Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Con hổ tồi tệ

Dustin Roasa/Foreign Policy
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
Tqvn2004 hiệu đính
Tưởng như Việt Nam là một câu chuyện thành công, nhưng với sự tan băng gần đây của Miến Điện, đất nước này hiện là quốc gia đàn áp [người dân] nhất trong khu vực Đông Nam Á.
vietnam.jpg
Gần bốn thập kỷ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, quốc gia vốn là cựu thù của Mỹ này được toàn cầu đánh giá như một câu chuyện về sự thành công. Nó tự hào có một nền kinh tế đang bùng nổ, một lớp trung lưu ngày càng tăng và các ngành công nghiệp du lịch, sản xuất phát triển mạnh. Nhưng khi các cải cách chính trị làm thay đổi bộ mặt của Miến Điện, Việt Nam đang có nguy cơ đi con đường ngược lại: trở thành một quốc gia đàn áp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Tuần này, các kiểm sát viên tại một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh cáo buộc ba blogger người Việt về tội "tiến hành tuyên truyền chống nhà nước", sự kiện mới nhất trong một loạt các vụ bắt giữ được thiết kế nhằm bịt miệng một phong trào đối lập ngày càng gia tăng.
Trong khi Miến Điện tự do hóa, Việt Nam tiếp tục đàn áp bất đồng chính kiến. Kể từ ngày 13 tháng Một, khi chính quyền quân sự Miến Điện thả tự do cho hành hàng trăm tù nhân chính trị trong một đợt ân xá lớn, các lực lượng an ninh Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 15 nhà bất đồng chính kiến chính trị và kết án tù 11 người khác. Với chiến thắng mới nguyên của bà Aung San Suu Kyi tại cuộc bầu cử và sẵn sàng cho một vị trí trong quốc hội, những nhân vật đối lập nổi bật nhất của Việt Nam lại đang mòn mỏi trong tù, bị quản thúc tại gia hoặc trong các trại cải tạo (vâng, những trại cải tạo ấy vẫn còn được sử dụng). Và khi Miến Điện cấp giấy thông hành cho phóng viên nước ngoài, nới lỏng kiểm soát đối với báo chí trong nước, Việt Nam lại tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các nhà báo nước ngoài và trong nước, ngăn chặn Facebook và các trang mạng "nhạy cảm" khác, khiến tổ chức Phóng viên Không Biên giới vừa xếp đất nước này vào hạng chót trong Chỉ số về Tự Do Báo chí của mình trong số các nước Đông Nam Á trong năm 2011-2012. Qua so sánh, Việt Nam chỉ đứng trên Trung Quốc hai bậc, xếp hạng thứ 172 trong số tổng cộng 179 nước.
"Việt Nam đang bắt đầu nhận ra rằng bằng cách tiếp tục đàn áp các quyền công dân, họ càng nhận được những so sánh không thiện cảm với Miến Điện như một kẻ lạm dụng nhân quyền tồi tệ nhất trong khối ASEAN", ông Phil Roberson, Phó giám đốc Châu Á của Human Rights Watch nói.
