Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012

Chị Nga

Nguyệt Quỳnh

Mẹ con chị Trần Thị Nga
Một ngày
Khi con nếm trên môi,
Con sẽ thấy máu mình vị mặn.
Bởi trong máu luôn có phần nước mắt…
(Những huyết cầu tổ quốc – Đinh Vũ Hoàng Nguyên)
Có ai đó bảo rằng máu và nước mắt cùng tượng trưng cho nỗi đau. Máu là nỗi đau của thể xác, còn nước mắt là nỗi đau tinh thần. Nói như vậy, ngày nay đại đa số dân nghèo Việt Nam đang sống cùng những nỗi đau đó. Bài thơ Những Huyết Cầu Tổ Quốc Đinh Vũ Hoàng Nguyên viết cho con, anh mang trọn vẹn nỗi đau của thế hệ anh gởi vào những tứ thơ ấy. Bé Phú con chị Nga, bé Khang con nhạc sĩ Việt Khang, con trai anh… lớp tuổi thơ sau này lớn lên sẽ thấu hiểu những điều Đinh Vũ Hoàng Nguyên muốn nói. Nỗi đau của anh, của bao người dân bình thường trước cái chết của những ngư dân lương thiện ở Vịnh Bắc bộ. Máu đồng bào anh đang đổ, nỗi thống khổ thấm vào tim Đinh Vũ Hoàng Nguyên. Chưa bao giờ dân mình lại cô đơn đến thế! anh cảm được nỗi đau thương, vô vọng của thân nhân họ khi chỉ bốn ngày sau biến cố, khăn tang của họ chưa ráo lệ thì ông Phan Văn Khải đã phát biểu trong một hội nghị rằng: “quan hệ Việt Nam Trung Hoa rất tốt đẹp”!? Và rồi từ ấy đến nay, ngư dân Việt Nam tiếp tục bị rượt đuổi ngay trên lãnh hải của mình. Họ bị cướp bóc, bị hành hạ, bị bắt giữ và đòi tiền chuộc… Nỗi đau của Đinh Vũ Hoàng Nguyên tràn lên những câu thơ: Máu lại tuôn… xô dập, mảnh ván tàu…
Một người Nhật, giáo sư Teruo Tonooka kể rằng khi còn là một đứa trẻ ông đã được dạy: Tổ quốc là trên hết, khi tổ quốc bị nguy hại thì gia đình và cá nhân phải chịu chung số phận. Trước khi Nhật đầu hàng Mỹ, cha cậu bé Teruo Tonooka đã chuẩn bị chu đáo cho cái chết của gia đình. Tự sát cả gia đình vì quốc gia thất trận là một điều người khác không tưởng tượng được; Ông bảo. Nhưng đối với gia đình người Nhật và nhất là đối với gia đình ông, đó là điều phải làm. Bé Phú, bé Khang, con trai Đinh Vũ Hoàng Nguyên học được gì từ quốc gia của các em? Bài học đầu tiên về trách nhiệm đối với tổ quốc, cha mẹ các em đã phải chọn trả giá để dạy cho con trai của mình.
image001_26.jpg
Bé Phú sợ hãi nép vào góc nhà, cháu tưởng chúng tôi đồng bọn với những người khủng bố mẹ con cháu hàng ngày. (Ảnh blog Nguyễn Tường Thuỵ)
Trước khi về nước, trước khi dắt con tham gia các buổi biểu tình chống Trung Quốc, chị Nga là một công nhân xuất khẩu tại Đài Loan. Tuy đi theo chủ trương xuất khẩu lao động của nhà nước, chị và những công nhân lao động không hề được bảo vệ, thậm chí họ còn bị bỏ rơi khi gặp tai nạn. Điều nghịch lý là Đảng và Nhà Nước Việt Nam còn tiếp tay bao che cho các công ty môi giới, để mặc cho các công ty này lừa đảo, bóc lột tiền lương và sức lao động của công nhân. Khi chị Nga gặp nạn, chị cầu cứu với văn phòng đại diện Việt Nam ở Đài Loan nhưng chị không nhận được bất cứ sự giúp đỡ gì từ họ. Ngay cả khi cảnh sát và Bộ lao động Đài Loan đã trực tiếp liên hệ, gửi công văn yêu cầu họ cùng đứng ra giúp đỡ giải quyết vấn nạn của chị theo những điều khoản mà hai nước đã ký kết với nhau. Thế nhưng, tuyệt nhiên chính phủ VN không hề có động thái gì?!
Với đôi chân gần như bại liệt, bằng tất cả ý chí và nghị lực, người phụ nữ ấy đã đứng dậy. Khi được hỏi rằng lúc mới bị tai nạn chị có nghĩ là mình có thể đi lại được như bây giờ hay không chị đã trả lời: “Em không thể không đi được, và bây giờ em nghĩ mình có thể bay…”. Và chị đã bay với đôi chân thương tật ấy. Chị đến tận sào huyệt của bọn môi giới để giải thoát người công nhân lao động. Chị giúp những gia đình không may có người thân bên Đài Loan bị tai nạn, tử vong. Khi về nước, chị đã tư vấn giúp đỡ nhiều người làm thủ tục sang Đài Loan, giúp họ đòi quyền lợi của mình để khỏi bị công ty môi giới ăn chận. Chị còn cảnh báo về những vấn nạn mà người công nhân xuất khẩu lao động đã gánh chịu… Nói chung những gì nhà nước Việt Nam không làm cho dân, người phụ nữ lạ lùng này đã âm thầm làm một mình. Và chị gọi đó là cách chị dùng để trả ơn tất cả những ân nhân người Việt, người Đài Loan đã giúp đỡ chị khi chị gặp nạn.
