Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Nguyên nhân tội ác

Nguyên nhân tội ác với linh mục, giáo dân và các trẻ em tại Chương Mỹ, Hà Nội: Sự phân biệt tôn giáo trắng trợn
Mấy ngày nay, tin về việc linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình bị đánh tàn khốc đã lan nhanh trong TGP Hà Nội và cả nước. Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao, nguyên nhân nào linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình bị đánh? Trả lời câu hỏi này không khó, chẳng cần điều tra thì ai ai cũng biết những kẻ côn đồ xông vào phá ngôi nhà dành cho trẻ mồ côi, không nơi nương tựa kia là ai và ai là người tổ chức động thủ hành hung linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình - Chánh xứ Yên Kiện
Câu hỏi khó trả lời hơn, lại là tại sao trong một cái gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ngay ở Thủ đô, những hành động này diễn đi, diễn lại cứ đều đều đối với người công giáo – một bộ phận của dân tộc – lại được áp dụng liên tục như vậy mấy năm nay và quy mô ngày càng trắng trợn, khốc liệt hơn?
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình và ngôi nhà tình thương dành cho trẻ mồ côi

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình, trước đây là Phó quản lý của Tòa TGM Hà Nội, rồi được bổ nhiệm về làm Phó xứ Thịnh Liệt, sau một thời gian, Tòa TGMHN bổ nhiệm ngài làm Chánh xứ Yên Kiện, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây.
Tại đây, ngoài việc mục vụ chăm sóc các linh hồn, linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình đã hỗ trợ khá nhiều Giáo họ, giáo xứ trong và ngoài khu vực. Đặc biệt, ngài đã thực hiện một số công việc giúp những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Để làm được những việc như vậy trong điều kiện khó khăn về kinh tế, linh mục Giuse Nguyễn Văn Bình đã thành lập một dự án sản xuất nước tinh khiết nhằm giúp bà con nơi đây có nước sạch để dùng, đảm bảo sức khỏe, tạo công ăn việc làm cho một số người và có kinh phí để giúp đỡ những trường hợp khó khăn trong cuộc sống, trong đó có các trẻ em bất hạnh.
Thế rồi, từ đó tôi cũng khống có thời gian gặp ngài, chỉ thỉnh thoảng vài câu chúc mừng qua điện thoại nhân dịp các ngày lễ, ngày tết.
Bổng nhiên, ngày 4/3/2012, tôi nhận được điện thoại của ngài, ngài cho biết: Ngài có mua một mảnh đất, trên đó có căn nhà cấp 4 đã hỏng, nay sửa sang lại và đưa các cháu có hoàn cảnh khó khăn đến tạm ở và coi sóc chỗ đó. Nhưng xe chở các cháu đến từ trưa đến giờ vẫn đang bị chính quyền giữ không cho các cháu xuống khỏi xe.
Chúng tôi rủ nhau vào Gò Cáo, nơi đang xảy ra sự việc. Ở đó, căn nhà đã được sửa sang lại trên cơ sở ngôi nhà cấp 4 cũ, giếng nước và dấu tích còn đó. Diện tích căn nhà không lớn, chỉ mấy mét mặt đường. Xung quanh là những ngôi nhà đã xây dựng từ lâu, những ngôi nhà hai tầng, tường rào, cổng ốp đầy đủ bề thế đứng sừng sững. Nhưng điều lạ là trước hiên nhà, trong và xung quanh ngôi nhà mới sửa chữa, hàng đoàn người đứng rình rập ngăn cản.
