Hưng
Yên, cái tên gọi của một nơi mà những người thân của hai bên dòng họ
tôi luôn nhắc đến. Bây giờ chuyện xảy ra ở Văn Giang khiến tôi thắc mắc
không hiểu những ngôi làng mà gia đình tôi vẫn nhắc có gần Văn Giang.
Vào Wiki xem thì tôi thấy không xa, đó là những vùng đồng bằng của sông
Hồng. Những chuyện xảy ra ở Văn Giang rồi có sẽ xảy ra nơi tổ tiên nội
ngoại của các con tôi rồi cũng phải đối mặt. Tôi nhớ tới cái đình làng
và con đường vào làng sạch sẽ tráng xi măng và những người đàn bà hiền
lành vẫn còn quấn khăn ngồi bên đường bán bánh kẹo đầu thế kỷ 21.
Khi tôi lần đầu được về thăm ngôi làng, thấy những
người đàn ông đàn bà tụ họp ở nhà thờ tổ của làng, họ vui vẻ thế nào,
thật sự mà nói tôi không rõ đó có còn là làng hay đã là xã hay huyện.
Chỉ biết nó sát cạnh quốc lộ 1 không xa Hànội. Ba tôi chỉ cho tôi những
ngôi nhà của họ hàng đã từng sống quanh quẩn nhau ra sao. Xem bô phim
Người vác tù hàng tổng khiến tôi nhớ tới làng của tổ tiên. Chung quanh
làng là đồng ruộng ngút ngàn. Rồi nó có trở thành miếng "mồi" ngon của
những người muốn biến đồng ruộng thành thành phố? 10 năm trước khi quay
đi, bỏ lại ngôi làng tôi đã không thể hình dung mảnh đất với những con
người hiền lành chất phác ấy sẽ còn tồn tại mãi giữa sức thay đổi nhanh
chóng của xã hội. Con cháu của tổ tiên rồi cũng đã tha phương khắp nơi,
rồi còn có ai sẽ giữ được những vết tích của dòng họ khi những qui
hoạch "sinh thái" này nọ, khi những dùi cui đập xuống những con người
không có không có lấy một sức mạnh gì để tự bảo vệ, khi luật pháp dường
như chỉ đúng với người có quyền có tiền ở xã hội ấy. Một mai đây các
con cháu tôi sẽ không còn được chiêm ngưỡng cây đa ở đầu làng, để hiểu
cái gì đã giữ tình đồng bào đồng hương từ ngàn năm qua. Xã hội phải
tiến lên, đành rằng con người phải vượt thoát lũy tre làng, nhưng có
những giá trị đã tạo nên gia đình, đồng bào tổ quốc thì không thể một
ngày, một đêm xoá trắng. Ở xã hội tân tiến như Mỹ, thanh niên lớn lên
họ cũng bỏ thành phố làng mạc cha mẹ họ đã sống bao đời để mưu cầu cuộc
sống khác, và cha mẹ họ vẫn ở lại những thành phố nhỏ gìn giữ những giá
trị của đời sống ở thành phố nhỏ để con cái họ cũng có ngày trở lại. Dù
chỉ là thành phố một người chăng nữa. Ở Trung Hoa, đàng sau những toà
nhà cao là những ngôi làng với những bức tường thành cổ hàng trăm năm,
bảo bọc những ngôi làng mà người dân đã sống hàng bao thế kỷ. Những nhà
qui hoạch đầu tư thường xây dựng thành phố mới để người ta từ từ tìm
tới sinh sống hơn là đập phá những nơi người dân đang cư ngụ, người ta
chỉ xây dựng lại khi con người đã bỏ đi. Tại sao nước người họ làm được
mà Việt Nam lại không làm được? Tại sao những kẻ có tiền không đến
những nơi khỉ ho cò gáy lập nên những thành phố "sinh thái" như ngày xưa
chính phủ đẩy dân với hai bàn tay trắng đi vùng gọi là kinh tế mới để
cày sỏi đá xây dựng thành phố, và nay khi có phố có phường thì lại đến
chiếm của dân, lại chỉ mưu toan chiếm dụng đất của tổ tiên người ta làm
đất của mình. Nghĩ mà buồn!
GN
GN