Mạnh Kim
BÀI 5: ĐẢNG VÀ KINH TẾ THỊ TRƯỜNG
Từ chính sách “Mèo đen, mèo trắng” đến thuyết “Tam cá đại biểu” (Đảng
cộng sản Trung Quốc đại diện cho lực lượng sản xuất, đại diện nền văn
hóa và đại diện lợi ích nhân dân), Trung Quốc đã kinh qua một chặng dài,
với sự phủ nhận rồi nhìn nhận rồi lại tái đánh giá vai trò đóng góp của
khối doanh nghiệp tư nhân…
“Xọa tử” lão gia
Ở Trung Quốc gần như chẳng ai không biết lão bán
rong lừng danh Niên Quảng Cửu. Năm 1963, lão Niên lần đầu tiên nếm mùi
ngục thất bởi tội “đầu cơ bất hợp pháp” bằng cách tích trữ trái cây để
bán tại quê nhà Vu Hồ (An Huy). Thời Cách mạng Văn hóa, “con người hủ
bại với đầu óc bị dòi bọ tư sản đầu độc” Niên Quảng Cửu lại ôm quần áo
vào tù. Rồi nhiều năm sau, đầu thập niên 1980, họ Niên lại trở vào ngục.
Tuy nhiên, Niên Quảng Cửu nổi tiếng không phải vì chuyện vào tù ra
khám. Cuối thập niên 1970, Niên mở một cửa hàng nhỏ chuyên bán hạt dưa
và hạt hướng dương sấy. Xuất thân từ gia đình với ông bố thất học mà dân
làng gọi là “Xọa tử” (tên Ngốc), Niên cũng thất học và cũng bị gọi là
“thằng Ngốc con”. Khi nghề bán hạt dưa phát triển, Niên đã lấy chính cái
tên “Xọa tử” (Shazi) để đặt cho những gói hàng của mình. Trên sản phẩm,
bên cạnh “thương hiệu” “Xọa tử” là hình chủ nhân mồm ngoác rộng cười
cùng hàng chữ: “Hạt Ngốc, sự chọn lựa của người thông minh”. Ấy thế mà
những gói “Xọa tử” nổi tiếng khắp hang cùng ngõ hẻm. Chỉ trong vài năm,
Niên Quảng Cửu đã có thể thuê 100 nhân công. Thời đó, việc làm giàu của
“Xọa tử lão gia” bị xem là một hiện tượng bất thường. Vấn đề rõ ràng là
thuộc phạm trù chính trị và ý thức hệ! Chẳng biết xử lý thế nào cho
phải, đảng bộ tỉnh An Huy gửi “hồ sơ Niên Quảng Cửu” về Bắc Kinh. Cuối
cùng, năm 1984, “vụ án Xọa tử” được đặt lên bàn Đặng Tiểu Bình, ở thời
điểm mà lãnh tụ Đặng đang triển khai chính sách “khai phóng”. Nhờ đó,
Niên được “tha”.
Năm năm sau, sau vụ đại chính biến Thiên An Môn 1989, vấn đề tư nhân
hóa kinh tế bắt đầu được xét lại. Trần Vân – một khai quốc công thần
thuộc nhóm “Bát đại nguyên lão” (bố của Trần Nguyên, đương kim thống đốc
Ngân hàng phát triển Trung Quốc) – tuyên bố rằng các biến thể của mô
hình kinh tế kế hoạch đã gây ra “những vết thương đạo đức” đối với hệ
thống Đảng, trở nên thật sự nghiêm trọng đối với tính sống còn của chế
độ... Trần Vân chính là người thiết kế mô hình “điểu lung kinh tế” (vào
đầu thập niên 1980) – “nền kinh tế lồng chim”, với ý nghĩa cái lồng là
bản kế hoạch, có thể nhỏ hay lớn; và con chim-kinh tế chỉ được tự do bay
nhảy trong giới hạn đó. Giang Trạch Dân, vừa chân ướt chân ráo lên ghế
tổng bí thư, với sự thận trọng cao độ, cũng nhận định rằng doanh nghiệp
tư nhân trong đó “những kẻ buôn bán tự do chỉ là những người lừa phỉnh,
biển thủ, hối lộ và trốn thuế”. Cơn gió lạnh bắt đầu xào xạt thổi về An
Huy. Tháng 9-1989, “Xọa tử lão gia” bị bắt. Trước đó, Niên Quảng Cửu đã
làm cho “chúng ghét” khi rải khoảng một triệu tệ bị ẩm mốc ra phơi ở bãi
trống gần nhà máy mình. Niên bị xử ba năm tù; được tha chỉ sau hai năm,
một lần nữa, nhờ sự can thiệp của Đặng Tiểu Bình…
Bây giờ Niên Quảng Cửu vẫn sống bằng những gói hạt dưa, và câu chuyện
“Xọa tử” đến nay vẫn được nhắc, bởi nó đã không được niêm chặt trong
chiếc hòm quá khứ mà tiếp tục hiển hiện ở thời hiện tại, như thể chưa
bao giờ có một dấu chấm câu để xuống hàng viết một chương hoàn toàn mới.
