Đinh Quang Anh Thái thực hiện
Dương Thu Hương nổi tiếng không những về những tác phẩm như
Thiên Ðường Mù, Bên Kia Bờ Ảo Vọng, Khải Hồn Mơn, Chốn Vắng… mà còn do
thái độ can đảm và thẳng thắn phê bình giới lãnh đạo cộng sản Hà Nội. Bà
từng bị chế độ giam giữ gần một năm và bị công an đe dọa “nghiền nát
như tương.” Hiện nay, Dương Thu Hương tỵ nạn tại thủ đô Paris của nước
Pháp. Dù xa quê nhà, bà vẫn luôn thao thức về tình hình tại Việt Nam.
Tháng Tư năm 2000, nhà văn Dương Thu Hương đã trả lời cuộc phỏng vấn sau
đây do Đinh Quang Anh Thái (ĐQAT) thực hiện và phát thanh trên làn sóng
của đài Little Saigon Radio ở California.
Nhà văn Dương Thu Hương tại ngôi nhà của bà ở Paris (Hình: Đinh Quát)
Đinh Quang Anh Thái: Năm 1968, khi bà quyết định đi
vào Nam chiến đấu – như trong sách của bà nói là bà tham dự cùng các bạn
cùng lứa tuổi “xẻ Trường Sơn đánh Mỹ” –, tâm tư của bà lúc đó như thế
nào?
Dương Thu Hương: Tâm tư của tôi lúc đó hoàn toàn là
của một người Việt cổ. Tôi liều thân cứu nước vì tôi quan niệm đây là
một cuộc chiến tranh chống quân xâm lược; và chống quân xâm lược thì
người tử tế phải xông ra chiến trường chứ không thể để mặc cho người
khác hy sinh; và không thể mưu cầu một cuộc sống yên ấm khi người khác
lâm nguy.
Đinh Quang Anh Thái: Không phải là theo tiếng gọi của đảng cộng sản Việt Nam?
Dương Thu Hương: (cười khẩy) Ðó là cái điều lầm lẫn
lớn nhất của các nhà báo nước ngoài cũng như tại Việt Nam (cười). Tại vì
những người ấy có chịu lắng nghe đâu. Các ông ấy toàn nghĩ theo kiểu
các ông ấy thôi. Cứ hàm hồ chụp lên đầu người khác suy nghĩ của mình.
Đinh Quang Anh Thái: Bà có thể nói rõ hơn?
Dương Thu Hương: Tôi chả coi đảng cộng sản Việt Nam
là cái gì cả. Ðối với một gia đình như gia đình tôi, bố tôi từng là đại
đội trưởng Ðội Bá Vụ, phụ trách vấn đề liên lạc vô tuyến và làm trực
tiếp dưới quyền ông Võ Nguyên Giáp, nhưng bố tôi không bao giờ vào đảng
vì bà của tôi là địa chủ. Bố tôi chịu nhiều bất công, vì ông cống hiến
rất nhiều mà chả được gì cả. Khi tôi lớn lên thì tôi không được thi vào
đại học bởi vì lý lịch của bố tôi và gia đình tôi không thuộc thành phần
cốt cán. Tôi vào trường Lý Luận Nghiệp Vụ vì lúc đó họ tuyển năng khiếu
diễn kịch, hát múa; và tôi vào được vì do cơ may tôi có một người họ
hàng làm thầy giáo của trường. Tôi còn nhớ lúc xẩy ra chiến dịch Cải
Cách Ruộng Đất, ngay trước cửa nhà tôi là một người bị chết treo và lúc 8
tuổi, tôi đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu
tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi, ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là
địa chủ nên tự tự bằng cách đặt cổ vào đường ray cho xe lửa cán chết.
Thật khủng khiếp. Khi 8 tuổi, buổi sáng khi đi tưới rau, tôi thấy cảnh
những người chết như thế và điều đó làm cho tôi vô cùng khủng khiếp. Cho
nên tôi nhắc lại, năm 68 tôi vào tiền tuyến là vì tôi tuân thủ truyền
thống cứu nước của dân tộc Việt Nam chứ không vì đảng cộng sản.