Tiếp xúc những người đang đứng đó, chúng tôi được giới thiệu gồm có Chủ tịch UB Mặt trận Tổ quốc Xã, Công an Xã, các đoàn thể như Phụ nữ, thanh niên, dân quân… đều thuộc xã Thủy Xuân Tiên đang bao vây khu vực. Khi chúng tôi hỏi lý do việc bao vây không cho các cháu xuống khỏi xe, trong khi trời mưa gió cả ngày? Họ cho biết là được lệnh của chính quyền ngăn cản vì đây là nhà trái phép. Chúng tôi nói với họ: “Một việc làm tốt đẹp cho những công việc xã hội, lẽ ra chính Mặt trận Tổ Quốc, Hội phụ nữ, Thanh niên là những nơi phải đứng ra lo việc này. Nhưng một linh mục đã làm thay việc đó thì lại ngăn cản?” Họ cho biết chỉ làm theo mệnh lệnh. Chúng tôi nói rằng: “Mặt Trận TQ, Công an, các hội đoàn không có trách nhiệm trong việc đến đây gây sự vì ngôi nhà trái phép hay phải phép. Việc đó là của chính quyền”. Thế rồi họ ra về và các cháu ở tạm vào đó đến nay.
Ngôi nhà cấp 4 được mua và sửa lại cho các cháu ở tạm
Công an, cán bộ, thanh niên, phụ nữ bao vây ngăn chặn các cháu vào nhà
Các cháu nhỏ ngồi trên xe giữa trời mưa cả ngày
Sau khi đấu tranh, cuối cùng, thì các cháu cũng vào được nhà
Linh mục Bình cho biết: Mảnh đất này ngài ủy quyền cho một giáo dân mua lại, nguyên là của một sĩ quan quân đội được giao với thời hạn 50 năm, trên đó có ngôi nhà cấp 4 đã hư hỏng, nay sửa chữa lại dùng tạm nhằm cho mục đích từ thiện của mình.
Thế rồi tưởng rằng mọi việc cũng qua đi, tôi không có thời gian chú ý đến nữa.
Ngày 20/3/2012 khi có việc đi qua Chương Mỹ, linh mục Bình có nói với tôi là Phó Chủ tịch Huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông mời ngài đi ăn cơm trưa nhưng ngài không muốn đi một mình và muốn tôi lái xe đưa ngài đi cùng. Tôi đồng ý.
Chúng tôi đến một quán ăn sang trọng bề thế, ông Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông đến hỏi han chủ nhà hàng như với người thân thiết. Chủ nhà hàng mừng rỡ như gặp khách ruột và dẫn chúng tôi vào một phòng riêng. Ở đó, ngoài Phó Chủ tịch Huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông còn có một người lái xe, cha Bình và tôi.
Phó chủ tịch Huyện Chương Mỹ: Lấy ngân sách xã mua lại để đập, nếu không được thì sẽ không bàn nữa
Bữa cơm hôm đó, ông Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông giới thiệu mình là Tổ trưởng tổ 427 của Huyện lập ra để xử lý vụ này và hôm nay ông có toàn quyền giải quyết vụ việc. Nếu hôm nay mà không giải quyết được, thì sẽ thôi không bàn nữa.
Vũ Văn Đông, Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ, tổ trưởng Tổ công tác 427 về vấn đề của linh mục Bình
Mở đầu, ông nói rằng đây là khu đất của Quốc Phòng, nên việc giao đất là sai, có trách nhiệm là của huyện trong vụ này. Mặt khác đây là đất trồng cây lâu năm, không được xây dựng nhà…
Cách giải quyết được ông nêu ra, là UBND Xã sẽ đứng ra mua lại khu đất này cộng với số tiền mà linh mục Bình đã bỏ ra mua đất và xây dựng, còn nếu Chú Bình (cách gọi của ông PCT huyện) giữ nguyên quan điểm là tôi không cần bồi hoàn, đất của tôi mua thì tôi cứ dùng thì không bàn nữa(!). Nếu chú Bình đồng ý, ngay chiều nay sẽ xuất ngân sách xã để mua lại. Điều đặc biệt là ông nói sau khi bán cho xã, chúng tôi sẽ hỗ trợ thêm tiền thuê người đập ngôi nhà đó(?). Rồi ông lại cho biết là sẽ làm dự án nhà trẻ ở vị trí đất này.
