Trần Phúc Tâm
Lời nói đầu: Ngày này,
9/3/2012 (20 tháng Ba năm Nhâm Thìn), nhằm ngày giỗ của Vạn Xuân Nam đế
Lý Bôn. Bài viết dưới đây như một nén nhang tưởng nhớ người anh hùng
giải phóng dân tộc và cũng là hoàng đế đầu tiên của nước Việt Nam. Đồng
thời, cũng là góp phần suy ngẫm, tìm trong vốn cổ truyền thống lịch sử
văn hóa tư tưởng của dân tộc những thông tin, kinh nghiệm hữu ích còn có
thể sử dụng được trong công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước Việt Nam
hôm nay và mai sau.
I- Vạn Xuân Nam đế Lý Bôn
Năm 541 sau công nguyên, Lý Bôn (Lý Bí) đã lãnh đạo dân Việt nổi lên
đánh đổ ách đô hộ của Trung Hoa. Ngay sau khi giành quyền độc lập dân
tộc, ông cho tiến hành mấy việc mà ý nghĩa tác dụng của nó vô cùng lớn,
cho đến tận bây giờ cũng còn đáng suy ngẫm, ngưỡng mộ và học tập, đó là:
- Lập đài Vạn Xuân tế thần linh sông núi của dân Việt và đặt tên nước
là Vạn Xuân: Các miền khác của Trung Hoa, nhân lúc chính quyền trung
ương suy yếu, nếu có nổi lên giành quyền tự chủ thì thường là lấy lại
tên cũ theo sử Trung Hoa như là Tần, Hán, Tề... Với việc đánh đổ ách
thống trị của Trung Hoa ở Giao Châu, không dùng các tên cũ mà dùng một
tên mới, Lý Bôn và triều đại của ông đã thể hiện ý chí quyết tâm tách
hẳn cõi Việt ra khỏi Trung Hoa, đoạn tuyệt quá khứ, không thèm luyến lưu
dính líu gì nữa.
- Dựng chùa Trấn Quốc và thờ Bà Triệu: Mặc dù là một người Việt gốc
Hoa, là quan của chế độ quận thú cai trị Giao Châu, nhưng sau khi lập
quốc, Lý Bôn đã không dựng miếu thờ Khổng Tử, Lão Tử hay một vị thánh
thần nào đó của người Hoa.
Ông và các cộng sự của ông chắc hẳn đã hiểu rằng, dân Việt muốn độc
lập không phụ thuộc vào đế chế Trung Hoa thì phải có một nền tảng văn
hóa khác biệt mới có thể không bị nhập nhòa đồng hóa. Thời đó, ngoài văn
hóa truyền thống của người Việt (đã không đủ sức mạnh so với văn hóa
Trung Hoa) thì chỉ có đạo Phật có thể mang đến một sức mạnh văn hóa khả
dĩ đối địch được sức mạnh văn hóa Tàu. Cái hay ở đây là nhà nước Vạn
Xuân ngày đó đã biết gắn sức mạnh văn hóa Phật giáo với tinh thần dân
tộc bằng việc cụ thể là thờ nữ vương Triệu Thị Trinh cùng với Phật trong
chùa Trấn Quốc (nay vẫn còn). Nữ vương Triệu Thị Trinh là người đã lãnh
đạo dân Việt khởi nghĩa chống ách đô hộ Trung Hoa vào cuối thế kỷ 3 -
CN, người đã nói câu nói nổi tiếng "Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh,
đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành
lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho
người" .
- Xây Tô Lịch giang thành: Theo đề nghị của đại tướng Phạm Tu (quê ở
huyện Thanh Trì bây giờ), Lý Bôn đã cho tiến hành xây dựng một tòa thành
ở ven sông Tô Lịch, gọi là Tô Lịch giang thành. Tòa thành này chính là
khởi đầu cho sự phát triển của vùng đất giữa sông Hồng và sông Tô Lịch
dần dần trở thành trung tâm đô hội, hành chính, văn hóa, kinh tế, tâm
linh và về sau đã nổi danh với những cái tên Đại La - Thăng Long - Đông
Đô - Hà Nội. (Công của Phạm Tu như thế mà cho đến nay Hà Nội chưa có con
đường nào mang tên ông thì thật là thiếu sót).