Đàn áp chính trị chẳng phải mới mẻ gì ở Việt Nam. Kể từ sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, Đảng Cộng sản đã cai trị với một bàn tay sắt. Tuy nhiên, những năm tháng cô lập trong thời Chiến tranh Lạnh và sự thiếu vắng của một phe đối lập có tổ chức ở trong nước - chưa kể đến cảm giác tội lỗi từ sau chiến tranh của phương Tây và sự kéo dài thông cảm về ý thức hệ cho Hà Nội trong các thành phần tả khuynh - khiến đã ít có sự chú ý đến thành tích bi thảm về nhân quyền của đất nước này. Khi chính phủ đã mở cửa nền kinh tế trong những năm 1990, các nhà đầu tư nước ngoài và người nước ngoài bắt đầu đổ vào và kể từ đó sự chú ý của quốc tế đã chủ yếu tập trung vào phép lạ kinh tế của Việt Nam. Đất nước đã đi từ một trong những nước nghèo nhất trên thế giới vào giữa những năm 1980 với thu nhập bình quân đầu người dưới 100 USD, trở thành một Con hổ châu Á với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và thu nhập bình quân đầu người là 1.130 USD vào cuối năm 2010. Đối với thế giới bên ngoài, vốn thường đưa tin về những cải cách kinh tế của chính phủ, đất nước này trông như chắc chắn sẽ đi vào con đường tự do hóa sau thời Chiến tranh Lạnh, một lộ trình từng được nhiều quốc gia trong khối Liên Xô cũ lựa chọn. Hình ảnh của chính phủ Việt Nam đã không bị tổn thương, bởi trong số hàng triệu người nước ngoài được đến tham quan và sinh sống tại Việt Nam, phần lớn không bị trở ngại bởi các hạn chế về ngôn luận và hội họp, một thực tế vốn xảy ra hàng ngày đối với mọi người dân Việt Nam.
Bất chấp mặt ngoài của sự tự do hóa này, giới lãnh đạo trụ cột hiện nay của Đảng Cộng sản vẫn bảo thủ về mặt chính trị như vốn có kể từ khi thống nhất. Dẫn đầu bởi một thiểu số cán bộ bao gồm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang, nhóm quyền lực bên trong này đã đàn áp tàn nhẫn Khối 8406, một phong trào dân chủ trong nước theo kiểu Hiến chương 77 của Tiệp Khắc. Được thành lập vào năm 2006, nhóm đã thu hút hàng ngàn người công khai ủng hộ - và con số ủng hộ lặng lẽ còn nhiều hơn thế - trước khi bị chính phủ chặt đầu, bằng cách ném hàng chục nhà hoạt động trong số này vào tù. Ngoài ra, nhà chức trách còn nhắm vào các nhà lãnh đạo tôn giáo, kể cả tu sĩ Phật giáo và các linh mục Công Giáo, vì đã cổ vũ cho sự khoan dung hơn trong các sinh hoạt tôn giáo, và trong những năm gần đây, họ cũng đã sách nhiễu và bỏ tù những người Việt Nam yêu nước từng kêu gọi đất nước chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro, các nhà hoạt động Việt Nam vẫn tiếp tục lên tiếng về đa nguyên chính trị, tham nhũng và tự do ngôn luận - để rồi phải kết thúc trong nhà tù hoặc trở thành người tị nạn chính trị.
Cuộc tan băng ở Miến Điện có thể đã là món quà lớn nhất của họ. Những thay đổi ở đó đáng lẽ phải thách thức suy nghĩ thiển cận về Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và mang vấn đề nhân quyền trở lên hàng đầu. Không ít nhà lãnh đạo Việt Nam lo ngại điều này xảy ra, theo các nhà quan sát lâu năm của đất nước cho biết. "Giới lãnh đạo theo dõi chặt chẽ những phát triển ở Miến Điện và lo ngại", ông Nguyễn Mạnh Hùng, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Việt Nam tại Đại học George Mason cho biết. "Trong quá khứ, Việt Nam đã sử dụng vai trò của mình trong ASEAN để thúc đẩy Miến Điện thay đổi. Nhưng bây giờ, Miến Điện đang di chuyển nhanh hơn so với Việt Nam." Các lãnh đạo tại Hà Nội đã tính sai: Trước đây, mối quan tâm về nhân quyền ở Miến Điện đã làm nhiều người đặt câu hỏi về tính hợp pháp quốc tế của ASEAN, vì vậy Việt Nam và những nước khác kín đáo yêu cầu chính quyền quân sự ở đó phải điều chỉnh. Tuy nhiên những gì họ không hề chờ đợi, là một cuộc xoay chuyển 180 độ và một kết quả cải cách quyết liệt. Với việc Miến Điện ngày càng xa với bản chất một nhà nước cảnh sát trị, Hà Nội sợ hãi một sự xem xét mà mình không mong muốn. "Nếu Miến Điện cải thiện về nhân quyền và được khen thưởng, Việt Nam sẽ cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn tương tự", ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc cho biết. Các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng sợ mất vai trò trung gian hòa giải quan trọng của ASEAN giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc của mình. "Việt Nam đang lo lắng rằng Miến Điện sẽ trở thành một người tình đáng yêu của khối ASEAN", Thayer nói.
