Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Dùng cây đậu để đun hạt đậu




Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ, tổ trưởng Tổ công tác 427 về vấn đề của linh mục Bình
Cũng giống như các trường hợp thường xảy ra nhiều nơi trên đất nước này, khi cần giải quyết những vấn đề khó khăn đối với nhà thờ, đất đai tôn giáo, việc dùng các nhà thầu, các cá nhân có uy tín rồi bơm cho chút tiền bạc, quyền lợi để dùng chính họ xung kích trong các công việc nhà nước cần nhưng khó làm. Đó là phương sách dùng cây đậu để đun hạt đậu, nhằm tạo ra những mâu thuẫn sâu sắc ngay trong chính nội bộ tôn giáo. Con bài này đã được thực hiện nhiều nơi và đã tỏ ra khá hiệu quả, tùy từng nơi, từng lúc. Nhiều nơi, những công việc liên quan đến đất đai của Giáo xứ, giáo họ, các nhà thầu, các cá nhân là người công giáo hoặc gốc công giáo đã rất được ưu ái cho nhận thầu dễ dàng, chính những người công giáo này, với mối lợi trước mắt đã nhắm mắt làm tất cả những gì mà nhà nước muốn thực hiện. Ở Giáo xứ Đồng Chiêm trước khi xảy ra vụ đập phá Thánh Giá, những con đường ở Giáo xứ Đồng Chiêm bao năm không được đầu tư. Khi cây Thánh giá được dựng lên, nhà cầm quyền đã nhiều lần đưa miếng mồi là Giáo xứ tự đập phá cây Thánh Giá và nhà nước sẽ đầu tư con đường qua xứ thật nhanh và thật đẹp. Thế nhưng Giáo xứ Đồng Chiêm đã không mắc miếng mồi đó và tội ác Phạm Thánh đã xảy ra với cây Thánh Giá trên Núi Thờ.

