Người Cao Nguyên
Thầy giáo Đinh Đăng Định
bị bắt và cách đây hai tháng bị cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước
Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ,
xâm phạm lợi ích của Nhà nước”. Bài dưới đây của một độc giả ghi lại
cảm nghĩ của mình sau chuyến đi thăm gia đình thầy giáo Đinh Đăng Định.
Bauxite Việt Nam
|
Cao nguyên, một ngày đầy gió, đi trên
một mảnh đất bazan một thời ngút ngàn rừng, chỉ còn vài cây chơ vơ trong
nắng. Chuyến đi không dài, cũng mù mờ về cái địa chỉ được đưa. Quá
trưa, lòng vòng những số nhà thật lộn xộn của Thị trấn Kiến Đức, Đăk
R’Lấp.
Một ngôi nhà gỗ, cũ kĩ hiện ra. Một cô
bé nói chuyện với bạn trước cửa, “Cho anh hỏi đây phải đây là nhà thầy
Định không em?”. Một đôi mắt nhìn lạ lẫm, nghi ngờ: “Dạ, có chuyện gì
không anh?”. “À, người cùng quê thầy Định, nên đến nhà anh ấy hỏi thăm?
Mẹ ở nhà không em?”. “Em không biết nữa”. “Em biết mẹ đâu không?”.”Dạ,
em không biết, bình thường giờ này mẹ trên vườn, anh thử lên sau vườn
tìm mẹ”. Một mảnh vườn nhỏ với mấy cây điều xác xơ. Không thấy ai. Quay
lại, cô bé cũng không dám mời vào nhà. Tôi cố gắng nói chuyện với cô
bé.”Ba bị trước Tết lâu không em?”. Đôi mắt cúi xuống, chợt buồn.”Cũng
lâu anh ạ”.
Một lúc, một người phụ nữ về, hỏi
tôi: “Cháu tìm cô có việc gì không?” “Dạ cháu được một người bạn nhờ
cháu đến thăm gia đình chị”. Tôi gọi người anh nhờ đến thăm, và một cuộc
điện thoại khá dài. Chắc anh muốn hỏi thăm và an ủi gia đình chị. Sau
cuộc điện thoại, chị mới tin tưởng mời tôi vào nhà và gọi cô bé rót
nước.
Ngôi nhà chẳng có gì đáng giá, không thấy
một thiết bị điện tử nào, tivi không, điện thoại không. Một chiếc xe
máy, có lẽ lâu lắm rồi không ai nổ máy. Một tấm bảng đen nhỏ, một giá
sách khá nhiều sách, tôi nhìn qua, phần lớn là sách về Hóa học và dạy
học, từ lâu đã không chắc không được ai cầm tới.
Chị
kể: _ “Gia đình trước trông cậy vào tiền lương ông ấy, bây giờ không
biết sao nữa, chị bây giờ làm dọn dẹp trong trường, hồi xưa ông ấy xin
cho vào đó, may mà người ta vẫn cho làm. Lương thấp, chỉ 2 triệu một
tháng. Đi làm ngoài kia, 6, 7 cây số, mà phải đi xe buýt. Vất vả lắm em
ạ. Cả gia đình giờ chỉ có vậy. Con bé này đang học lớp 11, có một đứa
chị đang học dưới Sài Gòn, cũng may có chị đầu đi làm dưới đó nuôi với,
chứ mình cô nuôi sao nổi. Gia đình bây giờ cũng ngại lắm. Không dám gặp
ai và ai đến thăm cũng ngại. Bữa trước anh trai ông ấy đến thăm, chị chỉ
dám mời ở lại ăn cơm rồi nói bác ấy đi, không người ta [?] lại nghĩ này
nghĩ nọ”.
_ “Lâu nay chị có gặp anh ấy không?”.
_ “Anh ấy hiện giờ ở trên tỉnh, khi nào chị muốn gặp phải lên xã xin giấy, rồi lên trên đó xin gặp”.
_ “Từ ngày đó đến nay, gia đình chị có chuyện gì phiền phức không chị?”.
_
“Cũng bình thường, lâu lâu công an họ cũng gọi đến, họ nói có chuyện gì
để giải quyết, đừng nói này nói nọ. Có một chị dưới Phú Nhuận gì đó, cứ
gọi cho chị nói chị cứ nói những chuyện xảy ra, nhưng chị không dám
nói, chuyện nó thế rồi”.