Những lo sợ này mang lại cho những người quan tâm về nhân quyền tại Việt Nam điều vốn thiếu hụt trong những năm gần đây: tác động đòn bẩy. Từ lâu, đảng Cộng sản đã gặt hái được những khuyến khích thường được cung cấp cho những chế độ độc tài cô lập nhằm thúc đẩy họ thay đổi - trở thành Thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới, cải thiện quan hệ ngoại giao, và các thỏa thuận thương mại ưu đãi - mà không đòi hỏi đến những nhượng bộ quan trọng về nhân quyền như nhũng thủ tục cần thiết. Nhưng khi Việt Nam lo lắng về việc bị bỏ lại phía sau ở Đông Nam Á, các chính phỷ Hoa Kỳ và Âu Châu, vốn từng bày tỏ quan tâm về cải cách chính trị tại Việt Nam, nên tận dụng lợi thế và áp dụng các áp lực nhất quán và cứng rắn từng thiếu vắng trong quá khứ.
Khi các nhà lãnh đạo Việt Nam lo ngại nhiều hơn về ý định của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên các hòn đảo giàu tài nguyên tại Biển Đông, họ đã bắt đầu các cuộc thảo luận với chính quyền Obama về hợp tác quân sự. Đây là một cơ hội tự nhiên để tạo áp lực lên Việt Nam về nhân quyền, và cho đến nay các quan chức Mỹ đã tuyên bố những điều đúng đắn. "Có một số hệ thống vũ khí nhất định mà người Việt Nam thích mua hoặc nhận được từ chúng tôi, và chúng tôi cũng muốn chuyển giao các vũ khí này cho họ. Nhưng điều này sẽ không xảy ra trừ khi họ cải thiện thành tích nhân quyền của mình". Thượng nghị sĩ Joe Lieberman đã tuyên bố như thế sau chuyến thăm thăm Hà Nội với Thượng nghị sĩ John McCain trong tháng Giêng. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực từ người dân của mình đứng lên chống lại kẻ thù lịch sử Trung Quốc, và sự hỗ trợ của quân đội Mỹ sẽ giúp hải quân Việt Nam trở thành một đối thủ đáng tin cậy hơn trong vùng Biển Đông.
Nhưng nếu tấm gương Miến Điện có gì đáng học, thì đó chính là sự quan tâm quốc tế của các nhóm hoạt động tranh đấu, các nhà báo và các nhóm nhân quyền là điều cực kỳ quan trọng để bắt các chính phủ phương Tây giám sát những hứa hẹn về quyền con người. Miến Điện sẽ không nhận được phần thưởng quá sớm nếu không đi kèm cải cách và nếu lời náo động quốc tế không quá lớn như thế. Ngoài ra, bà Aung San Suu Kyi đã từng tuyên bố nhiều lần - cũng như có vô số những người bất đồng chính kiến khác trên thế giới - rằng sự hỗ trợ từ công luận quốc tế đã đem lại cho cuộc đấu tranh của họ quyền lực đạo đức.