Đinh Quang Anh Thái: Theo chỗ tôi biết, bà lập gia đình trong giai đoạn chiến tranh và hai con của bà sinh ra ngay tại tiền tuyến; có đúng không ạ?
Dương Thu Hương: Vâng, đúng như vậy.
Đinh Quang Anh Thái: Bà có thể cho biết hoàn cảnh sống của các con của bà tại tiền tuyến khi cuộc chiến bắt đầu vào thời điểm khốc liệt năm 1968?
Dương Thu Hương: Chúng tôi sống như những người nông
dân và tất cả mọi người đều chịu sự tàn phá của bom đạn chiến tranh.
Thức ăn thức uống vô cùng khan hiếm, thậm chí rau cũng không có. Gạo ở
bên kia sông, chỉ vì mấy cân gạo có thể mất mạng, vì bom Mỹ ném liên
tục. Một điều nữa, ngay trong chiến tranh, năm – bẩy trăm người chết
nhưng không bao giờ tin tức được loan báo. Vì tất cả đều chấp nhận cái
chết đương nhiên. Và không thể loan tin vì suy nghĩ lúc bấy giờ ta là
dân tộc anh hùng chiến thắng tất cả mọi kẻ thù nên không thể cho biết sự
tổn thất. Hai con tôi sinh ra trong hoàn cảnh như vậy. Khi chúng nằm ở
trong hầm, dưới mặt ván vài gang là nước và rắn bò lóp ngóp. Ðứa con gái
của tôi khi vừa được ba tháng, rắn ngủ ở dưới đít của nó. Vì rắn tìm
chỗ ấm mà! May mà sáng ra rắn tuồn xuống nước chứ không cắn con bé. Mà
đấy là rắn độc. Cho nên mấy ông dân chài sống chung quanh bảo rằng con
tôi được thần độ mạng. Tôi tin con người có số thật. Bởi vì sống dưới
bom đạn, đói khát, rắn rết như vậy mà hai đứa con tôi, dù không được
tươi da thắm thịt như con cái những người sống trong hoàn cảnh bình
thường, nhưng chúng cũng không đến nỗi bị què quặt.
Đinh Quang Anh Thái: Khi lớn lên, các con của bà có bị ám ảnh bởi hồi ức lúc sống trong chiến tranh bom đạn không ạ?
Dương Thu Hương: Trong chiến tranh chúng nó còn rất
nhỏ cho nên khi lớn lên ấn tượng về cuộc chiến cũng mờ nhạt. Nhưng khi
chúng lớn lên thì chúng chịu một cuộc chiến tranh khác còn tàn khốc hơn
cuộc chiến thời 1968: Mẹ chúng nó làm giặc. Cho nên chúng nó bị nhiều
thiệt thòi lắm.
Đinh Quang Anh Thái: Thưa bà, các cháu bị thiệt thòi ra sao ạ?
Dương Thu Hương: Tôi đã nói rất rõ với các con tôi,
rằng con đường làm giặc là phải chịu tất cả mọi khổ đau; cho nên tất cả
mọi người trong gia đình, nghĩa là bố tôi, mẹ tôi, anh em tôi và con
cái, nếu ai muốn thì tôi sẵn sàng viết giấy với tòa án là không có quan
hệ với tôi nữa để tránh cho họ khỏi bị di lụy. Còn nếu những người muốn
tiếp tục đứng với tôi thì phải chấp nhận khổ đau, thua thiệt và không
bao giờ được nói với tôi một lời can thiệp vào việc tôi làm. Bởi vì tôi
biết chắc chắn cộng sản sẽ dùng những người thân thuộc để gây sức ép.
