Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Nếu Quốc hội cũng thù địch với minh bạch?

Võ Thị Hảo

Phóng viên ngồi bệt chầu... chân ghế Quốc Hội
Hình ảnh những phóng viên phải ngồi bệt dưới đất ngửa cổ “chầu” lên chân ghế các vị đại biểu quốc hội(ĐBQH) đang họp đã khiến nhiều người phẫn nộ.
ĐBQH ngự trên những chiếc ghế da choáng lộn được sắm bằng tiền dân. Những vầng trán và con mắt phóng viên dù có cố vươn lên thì cũng chỉ cao ngang... chỗ đặt mông của các vị ĐBQH. (ảnh đăng trên Tuổi trẻ.vn trong bài “Phóng viên phải ngồi dưới sàn tường thuật họp QH" - 22/10/2014).
Hình ảnh này rất điển hình cho hiện trạng và bản chất mối tương quan, vị trí giữa tầng lớp cầm quyền với báo chí và người dân trong một hệ thống độc tài, trong đó người dân là nô lệ và nhà cầm quyền muốn làm gì cũng được.
QH với lý do tồn tại là phải giám sát các cơ quan công quyền, luôn lắng nghe và bảo vệ quyền lợi công dân mà còn đối xử với báo chí như vậy thì dân còn bị khinh miệt đến mức nào?!