Ở vụ việc này cũng vậy, trên đường đi, linh mục Bình đã cho tôi biết ý định của Huyện Chương Mỹ là thuê hẳn Ban Hành giáo hai giáo xứ cạnh đó đập phá ngôi nhà của linh mục Bình đã xây. Thậm chí, Ban Hành giáo xứ Gò Cáo còn được hứa hẹn sau khi xong việc, huyện sẽ đầu tư con đường đi trong xứ cho họ. Câu chuyện trong bữa ăn, chính ông Phó Chủ tịch Huyện Vũ Văn Đông đã nói rõ ý định sẽ lo tiền thuê Ban Hành giáo đập ngôi nhà này nếu đồng ý bán lại cho xã.
Nhà nước nào pháp luật đó, nhà nước sinh ra pháp luật là để phục vụ nhà nước?
Suốt bữa cơm, ông Phó CT Huyện Chương Mỹ nhất định không trả lời câu hỏi hoặc chỉ ra sự bất nhất trong những điều ông ta nói ra trước những câu hỏi của chúng tôi. Chúng tôi nói rõ rằng: Việc đập phá nếu cần thiết và đúng pháp luật, chúng tôi đồng ý. Nhưng trước hết cần chỉ ra việc này sai luật chỗ nào?
Ông Vũ Văn Đông nói rằng, nếu luật pháp không nghiêm, thì đất đai không quản lý được. Chúng tôi đồng ý là pháp luật phải nghiêm, vậy những ngôi nhà kia, những mảnh đất kia được mua bán, xây nhà có trái luật không? Ông Đông nói rằng có những điểm sai nhưng phụ thuộc vào thời điểm… Chúng tôi hỏi ông, vậy thời điểm nào thì xử lý sai trái và thời điểm nào thì không xử lý? Có phải chỉ vào thời điểm linh mục Bình mua đất ở đây mới xử lý, còn trước đó thì thôi?
Ông Vũ Văn Đông không trả lời được mà chỉ nói rằng: Nếu hôm nay, linh mục Bình trả lại nhà và đất cho địa phương, thì tôi giao xã Thủy Xuân Tiên là chúng bay phải lo tiền, trả lại Linh mục Bình. Khi chúng tôi nói: Anh là người đi giải quyết vấn đề, nhưng anh vẫn phải xin chỉ thị, vậy những lời anh nói, những thỏa thuận nếu có ở đây lát nữa anh về xin chỉ thị không được nhất trí, thì cũng bằng không. Ông trả lời “tôi ăn lương nhà nước tôi phải chấp hành, nhưng ở việc này thì nếu đồng ý, chỉ một tiếng đồng hồ sau là có tiền”.(?)
Khi ông Đông đưa ra đám giấy tờ ghi rằng linh mục Bình xây cơ sở Từ thiện xã hội là trái pháp luật, tôi nói rằng: Kết luận đó là vớ vẩn, tại sao chỉ là sửa ngôi nhà mà không điều tra trực tiếp người làm xem làm gì đã kết luận là cơ sở từ thiện xã hội? Ông Đông nói lại, đối với nhà nước, chỉ được nói là chưa đúng, không được nói là vớ vẩn. Tôi đáp, với văn bản kết luận hồ đồ này, thì đó là sai, đã sai là vớ vẩn.
Tôi hỏi ông Vũ Văn Đông rằng: Nếu anh có ngôi nhà anh mua cho con anh ở Hà Nội, con anh vào sửa sang và ở một thời gian, tự dưng có chính quyền đến buộc anh phải trả lại cho người mua mà không có bất cứ văn bản hoặc lời giải thích nào, thì anh có chịu không?
Quả thực, chúng tôi rất lạ là tại sao, chỉ mục đích duy nhất là đập phá ngôi nhà đó mà cả Huyện Chương Mỹ phải nhọc công vất vả làm vậy? Nếu họ có lý, có pháp luật trong tay, hẳn họ đã không phải có những động tác này. Tiếc rằng, họ không hề có bất cứ một chút lý và hoàn toàn trái pháp luật nên việc này đã xảy ra.
Ông Đông nói tiếp: Nhà nước nào, pháp luật đó, Pháp luật do nhà nước sinh ra là cũng để bảo vệ nhà nước. Tôi hỏi: Vậy nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân vì dân thì pháp luật bảo vệ ai? Pháp luật quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật thì để ở đâu? Tại sao chỉ vì linh mục Bình làm việc này thì phải phá? Nhưng, tất cả những điều đó, hầu như chẳng tác dụng gì với ông Phó Chủ tịch Huyện được phong Tổ trưởng này.
Trước tình hình không thể trả lời được những câu hỏi đặt ra, ông Đông nói rằng: Như vậy là việc hôm nay không thành, tôi sẽ về báo cáo và chịu kỷ luật vì không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi trả lời, việc rất dễ thành nếu có sự chân thành và đúng lẽ phải, nếu anh không thành, chỉ vì anh không có sự thật và không có lẽ phải mà thôi.
Ông cũng vài lần cho biết rằng ông mới cho đập phá một ngôi chùa nào gần đó, chúng tôi trả lời rằng chúng tôi không quan tâm lắm việc đó, và nếu việc làm sai pháp luật thì đập phá hay bất cứ hành động nào cũng phải chấp nhận. Có điều là một nhà nước pháp quyền XHCN thì cần rõ ràng và thực thi pháp luật đúng đắn.
Ông Đông nói rằng: Tôi là cán bộ ăn lương nhà nước, phải thi hành nhiệm vụ và Nhà nước này còn mạnh lắm. Tôi có nói lại với ông: Dù là theo nhiệm vụ, dù là nhà nước hoặc chủ nghĩa nào đi nữa, thì luật Nhân – Quả đều được thừa nhận, có thể việc làm của anh hôm nay anh chưa thấy, nhưng sau vài ba năm nữa anh nghỉ hưu, anh sẽ nghĩ đến việc làm hôm nay của mình. Và những việc làm thất đức của mình hôm nay, con cháu mình sẽ được hưởng.
“Nếu sai, thì phải sửa, nhưng nếu nhờ linh mục Bình mà sửa thì lợi chưa thấy, chỉ thấy cái hại”-  Đó là câu nói cuối cùng của ông Vũ Văn Đông trước khi chia tay. Câu nói đó một lần nữa thể hiện sự phân biệt sâu sắc và trắng trợn đối với tôn giáo của vị quan chức này.
Chúng tôi ra về, được một đoạn, máy điện thoại của linh mục Bình reo vang, đầu dây bên kia là giọng ông Vũ Văn Đông: “Chú cẩn thận, ông Vinh này là giáo dân ở Thái Hà, là đối tượng chúng tôi đang nghiên cứu”. Tôi bật cười nói với cha Bình: “Bảo với ông ta không việc gì phải nghiên cứu cho mất thời gian, cứ đến Công an TP Hà Nội hoặc Bộ Công an, thì hồ sơ đã đầy đủ”.
Thế rồi từ đó đến nay, linh mục Bình không nhận được bất cứ văn bản nào về việc xây dựng, mua bán hoặc bất cứ văn bản nào về việc sai trái hoặc đúng pháp luật từ phía cơ quan chính quyền. Chỉ có trước đó, nhiều lần cán bộ công an xã, huyện đã đến kiểm tra hộ khẩu, tạm trú tạm vắng đối với những người đã ở đây.

Ngôi nhà bị đập phá tan tành
Thế rồi đến hôm nay, nhận được tin báo linh mục Bình và giáo dân bị đánh đập tàn tệ, ngôi nhà bị phá tan tành và các cháu nhỏ đang bơ vơ không nơi trú thân.
Nhận được tin này, tôi không thấy ngạc nhiên, vì con đường đi của sự dữ, của bóng tối chỉ là dối trá và bạo lực. Chỉ đáng thương và đáng tiếc cho những ai đang không tỉnh thức mà vẫn bị lừa dối và mắc mưu.
Trích đoạn buổi nói chuyện:

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"