Cũng cần phải nói thêm rằng, mặc dù có ý thức độc lâp tự chủ tách hẳn
khỏi Trung Hoa, không dùng lễ giáo Khổng Mạnh làm nền tảng tư tưởng
chính thống, nhưng, Lý Bôn vẫn dùng trí thức Nho học, bổ nhiệm Tinh
Thiều (một nhà Nho) làm người đứng đầu hàng quan Văn. Việc này thể hiện
rõ quan điểm "văn hóa Trung Hoa thì kiên quyết bỏ nhưng tinh hoa tri
thức Trung Hoa thì vẫn dùng".
- Mở rộng ảnh hưởng, tiến về phương Nam để có hậu phương vững chắc:
Mặc dù đã giành được chính quyền ở trung ương nhưng nửa phía nam của
Giao châu vẫn do quan đô hộ Trung Hoa cai quản. Thứ sử Việt châu là Trần
Hầu, thứ sử La châu là Ninh Cự, thứ sử An châu là Úy Trí, thứ sử Ái
châu là Nguyễn Hán cũng hợp binh đánh Lý Bôn. Nhưng Lý Bôn đã chủ động
ra quân đánh trước, phá tan lực lượng quân Lương ở phía nam, làm chủ
toàn bộ Giao châu. Năm 543 CN, nhân lúc quân Vạn Xuân đang phải đương
đầu với phương Bắc, vua Lâm Ấp đem quân đánh phá vùng Cửu Đức (Hà Tĩnh).
Đại tướng Phạm Tu nhận lệnh cầm quân xuống đánh tan quân Lâm Ấp, ổn
định biên giới phía Nam. Kể từ đây, bờ cõi nước Việt kéo dài đến dãy
Hoành Sơn (Đèo Ngang).
- Chủ động tiến công phá thế mạnh của địch: Cuối năm 542, Lương Vũ Đế
sai thứ sử Giao châu là Tôn Quýnh, thứ sử Tân châu là Lư Tử Hùng sang
đàn áp. Được tin quân Trung Hoa lại tiến sang, Lý Bôn chủ động mang quân
ra bán đảo Hợp Phố đón đánh, quân Lương 10 phần chết đến 6-7 phần, hoàn
toàn tan rã. Chiến thắng này giúp Lý Bôn kiểm soát toàn bộ Giao châu,
tức là miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, cộng thêm quận Hợp Phố (nay
thuộc Quảng Đông, Trung Quốc). Như vậy, tính cho đến nay, trong lịch sử
Việt Nam chỉ có triều Tiền Lý và triều Hậu Lý là dám đem quân đánh
Trung Hoa ngay trên đất Trung Hoa và đều giành được thắng lợi.
II- Điểm lược lịch sử 15 thế kỷ tiếp theo
Thế nước chưa kịp ổn định thì quân xâm lược Trung Hoa lại kéo sang.
Nước Vạn Xuân non trẻ mặc dù chống trả quyết liệt và cũng đã giành được
những thắng lợi nhất định. Nhưng rồi, trước thế giặc mạnh, lại thêm
thiếu may mắn (thời tiết bất ngờ xấu), quân dân Vạn Xuân không chống đỡ
nổi. Pham Tu, Tinh Thiều và nhiều tướng lĩnh khác bị tử trận. Lý Bôn ốm
nặng, trước khi mất, ông giao lại toàn quyền cho tướng trẻ Triệu Quang
Phục. Đây lại thể hiện một điểm sáng nữa trong tư tưởng của vị hoàng đế
đầu tiên của nước Việt - Chọn người tài năng kế vị chứ không truyền cho
người trong họ theo lễ giáo Khổng Nho.
Sự chọn lựa của Lý Nam Đế là hoàn toàn đúng đắn. Triệu Việt Vương đã
lãnh đạo quân dân Vạn Xuân kháng chiến chống quân xâm lược Trung Hoa đi
đến thành công, kéo dài nền độc lập tự chủ thêm được 50 năm nữa. Tri ân
Lý Nam Đế đã nhường ngôi cho mình, Triệu Việt Vương đã không ngần ngại
chia cho con cháu Lý Bôn một nửa nước.
Tiếc thay, con cháu Lý Bôn không được như tiền nhân của họ. Cho rằng,
mình mới là dòng đích, mới thật đáng giữ ngôi vua, nhân khi Triệu Việt
Vương già yếu, Lý Phật Tử đã lập mưu lừa đảo rồi đánh bại Triệu Việt
Vương, giành toàn quyền kiểm soát lãnh thổ. Thế nước bị suy yếu, quân
Tàu nhân đó lại kéo sang đánh. Nước Việt lại thành châu quận của Tàu.
...
