Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Con dại cái mang - Đừng bóp chết lòng yêu nước của tuổi trẻ

Nguyễn Trung

Theo những gì được Nguyễn Trần Minh Trí viết trên báo Nhân Dân điện tử ngày 05-11-2012, Nguyễn Phương Uyên “có hành vi “Tuyên truyền chống phá Nhà nước XHCN Việt Nam” theo Ðiều 88, Bộ Luật Hình sự”,  bị bắt tạm giam 4 tháng để điều tra. Bài trên báo Nhân Dân điện tử đã thuật lại các việc Uyên làm, nêu việc Nguyễn Phương Uyên viết thư nhận tội và xin được khoan hồng.

(Tôi không bàn đến Đinh Nguyên Kha trong bài này, vì không có thông tin gì về Kha)

Qua báo chí, tôi được biết Uyên là sinh viên năm thứ ba trường Đại học công nghiệp thực phẩm TPHCM, là con một gia đình lương thiện, là đoàn viên và cán bộ Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh ở trường, từng có những hoạt động biểu thị lòng yêu nước của mình liên quan đến bảo vệ các vùng biển, đảo của đất nước.

Vì còn đang thời kỳ điều tra của cơ quan an ninh và chưa có xét xử của tòa án, nên mọi vấn đề có liên quan, mọi kết luận đúng/sai đều để ngỏ, đòi hỏi phải làm rõ với tất cả tính trung thực và sự công khai minh bạch.
Tuy nhiên, căn cứ vào những điều đại tá Nguyễn Sáu đã phổ biến trong buổi họp báo ngày 03-11-2012 và những tin tức về thư nhận tội của Nguyễn Phương Uyên như đã nêu trên báo Nhân Dân điện tử 05-11-2012, có một số câu hỏi có liên quan phải nêu ra.

Trước hết, giả định những gì được phổ biến trong buổi họp báo nói trên và những điều Uyên nêu trong thư nhận tội được coi là các chứng cứ (đúng/sai sẽ để cho việc xét xử nghiêm minh phán định), không thể không đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ một sinh viên năm thứ ba, đoàn viên và cán bộ Đoàn TNCS HCM Nguyễn Phương Uyên không hiểu được những việc làm như đại tá Nguyễn Sáu phổ biến tại buổi họp báo 03-11-2012 là phạm pháp so với pháp luật hiện hành? Nếu vậy thì chất lượng giáo dục của nhà trường và của Đoàn có rất nhiều vấn đề phải xem xét.

Hoặc đặt ngược lại vấn đề, được giáo dục kỹ như vậy mà Uyên vẫn cố tình – nghĩa là có ý thức – thực hiện những việc đã làm, hiển nhiên ở đây sẽ nảy ra những câu hỏi: Chế độ chính trị của nước ta đang có những vấn đề gì khiến cho Uyên tuy được giáo dục kỹ mà vẫn  hành xử chống đối như vậy? Chế độ chính trị nước ta như thế nào mà đến nỗi phải chống lại nó vì yêu nước? Hay đây chỉ là tinh thần yêu nước giả tạo, hời hợt?… Vân vân và vân vân… Hỏi như thế nào cũng rất đau đầu!  Hiển nhiên: Việc gìn giữ kỷ cương và sự tồn vong của đất nước không thể cho phép chỉ đơn thuần nói là đã bắt người đúng thủ tục và chỉ một chiều xem xét hành vi của Uyên.

Nếu giả thiết – cứ như là Uyên đã viết trong thư nhận tội (chưa bàn đến hoàn cảnh viết thư nhận tội) – là do bị mua chuộc bằng vật chất và cơ may được đi học nước ngoài, lại có nhiều câu hỏi khác phải đặt ra: Chất lượng giáo dục của gia đình, xã hội và nhà trường của nước ta như thế nào mà đến nỗi một con người ở trình độ sinh viên đại học năm thứ 3 lại dễ bị cài bẫy, bị mua chuộc với những cái giá quá rẻ như thế? Thậm chí có thể đó chỉ là cái giá hão huyền nữa! Quá rẻ so với đánh đổi việc làm chống lại chế độ! Một đất nước có chế độ chính trị mà công dân có học của nó có thể bị mua chuộc hay cài bẫy dễ dàng và quá rẻ như thế, dễ hư hỏng hay dễ bị lừa để làm những việc như thế chống lại chính đất nước ấy, thử hỏi đấy là đất nước gì? Công dân của nó chất lượng như thế nào? Vân vân… Những câu hỏi như thế rất nghiêm trọng đối với việc giáo dục thế hệ trẻ và sự tồn vong của quốc gia. Mà như thế nó không còn là vấn đề của riêng một Nguyễn Phương Uyên nào đó!

Cũng với đòi hỏi phải tìm đúng thực chất sự việc và căn nguyên của nó, nhà trường – cụ thể ở đây là những người có trách nhiệm, đảng bộ ĐCSVN và ĐTNCS HCM của trường Đại học công nghiệp thực phẩm TPHCM – cần đặt ra cho mình những câu hỏi nghiêm túc và tìm ra những câu trả lời trung thực có liên quan đến vụ việc này. Nhà trường không thể chỉ đơn giản nói là: Nhà trường đã được thông báo trước khi Uyên bị bắt, sau này đã làm rõ bức thư cầu cứu Uyên của những sinh viên trong trường gửi Chủ tịch nước – và như thế coi như nhà trường đã làm tròn trách nhiệm của mình. Nhà trường có lương tri không thể giải thích qua loa như vậy và không thể trốn tránh việc phải nghiêm túc tự đặt ra cho mình mọi câu hỏi có liên quan và tìm ra những câu trả lời trung thực.

Vụ Nguyễn Phương Uyên, không chỉ có vấn đề phải xét xử nghiêm minh và tránh oan sai, mà còn có vấn đề từ vụ việc này phải nhìn nhận ra những vấn đề khác có liên quan đến thế hệ trẻ và sự tồn vong quốc gia như đã trình bầy sơ lược nêu trên.

Xử đúng một hành vi phạm tội (nếu đúng là phạm tội) để cứu một con người là lẽ tất yếu phải làm của một nhà nước pháp quyền.

Quan trọng hơn nhiều: Xử như thế nào để chế độ chính trị này – người chịu trách nhiệm toàn diện mọi việc trước đất nước – làm đúng được trách nhiệm đạo lý của mình là con dại cái mang và không bóp chết tinh thần yêu nước của tuổi trẻ. Đây là trách nhiệm lớn hơn gấp nhiều lần so với việc xét xử nghiêm minh đúng tội đối với cá nhân một Nguyễn Phương Uyên.

Một chế độ chính trị đúng với tinh thần là hiện thân của một nhà nước của dân, do dân, vì dân còn phải qua vụ Nguyễn Phương Uyên nhìn nhận lại những khuyết tật hay yếu kém của chính mình đã tạo ra những nguyên nhân dẫn đến vụ Nguyễn Phương Uyên. Gìn giữ đất nước thì phải làm như thế./.

Nguyễn Trung
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 7-11-12
Nguồn: Viet-studies

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"