Nhiều trường hợp đã xẩy ra đối với những người đấu tranh dân chủ tại
Việt Nam. Vợ con, anh em của họ bị công an áp lực phải khuyên can họ
không được đấu tranh nên một số người đành bỏ cuộc. Bản thân tôi đã
lường trước điều đó nên tôi tuyên bố sòng phẳng rằng, cả tuổi xuân của
tôi, tôi đã hy sinh để nuôi con rồi, nên bây giờ tôi an tâm lao vào cuộc
chiến chống lại bọn cường quyền. Tôi bảo các con tôi có thể về sống với
bố của chúng hay với một người mẹ khác. Còn nếu chọn sống với tôi thì
phải chấp nhận khổ đau, vì chắc chắn chúng sẽ không có chỗ đứng trong
chế độ này. Hai con tôi đứa nào cũng hai bằng đại học nhưng vẫn không có
việc làm. Con trai lớn của tôi phải sống bằng tất cả mọi việc, từ bồi
bàn cho đến gác cổng. . .và bây giờ đi quay phim thuê cho một hãng tư.
Cháu gái thì bán sơn.
Đinh Quang Anh Thái: Các cháu có chia sẻ lý tưởng của mẹ không?
Dương Thu Hương: Không! Ðối với chúng nó, tôi là một
người điên. Nhưng dầu sao chăng nữa thì cũng là tình mẹ con, nhất là
tôi đã giao hẹn là nếu chấp nhận tôi thì không được can ngăn việc tôi
làm, nếu can thiệp thì tôi sẽ cắt đứt ngay tức khắc, thành ra chúng nó
đành chấp nhận thôi.
Đinh Quang Anh Thái: Từ một người dấn thân “xẻ Trường Sơn đánh Mỹ”, bây giờ bà trở thành một người “làm giặc” ngay tại Hà Nội; tại sao vậy, thưa bà?
Dương Thu Hương: Tôi là người yêu nước khi tôi tham
gia cuộc chiến tranh và đến tận bây giờ tôi vẫn là người yêu nước. Vì
thế tôi mới làm giặc. Hai hành động đó (vào tiền tuyến năm 68 và bây giờ
làm giặc) thống nhất với nhau.
Đinh Quang Anh Thái: Tư tưởng “làm giặc” của bà nhen nhúm từ lúc nào?
Dương Thu Hương: Từ năm 1969. Lúc đó, nếu tôi còn
chút ảo tưởng nào về chủ nghĩa cộng sản thì tôi đã trở thành đảng viên
rồi. Họ mở rộng cánh cửa mời tôi vào đảng cơ mà. Nhưng vì tôi được dậy
dỗ trong một gia đình lấy đạo đức làm tiêu chuẩn cho nên tôi không thể
xếp tôi đứng vào hàng ngũ với những người mà tôi khinh bỉ. Ðơn giản như
vậy thôi.
Đinh Quang Anh Thái: Bà từng viết rằng, ngày 30
tháng Tư năm 1975, khi các phụ nữ khác trong đoàn quân của bà trầm trộ
trước sự trù phú vật chất của miền Nam thì bà ngồi khóc trên lề đường
Sài Gòn. Bà có thể nhắc lại tâm trạng của bà lúc đó?
Dương Thu Hương: (thở dài) Ðiên rồ thì tôi có nhiều thứ điên rồ. Khóc thì tôi có hai lần khóc.