Gần 500 năm sau, khi đế chế Trung Hoa bị suy yếu, rối loạn, dân Việt
lại nổi lên giành quyền độc lâp tự chủ. Trải qua những biến động thăng
trầm của các chính quyền Khúc, Dương, Ngô, Đinh, Tiền Lê, đến khi Lý
Công Uẩn lên ngôi tiếp bước theo con đường sáng của Nam đế Lý Bôn thuở
trước chuyển kinh đô ra Đại La và đổi tên là Thăng Long, lấy Phật giáo
làm nền tảng tư tưởng chính thống. Từ ấy, thế nước ổn định và ngày càng
đi lên phát triển rực rỡ huy hoàng.
Các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đều có sự chuyển đổi hoán vị theo lề
thói ai thực giỏi và được quần hùng bái phục thì lên ngôi chứ không câu
nệ truyền ngôi chỉ có theo tộc họ. Các triều đại này cũng vẫn dùng tinh
hoa tri thức Trung Hoa trong đào tạo nhân tài cũng như trong tổ chức
quản lý và bảo vệ quốc gia. Thế nước cũng nhờ đó mà thịnh trị và giữ
được độc lâp tự chủ liên tục suốt gần 500 năm (910 - 1406).
Nhưng rồi, sai lầm lại lặp lại khi từ cuối triều Trần lề thói Trung
Hoa ảnh hưởng lan tràn khắp từ triều nội đến ngoài dân chúng, vua Trần
Nghệ Tông cố dẹp mà không được. Cũng như các triều đại khác, Trần triều
rồi cũng suy bại, đó là lẽ tự nhiên. Tiếc rằng, khác với các lần trước -
lực lượng kế nghiệp hoán vị thường là nghiệp võ (Lê Hoàn, Lý Công Uẩn)
hay võ kết hợp kinh tế (Trần gia), kế nghiệp hoán vị triều Trần lại là
một ông quan văn với tham vọng, mưu mô tranh quyền đoạt vị thì nham hiểm
có thừa nhưng tài kinh bang tế thế, chính trị yên dân và sự dũng cảm
xông pha trận mạc thì vừa yếu lại vừa thiếu. Giặc Trung Hoa nhân khi
Việt suy yếu lại kéo sang, Việt lại thua và bị đô hộ 20 năm, thành quả
kinh tế - văn hóa rực rỡ huy hoàng dựng xây suốt năm thế kỷ bị xóa sạch.
...
Sau khi kháng chiến chống quân Minh (Trung Hoa) giành độc lập tự chủ
thành công (năm 1427 CN). Triều Hậu Lê đã không dùng văn hóa Phật giáo
làm tư tưởng chính thống của quốc gia. Thay vào đó lại dùng Nho giáo làm
tư tưởng chính thống. Lễ nhạc cung đình cũng học tập, bắt chước như hệt
Trung Hoa mặc cho Nguyễn Trãi đã hết mình can ngăn.
Nho giáo đã giúp triều Hậu Lê đạt được những thành công võ bình văn
trị, đặc biệt hoành tráng dưới triều Lê Thánh Tôn. Tuy nhiên, lịch sử
cũng đã chứng minh rõ ràng rằng Nho giáo đã không giúp được Uy Mục đế,
một người cháu nội của Lê Thánh Tông, trở thành minh quân nhân từ, trái
lại ác như quỷ dữ. Nho giáo cũng không giúp được một người cháu nội khác
của Lê Thánh Tông là Tương Dực đế tránh khỏi thói hoang dâm, xa hoa,
lãng phí. Nho giáo cũng không giúp được vợ của Lê Thánh Tông - hoàng
thái hâu Ngọc Huyên thoát khỏi cái chết tức tưởi bởi chính cháu nội mình
(Uy Mục đế giận bà nội không ủng hộ mình làm vua. Sau khi lên ngôi đã
đánh thuốc độc giết bà nội). Nho giáo cũng không giúp được Khổng Nho
tiến sĩ Nguyễn Trãi tránh khỏi tội tru di ba họ, thảm án lớn nhất trong
lịch sử dân tộc Việt Nam tính cho đến thời điểm này.
Suốt mấy trăm năm sau đó, xã hội Việt chịu ảnh hưởng nặng nề văn hóa
Trung Hoa, dùng Nho giáo làm tư tưởng chính thống cũng là quãng thời
gian người Việt luôn chia rẽ, bất hòa. Thế nước không mạnh lên được,
không làm sao thoát được khỏi sự kiềm tỏa của đế chế Trung Hoa.
...
