Bùi Công Tự
Nhớ lại 37 năm trước, ngày 30 tháng Tư năm 1975, tôi hòa trong dòng
người Hà Nội trôi bồng bềnh trên các đường phố với một niềm vui sướng
tưởng như bất tận: Sài Gòn giải phóng rồi ! Cả Hà Nội đổ ra đường. Một
hãng thông tấn nước ngoài đưa tin: Hôm nay Hà Nội là thành phố vui nhất
thế giới!
Niềm vui nào rồi cũng qua đi… cho đến bây giờ. Nhân kỷ niệm ngày 30
tháng Tư, chương trình thời sự VTV lại vang lên giai điệu hào hùng của
bài ca “giải phòng Miền Nam” quen thuộc tự thuở nào. Nhưng lòng tôi thì
đã lạnh lùng. Tôi đang là công dân của Sài Gòn. Và tôi thấu hiểu câu nói
của ông Võ Văn Kiệt – người con ưu tú của miền Nam: “Nhiều sự kiện khi
nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Ông
Võ Văn Kiệt được dân Sài Gòn – nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ – yêu
mến, kính trọng nhiều hơn bởi câu nói đầy “chất Người” đó. Còn tôi, tôi
muốn gọi ông là “người Cộng Sản có trái tim”.
Thế hệ những người như tôi sinh ra cùng Cách mạng tháng Tám, cùng nhà
nước Dân chủ Cộng hòa. Cả một thời lịch sử oanh liệt và bi thương đi
qua mái tóc bạc cùng cả một đời mong mỏi. Thời kháng chiến 9 năm thì
mong đến “Ngày Độc lập”, sau hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 thì lại mong đến
“ngày Thống nhất”. Rồi ngày ấy cũng đến, ngày 30 tháng Tư năm 1975 được
coi là ngày thống nhất đất nước.
Báo chí ngày ấy nhắc đi nhắc lại câu: “Non sông đã thu về một mối”.
Nhưng ít người để ý rằng “lòng người còn trăm mối ngổn ngang”. Người
giải phóng trong cơn say chiến thắng cứ đinh ninh nghĩ rằng mình “chiến
đấu và chiến thắng kẻ thù” mà có biết đâu là mình “chiến đấu và chiến
thắng đồng bào của mình”.
Tôi viết đến đây thì bỗng nghe trong một chương trình truyền hình
Trọng Tấn đang hát bài “Đất nước trọn niềm vui”. Tôi muốn hỏi nhạc sĩ
Hoàng Hà – tác giả ca khúc này – phải chăng ông đã viết ra nhạc phẩm ấy
trong một tâm trạng phấn khích ngây thơ? Vì ông ở trong phe chiến thắng
nên ông không nhận ra “có hàng triệu người đang buồn” và thế nên “đất
nước chưa trọn niềm vui”.
Tôi cứ tự hỏi tại sao ngày ấy chúng ta phải giam giữ hàng vạn đồng
bào (sỹ quan binh lính Việt Nam cộng hòa) khi họ đã buông súng đầu hàng?
Những nhà tù được gọi là “trại cải tạo” ấy chẳng những không “cải tạo”
được ai mà còn chuốc thêm thù oán. Tại sao chúng ta lại để cho hàng
triệu đồng bào phải bỏ nước ra đi khiến ngôn ngữ loài người có thêm từ
ngữ “thuyền nhân”? Tại sao chúng ta lại chiếm đoạt các nhà máy, cửa
hàng… của các công dân trong cái gọi là “cải tạo tự bản tư doanh”?
Tại sao?
Lại nghĩ, nếu như lúc ấy trong tư thế người chiến thắng, chúng ta
hành xử với các đồng bào của mình (những người ở phía bên kia) được như
người Tây Đức đối đãi với người Đông Đức sau khi bức tường Berlin sụp đổ
thì tình thế có lẽ đã khác biết bao? Nhưng chúng ta đã không đủ văn hóa
để ứng xử văn minh như người Đức. Thực tế là chúng ta đã hành xử hà
khắc nếu không muốn nói là vô luân. Và vì thế mâu thuẫn trong nội bộ dân
tộc càng thêm căng thẳng.
Tuy thế vấn đề hòa hợp dân tộc cũng đã được đặt ra. Nhà nước Việt Nam
cũng đã có những chính sách ngày càng cởi mở hơn, tạo điều kiện cho
kiều bào đóng góp với quê hương đất nước. Nhưng những gì đã có là chưa
đủ. Đâu đó vẫn còn những quy định, những phát ngôn, những việc làm chưa
thấu suốt tinh thần hòa hợp.
Theo thiển nghĩ của tôi, chỉ trừ những kẻ phản quốc, còn tất cả những
người có huyết thống thuộc 54 dân tộc Việt Nam, dù ở trong nước hay ở
nước ngoài, đều là thành viên của nhân dân Việt Nam, của dân tộc Việt
Nam.
Không thể có chuyện tất cả 90 triệu nhân dân đều có chung một quan
điểm chính trị, đều có chung một cách nhìn nhận. Ngay cả lòng yêu nước
cũng có nhiều cách thể hiện khác nhau. Cho nên để hòa hợp dân tộc thì
phải chấp nhận sự khác biệt, vượt lên trên những khác biệt, kể cả sự
khác biệt về chính kiến, để tất cả mọi công dân đều có cơ hội chung sức
chung lòng xây dựng đất nước Việt Nam.
Sự hòa hợp dân tộc trong một quốc gia còn thể hiện ở chỗ đại bộ phận
nhân dân ủng hộ chính quyền, ủng hộ người lãnh đạo mình.
Muốn đạt được như vậy thì chính quyền phải đáp ứng nguyện vọng của
nhân dân, không có cách hành xử chống lại nhân dân. Những vụ việc không
tốt đẹp xảy ra ở Tiên Lãng, Văn Giang và nhiều nơi khác vừa qua đã làm
cho lương tâm nổi giận, sẽ tiếp tục dẫn đến sự đối đầu trái với tinh
thần hòa hợp dân tộc mà tất cả mọi người dân đều tha thiết.
Hòa hợp dân tộc chỉ có thể có được trong một chính thể cởi mở, có
nhiều tổ chức xã hội quy tụ nhân dân. Chính quyền và nhân dân cùng phấn
đấu cho một mục tiêu chung. Nó đòi hỏi phải có sự minh bạch để nhân dân
tin tưởng là chính quyền trong sạch, tin tưởng sự đóng góp của mình là
để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là để giúp đỡ cộng đồng chứ không phải để
nuôi béo một nhóm người. Do đó hòa hợp dân tộc còn dựa trên tinh thần
phản biện để tìm ra chân lý, tránh mê tín, sùng bái cá nhân hoặc tâm lý
“đám đông”.
Hòa hợp dân tộc là con đường sáng, là nguyện vọng của toàn dân. Hòa
hợp dân tộc chỉ có “được”. Nhưng chỉ những ai không sợ “mất” thì mới
mong muốn thôi. Đúng thế không các bạn?
B.C.T
Xin mời xem thêm chùm ảnh: Đời
thường trong dinh Độc Lập, ngày 30.4.1975, tại Mai Thanh Hải -
Blog.