Đợi ông nói xong, tôi hỏi lại: Theo anh, đất này của Bộ Quốc Phòng, tại sao huyện, xã lại giao đất 50 năm cho dân? Đất 50 năm không được làm nhà, vậy những ngôi nhà xung quanh xây kiên cố 1, thậm chí cả 2 tầng hàng rào kiên cố thì đó có phải là đất trồng cây lâu năm không? Lý do gì mà việc sửa chữa một ngôi nhà hư hỏng thì các anh làm khó khăn buộc phải bán lại để đập, còn những nhà khác thì vẫn bình an? Tại sao anh bảo đây là đất của Bộ Quốc phòng mà anh lại đập cái nhà này đi để làm nhà trẻ?
Với những câu hỏi đó, ông Phó Chủ tịch Huyện Chương Mỹ Vũ Văn Đông chỉ trả lời “Không bàn đúng sai, nhưng phải đập”. Ông cũng tỏ ra rất “tử tế” đối với linh mục Nguyễn Văn Bình là “Chúng tôi đã trao đổi vấn đề này với linh mục Xuyên, Linh mục Xuyên đề nghị để linh mục Bình không thiệt hại về kinh tế”(?).
Nhưng chỉ một câu hỏi: “Vậy đề nghị anh là Tổ trưởng giải quyết vấn đề này, có đầy đủ dữ kiện trong tay, anh cho biết việc mua đất, sửa nhà của linh mục Bình ở đây có chỗ nào sai?” thì ông Đông không thể trả lời. Ông Đông giơ ra một nắm các quyết định, báo cáo trong tay, tôi đề nghị ông cho xem một bản nhưng ông không đồng ý, (những văn bản liên quan đến vụ việc này, cho đến khi bị đập nhà và bị đánh linh mục Bình không hề được giao, được tiếp xúc). Trong văn bản ông Đông giơ ra trên bàn ăn, có một tờ ghi “Việc xây dựng công trình tôn giáo ở đây là trái phép”. Tôi nói: “Văn bản ghi rằng đây là công trình tôn giáo là không đúng sự thật, hiện tại, đó chỉ là việc sửa lại ngôi nhà cấp 4 đã hỏng, đơn giản thế thôi”.
Tuy nhiên, dù ông Đông có nói từ đầu là chiều nay ông được toàn quyền quyết định việc xuất tiền ngân sách xã trả nếu linh mục Bình đồng ý bán lại. Nhưng ông cũng cho biết rằng ông là cán bộ, phải chấp hành mệnh lệnh cấp trên, và rằng nếu linh mục Bình không đồng ý, thì ông sẽ chấp nhận không hoàn thành nhiệm vụ và chấp nhận kỷ luật vì ông cũng chỉ còn vài năm nữa là về hưu.
Trước việc cố tình ép linh mục Bình phải từ bỏ ý định giúp đỡ trẻ em bất hạnh tại khu vực ngôi nhà cấp 4 đang sửa chữa mà không đưa ra được bất cứ lý do nào về việc sai trái pháp luật trong vụ việc. Tôi nói với ông Đông: “Theo tôi dù có là mệnh lệnh, dù có chỉ là người thi hành đi nữa, thì là con người, chúng ta có trí não và có trái tim. Cho nên chúng ta cũng phân biệt được đúng, sai chứ không phải chỉ là cái đũa cứ bảo gắp là gắp hoặc chỉ là khẩu súng cứ bảo bắn là bắn. Còn ở đây, vấn đề chính là ở chỗ Đây là một sự phân biệt tôn giáo một cách trắng trợn, nếu ông Bình đây không phải là linh mục, không phải là công giáo, thì cả trăm ngôi nhà đã xây dựng ở đó hoàn toàn thoải mái, kể cả xây dựng 2, 3 tầng”.
Những ngôi nhà xung quanh ngôi nhà cấp 4 cho các cháu mà theo ông Phó Chủ tịch huyện Chương Mỹ là: Đất Quốc phòng, đất trồng cây lâu năm nhưng vẫn yên vị

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"