Mạnh Kim
BÀI 4: SƠN CAO HOÀNG ĐẾ VIỄN
Từ khi thực hiện chính sách mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình, các địa phương Trung Quốc được trao quyền “tự biên tự diễn”
về mặt thiết kế và điều hành kinh tế, lấy chủ trương cạnh tranh làm
động lực cho phát triển, trong tổng thể qui hoạch của trung ương. Tuy
nhiên, như người Trung Quốc vẫn thường nói “Sơn cao hoàng đế viễn” (Núi
thì cao, vua lại xa tít), mô hình quản lý kinh tế phân quyền đã đưa đến
nhiều hệ lụy nghiêm trọng…
“Thập niên phong thủy lưu sanh chuyển”…
Năm 2005, Trương Bảo Khánh, lúc đó là thứ trưởng giáo dục, than phiền
rằng, chính sách cho sinh viên nghèo vay của trung ương đã bị nhiều địa
phương phớt lờ. “Sự kiểm soát của chính phủ trung ương đã không vượt
qua nổi bốn bức tường Trung Nam Hải. Trên này nói gì, dưới đó không
nghe!” - họ Trương phát biểu. Trên lý thuyết, trung ương luôn kiểm soát
tuyệt đối về chính trị cũng như mọi mặt trong chính sách vĩ mô; nhưng
trong thực tế, chính phủ địa phương vẫn có thể qua mặt và giấu nhẹm
những vụ việc sai lầm cho đến khi không thể bưng bít (điển hình là vụ
chính quyền Thạch Gia Trang giấu kín mọi tình tiết liên quan xìcăngđan
sữa dỏm của tập đoàn Tam Lộc trước thềm Thế vận hội Bắc Kinh 2008). Điều
đó đã bộc lộ những mâu thuẫn nội tại của mô hình quản lý Trung Quốc. Và
nó tiếp tục ảnh hưởng đến chiều sâu phát triển xã hội lẫn chiều rộng
của an ninh nội chính, làm xói mòn cơ chế và cấu trúc quản lý bộ máy
Đảng cộng sản Trung Quốc.
Trong buổi nói chuyện về cải cách kinh tế tại Bắc Kinh năm
2008, tiến sĩ Mỹ gốc Hoa Trương Ngu Thường (được Trung Quốc nhiều lần
mời làm cố vấn chính sách kinh tế) nói: “Đất nước các anh phải đối mặt
với tham nhũng; hệ thống pháp luật thuộc hạng D; tự do ngôn luận bị kiểm
soát, giáo dục và y tế thì công chẳng ra công, tư chẳng ra tư; chính
sách thì khi thế này lúc thế khác; rồi lại có hàng chục ngàn cuộc biểu
tình đình công mỗi năm…”. Thế mà GDP Trung Quốc vẫn cứ tăng đều gần
10%/năm trong ba thập niên. Nhờ đâu? Yếu tố then chốt – theo giáo sư
Trương (sau nhiều cuộc thị sát những trung tâm sản xuất đầu não tại khu
vực Dương Tử và Châu Giang) – chính là sự cạnh tranh sống mái giữa các
địa phương. Sống và thở với văn hóa chỉ tiêu đã ăn sâu vào đời sống
Trung Quốc, và hơn nữa, chính quyền tỉnh này lại không thể để “thằng”
tỉnh lân cận hơn họ. Áp dụng chính sách khuyến doanh nới lỏng hết mức có
thể, chính quyền địa phương tạo ưu đãi tối đa cho hoạt động doanh
nghiệp tại tỉnh nhà. Năm 2005, có một trấn nhỏ nọ tại An Huy thậm chí tổ
chức cuộc thi hoa hậu địa phương để tuyển chọn một đội mỹ nữ “thân mang
trọng trách” là tháp tùng, cho xôm tụ, cùng các anh viên chức địa