Lần thứ nhất khi đội quân chiến thắng vào Sài Gòn năm 1975, trong khi
tất cả mọi người trong đội quân chúng tôi đều hớn hở cười thì tôi lại
khóc. Vì tôi thấy tuổi xuân của tôi đã hy sinh một cách uổng phí. Tôi
không choáng ngợp vì nhà cao cửa rộng của miền Nam, mà vì tác phẩm của
tất cả các nhà văn miền Nam đều được xuất bản trong một chế độ tự do;
tất cả các tác giả mà tôi chưa bao giờ biết đều có tác phẩm bầy trong
các hiệu sách, ngay trên vỉa hè; và đầy rẫy các phương tiện thông tin
như TV, radio, cassette. Những phương tiện đó đối với người miền Bắc là
những giất mơ. Ở miền Bắc, tất cả mọi báo đài, sách vở đều do nhà nước
quản lý. Dân chúng chỉ được nghe đài Hà Nội mà thôi; và chỉ có những cán
bộ được tin tưởng lắm mới được nghe đài Sơn Mao, tức là đài phát thanh
Trung Quốc. Còn toàn bộ dân chúng chỉ được nghe loa phóng thanh tập thể;
có nghĩa là chỉ được nghe một tiếng nói. Vào Nam tôi mới hiểu rằng, chế
độ ngoài Bắc là chế độ man rợ vì nó chọc mù mắt con người, bịt lỗ tai
con người. Trong khi đó ở miền Nam người ta có thể nghe bất cứ thứ đài
nào, Pháp, Anh, Mỹ... nếu người ta muốn. Ðó mới là chế độ của nền văn
minh. Và thật chua chát khi nền văn minh đã thua chế độ man rợ. Ðó là sự
hàm hồ và lầm lẫn của lịch sử. Ðó là bài học đắt giá và nhầm lẫn lớn
nhất mà dân tộc Việt Nam phạm phải.
Lần thứ hai tôi khóc là năm 1984 khi tôi đến Mascơva. Tất cả những
người Việt Nam khác đến đấy đều hớn hở, sung sướng. Riêng tôi thì nhục
nhã không thể tả được. Vì khi ở trong nước, tôi vẫn có ấn tượng dân tộc
mình là dân tộc anh hùng và là một dân tộc cũng có được một cuộc sống
xứng đáng. Nhưng khi đến Mascơva trong một phái đoàn điện ảnh trẻ thì
tôi mới nhìn thấy ra rằng, người Việt Nam bị khinh bỉ. Người Việt Nam
đầu đen chỉ xếp hàng trong các đội quân dài dặc các bà già Nga bụng to
để mua nồi áp xuất, bàn là điện nhằm gởi về nước. Những người bán hàng
họ mắng cho như là mắng khỉ ấy. Họ mắng cũng đúng vì người mình khuân
hàng đống nồi, hàng đống sản phẩm của người ta để tuồn về nước. Khi đứng
ở khách sạn Peking nhìn xuống đường, tôi thấy những đoàn đại biểu Việt
Nam trong những bộ quần áo complet gớm giếc trông như những đàn bò đi
trong thành phố. Tôi hoàn toàn vỡ mộng và tôi khóc. Một nhà văn Nga mắng
tôi. Anh ta bảo rằng, “người ta đi Nga người ta sung sướng, còn bà thì
tại sao bà lại khóc như cha chết vậy. Sao lại vớ vẩn thế”. Anh ta không
biết nỗi đau đớn của tôi khi thấy thân phận của người Việt Nam.
Đinh Quang Anh Thái: Từ đó bà lao vào cuộc đấu tranh?
Dương Thu Hương: Ngày 30 tháng Tư năm 1975 đã là một
ngả rẽ trong đời tôi. Ðúng ra, ngã rẽ này đã bắt đầu từ năm 1969 khi
lần đầu tiên tôi gặp những toán tù binh người miền Nam ở Quảng Bình. Lúc
đó tôi làm công tác ở các binh trạm và những tù binh lần đầu tiên tôi
gặp không phải là người Mỹ mà chính là người Việt Nam, cũng đầu đen mắt
đen, cũng lùn và da vàng mũi tẹt như tôi, và nói tiếng Việt Nam như tôi.
Cho nên tôi mới hồ nghi rằng tất cả những điều người ta nói đây là cuộc
chiến tranh chống quân xâm lược thì đó là láo toét. Tuy nhiên vì lúc đó
là chiến tranh và tất cả đều lao vào một guồng máy và bị cỗ xe khổng lồ
nó cuốn đi. Cho đến năm 75, với thời gian (giọng ngậm ngùi, xúc
động),tất cả mọi ngờ vực trong tôi đã chín muồi. Năm 75, tôi hiểu rằng
đây là thời điểm quyết định và là ngã rẽ dứt khoát trong tư tưởng của
mình.
Đinh Quang Anh Thái: Cám ơn bà đã dành thì giờ trả lời phỏng vấn của chúng tôi.