Lịch sử dường như cứ nấn ná chưa sang trang. Việc thừa nhận vai trò tư
nhân và đóng góp của họ như thế nào đối với kinh tế quốc gia vẫn là chủ
đề được tranh cãi gay gắt, bất luận rằng, từ tháng 7-2001, (Chủ tịch)
Giang Trạch Dân đã quyết định cho phép doanh nhân được vào Đảng (được
công bố chính thức trong kỳ họp Quốc hội năm sau). Cần biết, sau khi
Giang Chủ tịch loan bố rằng Đảng từ nay sẽ mở rộng cửa cho doanh nhân,
nhiều ý kiến phản đối gay gắt đã nổ ra. Trương Đức Giang, lúc đó là bí
thư tỉnh ủy Chiết Giang (đương kim Phó Thủ tướng; vừa được bổ nhiệm ghế
bí thư Trùng Khánh giữa tháng 3-2012, thay Bạc Hy Lai), khẳng định như
đinh đóng cột: nhất định không thể để cho doanh nhân vào Đảng (dù rằng,
trong kỳ Đại hội đảng ngay sau đó, năm 2002, ông Trương đã được ca ngợi
là một trong hai người duy nhất trúng vào Bộ chính trị khóa này là người
có bằng kinh tế - lấy từ Đại học Kim Nhật Thành, Bình Nhưỡng)…
“Minying” và “Siying”
Sau ba thập niên cải tổ kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc vẫn được thể
hiện với nhiều mô thức công ty mà không ít trong số đó luôn tự giấu mình
dưới lớp mặt nạ, khi chỉ muốn được miêu tả là khối “dân doanh”
(minying) thay vì chính xác hơn là “tư doanh” (siying). Ranh giới phân
biệt dứt khoát đâu là khối tư nhân và đâu là quốc doanh nhiều khi không
rõ ràng. Họ có thể là doanh nghiệp nhà nước 100%; nhưng cũng có loại
doanh nghiệp hợp tác tư nhân; rồi doanh nghiệp liên kết tư nhân-nhà
nước… Tính “đa dạng” trong mô hình công ty tại Trung Quốc còn thể hiện ở
chỗ, trong nhiều trường hợp, nhiều “tư doanh” đã xoay sở để được dán
“nhãn” nhà nước. Bởi, chỉ khi “dính” đến nhà nước, họ mới được dễ dàng
vay vốn hoặc được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà máy hay đơn giản hơn là
xin lắp cái đồng hồ điện ba pha. Tất nhiên hệ thống ngân hàng Trung
Quốc (thuộc nhà nước quản lý) không “phân biệt giai cấp”; nhưng họ, một
cách bất thành văn, như là theo quán tính, chỉ ưu đãi cho vay đối với
các doanh nghiệp nằm trực tiếp dưới sự quản lý của Đảng.