- Trong hơn 60.000m2 diện tích của tòa nhà QH mới xây nguy nga đồ sộ, cao tới 39m, trong hơn 80 phòng họp, trong đó phòng họp chính với sức chứa 600 người, trang bị hết sức đắt tiền (theo Vietnamnet, “Cận cảnh tòa nhà QH cực hiện đại – 21/10/2014), báo chí và người dân VN có mét vuông nào không? Qua theo dõi cho thấy, cứ đà này, họ sẽ ngày càng bị ghẻ lạnh và xua đuổi. Nếu như thế, Tòa nhà QH liệu rồi có giống những tòa công sở “chết”, trong đó “cao cao tại thượng” là những quan chức do dân mà lên ngôi to lộc lớn để rồi ngày càng xa dân, ngày càng vô cảm với nguyện vọng và nỗi đau của nhân dân?!
- Hình ảnh ấy đã ghi lại như một biểu tượng khắc họa sinh động về thực trạng tự do báo chí, nhân quyền ở VN cùng với mối tương quan giữa nhà cầm quyền và quyền được biết của công dân.
Đến đại biểu Trần Du Lịch cũng phải thốt lên bất bình: Ðại biểu Quốc hội ngồi họp trên ghế, còn phóng viên ngồi tác nghiệp dưới đất nhìn lên thì tôi thấy không ổn chút nào.
Thông qua báo chí phản ánh những ngày đầu tiên của kỳ họp này, tôi cũng được biết có gần 400 phóng viên đưa tin ở Quốc hội nhưng chỉ có 40 thẻ sự kiện để phát cho phóng viên vào hành lang hội trường giờ giải lao để tiếp cận đại biểu mỗi ngày...(theo Tuổi trẻ. vn, bài đã dẫn)
Cử tri bị đàn áp khi đến QH?
Trước những sự kiện mắt thấy tai nghe, người ta không thể không nghi ngờ dụng ý hạn chế, ngăn chặn báo chí và người dân theo dõi, kiến nghị và cung cấp thông tin cho QH.
Gần đây nhất, chỉ trước phiên khai mạc QH 5 ngày, vào 15/10/2014, dư luận trong và ngoài nước quá sốc bởi theo nhiều nhân chứng thì QH – cụ thể là một số người có chức trách ở UB dân nguyện đã đóng cửa không tiếp công dân, thậm chí còn bị nghi là cho người đàn áp để xua đuổi họ.
Những người bị đàn áp, xua đuổi ấy chỉ là một đoàn công dân rất ôn hòa, lịch sự, trên tay chỉ có bản kiến nghị yêu cầu bạch hóa thông tin về Hội nghị Thành Đô và một vuông giấy nhỏ ghi dòng chữ “Được biết là quyền của công dân”.
Nhưng những người có trách nhiệm tại Ban Dân nguyện của QH tại Hà Nội và Sài Gòn hôm ấy đều đóng cửa không tiếp.
Yêu cầu QH bạch hóa thông tin về Hội nghị Thành Đô – một văn bản ký kết giữa nhà cầm quyền VN và TQ từ tháng 9/1990 là một nguyện vọng hoàn toàn chính đáng, không ai có quyền bưng bít hoặc ngăn cản. Yêu cầu của những công dân này không những chính đáng, mà còn tạo cơ hội cho QH kiểm tra thông tin, tạo cơ hội cho nhà cầm quyền thanh minh, giải thích, dập tắt những lời đồn đoán về việc các vị lãnh đạo thời đó và bây giờ đang theo lộ trình “bán nước” VN cho TQ nếu họ thực sự “bị oan”. Văn bản đó không thuộc diện tài liệu mật, lại cách đây đã. 15 năm. Thế mà, theo nhiều nhân chứng trong cuộc cho biết, trong đó có người viết bài này, nhà cầm quyền đã cử những công an mặc thường phục canh giữ trước cửa nhà nhiều trí thức có chính kiến, ngăn cản việc họ đi đến UB Dân nguyện của QH. Còn các công dân đã đến được cửa VP QH thì tố cáo rằng họ đã bị rất nhiều công an đến ngăn cản, đàn áp, còn cả côn đồ mặc áo đỏ đến gây sự, mạt sát.
Việc đàn áp ấy diễn ra hàng giờ, ngay trước cổng QH, mà QH không can thiệp. Sự im lặng của những người có trách nhiệm đã khiến cho công luận phẫn nộ trước sự làm ngơ – tức cũng là tiếp tay – cho sự bưng bít thông tin, và đàn áp quyền tự do ngôn luận của người dân
Những tòa nguy nga và người đàn bà thắt cổ
Quan chức nơi nơi ngự trong trong những tòa nhà nguy nga công sở hoặc biệt thự riêng, dẫu đã đồ sộ rồi vẫn bỏ đi xây mới để có cớ tham nhũng. Họ dùng những tiện nghi choáng lộn, được xây dựng và mua sắm bằng vô số món tiền khổng lồ tha hồ lấy từ mồ hôi nước mắt của dân trong khi dân ngày càng nghèo khốn và tuyệt vọng. Quốc nạn tham nhũng vô độ không bị ngăn chặn nên ngày càng lớn và bất công, tệ nạn xã hội đẩy số người chết, người tự sát vì đói nghèo và tuyệt vọng ở VN tăng vọt chưa từng có. Và mạng người dân nhiều khi dường như chằng quý giá gì hơn mạng gia súc. Chẳng ai thèm nghiên cứu thống kê xem bao nhiêu người đã chết vì đói, vì không có tiền chữa bệnh hoặc bị từ chối chữa bệnh do không biết đút lót ; những người tự sát vì vỡ doanh nghiệp do cạnh tranh bất bình đẳng, donợ nần, mất việc làm, vô phương kiếm sống trước vô vàn áp lực từ bạo lực và bất công trong xã hội...
Có ai còn thèm nghe thèm biết không, tiền mua sự xa hoa của quan chức là do họ đã giật đoạt miếng cơm từ miệng người dân VN khốn khổ, thu nhập và mức sống đứng vào hàng đội sổ trên thế giới, thậm chí cả Lào và Campuchia cũng sắp vượt qua ?!
Dưới bóng ám của những tòa nguy nga, hãy dừng một phút xem thư tuyệt mệnh của người mẹ ba con tên là Mỹ Nhân, vừa thắt cổ chết ở tuổi 38 ở ấp 5, An Xuyên, Cà Mau:
“...Các con Bằng, Tâm, Ngân, các con đừng trách mẹ, mẹ khổ nhiều lắm. Mẹ chạy tiền cho các con ăn học, bây giờ nợ nhiều lắm. Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để mẹ vay tiền đóng học phí cho các con. Nhưng không ai cho gia đình mình nghèo hết. Mẹ chết đi để giảm gánh nặng cho cha con...để chính quyền thấy nhà mình thực sự khổ rồi cấp sổ hộ nghèo, vay tiền đóng học phí cho các con.
Xin các cấp chính quyền ấp 5 soi xét cho hoàn cảnh quá khổ, không lối thoát của chúng tôi mà xét cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi được sống những ngày tháng còn lại trên đời...” (Theo “Thắt lòng mẹ tự tử để lấy tiền phúng viếng cho con ăn học”. Baomoi, 7/8/2014.
Đau lòng thay, đã có và còn có vô số người mẹ như Mỹ Nhân ở VN. Họ phải chết không vì lười biếng, mà họ đã bị đám quan chức tham lam vô cảm cướp đoạt miếng ăn của họ bằng cách này hay cách khác, trong đó có tình trạng nếu họ không hối lộ hoặc không phải cánh hẩu thì dẫu sắp chết đói cũng không được vào diện hộ nghèo để được cứu trợ hoặc vay tiền sống cầm hơi, trong khi họ đã ở đáy của cái nghèo....
Thông tin báo chí đã nhiều lần vạch rõ tiền tái định cư, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ lũ lụt... ở rất nhiều nơi lại được cấp cho những hộ khá giả mà cán bộ địa phương không bị hề hấn gì vì được bao che.
Vâng, người dân VN chỉ là hạng gia súc đối với suy nghĩ và hành xử của rất nhiều quan chức VN. Dân là đối tượng để hành hạ, để bóp cổ lè ra tiền cung phụng cho đám tham nhũng không còn biết gì đến liêm sỉ.
Đám quan chức ấy còn coi dân như kẻ thù, nhất là khi người dân muốn làm người và khẳng định quyền minh bạch hóa thông tin.
Quốc hội với chức trách của mình đã cam kết với toàn dân, cần phải là lực lượng đầu tiên và cuối cùng trên mặt trận bảo vệ quyền công dân của người VN.
Nếu QH cũng làm ngơ, cũng kiếm cớ tiêu phí tiền dân, cũng sợ hãi, cũng xua đuổi, cũng bao che và ngầm đàn áp người dân, để mặc đám quan trộm cướp tha hồ tung tác, thì hóa ra QH cũng coi dân như kẻ thù?!
Trong kỳ họp này QH thảo luận về Luật tổ chức QH(sửa đổi). Nếu không có những thay đổi cơ bản, nhằm tách hệ thống lập pháp ra khỏi hệ thống hành pháp và tư pháp, cải cách thể chế xóa độc tài, thì không những ngày càng nhiều quan chức coi dân như kẻ thù, mà chính nhiều ĐBQH cũng sẽ coi dân như kẻ thù, chỉ vì dân đòi quyền được biết, yêu cầu sự minh bạch và công bằng như Hiến pháp đã quy định.
(Võ Thị Hảo, Hà Nội 23/10/2014)

Lưu trữ

Tự điển



Tự điển Việt Nam
đã được bổ sung những ý nghĩa "chính thức"