Cuối thế kỷ 19, người Pháp bảo hộ Việt Nam, gạt bỏ sự kiềm tỏa của
Trung Hoa đối với nước Việt, đồng thời, văn hóa Âu-Tây từng bước đả lui
lề thói Nho Tàu. Đặc biệt từ sau năm 1945, với khẩu hiệu "trí phú
đia hào đào tận gốc trốc tận rễ", nền nếp văn hóa ảnh hưởng Nho Tàu
bị văn hóa cộng sản quét sạch. Khoảng thời gian này cũng là khoảng thời
gian tinh thần Việt thăng hoa, ý chí Việt mạnh mẽ, tâm tính Việt dũng
cảm. Người Việt giành được độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Nhưng cái lề thói mà dân Việt đã gắn bó ngàn năm thì không dễ gì bỏ
được, cái tham vọng muôn đời muốn nuốt Việt Nam của đế chế Trung Hoa vì
thời thế tạm ẩn chứ cũng không triệt hẳn đi. Khi có điều kiện là nó lại
trở lại kiềm tỏa người Việt, lấn chiếm lãnh thổ Việt. Từ sau năm 1990,
văn hóa Trung Hoa ngày càng thâm nhập và thống trị xã hội Việt. Cùng với
đó, Việt Nam luôn bị Trung Hoa lấn ép, ức hiếp. Chính trường bị thao
túng; dân chúng bị đánh đập, trấn lột; lãnh thổ bị cướp đoạt, thu hẹp;
tài nguyên bị vơ vét; môi trường bị tàn phá.
Cũng từ khi lề thói Nho giáo sống lại và văn hóa Tàu ảnh hưởng mạnh
mẽ trong xã hội Việt Nam thì cũng là lúc con người Việt Nam ngày càng
yếu hèn, quan chức ngày càng tha hóa đến vô liêm sỉ, giáo dục xuống cấp,
tham nhũng lạm quyền lan tràn và kỷ cương luân lý xã hôi rối loan (con
giết cha, cháu giết bà, mẹ bán con, chị lừa em .v.v...).
Đến bây giờ, Trung Hoa lộ nguyên hình là kẻ thù nguy hiểm nhất của
Việt Nam. Văn hóa Trung Hoa, lề thói Nho Tàu là thứ rất độc hại đối với
người Việt tương tự như lòng lợn ôi, chân gà thối vậy.
III - Vận dụng tư tưởng của Vạn Xuân Nam đế Lý Bôn trong thời đại ngày nay
Điểm lược lịch sử dân tộc suốt 15 thế kỷ như trên cho ta thấy rõ
những vấn đề căn bản mà Lý Bôn và nhà nước Vạn Xuân đã thiết lập vẫn còn
nguyên giá trị cho đến tận bây giờ. Để giữ vững độc lâp dân tộc và toàn
vẹn chủ quyền lãnh thổ, để thoát khỏi ảnh hưởng của đế chế Trung Hoa và
phát triển đi lên, rõ ràng, chúng ta rất nên vận dụng sáng tạo những
nguyên tắc cơ bản mà Lý Bôn đã làm từ gần 1500 năm trước. Cụ thể là:
1/ Kiên quyết tách rời, không lưu luyến vấn vương gì với cái quá khứ
ảnh hưởng Trung Hoa nữa.
2/ Xây dựng một nền văn hóa mới trên cơ sở kết hợp nền nếp văn minh
khoa học kỹ thuật với văn hóa tâm linh tổng hòa giữa văn hóa Việt truyền
thống (thờ tổ tiên, thờ mẫu, thờ các anh hùng dân tộc, người có công
với nước với làng) và văn hóa Phật giáo, văn hóa Ki-tô giáo. Kiên quyết
bỏ lề thói Nho Tàu đồng thời tích cực khai thác tinh hoa tri thức Trung
Hoa, kết hợp cùng tri thức văn minh khoa học kỹ thuật để tạo ra sản phẩm
trí tuệ mới.
3/ Giữ nguyên các cơ quan đầu não của quốc gia ở trong phạm vi giữa
sông Hồng, Hồ Tây và sông Tô Lịch.
4/ Tăng cường liên thủ chặt chẽ với các nước ASEAN.
5/ Việt nam yếu, trong tình hình hiện nay, để có thể giành thế chủ
động phá tan sự o ép của Trung Hoa thì chắc chắn không còn đường nào hay
hơn là liên kết với các nước Âu, Nga, Mỹ, Ấn, Nhật, thật lòng tham gia
vào một liên minh bao vây kiềm chế sức mạnh Trung Hoa đang dần hình
thành do Mỹ khởi xướng và đứng đầu.
Tráng Việt - Vĩnh Phúc tháng 4 năm 2012
Trần Phúc Tâm