Hồng Lanh
Theo tờ Tiền Phong Online – cơ quan trung ương của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, 10 sự kiện trong nước nổi bật năm 2011
là: Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XI; sôi động hoạt động đối ngoại;
kinh tế tăng trưởng 5,9%, lạm phát vẫn cao; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và
tái cơ cấu nền kinh tế; thị trường chứng khoán, bất động sản lao dốc và
vỡ nợ tín dụng đen; tai nạn giao thông được Chính phủ coi là “thảm họa”;
khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam với Trường Sa, Hoàng Sa trên
Biển Đông; công bố Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; di sản Thành nhà Hồ
và Hát Xoan được UNESCO tôn vinh. Bên cạnh đó, một bản báo cáo
hồi đầu năm 2012 của Human Rights Watch tóm gọn hàng loạt vấn đề về
nhân quyền trong năm 2011 tại Việt Nam mà không một cơ quan truyền thông
chính thống nào đưa tin. Nhưng, trong bầu không khí chính trị đang nóng
dần lên như thế, có một sự kiện khác – sự ra đời của một cuốn sách, mà
tính chất quan trọng của nó có vẻ như chưa được đánh giá một cách đúng
mức.
Thế hệ F – Họ là ai?
Đó là cuốn sách dày 252 trang mang tên Thế hệ F
do Nhà Xuất bản Liên Mạng ấn hành tại Việt Nam năm 2011 theo lối
photocopy với hình thức không thể nói là không chuyên nghiệp. Cuốn sách
này đã được số hóa, đưa lên mạng, cho phép độc giả đọc miễn phí,
có thể tự in ra và đóng thành sách. Trong “Lời giới thiệu”, nhà xuất
bản cho biết, thế hệ F là “thế hệ người ViệtNam mới”, “đầy sự cởi mở, tự
tin, năng động, tiến bộ về nhận thức chính trị”.
Ngoài những tác giả trong độ tuổi 7x, 8x, như Lan Phương, Tiểu Anh,
Đặng Thiều Quang, Mít Tờ Đỗ… còn có những tác giả mà xét về tuổi tác thì
họ có thể xếp trước vài thế hệ như: Đỗ Trung Quân, Nguyễn Thị Hậu, Huy
Đức, Đào Hiếu, Hồ Cương Quyết… Không còn là sự phân định dựa vào tuổi
tác, họ được xếp chung một thế hệ, sinh ra và hoạt động mạnh mẽ trên
internet, các mạng xã hội, mà Facebook chỉ là một cái tên điển hình.
Yếu tố này thực sự quan trọng. Với những người lớn tuổi, từng trải
qua bão táp trong tăm tối thầm lặng của vận mệnh nước Việt Nam, giờ đây,
có thể nói quá rằng họ được tái sinh trong hình hài một công dân mạng,
hoàn toàn bình đẳng với lớp con cháu; không còn đơn độc, cùng quẫn như
nhân vật Winston trong tiểu thuyết nổi tiếng 1984
của nhà văn George Orwell. Với những người trẻ, từ 7x trở về sau, tiếng
nói của họ giờ đây được cất lên trong tư thế vượt thoát toàn bộ những
“định kiến,” sự “nhào nặn” của những người đi trước, tự giác lãnh nhận
trách nhiệm cho cuộc đời mình.
Họ nói như thế nào?
Cuốn sách chia làm bốn phần, tương ứng với hành trình “lên mạng,
xuống đường” của hàng nghìn người ViệtNam hồi tháng Sáu năm 2011. Phần
một có tên “Đêm trước”, đưa ra những băn khoăn, tranh luận về việc có
nên đi biểu tình hay không, đi như thế nào, những thắc mắc và giải đáp
về biểu tình, những cảm giác bồi hồi, xúc động khi chờ đến giờ đi biểu
tình. Phần hai là “Xuống đường”, mô tả những sự kiện, hành động, lời
nói, cảm giác của mỗi người khi tham gia biểu tình. Phần ba có tên “Yêu
nước”, ghi lại những hồi tưởng, kinh nghiệm của những người tham gia
biểu tình. Phần cuối là “Comment”, đưa ra những phản hồi từ cộng đồng
mạng.
Đa dạng từ cách tiếp cận vấn đề, cho đến cách diễn đạt suy nghĩ, cuốn
sách với 56 bài viết của 42 tác giả này mô tả bầu không khí hối hả,
thúc giục. Nguyễn Lương Hải Khôi kể những chuyện châm biếm, Người Buôn
Gió với hình thức giễu nhại truyện kiếm hiệp Trung Quốc, Bùi Dzũ viết
nhật ký… Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản, “Bạn đọc có thể thấy,
trong cuốn sách, có cả những bài viết theo một hướng khác, một giọng
khác, trái ngược hẳn đa số còn lại. Nhưng những bài viết đó cũng phản
ánh một góc nhìn mà người đọc cần ghi nhận và có thể đưa ra thảo luận,
vì thế chúng được đưa vào tuyển tập, với sự tôn trọng tinh thần đa
nguyên.”
Không còn cảnh “Người dân cày dung dị hôm trước, được Đảng phóng tay
phát động, vụt trở thành hung tợn, mặt bừng bừng khoái trá trong niềm
vui hành hạ đồng loại”, “Lũ trẻ làng rùng rùng chạy theo sau. Chúng vỗ
tay, chúng reo hò, chúng cười ngặt nghẽo” trong cuốn sách Đêm giữa ban ngày
của nhà văn Vũ Thư Hiên, hay những hành động như một cụm từ mà người ta
thường nói: “cơn điên tập thể”; toàn bộ cuốn sách của Nhà Xuất bản Liên
Mạng này mang hơi hướng chủ đạo là suy tư có phê phán và ý thức cá nhân
cao.