phương đi khắp Trung Quốc “tìm kiếm cơ hội đầu tư” về cho địa phương
nhà. Năm 2009, hai thành phố láng giềng tại Hà Nam cũng đã tranh nhau
giật một phần gói thầu tuyến xe lửa cao tốc từ Thượng Hải ngang địa
phương mình: trong khi chính quyền huyện Tân Hóa thuộc trấn Lâu Để phát
động phong trào “toàn dân đồng lòng bảo vệ đường sắt”, thì đối thủ láng
giềng Thiệu Dương “xúi” hàng ngàn cư dân xuống đường rầm rộ hô vang khẩu
hiệu với cờ xí rợp trời để trấn áp tinh thần “phe địch bên kia”…
Đúng là chủ trương khích lệ cạnh tranh đã giúp kinh tế Trung Quốc
phát triển cực nhanh, hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử kinh tế thế
giới cận đại. Từ khi Đặng Tiểu Bình đề ra chương trình “khai phóng” (cải
tổ), với câu nói nổi tiếng: “Bất quản bạch miêu hắc miêu, hội tróc lão
thử tựu thị hảo miêu” (Bất kể mèo trắng hay mèo đen, miễn bắt được chuột
là tốt), trong 15 năm từ 1978 đến 1993, GDP Trung Quốc tăng 280%! “Nếu
mỗi tỉnh Trung Quốc được xem như một nền kinh tế thì khoảng 20 trong 30
nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong giai đoạn này đều
thuộc tỉnh thành Trung Quốc” – theo một báo cáo được soạn cho các nhà
kinh tế hàng đầu nước này. Đó là giai đoạn chứng kiến sự thành công của
chủ trương tản quyền về quản lý kinh tế. Tuy nhiên, chính sách quản lý
của Trung Quốc, giống như câu ngạn ngữ của họ – “Thập niên phong thủy
lưu sanh chuyển”, đã không bao giờ nhất quán. Và chẳng cứ gì phải chờ
đúng một “thập niên” mới “lưu sanh chuyển”. Nó thay đổi xoành xoạch,
theo một chu kỳ (với độ co giãn thời gian tùy thời điểm) gần như bất
biến: Tập quyền dẫn đến bế tắc, bế tắc dẫn đến phân quyền; phân quyền
dẫn đến hỗn loạn, hỗn loạn lại dẫn về tập quyền...
Cùng tắc biến, biến tắc thông (thông rồi lại tắc)…
Một trong những hậu quả của mô hình tự chủ phát triển là hiện tượng
đầu tư vô tội vạ, cốt để “lấy le” với đối thủ láng giềng lẫn “được
tiếng” với trung ương, trong khi “mấy anh” trung ương luôn bị “thuốc”
bởi những con số thống kê (đạt hoặc vượt) chỉ tiêu. Hậu quả cuối cùng
không chỉ làm thiệt hại ngân sách mà còn khiến người dân điêu đứng, bởi
thực chất thì nhiều vụ đầu tư chẳng hề mang lại thiết thực cho lợi ích
cộng đồng. Cần biết, Ấn Độ đạt tăng trưởng 7-8%/năm bằng cách tái đầu tư
khoảng 1/4 GDP. Trong khi đó, các tỉnh thành Trung Quốc, do áp lực chỉ
tiêu lẫn văn hóa cạnh tranh, đã dốc gần 1/2 GDP cho tái đầu tư chỉ để
lấy được vài điểm phần trăm (percentage point) nhỉnh hơn “thằng” láng
giềng. Thấy thì xôm nhưng thật ra thì hỏng. Hệ lụy: tỉ lệ đầu tư luôn
cao hơn tiêu dùng. Sản xuất để bỏ vào kho, cao ốc được dựng để bỏ trống,
đường cao tốc được xây để phơi rơm rạ…, đó là những gì của cái mặt sau
tấm huy chương nền kinh tế “lớn thứ hai thế giới”.
