẽ lỗ khoảng vài trăm triệu USD mỗi năm.
Thay cho lời kết
Bê bối trong ngành dầu khí có lẽ còn nằm trong nhiều vấn đề khác, đặc
biệt là sản xuất kinh doanh và sự quản lý của ngành, nhà máy lọc dầu
Dung Quất mới chỉ là một mảng, thậm chí là một mảng nhỏ hơn rất nhiều so
với toàn bộ ngành dầu khí. Sai lầm về nhà máy lọc dầu Dung Quất do Tập
đoàn PetroVietnam thực hiện đã được cảnh báo từ rất sớm không chỉ về
nguồn dầu thô, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng đáng sợ và bánh xe duy ý
chí cứ quay theo "ý chí của hệ thống chính trị". Những sai lầm lớn đó
vẫn đang được PetroVietnam cố tình che dấu.
Câu chuyện lãng phí, quan liêu, tham nhũng, giả dối, quyền lực đều có
trong dự án này. Hậu quả của bệnh duy ý chí thời Liên Xô có khá nhiều
đã góp phần cho đế chế này sụp đổ không cưỡng nổi. Thảm họa dưới cái
tên niềm tự hào của ngành dầu khí VN là Dung Quất đã thấy rõ nhưng chắc
chắn người thua cuộc vẫn là nhân dân.
Tô Văn Trường (bản gốc của tác giả)