Thomas L. Friedman
Tqvn2004 chuyển ngữ
Tqvn2004 chuyển ngữ
Tôi đang đọc một cuốn sách mới rất cuốn hút với cái tên "Tại
sao có quốc gia thất bại". Càng đọc, bạn càng càng thấy mục đích mà
chúng ta theo đuổi ở Afghanistan thật dở hơi, và chúng ta cần phải tân
trang lại toàn bộ chiến lược viện trợ nước ngoài của Hoa Kỳ như thế nào.
Nhưng điều hấp dẫn nhất là những báo hiệu mang tính cảnh báo của các
tác giả về Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Thomas L. Friedman
Đồng sáng tác bởi Daron Acemoglu, nhà kinh tế học tại đại học M.I.T,
và James A. Robinson, nhà khoa học chính trị tại đại học Havard, cuốn
"Tại sao có quốc gia thất bại" lập luận rằng yếu tố tạo ra sự khác biệt
giữa các quốc gia chính là "thể chế". Quốc gia phất lên khi họ xây dựng
được những thể chế kinh tế và chính trị "bao hàm", và quốc gia thất bại
khi các thể chế trở thành "tước đoạt" và tập trung quyền lực cũng như cơ
hội vào tay một nhóm nhỏ.
"Thể chế kinh tế bao hàm mà đảm bảo quyền tư hữu, tạo ra một sân chơi
bình đẳng, và khuyến khích đầu tư vào các công nghệ và kỹ thuật mới, sẽ
có lợi cho phát triển kinh tế hơn nhiều so với thể chế kinh tế tước
đoạt mà được xây dựng để tước đoạt nguồn lực của mọi người trong xã hội
và đặt chúng vào tay một thiểu số", họ viết như thế.
"Thể chế kinh tế bao hàm, đến lượt nó được hỗ trợ, và hỗ trợ cho thể
chế chính trị bao hàm", một thể chế mà "phân tán quyền lực chính trị
rộng rãi theo một cách đa nguyên và có thể đạt một lượng tập trung chính
trị nhất định để thiết lập luật pháp và trật tự, nền móng cho quyền sở
hữu tư nhân, và một nền kinh tế bao hàm". Ngược lại, thể chế chính trị
tước đoạt dồn quyền lực vào tay một nhóm người để hỗ trợ cho việc duy
trì thể chế kinh tế tước đoạt.
Acemoglu giải thích trong một cuộc phỏng vấn rằng điểm mấu chốt trong
lập luận của họ là các quốc gia sẽ phát triển khi họ xây dựng được các
thể chế kinh tế và chính trị cho phép "giải phóng", tạo động lực và bảo
vệ tiềm năng của mỗi công dân trong việc sáng tạo, đầu tư và phát triển.
So sánh các nước Đông Âu đã vươn lên như thế nào sau sự sụp đổ của chủ
nghĩa xã hội với [sự đì đẹt của] các nước hậu Sô Viết như Georgia hay
Uzbekistan, hay Isarael so với các quốc gia Ả-rập, hay Kurdistan so với
phần còn lại của Iraq. Tất cả đều nằm ở thể chế.
Bài học lịch sử, các tác giả tranh luận, là bạn không thể tạo ra một
nền kinh tế tốt nếu bạn không có một nền chính trị tốt, và đó là lý do
tại sao các tác giả không tin rằng Trung Quốc đã tìm thấy một phương
thuốc nhiệm mầu cho phép vừa kiểm soát chính trị, lại vừa đạt tăng
trưởng kinh tế.
"Phân tích của chúng tôi", Acemoglu nói, "cho thấy Trung Quốc đang
chứng kiến sự phát triển dưới thể chế tước đoạt - dưới sự kiểm soát độc
đoán của Đảng CSTQ, vốn đang độc chiếm quyền lực và huy động tài nguyên ở
quy mô lớn dẫn tới bùng nổ tăng trưởng kinh tế xuất phát từ một nền
tảng rất thấp", nhưng sự phát triển này không bền vững bởi nó không củng
cố mức độ "phá hủy sáng tạo" [1] cực kỳ cần thiết cho sáng tạo và thu
nhập cao hơn.