Thế rồi bổn cũ soạn lại. Lần này (trong quãng 2009-2011) là kiểm soát
mạnh chi tiêu công đồng thời tăng chỉ tiêu thuế. Để tiếp tục xoay đủ
tiền cho kế hoạch phát triển riêng, các địa phương chẳng còn cách nào
khác là “vặt lông” người dân, là tận thu xã hội, là đưa ra những qui
định quái đản. Tháng 5-2009, huyện Công An (Kinh Châu, Hồ Bắc) đã ra
lệnh buộc mọi viên chức nhà nước phải “nỗ lực” hút ít nhất 23.000 gói
thuốc lá một năm! Tại sao? Để đáp ứng “chỉ tiêu” thuế lẫn “quyền lợi
chính đáng của người tiêu dùng”! Lĩnh vực bị “tàn sát” tận thu nhất, tất
nhiên, là bất động sản. Theo khảo sát của Ư Kiến Vanh, học giả lừng lẫy
thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc, có đến 30% ngân sách tài khóa
của chính quyền Hà Bắc là có nguồn gốc từ các vụ bán đất. Trong khi đó,
khắp Trung Quốc, có khoảng 60% vụ biểu tình hoặc bạo động xã hội xuất
phát từ bi kịch mất đất. Cơn lốc bán đất thực hiện trong khuôn khổ kế
hoạch duy trì tăng trưởng đã trở nên kinh khủng đến mức bây giờ một số
địa phương đã chẳng còn tí quỹ đất nào để mà xén.
Nói đến đất là nói đến phạm trù của tham nhũng và hủ hóa cán bộ. Thế
rồi bổn cũ lại được giở ra. Trung ương bắt đầu siết chặt. Gần đây, Bắc
Kinh bắt đầu yêu cầu bí thư quận ủy thuộc các địa phương nhỏ phải tập
trung về Trường đảng trung ương, thay vì học tại các trường đảng địa
phương. Để nhấn mạnh tầm quan trọng, tất cả khoảng 3.000 bí thư quận ủy
đều được đích thân ủy viên Bộ chính trị hoặc bộ trưởng giảng dạy. Đồng
thời, Bắc Kinh cũng sử dụng công cụ “quần chúng” để giúp phát hiện cán
bộ hủ hóa, bằng cách cho phép giới báo chí và blogger vào cuộc. Năm 2009
- năm “đại hung” đối với giới quan lại tham ô, một loạt viên chức địa
phương đã bị truất phế trong chiến dịch gọi là “thay máu cho Đảng”,
trong đó có Chu Cửu Canh (vụ này được chọn là một trong 10 bản tin mạng
“hot” nhất trong năm).
Một bức ảnh đăng trên mạng đã làm tiêu tan sự nghiệp Chu. Vốn chỉ là
tay giám đốc Sở quản lý đất đai quận Giang Ninh (Nam Kinh), Chu Cửu Canh
(trong bức ảnh) lại có thể phì phèo loại thuốc lá cực đắt Nanjing 95 Imperial (giá 263 USD/cây) và mang chiếc đồng hồ Thụy Sĩ Vacheron Constantin
(16.000 USD). Một cuộc điều tra được mở ra. Chu bị buộc tội nhận hối lộ
1,07 triệu tệ cùng 110.000 đôla Hong Kong. Bản án cho đương sự là 11
năm tù cùng số tài sản bị tịch biên trị giá 1,2 triệu tệ. Tương tự, một
bí thư đảng thuộc một cơ quan quản lý hàng hải ở Thâm Quyến cũng mất ghế
sau khi bị đưa lên mạng đoạn phim đương sự đang dọa dẫm một ông bố
“khôn hồn thì câm miệng”, trước vụ đương sự lúc say xỉn đã giở trò bỉ ổi
với cô con gái nhỏ của ông bố nạn nhân trong nhà vệ sinh. Tại Vân Nam,
một nhóm viên chức trại giam cũng bị xử, sau khi công dân mạng bày tỏ
nghi ngờ cách giải thích liên quan cái chết một tù nhân. Nhóm cán bộ
trại giam nói rằng nạn nhân, thật xui quá, đã chết bởi va đầu trúng vật
cứng khi chơi… bịt mắt bắt dê với bạn tù! Điều tra cho biết, nạn nhân tử
vong vì bị tra tấn!
“Bất kiến quan tài bất điệu lệ” – người Trung Quốc vẫn thường nói như
vậy. Trong thực tế, đã có vô số “quan tài” để làm tiền lệ. Nhưng người
ta vẫn không ngán. Là vì, một phần, “núi thì cao, vua lại xa tít”…
Mạnh Kim
(còn tiếp)
(còn tiếp)