Nguyễn Trí Dũng
Thứ ba ngày 6 tháng 10 sau nhiều ngày xin giấy thăm gặp bố tôi là
blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải tại các cơ quan: số trại giam số 4
Phan Đăng Lưu, Chí Hòa, VKSNDTP, TANDTP, UBND Phường 6 Quận 3, TANDTC,
và cuối cùng là VKSNDTC (tại Sài Gòn), gia đình đã được cấp giấy thăm
gặp "có giá trị một lần". Tôi và mẹ tôi là bà Dương Thị Tân đã được VKSNDTC duyệt để thăm gặp.
Khi gia đình vào trại giam Chí Hòa nộp giấy vào lúc 10 giờ sáng ngày 7 tháng 10 thì các cán bộ trại đã hẹn "đến 2 giờ chiều mới giải quyết vì đã trễ giờ làm việc rồi".
Không nằm ngoài dự đoán, khi quay lại vào buổi chiều thì cán bộ trại đã
gạch bỏ tên mẹ tôi là bà Dương Thị Tân trong giấy thăm gặp với lý do "bà là vợ cũ và không có quan hệ gì với ông Hải nữa". Cũng chính miệng vị cán bộ này hơn hai tuần trước nói "không trực tiếp có trách nhiệm phê duyệt việc thăm gặp mà gia đình phải làm đơn xin VKSNDTC" nay lại có toàn quyền gạch bỏ tên người thăm gặp đã được VKSNDTC đồng ý trên văn bản.
Cần phải nói thêm rằng câu trả lời "chị là vợ cũ, không liên hệ với ông Hải"
đã được dùng vô số lần để khước từ trách nhiệm trả lời đơn khiếu nại
cũng như tránh né thực hiện quyền lợi chính đáng của bà Dương Thị Tân.
Trong khi thực tế họ đã hai lần chính thức khám xét cả hai căn nhà riêng
của bà Tân và tịch thu nhiều đồ đạc, không cần kê biên để tìm bằng
chứng buộc tội bố tôi cũng như bất cứ ai trong gia đình (nếu có thể).
Sau khi đã gạch tên bà Tân không cho thăm viếng, cán bộ trại giam đã
cử một người mặc sắc phục dắt tôi vào sâu trong cổng trại sau khi đã
kiểm tra người bằng máy dò kim loại. Đến cửa phòng thăm gặp đã có một
công an khác đón sẵn và dắt vào trong phòng. Bố tôi đã ngồi trong phòng
từ trước cùng 4 công an mặc sắc phục và 1 người mặc thường phục cầm sổ
ghi chép. Tôi đã dễ dàng nhận ra người mặc thường phục vì ông ta vì luôn
xuất hiện trong những đợt bắt bớ mẹ tôi trước đây (vào sáng ngày 20
tháng 10 năm 2010 - ngày bố tôi lẽ ra được trả tự do sau án tù dàn dựng -
và phiên xử án ngày 24 tháng 9 năm 2012) và vô số buổi làm việc khác
tại đồn công an. Người này tự xưng là Hưng.
2 công an chặn giữa cố gắng ngăn để bố và tôi không với đến nhau
được, nhưng bố tôi kéo mạnh nên tôi đã với được vai bố. Ông vẫn gầy
nhưng khi gặp tôi ông cười rất tươi. Biết bố băn khoăn tại sao lâu vậy
mới vào gặp, tôi không chờ ông hỏi mà trả lời "họ gạch tên mẹ ra dù VKSNDTC đã cho gặp, mẹ đang đứng ở ngoài". Tôi tiếp chuyện bằng một loạt những ngày tôi và mẹ đi đưa đơn và làm thủ tục để xin được cái giấy "Có giá trị một lần" đó để bố hiểu và nói bố vững tin dù sau lần gặp này sẽ lâu có lần gặp khác. Ông cười và trả lời gọn lõn "Bố lúc nào cũng vững tin".
Tôi hỏi thăm bố đã bị đưa đi những đâu? Thì ông cho hay "21 tháng 9 bố ở B34, ngày 27 tháng 9 chuyển về PA24, và 5 tháng 10 thì về Chí Hòa" tôi lấy giấy bút ra ghi chép thì người công an ngồi bên cạnh nhắc "thăm gặp chỉ hỏi thăm chứ không được ghi chép". Tôi trả lời "tôi cần ghi những gì bố tôi dặn vì tôi không nhớ hết được" và tiếp tục ghi.
Tôi hỏi "bố bị giam ở đây thế nào?" thì ông nói "họ đang giam giữ sai quy định..." Người mặc thường phục bật dậy rất nhanh cắt lời ngay, người này nói với giọng thấp "tôi nói lại lần nữa nha, vào đây chỉ hỏi thăm sức khỏe không được nói chuyện ngoài lề". Những công an mặc sắc phục khác cũng hùa theo đọc luật đọc quy định gì đó. Tôi không cần nghe mà chỉ trả lời "tôi hỏi thăm điều kiện giam giữ ở đây, thì không là hỏi thăm sức khỏe thì là gì?".
Tôi quay sang bố tôi và đề nghị ông cho tôi biết đã xảy ra chuyện gì
trong lúc hơn 4 người quản chế trong phòng nói lớn và đe dọa ngừng thăm
gặp. Ông tiếp "họ giam bố ở khu AB cùng các phạm nhân khác. Mà bố là
bị can bị cáo. Quy định về điều kiện giam giữ khác nhau nên họ giam
chung như vậy là trái pháp luật".