"Phát triển kinh tế bền vững cần sự sáng tạo", các tác giả viết, "và
sáng tạo không thể tách rời khỏi sự phá hủy sáng tạo, trong đó cái cũ
được thay bởi cái mới trong lĩnh vực kinh tế và tránh cho quyền lực được
củng cố [vào tay của cùng một nhóm người] trong lĩnh vực chính trị".
"Trừ khi Trung Quốc chuyển mình sang một nền kinh tế dựa trên phá hủy
sáng tạo, sự tăng trưởng của nó sẽ không kéo dài", Acemoglu tranh luận.
Tác giả đặt câu hỏi: Liệu bạn có thể tưởng tượng được nổi hình ảnh một
sinh viên 20 tuổi bỏ đại học ở Trung Quốc lại có thể xây dựng được một
công ty có thể thách thức toàn bộ hệ thống doanh nghiệp quốc doanh Trung
Quốc, được tài trợ bởi ngân hàng nhà nước?
Quan điểm hậu 11/9 rằng nỗi phiền não của thế giới Ả-rập và
Afghanistan là sự thiếu vắng một nền dân chủ là không sai, Acemoglu nói.
Nhưng cái sai là cho rằng chúng ta có thể dễ dàng xuất khẩu dân chủ
sang các quốc gia này. Những thay đổi dân chủ hóa, để có thể bền vững,
phải xuất phát từ những cuộc vận động của nhân dân [ở chính quốc gia
đó], "nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta sẽ chẳng thể làm được
gì", ông bổ sung.
Ví dụ, chúng ta cần phải chuyển dịch khỏi việc tài trợ quân sự cho
các chính quyền như Ai Cập và tập trung vào việc khuyến khích nhiều lĩnh
vực trong xã hội đó để họ có tiếng nói trong chính trị. Ngay bây giờ
đây, tôi cho rằng, viện trợ nước ngoài của chúng ta [Hoa Kỳ] tới Ai Cập,
Pakistan hay Afghanistan giống như trả tiền chuộc để đám lãnh đạo ở đây
không làm điều xấu. Chúng ta cần phải biến nó thành miếng mồi.
Acemoglu đề nghị rằng thay vì cho chính quyền Cairo 1.3 tỷ usd khác
qua đường viện trợ quân sự, vốn chỉ củng cố thêm quyền lực của nhóm độc
tài, chúng ta cần phải đòi Ai Cập thành lập một hội đồng đại diện cho
tất cả các lĩnh vực trong xã hội, và hội đồng này sẽ nói cho chúng ta
biết thể chế nào (nhà trường, bệnh viện) họ muốn được chúng ta viện trợ,
và chúng ta sẽ tiến hành phát triển những kế hoạch thích đáng.
Nếu chúng ta phải đưa tiền cho họ, "hãy sử dụng đồng tiền đó để bắt
chính quyền mở rộng quyền tham gia của xã hội và làm cho tầng lớp nhân
dân lớn mạnh", Acemoglu nói.
Chúng ta chỉ có thể làm một nhân tố cổ vũ. Nơi nào bạn có những phong
trào nhân dân mong muốn xây dựng các thể chế bao hàm, chúng ta có thể
giúp thúc đẩy chúng. Nhưng chúng ta không thể tạo hay thay thế [các thể
chế] giúp họ. Tồi tệ hơn, ở Afghanistan và nhiều quốc gia Ả-rập khác,
chính sách của chúng ta thường là hạn chế các phong trào nhân dân vươn
lên, bằng cách [chúng ta] đứng về phía tầng lớp lãnh đạo. Và thế là
không có gì để nhân lên. Nếu bạn nhân một con số 0 với 100, bạn vẫn chỉ
có con số 0.
Còn nước Mỹ? Acemoglu lo ngại rằng sự phát triển nhanh chóng về bất
bình đẳng kinh tế ở nước Mỹ cũng đang xóa mòn tính bao hàm của các thể
chế Hoa Kỳ.
_______________________
[1] Creative destruction: http://en.wikipedia.org/wiki/Creative_destruction