Bạn có tin vào thiên thần không? Có bao giờ bạn thấy thiên thần hiện ra trong phút giây bạn gặp nạn, lúc bạn tuyệt vọng, khi bạn cô đơn nhất? Tuy nhiên, câu chuyện sau đây đã chứng minh người bình thường cũng có thể làm công việc của một thiên thần. Một người đàn ông có ý định tự tử, khi quyết định làm điều đó ông bất chợt nhìn thấy trên tấm kiếng xe của ông, ai đó đã để tấm hình khuôn mặt cười với giòng chữ: Chúa lúc nào cũng yêu thương bạn. Tấm hình và giòng chữ đã cứu sống ông. Người phụ nữ vô tình đặt tấm hình trên xe ông, sau này đã thú nhận rằng bà cũng không biết tại sao mình làm điều ấy. Bà cho rằng có lẽ có một thiên thần nào đó đã xui khiến bà. Ở Trường hợp chị Nga, tôi không nghĩ có một thiên thần nào đã xui khiến chị. Bằng đôi chân còn khập khiễng, chị đã lần mò trong đêm tìm đến với người đồng hương gặp nạn. Những công nhân VN ở Đài Loan, những người đã từng bị chủ đánh đập ức hiếp sẽ hiểu được tại sao chị làm điều này.
Đêm ấy khi chuẩn bị đi ngủ, chị Nga nhận được điện thoại của người thanh niên lao động. Anh bị bọn Môi giới nhốt trong phòng kín đã ba ngày. Điện thoại của anh đã bị lấy mất. May mắn, trong hành lý của anh còn có một điện thoại khác, người bạn gửi anh cất hộ và anh đã dùng nó để gọi cầu cứu với cục lao động. Hai ngày đã trôi qua mà vẫn chưa thấy ai tới giải cứu anh. Vì người thanh niên không biết địa chỉ nơi anh bị giam giữ, chị Nga phải lần mò theo sự mô tả của anh mà tìm đến. Anh bị nhốt trong một căn phòng có tấm biển Cách Ly, bên trong kín mít và hôi thối, cửa bên ngoài bị khoá trái. Chị Nga đã phải giả dạng cô gái lẳng lơ để tiếp cận và hỏi thăm người bảo vệ. Người này cho chị biết phía trong đang nhốt một thanh niên người Việt, thanh niên này không được phép đi ra ngoài. Môi giới giao cho người bảo vệ việc canh giữ cửa, chuyện sống chết của người thanh niên đó không can hệ gì đến trách nhiệm của anh ta. Thấy sự việc nghiêm trọng, chị Nga đã gọi điện thoại báo cho cảnh sát. Nhưng khi họ đến nơi, vì ngôn ngữ của chị giới hạn, cảnh sát đã nghe theo lời Môi giới. Họ bắt cả chị lẫn người thanh niên về đồn cảnh sát. Sau này, cảnh sát Đài Loan mới hiểu ra rằng chị là người đến giúp giải cứu anh thanh niên kia. Họ đã làm thủ tục điều tra và đưa hồ sơ lên toà án. Một vài tháng sau, vụ án của anh thanh niên đã được xét sử và anh là người thắng kiện.
Có lẽ ít người biết đến chị cho đến khi Trên trang blog của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện ngày 24 tháng ba có bài viết với nhan đề: “Chúng tôi đi Phủ Lý giải cứu mẹ con chị Trần Thị Nga”. Đến lúc này người ta mới biết rằng người phụ nữ vẫn dắt đứa con nhỏ góp mặt trong các buổi biểu tình chống Trung Quốc đó tên Trần Thị Nga. Hoá ra cuộc đời vẫn vô cùng ý nghĩa khi đi bên cạnh bạn hàng ngày là những người phụ nữ như chị.
Để đánh ngã người phụ nữ ấy, công an liên tục sách nhiễu hai mẹ con chị. Có khi về đến nhà, chị thấy ổ khoá nhà chị đã bị đổ keo dính cứng, trong khi bé Phú đang ở trong nhà một mình. Khi đi ra đường, chị bị côn đồ ép xe doạ giết. Có hôm chúng lại khoá cửa và buộc dây thép phía bên ngoài để nhốt mẹ con chị trong nhà. Hôm 24/3 vừa qua, một ngưòi hàng xóm đã gọi điện thoại báo cho chị biết rằng lối thoát hiểm phía sau nhà chị đã bị công an rào kín. Chúng còn ngang ngược đến mức độ đứng canh cho đám côn đồ đánh và cướp máy ảnh của chị giữa ban ngày.
Khi nhà nước phải mượn tay côn đồ để trấp áp người dân, chế độ đó đang suy yếu. Nói như Nguyễn Thị Từ Huy: “Ở nơi nào có sự tấn công trong bóng tối, tấn công dấu mặt, nơi đó kẻ mạnh biến mất”.
Chúng ta tin vào sự chiến thắng của cái thiện. Chính vì niềm tin đó, giữa đêm khuya một mình đơn độc, chị Nga đã làm hết sức mình để cứu một người chị chưa từng quen biết. Người phụ nữ đáng quí ấy đang cần được bảo vệ, tôi tin mẹ con chị sẽ an lành trong bàn tay che chở của đồng bào chị. Cứ nhìn hình ảnh hàng tá công an mặc sắc phục đứng lẫn với đám côn đồ trước nhà chị, tôi biết kẻ cầm quyền đang run sợ. Và tôi còn biết rằng ngoài kia có rất nhiều những Trần Thị Nga khác đang âm thầm góp mặt.
Nguyệt Quỳnh

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"