Biết không nên ngồi
lâu, tôi xin phép chị ra về, vì tôi biết chị ngại khi có người lạ đến
nhà. Khẩn khoản mãi, xin số điện thoại chị, lúc đầu chị từ chối. Đến khi
tôi hứa với chị là không cho thêm ai số, và không làm gì để anh hưởng
đến gia đình chị, chị mới dám cho. Tôi để lại số điện thoại: “Nếu chị
ngại lưu vào máy, em ghi vào tờ giấy”, rồi đưa cho chị.
Tôi
về, suy nghĩ mãi về họ. Một gia đình nhà giáo nghèo. Ba đứa con gái
ngoan ngoãn, giỏi giang và rất dễ thương (ắt hẳn điều đó khi nhìn cô bé
út). Có lẽ trước đây họ đã sống rất đầm ấm. Nhưng bây giờ, một thầy giáo
già, một cưu trung úy phòng hóa quân đội, một người con lớn lên dưới
chân núi An Phụ, Kinh Môn, Hải Dương nổi tiếng với đền thờ An Sinh Vương
Trần Liễu, đang ngồi trong tù, chắc chắn vẫn đang trăn trở cho gia đình
mình, đất nước mình. Vợ và con anh ấy, mỗi khi thăm anh ấy, chỉ được 15
phút, vượt qua bao nhiêu khó khăn từ giấy tờ, phương tiện đi lại.
Mà
anh ấy đã làm gì sai để đến nỗi thế. Hay chỉ tại một tấm lòng trăn trở
với đất nước, với quê hương, nơi anh ấy tận mắt chứng kiến những cánh
rừng đầu nguồn bị tàn phá, những hậu quả lâu dài mà việc khai thác mỏ
bauxite, những khó khăn của người dân nơi anh ấy sinh sống. Mà anh ấy đã
làm gì, anh chỉ đi thu thập chữ kí phản đối của người dân trong vùng kế
hoạch khai thác bauxite vĩ cuồng ấy (trong bức thư gửi đến trang
Bauxite Việt Nam anh nói đã có 629 chữ kí). Hay tại anh ấy thường xuyên
đọc những trang báo trên mạng như Bauxite Việt Nam, những BBC, những đài
báo quốc tế để hiểu biết một cách chân thực hơn tình hình đất nước
không chỉ qua những tờ báo tuyên truyền đường lối và chính sách của Đảng
và Nhà nước, những chương trình TV lặp đi lặp lại như những cái máy
những thứ nhàm chán và thô thiển. Để rồi bây giờ, anh ngồi trong tù,
chắc hẳn anh thương người vợ gầy vẫn cặm cụi trong ngôi nhà gỗ nhỏ bé và
trống trải với đứa con gái út rất dễ thương của và ngoan ngoãn của anh
lắm.
Anh ngồi trong tù chắc đau đớn nghĩ đến
nỗi lo sợ, cô đơn của người thân mình khi không dám gặp hàng xóm, họ
hàng. Chắc hẳn anh khó ngủ lắm khi biết tin những đứa con gái anh đi
học, đi làm dưới Sài Gòn mà vẫn thường xuyên được các anh công an đến
hỏi thăm tình hình. Một người đơn độc đi đến từng nhà người dân để nói
cho họ hiểu vấn đề về cái công trường Trung Quốc xây dựng trên mảnh đất
của họ, công trường đã phá hết những cánh rừng đầu nguồn của mảnh đất
cao nguyên hùng vĩ với dòng sông Sêrêpok vẫn ầm ầm đổ thác trên những
Đray Sap, Đray Nu, Gia Long,… rồi mai còn nữa không. Cái dự án điên
cuồng phá hoại chừng 8% diện tích đất Đăk Nông nơi anh ở, bằng ¼ diện
tích TP. Hồ Chí Minh (bao gồm tất cả tất cả những quận huyện ngoại
thành). Anh đơn độc quá, đơn độc trong những việc làm của mình, bây giờ
anh đơn độc một mình hơn 6 tháng trong tù mà bên ngoài không ai biết
chuyện gì, không ai biết để bênh vực anh. Và bây giờ, sự cô đơn đó lan
sang gia đình anh, cô đơn với cả chính họ hàng, láng giềng, bạn bè. Tôi
bị ám ảnh bởi đôi mắt họ, một đôi mắt in vài nếp nhăn của người vợ, một
đôi mắt tròn xoe rất đẹp của cô con gái. Sâu trong đó, là một nỗi buồn
vô tận, một sự cam chịu và sợ hãi đến nỗi không dám lưu số điện thoại
một ai đó trong máy điện thoại của mình.
N. C. N.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.