Nói cách khác, cái bóng một thời của những Niên Quảng Cửu vẫn còn lửng lơ ám ảnh. Trong nhiều năm từ khi tung ra chuyên san Trung Quốc phú hào bảng (China Rich List) vào năm 1999 cùng danh sách xếp hạng thường niên trên Hurun.net (Hồ Nhuận bách phú),
(người sáng lập) Rupert Hoogewerf luôn bị giới chủ doanh nghiệp lảng
tránh. Ít ai, trừ những kẻ giàu xổi học làm sang, muốn được thiên hạ
biết mình giàu cỡ nào. Có lần, Nhậm Chính Phi – chủ tịch tập đoàn viễn
thông khổng lồ Huawei (Hoa Vi) – đã gửi loạt thư đe dọa yêu cầu tên ông
được rút khỏi Trung Quốc phú hào bảng. Tương tự, trùm bất động
sản Mâu Thọ Lương, chủ tập đoàn Thâm Quyến Phú Nguyên thực nghiệp, cũng
“năn nỉ gần chết” để được “loại” khỏi bảng xếp hạng 2002 (trong danh
sách 400 người giàu nhất mà Hồ Nhuận bách phú công bố tháng 9-2011, họ
Mâu được xếp hạng 272 với tài sản 655 triệu USD; họ Nhậm hạng 162 với
935 triệu USD). Với những kẻ am hiểu luật chơi, họ phải khôn khéo biết
sử dụng cái “mũ đỏ”, tức mời nhà nước tham gia cổ phần, như trường hợp
của Vương Thạch, ông chủ của China Vanke (Vạn Khoa - tập đoàn bất động
sản lớn nhất Trung Quốc). Một kiểu “hiểu luật” nữa là gia nhập Đảng. 1/5
doanh nhân trong danh sách Hồ Nhuận bách phú bây giờ đều là đảng viên…
Năm 2008, Đảng mời một nhóm 35 doanh nhân đến Trường đảng trung ương –
một cử chỉ thể hiện quan điểm mới của Đảng về khối “dân doanh”. Những
tòa nhà của Trường đảng trung ương gần Di Hòa Viên được trang bị hiện
đại. Phòng lưu trú dành cho nhóm khách quí được lắp tivi màn hình phẳng
Lenovo; với Internet không dây; rồi hồ bơi; sân tennis… Các bữa ăn của
họ dưới căngtin được phục vụ miễn phí trong khi hầu hết học viên khác
phải trả 5 tệ/suất. Họ được cấp kem đánh răng Colgate thay vì sản phẩm
nội địa trứ danh “Hắc Muội nha cao”. Tất nhiên đó phải là nhóm doanh
nhân ưu tú hàng đầu Trung Quốc, trong đó có nhiều nhân vật tên tuổi
chẳng hạn Du Mẫn Hồng thuộc New Oriental (Tân Phương Đông giáo dục khoa
kỹ tập đoàn; được niêm yết tại thị trường chứng khoán Nasdaq-New York)…
Khóa cao cấp lý luận chính trị bắt đầu từ việc khảo lược vài luận
thuyết căn bản “nhập môn” như “Tư tưởng Mao Trạch Đông” và “Lý thuyết
Đặng Tiểu Bình”; rồi tiếp đó là những buổi diễn thuyết dài về các vụ
xung đột chính trị khu vực, đàm phán mậu dịch đa phương, cùng nhiều chủ
đề thời sự thế giới nóng sốt... Giảng viên đều là những đồng chí quyền
lực nhất hệ thống chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc. Điểm nhấn quan
trọng đặc biệt đáng chú ý của khóa học là buổi giảng của Hiệu trưởng Tập
Cận Bình. Trước buổi giảng, bản sao bài nói chuyện của ông Tập được
phát cho tất cả viên chức-học viên trong giảng đường, trừ nhóm doanh
nhân. Họ thậm chí không được ghi chú. Sự được phép “hạnh ngộ” để nghe
một nhân vật to cỡ như ông Tập nói chuyện đã là một vinh dự quá lớn đối
với nhóm doanh nhân! Họ chỉ được ngồi im và lắng nghe. Đó là một thái độ
tuân phục mà Đảng muốn, Đảng yêu cầu, Đảng đòi hỏi - đặc biệt đối với
kinh tế tư nhân, một trong những lĩnh vực luôn muốn vùng vẫy thoát khỏi
sự kiểm soát của Đảng. Nhóm doanh nhân đã được đối xử tử tế. Cho nên họ
phải “hiểu” vấn đề; phải tự ý thức và luôn nâng cao nhận thức rằng họ
đang sống trong một cái lồng. Khôn hồn biết điều thì “tao” để cho làm
ăn! “Bọn mày” cứ ngoan là được tất! Bố láo thì đừng trách “tao” thủ hạ
chẳng lưu tình!
Mạnh Kim