Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Lòng can đảm của Điếu Cày và Natalya Radzina

 New York Times
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch
 
Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo đã nêu tên 12 nước - trong đó có Iraq, Nga, Philippines, Afghanistan, Pakistan và Mexico - trong "danh sách các nước không trừng phạt" hàng năm của ủy ban vì các nước này không trừng phạt các vụ sát hại nhà báo. Các mối đe dọa đối với nhà báo hiện cũng được nhấn mạnh đến trong một sáng kiến mới, đáng mừng của Bộ Ngoại giao. Từ bây giờ cho đến Ngày Tự do Báo chí Thế giới, ngày 3 tháng Năm, trang mạng Nhân Quyền của Bộ Ngoại giao (www.Humanrights.gov) sẽ lần lượt thuật lại những câu chuyện về những người đã bị sát hại, bị bỏ tù hay nói chung bị ngăn cản tường thuật tin tức và thực thi quyền tự do ngôn luận căn bản.

Bài đầu tiên, được đăng vào ngày thứ Tư, liên quan đến Điếu Cày, một blogger người Việt đã bị giam giữ từ năm 2008 cho đến nay về tội ngụy tạo trốn thuế nhà đất. Còn "tội" thật sự của ông: viết về các vấn đề tham nhũng và nhân quyền nhạy cảm ở Việt Nam và chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc. Vào ngày thứ Năm trang mạng này đã đề cập đến Natalya Radzina, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng ở Belarus, người vào năm ngoái đã phải sống lưu vong chính trị ở Lithuania sau khi bà bị chính quyền nước mình đánh đập và giam cầm.
Như thường lệ nhiều chính quyền hà khắc tố cáo rằng những lời kêu gọi tự do ngôn luận và tự do báo chí là một mưu toan nhằm áp đặt các giá trị Phương Tây. Tuy nhiên Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị, được 167 nước phê chuẩn, khẳng định rằng "mọi người có quyền tự do thể hiện; quyền này bao gồm tự do tìm kiếm,tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin và tư tưởng, không phân biệt biên giới."
Chính quyền Obama đang nhấn mạnh đến một lý do khác: lợi ích cho chính quốc gia đó. Những nước nào cho phép tự do thông tin và tranh luận, cho phép vạch trần tham nhũng cùng những vấn đề khó khăn khác, thì những nước ấy thường có chính quyền chính danh hơn, xã hội bền vững hơn và nền kinh tế mạnh hơn.
Không may, đa số những nước độc tài đều thà bóp chết sự thật còn hơn lắng nghe. Ủy ban Bảo vệ Nhà Báo cho biết kể từ năm 1992 đến nay, 639 phóng viên đã bị sát hại vì hành nghề, và, trong 565 trường hợp, những kẻ sát hại nhà báo đều không bị trừng phạt. Theo ủy ban, trên khắp thế giới thực hiện phóng sự về chính trị là nhiệm vụ báo chí nguy hiểm nhất, và các nhà báo địa phương đa số dễ trở thành nạn nhân. Người ta cũng nhận thấy rằng bạo lực chống lại một nhà báo gây ra tác động dây chuyền rất xấu đưa đến sự tự kiểm duyệt khắp nơi. Khi điều đó xảy ra, mọi người trong xã hội đều trả giá đắt.
* * *
Bài viết đầu tiên trang mạng Nhân Quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là bài viết về Điếu Cày:

Blogger Việt Nam Điếu Cày bị giam giữ từ năm 2008

Nguyễn Văn Hải, thường được gọi là Điếu Cày, nghĩa là "điếu nước của nông dân," bị bắt giam từ năm 2008 ở Việt Nam. Điếu Cày là chủ nhân của blog Điếu Cày nổi tiếng và là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà Báo Tự do, được thành lập vào năm 2008 sau khi Điếu Cày kêu gọi cho phép thành lập các công ty truyền thông tư nhân và kêu gọi đẩy mạnh tự do ngôn luận và báo chí độc lập. Ông đã viết về nhiều vấn đề khác nhau liên quan đến nhân quyền và tham nhũng ở Việt Nam, bao gồm những chủ đề nhạy cảm như quyền đất đai và tự do tôn giáo.
Ông đã chỉ trích hồ sơ nhân quyền cùng chính sách ở biển Đông của chính phủ Trung Quốc, và góp phần tổ chức cuộc biểu tình kêu gọi tẩy chay Thế Vận Hội 2008 do Trung Quốc đăng cai. Ông cũng đóng vai trò nổi bật trong cuộc vận động lan rộng trong giới blogger nhằm phản đối chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Vào tháng Tư năm 2008, mấy ngày trước khi ngọn đuốc Thế Vận Hội được rước qua thành phố, Điếu Cày bị bắt giam tại Thành phố Hồ Chí Minh về tội trốn thuế nhà đất. Vào tháng Mười Hai 2008, ông bị kết án trong một phiên tòa xử kín bất chấp chứng cớ công an đã ngăn cản người vợ cũ của ông trả thuế. Theo đúng thời hạn ông sẽ được phóng thích vào tháng Mười năm 2010 sau khi mãn án tù, nhưng ông lại bị giam giữ tiếp ở trại giam để điều tra và về sau cùng với hai blogger khác, Phan Thanh Hải và Tạ Phong Tần, ông bị buộc tội, "tuyên truyền chống lại Cộng Hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" với tội này ông có thể bị kết án tới hai mươi năm tù. Gia đình ông không được thăm ông trong tù.
Vụ bắt giam Điếu Cày trong năm 2008 diễn ra đồng thời với vụ trấn áp hàng loạt dân báo, và sắc lệnh hạn chế tự do Internet, và kiểm duyệt các blog tư nhân. Những hạn chế này vẫn còn tiếp tục đến ngày nay.
Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam trả tự do cho Điếu Cày.
Nguồn: www.HumanRights.gov
Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"