Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

30 tháng tư và những tượng đài

Đặng Huy Văn là một giảng viên đại học tại Hà Nội, thích làm thơ yêu nước.
Sau ngày 30/4/1975, trên dải đất hình chứ S của chúng ta đã mọc lên rất nhiều tượng đài. Nhưng tôi vẫn trăn trở không hiểu vì sao, lại phải xây dựng những tượng đài hoành tráng tốn kém hàng trăm tỷ đồng, làm thất thoát rất nhiều tiền thuế của dân mà đến thành phố, thị xã nào cũng chỉ gặp quanh đi quẩn lại vài gương mặt thôi. Trái lại, nhiều tượng đài lẽ ra cần phải có thì lại không được xây dựng như tượng đài kỉ niệm Hải Chiến Hoàng Sa 1974, Hải Chiến Trường Sa 1988 hay tượng đài kỉ niệm cuộc Chiến Tranh Biên Giới phía Bắc 1979. Đặc biệt, kỉ niệm ngày thống nhất đất nước mà lại không có một tượng đài nào để tưởng nhớ đến các đời Chúa Nguyễn khi xưa đã có công khai mở thêm một nửa giang sơn và thống nhất non sông Việt Nam được xây dựng sau 30/4/1975. Rồi chưa có tượng đài nào về các bà mẹ liệt sĩ, về các “bà mẹ Âu Cơ cuối thế kỉ 20” của hàng chục vạn thuyền nhân đi tìm tự do phải bỏ mình trên biển, tượng đài các ngư dân đã ngàn đời bám biển và khai mở những vùng biển đảo của Tổ Quốc để ngày nay người ta có cái để mặc cả ăn chia với ngoại bang. Vậy mà đã trải qua 37 năm đất nước thống nhất rồi đó!

30 THÁNG TƯ VÀ NHỮNG TƯỢNG ĐÀI

30 tháng Tư
Và những tượng đài
Từ Bắc chí Nam
Địa phương nào cũng có
Tượng đài Tổ Quốc ghi công
Những anh linh một thuở
Đã để lại máu xương
Khắp biển đảo núi sông
Sắp tới sẽ còn xây
Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng
Đã sinh ra những người con
Trao tuổi xuân cho Tổ Quốc
Từng nhịn đói cả cuộc đời
Nuôi con trong nước mắt
Nay tuổi già cô đơn
Cơm chưa đủ nuôi thân!
Rồi sẽ còn phải xây
Tượng đài của ngư dân
Mấy ngàn năm đã giữ gìn
Và mở mang vùng biển
Từ Hoàng Sa tới Trường Sa
Đến Vịnh Hạ Long thương mến
Vậy mà có kẻ đã phớt lờ dân đem trao dâng
Để nắm giữ ngai vàng mưu phú quí, vinh thân
Sắp tới sẽ còn phải xây
Tượng Đài của những chiến binh dũng cảm
Đã chiến đấu vì Hoàng Sa mà hi sinh cả xác thân
Dù không muốn thì đó cũng là tâm nguyện
Của nhân dân đòi chuộc lại sai lầm
Để Hoàng Sa dấu yêu
Phải về lại Việt Nam!
Rồi sẽ còn phải xây
Tượng đài của anh bộ đội bị giặc Tàu đâm
Đã ngã xuống trong Chiến Tranh Biên Giới
Hi sinh thân mình cho Tổ Quốc sống mãi
Nay không hiểu vì sao có kẻ “cố tình câm”
Khi các anh là con, là cháu của nhân dân?
Rồi sẽ còn phải xây
Tượng đài những bà má vùng biên
Nhiều năm trời đau đáu dõi theo con vượt biển
Những thuyền nhân mười chuyến đi chỉ dăm ba cập bến
Để kiếm tìm tự do và mở rộng giang sơn
Như các con của Mẹ Âu Cơ thời xa xưa ra biển
Cập bến nơi chân trời theo truyền thuyết cha ông
Sao lại không chịu xây
Tượng đài của các Chúa Nguyễn có công?
Từng mở rộng thêm một nửa Giang Sơn bờ cõi
Ôi Triều Đại Nguyễn Gia Long
Thời huy hoàng vĩ đại!
Đã thống nhất Giang Sơn
Liền một dải núi sông
Còn những tượng đài
Của một số cá nhân từng phỉ báng cha ông
Dựng lên bằng máu xương của hàng vạn người bị giết
Rồi lịch sử sẽ sang trang và thời gian minh xét
Người dân sẽ được trưng cầu để lấy ý kiến số đông
Xem các tượng đài kia có nên đứng mãi đó hay không?
30 tháng Tư
Ngày thống nhất non sông
Kể từ nay và cả muôn đời mãi mãi
Xin đừng dựng tượng đài của ai
Bằng máu xương và xác thân đồng loại!
Xin hãy biết thương yêu nhân dân
Vì họ cũng là những phận người!
Ngai vàng của các người dẫu còn kia
Nhưng bị nhân dân phỉ nhổ
Trị vì ai?
Hà Nội, 25/4/2012
Đặng Huy Văn

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"