Xin nói sơ về khu AB trong trại giam Chí Hòa bằng đoạn trích sau:
Trở lại câu chuyện của các tử tù. Sau khi bản án tử hình có hiệu
lực pháp luật, tất cả họ đều bị đưa vào một khu giam giữ riêng. Tùy từng
trại giam, khu này sẽ được đặt theo các tên gọi khác nhau. Như ở trại
tạm giam Hà Nội thì gọi là "K", còn từng buồng giam riêng sẽ được đánh
số thứ tự. Còn ở trại giam Chí Hòa thì gọi là khu AB. Nhưng dù gọi tên
theo cách nào đi chăng nữa thì đó vẫn là một khu giam riêng, chỉ dành
cho những người bị kết án tử hình, tách biệt hẳn với các khu giam chung
dành cho các thường phạm. Thiết kế loại buồng giam riêng cho các tử tù
cũng khác với các buồng giam chung giam thường phạm. Buồng giam cho tử
tù diện tích hẹp, với hai bệ xi măng làm "giường". Cuối "giường" là cùm.
Mỗi buồng giam như vậy được thiết kế cho hai tử tù nhưng tùy từng điều
kiện, có trại hai phạm nằm chung một buồng nhưng có trại thì mỗi tử tù
được ở một buồng. Một bệ xi măng dùng để nằm còn bệ kia thì dùng làm nơi
để vật dụng cá nhân hoặc tắm rửa.
Sống trong buồng biệt giam chờ chết nên hầu hết các tử tù đều âm
thầm chuẩn bị cho cuộc ra đi. Một số người cẩn thận tự chuẩn bị cho mình
áo trắng (coi như áo liệm), chuẩn bị găng tay, tất chân (loại bằng
nilon) để sau này giữ được nguyên vẹn xương khi bốc mộ. Có người thì
ngày ngày viết nhật ký vào lớp trong của chiếc áo khoác để sau này khi
đi rồi còn có cái gì đó để lại cho gia đình. Lại có người thì chỉ chú
tâm vào chuyện xem bói, ngày nào cũng lập quẻ xem bao giờ thì đến lượt
mình sẽ phải đặt chân xuống “chuyến đò âm phủ”.
Tôi bàng hoàng nhận ra cách thức trấn áp tinh thần kinh khủng bằng
cách cho bố tôi sống biệt giam chung với những người chờ chết. Đó là
chưa nói đến việc những tù nhân này có thể làm bất cứ gì để được giảm án
và sống sót.
Nhận thấy mình sẽ bị ngừng sớm nên hỏi ngay ý bố về phiên tòa như thế
nào thì người mặc sắc phục ra lệnh ngừng gặp ngay và 3 công an sau lưng
tôi đứng dậy. Bố tôi trả lời rằng phiên tòa đó là hoàn toàn trái pháp
luật và ông đã viết tất cả trong đơn kháng cáo, ông cũng cho biết rằng
đã viết đơn mời LS Hà Huy Sơn từ lâu. Người mặc thường phục lúc này đã
lao đến bẻ tay tôi để lấy tờ giấy nhỏ tôi ghi chép vài con số về ngày
tháng. Tôi nghĩ bố tôi cần phải biết tên này là ai nên đã nói "chính người này đã chặn bắt và hành hung mẹ ngày ra tòa, con bị bắt ngay tại nhà". Thấy bố tôi đứng lên nhìn thì người mặc thường phục này mới buông tay tôi ra không cướp mẩu giấy nữa.
Khi 1 công an dắt tôi ra ngoài thì người mặc thường phục này vẫn đi theo nói "mày ăn nói cho cẩn thận, ai đánh mẹ mày". Tôi chỉ ra cổng nơi mẹ đang đứng nói "mẹ tôi nói là không sai, ông có thể ra kiểm chứng". Người này không bước thêm bước nào nữa mà để cho người công an nọ dắt tôi ra ngoài một mình.
Tóm lại, sau bao nhiêu ngày bị "đá qua đá lại" giữa các bộ phận, cơ
quan để có giấy phép gặp mặt, chỉ có mình tôi là được gặp bố trong một
thời khắc rất chóng vánh, hầu như 1/3 thời gian là giằng co và nghe đọc
luật. Tổng thời gian vỏn vẹn hơn 5-7 phút nói chuyện dưới sự theo
dõi tại chỗ và nạt nộ của công an. Xin mọi người lưu ý sự kiện là bố
tôi - blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đang gặp đe dọa và trấn áp tâm lý trong nhà lao số 42 khu AB trại giam Chí Hòa.
Tôi xin lỗi mọi người, những cô chú bác, bạn bè thân thiết của bố là
tôi đã không thể gửi lời nhắn nhủ thương yêu của mọi người đến cho bố.
Tất cả câu chuyện tôi có thể nói tôi đã kể. Tôi ra về với tâm trạng vô cùng tức giận về cuộc gặp mặt
ngày hôm đó với những hành xử vô đạo đức của cán bộ và công an trại
giam.
Gia đình tôi sẽ làm đơn khiếu nại việc trại giam tự ý làm trái phê duyệt của VKSTC.
Xin cảm ơn các bác, cô, chú và các anh chị đã thương mến và đồng hành
với gia đình của bố tôi - Điếu Cày Nguyễn Văn Hải trong suốt nhiều năm
tháng qua.
Tờ giấy nhỏ ghi ngày tháng
Giấy cho phép của VKSNDTC
Giấy xin thăm gặp với 3 bước chứng thực tại 3 địa điểm : hình 1422
Người chuyên chặn bắt bà Tân, tự xưng là Hưng
Nguyễn Trí Dũng
danlambaovn.blogspot.com