Tâm Sự Y Giáo
Đại biểu Đỗ Văn Đương, thành phố Hồ Chí Minh
Đọc xong bài “Quốc hội và Chính phủ cùng hứa không tham nhũng”
trên VnEconomy ngày 1-11-2012, tự nhiên mình bật ra: BÙN CỪI WÁ! Mình
vốn ít cười, ít có điều gì có thể làm mình dễ dàng cười được, phải là
câu chuyện vui chuyện hài thật đặc biệt thì mới làm cho mình cười chút
chút.
Ấy thế nhưng đọc xong bài báo nói trên, mình không nhịn được, phải phọt ra mà cười.
Đó là hai ý kiến của một ông nghị, một bà nghị trên diễn đàn Quốc
hội, mà trớ trêu thay, hai ông bà này cùng là đại biểu của TP.HCM.
Ông nghị Đỗ Văn Đương đề xuất “sáng kiến”: “Đề nghị năm 2013 và các năm tiếp theo mở cuộc vận động cao điểm về tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công chức tiết chế lòng tham”.
Ông này còn cho rằng cần mở cuộc vận động từ chức mà trước hết đối với
các bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh trong các lĩnh vực để
xảy ra bê bối, thất thoát, lãng phí nghiêm trọng.
Mèng đéc ơi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ cho đến bây giờ, mình mới nghe
nói đến một cuộc vận động, gọi là “tiết chế lòng tham”, cứ như chuyện
đùa xuyên thế kỷ. Có lẽ nghị Đương cho rằng "lòng tham" của cán bộ ta
cũng giống như "tính dục" ấy mà, có thể "tiết chế" được!
Cuộc vận động này (trong ý tưởng của nghị Đương) có khác gì việc quì
xuống nằm lấy vạt áo của bọn tham nhũng mà lạy lục van xin: bác ơi, xin
bác bơn bớt lòng tham của bác lại để cho em sống với! Cũng không khác gì
việc kêu gọi bọn tham nhũng: Kính mong các bác tiết chế lòng tham của
mình, mở rông tấm lòng bao dung nhân ái mà chuyển một phần “lợi ích
nhóm” của các bác sang lợi ích của đất nước, của dân tộc!
Với ông nghị Đương, mình đề xuất Quốc hội mở cuộc vận động, trước mắt
là cho các ông nghị, bà nghị và các quan chức khác thực hiện: “Nói không với cuộc vận động của nghị Đương!” nhằm “tiết chế sự tào lao” trong đời sống chính trị xã hội.
Sau đó bà nghị Võ Thị Dung đăng đàn và “vô cùng hồn nhiên” đề xuất: “498
đại biểu và toàn bộ thành viên của chính phủ sẽ tuyên hứa trước quốc
dân đồng bào kể từ nay sẽ quyết tâm cao để hành động quyết liệt, đây lùi
tham nhũng có hiệu quả và bản thân mỗi đại biểu, mỗi thành viên chính
phủ sẽ không bao giờ phạm vào tội tham nhũng”. Bà nghị này còn “tha thiết” đề nghị: “Đối
với cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước, những ai đã lỡ tham nhũng
thì xin nhân dân, Quốc hội, Chính phủ tha thứ xem xét để không hồi tố
nhưng đồng thời kêu gọi sự tự giác, xử sự sao cho có đạo lý với tài sản
bất minh có được”.
Bà nghị Dung thân mến ơi, nếu có thể thì bà nên đề nghị Quốc hội và
Chính phủ hứa với nhau (và chỉ với nhau thôi) rằng cả hai sẽ không tham
nhũng, chứ đừng hứa với dân nữa. Dân không còn đủ sức, đủ thời gian và
đủ kiên nhẫn để nghe mấy vị hứa nữa đâu.
Mình xin mở rộng và phát triển ý tưởng độc đáo của bà nghị Dung thành một lời kêu gọi thống thiết: "Hỡi
những ai đã lỡ tham nhũng! Tội của các người rất to, hậu quả do các
người gây ra cho đất nước vô cùng khủng khiếp! Nhưng nếu các người tự
giác khai báo và thành khẩn nhận khuyết điểm thì nhân dân, Quốc hội và
Chính phủ sẽ sẵn lòng tha thứ cho các người mà không hồi tố. Nếu các
người muốn ở lại tiếp tục cống hiến cho cách mạng thì cho các người ở
lại, còn nếu các người đã chồn chân mỏi gối với sự nghiệp tham nhũng thì
cho các người hạ cánh an toàn, về quê mà vui thú điền viên! Cho dù khi
nào và ở đâu, các người không bao giờ được quên công lao trời biển và
tấm lòng nhân hậu vị tha vô bờ bến của bà nghị Võ Thị Dung nhá!"
Những kỳ họp trước của Quốc hội đã có những ông nghị “ai-cu”, nghị
“rau muống”, nghị “biểu tình”. Lần này có thêm ông nghị “tiết chế lòng
tham”, bà nghị “hứa không tham nhũng”. Những ý kiến hết sức ngô nghê và
tào lao của các vị có thể làm cho không khí cuộc họp Quốc hội “vui” hơn,
nhưng sẽ làm cho người dân đặt dấu hỏi to tướng về trách nhiệm đại biểu
Quốc hội và “chỉ số “ai-cu” của quí vị!