Khó khăn của phong trào dân chủ Việt Nam là ở chỗ nó đã không chiếm được sự quan tâm của quốc tế như Miến Điện, Tây Tạng và Trung Quốc - mặc dù các nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam ủng hộ các quan điểm tương tự và đã hy sinh cá nhân mình một cách ngang bằng. "Chúng tôi không có được một nhà lãnh đạo nào từng giành được giải Nobel Hòa bình như Đức Đạt Lai Lạt Ma và bà Aung San Suu Kyi. Đây là những tiếng nói có ảnh hưởng quốc tế", ông Nguyễn Quân, một bác sĩ người Mỹ gốc Việt có em trai, Nguyễn Đan Quế, một nhà hoạt động nổi tiếng từng trải qua hơn 30 năm bị tù giam và quản thúc tại gia cho biết. Nguyễn Quân đại diện cho phong trào này ở nước ngoài trong các cuộc họp với các chính phủ nước ngoài, một nhiệm vụ thường nặng nề và kiên nhẫn. "Chúng tôi phải làm việc rất cực khổ để được mọi người chú ý. Mọi người vẫn không muốn nói về Việt Nam bởi vì cuộc chiến tranh. Nhưng càng nói, chúng tôi càng phơi bày sự lạm dụng của chính phủ Việt Nam", ông nói. Hai nghị sĩ Hoa Kỳ đã đề cử Nguyễn Đan Quế cho giải Nobel Hòa bình năm nay.
Miến Điện cũng đã cho thấy rằng việc dự đoán chế độ sẽ thay đổi khi nào và ra sao là một trò chơi ngu ngốc. Nhưng nếu như lịch sử hiện đại từng có bất kỳ hướng dẫn nào, thì nhân dân Việt Nam đã từng cho thấy rằng họ hoàn toàn có khả năng đứng dậy trước sự đàn áp. Chính phủ hiện nay đã được nhắc nhở về điều này trong các sự kiện chưa từng có đã xảy ra trong tháng Giêng. Tại thành phố ngoài ven biển phía Bắc của Hải Phòng, một nông dân nuôi cá đã dẫn đầu một cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại chính quyền địa phương đến tịch thu đất của mình sau khi hợp đồng thuê của ông mãn hạn (tu nhân không được phép sở hữu đất đai ở Việt Nam). Ông trở thành một vị anh hùng dân tộc, và trong một đợt xoay chuyển ấn tượng, chính quyền trung ương và báo chí do nhà nước kiểm soát, ban đầu thì chỉ trích người nông dân, sau đó đã chuyển sang bảo vệ ông. Năm tới, các hợp dồng thuê đất tương tự sẽ mãn hạn như đã định trong cả nước, có khả năng ảnh hưởng đến hàng ngàn dân làng nghèo khó. "Đây là một quả bom hẹn giờ", ông Thayer cho biết.
Cho đến nay, Đảng Cộng sản đã rất lão luyện trong việc điều khiển các quả bom hẹn giờ ấy - và dàn dựng nên câu chuyện kể đương đại của Việt Nam thành một trong những thành công về kinh tế và ổn định chính trị. Nhưng với sự thay đổi và xoay chuyển của Miến Điện, và cuộc đàn áp diễn ra đồng thời của Đảng Cộng sản Việt Nam lên những người chỉ trích, đã đến lúc để vấn đề nhân quyền phải trở thành vấn đề trung tâm trong các giao dịch của phương Tây với Việt Nam. Phong trào ủng hộ dân chủ của quốc gia này - tả tơi nhưng kiên cường qua nhiều năm tháng bị khủng bố - tuyên bố rằng họ đã sẵn sàng để kể câu chuyện của mình ra trước với thế giới. Nguyễn Quân, người tiếp xúc thường xuyên với người em bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế, nhắc lại một cuộc trò chuyện mà gần đây hai người từng trao đồi với nhau, "Anh ấy nói với tôi rằng bây giờ mọi thứ đã khác, người dân không còn sợ hãi như 10 năm trước đây nữa. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi đang tham dự" ông nói. "Họ càng bắt người chừng nào, phong trào càng lớn mạnh hơn".
Nguồn: Foreign Policy

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"