Ở một đoạn – như một lời nhắn nhủ dịu dàng – Nguyễn Thị Hậu viết:
“Đừng nghĩ không dây vào bọn xấu cho bẩn người. Cái xấu cái ác cứ còn
tồn tại cũng vì ai cũng tránh né không đấu tranh! Đứng trước cái ác cái
xấu chỉ có một chọn lựa, đó là đoàn kết chống lại nó. Một người chống
lại cái xấu cần nhiều người ủng hộ và làm theo. Ít nhất là ngăn chặn cái
xấu tác oai tác quái, rồi loại trừ và tiêu diệt nó.”
Trong bài “Hỏi và đáp về biểu tình,” luật gia Phan Thanh Hải
(anhbasg) trả lời những vấn đề rất sát sườn về biểu tình và ứng xử với
công an. Trong khi Huy Đức điềm đạm trình bày về chủ quyền hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa: “Nhưng, cũng trong những ngày này, chính
quyền có cơ hội không hề mơ hồ để đứng bên cạnh nhân dân, đoàn kết mọi
người Việt Nam, không chỉ để cho mục tiêu chống ngoại xâm mà còn có thể
cho mục tiêu ổn định. Chảy nước mắt khi cảm thấy dân mình đơn độc,” anh
nhận xét ở cuối bài.
Trang 171, tác giả André Menras / Hồ Cương Quyết qua lời dịch của
Nguyễn Ngọc Giao viết: “Thế là thế hệ lục tuần chúng tôi đã gặp lại
nhau, với đầu óc, trái tim và niềm tự hào của tuổi hai mươi, đoàn kết
chống lại cuộc xâm lược mới. Khẩu hiệu chúng tôi hô vang là những lời
trong sáng, không một chút vẩn đục hận thù. Đó là biểu hiện của một sức
mạnh an nhiên, hầu như vui tươi, không một chút sợ hãi. Và chắc chắn là
không sợ những cái dùi cui mà chúng tôi đã thấy ngay trước mặt. Tựa đề
bài viết, tác giả kêu gọi “Hãy lên tiếng, dõng dạc và minh bạch!”
Khương Hà Bùi và Trương Phước Lai góp mặt bằng thơ, hay “vấn đề nho
nhỏ” của Nón Lá Sài Gòn: “Về nhà không bao lâu, anh công an khu vực phụ
trách phường tôi gọi điện thoại hỏi thăm tôi.”
Họ làm gì?
“Lời giới thiệu” trong sách có đoạn: “Đó là sự bắt đầu của một quá
trình dân chủ hóa, đa nguyên hóa lành mạnh, dẫu rằng trước hết chỉ là…
trên mạng. Những cuộc tranh cãi, “bút chiến” gay gắt giữa những người
ủng hộ và phản đối biểu tình, vào thời điểm “đêm trước cuộc xuống
đường”, chẳng phải cũng là một biểu hiện của sự đa nguyên hay sao?”
Họ đã lên mạng, xuống đường, và bây giờ còn mở rộng phạm vi hoạt động
sang cả lĩnh vực xuất bản, bằng việc ấn hành những tranh luận của mình
thành những quyển sách hoàn chỉnh. Lần đầu tiên, một quyển sách xuất bản
ngoài luồng nhận được sự quan tâm đông đảo đến thế. Và thật khó để nhà
cầm quyền biết được đã có bao nhiêu cuốn Thế hệ F được tải về, in ra và truyền nhau trong thời gian ngắn vừa qua.
Cái tên Liên Mạng nói lên rất nhiều ý nghĩa. Họ không ba hoa, họ thực
sự thảo luận, tranh luận, và xuất bản những ý kiến của mình; không phải
theo hình thức đơn lẻ, mà theo một sự đoàn kết mạnh mẽ, trong tinh thần
đa nguyên thực sự. Điều này hẳn làm những người có “đầu óc bảo thủ,
phản tiến bộ, phi dân chủ” phải rúng động hơn bao giờ hết.
Dù muốn hay không, dù ủng hộ hay phê phán sự ra đời của cuốn sách,
chúng ta cũng phải xác nhận một sự thực rằng tại Việt Nam, đang có một
thế hệ, đoàn kết với nhau, xây dựng một cộng đồng – một tương lai chung,
cùng nhau thảo luận, cùng nhau đánh dấu tiếng nói của mình bằng những
hiện vật cụ thể, không một lý lẽ nào có thể phủ nhận, không một thế lực
cực quyền nào có thể thủ tiêu hay giấu diếm.
Sự ra đời của Thế hệ F, Nhà Xuất bản Liên Mạng mang một giá
trị đặc biệt – mà theo đánh giá của người viết – toàn bộ nội dung, cách
thức họ làm việc là cả một sự ý thức rõ rệt về vai trò và hành động của
thế hệ mình, vượt qua những rào cản dù là ảo hay thực, đoàn kết, tự tin
dấn bước trên con đường xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, đa nguyên.
___________________
Thế hệ F, Nhà xuất bản Liên Mạng 2011, bản đọc miễn phí trên mạng và bản PDF tại đây
© 2012 pro&contra